Mỹ báo động an ninh toàn cầu
- Cập nhật: Thứ sáu, 14/9/2012 | 8:38:31 AM
Tổng thống Barack Obama ngày 13-9 đã ra lệnh tăng cường an ninh ở tất cả các điểm ngoại giao của Mỹ trên khắp thế giới sau khi Lãnh sự quán Mỹ ở Benghazi (Libya) bị tấn công và biểu tình tiếp diễn ở Cairo, Ai Cập.
An ninh vũ trang bên ngoài đại sứ quán Mỹ ở Manila, Philippines ngày 13-9.
|
Cùng ngày, đại sứ quán Mỹ ở Sanaa, Yemen cũng đã bị tấn công. Bất chấp lực lượng an ninh Mỹ bắn chỉ thiên cảnh cáo, hàng ngàn người biểu tình đã vượt rào chắn tiếp cận cổng chính đại sứ quán, đốt xe và ném gạch đá về phía sứ quán. Chỉ đến khi lực lượng an ninh xịt vòi rồng, trật tự mới được vãn hồi. Biểu tình cũng lan rộng trên khắp Trung Đông và khu vực Bắc Phi. Tổng thống Nga Vladimir Putin quan ngại khu vực Trung Đông đang có nguy cơ rơi vào “hỗn loạn” trong bối cảnh hiện nay. “Chúng tôi quan ngại khu vực này có thể sẽ rơi vào hỗn loạn với những gì đang xảy ra ở đây”- đài truyền hình quốc gia Nga dẫn lời Tổng thống Putin nói.
An ninh thắt chặt khắp châu Á
Theo AFP, từ Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã mô tả cái chết của đại sứ Chris Steven là một bi kịch lớn. “Nước Mỹ lên án vụ tấn công bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất. Thật bi kịch khi đại sứ Chris Steven đã hi sinh ngay tại Benghazi, thành phố mà ông đã có công lớn để cứu sống nó. Công lý sẽ được thực thi, chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với Chính phủ lâm thời Libya để đưa những kẻ giết người này ra công lý” - ông Obama khẳng định.
Reuters dẫn nguồn tin giấu tên từ Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết Washington đã điều một đội chống khủng bố gồm 50 lính thuộc thủy quân lục chiến và hai tàu chiến đến Libya để tăng cường an ninh cho Đại sứ quán Mỹ ở Tripoli. “Hai tàu khu trục đã lên đường đến Libya nhưng đó chỉ là một biện pháp đề phòng” - một quan chức nhấn mạnh.
Chính phủ các nước châu Á cũng tăng cường an ninh quanh các đại sứ quán Mỹ, nhất là ở các nước có đông người Hồi giáo. Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai đã tạm hoãn chuyến công du Na Uy do lo ngại sẽ tái diễn vụ bạo động đốt kinh Koran hồi đầu năm 2012 làm 40 người thiệt mạng.
Báo Jakarta Post đưa tin Indonesia, đất nước có gần 240 triệu dân Hồi giáo, đã yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ Internet chặn tất cả những truy cập theo dõi bộ phim bị xem là xúc phạm Hồi giáo nhằm tránh bạo động. Ấn Độ, Pakistan, Philippines, Bangladesh cũng đã ban hành lệnh báo động cho các lực lượng an ninh được điều động đến canh giữ an ninh bên ngoài các tòa nhà ngoại giao của Mỹ ở nước mình. Đại sứ quán Mỹ tại Malaysia yêu cầu công dân Mỹ không đến những nơi đông người cũng như các khu vực bất ổn trong ngày cầu nguyện thứ sáu (14-9).
Ảnh hưởng đến bầu cử
Vụ tấn công ở Libya đã gây ảnh hưởng lớn đến cuộc tranh cử tổng thống đang diễn ra ở Mỹ. Đặc biệt, uy tín của ứng cử viên đảng Cộng hòa Mitt Romney đã bị sụt giảm nghiêm trọng khi tuyên bố: “Phản ứng đầu tiên của chính quyền Obama là xin lỗi bọn giết người”. Ông Romney nói vậy để phản ứng việc Đại sứ quán Mỹ tại Ai Cập lên án bộ phim xúc phạm đạo Hồi. Tuy nhiên, ông đã nhầm lẫn bởi Đại sứ quán Mỹ tại Ai Cập đưa ra tuyên bố này trước khi các vụ tấn công nổ ra và ông Obama cũng không đưa ra bất kỳ lời xin lỗi nào.
Truyền thông Mỹ, đảng Dân chủ và thậm chí cả một số nhân vật thuộc đảng Cộng hòa cũng lập tức chỉ trích ông Romney là lợi dụng một bi kịch quốc gia hòng ghi điểm chính trị. Xã luận báo Washington Post chỉ trích tuyên bố của ông Romney là hành vi làm mất uy tín của chính ông và chiến dịch tranh cử mà ông đang thực hiện. Lẽ ra điều đầu tiên ông Romney cần làm là chia buồn với các nạn nhân vụ tấn công.
Trả lời phỏng vấn đài truyền hình CBS, Tổng thống Obama chỉ trích ông Romney là “có xu hướng bắn trước rồi mới ngắm sau”. “Một trong những điều tôi học được khi làm tổng thống là bạn không thể làm như vậy - ông Obama nhấn mạnh - Điều quan trọng là các phát biểu của bạn phải dựa trên sự thật”.
Nhiều nhà quan sát cho rằng sai lầm này có thể khiến cơ hội vào Nhà Trắng của ông Romney giảm đi đáng kể.
Việt Nam lên án vụ tấn công Lãnh sự quán Hoa Kỳ ở Libya Ngày 13-9, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam về vụ tấn công vào Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Benghazi, Libya ngày 11-9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị nêu rõ Việt Nam lên án mạnh mẽ vụ tấn công đã làm đại sứ Hoa Kỳ và một số viên chức ngoại giao Hoa Kỳ thiệt mạng. “Chúng tôi xin gửi tới gia đình các nạn nhân lời chia buồn sâu sắc. Chúng tôi đề nghị chính quyền Libya thực thi các biện pháp cần thiết nhằm bảo đảm an toàn cho các nhân viên và cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Libya” - người phát ngôn nói. |
(Theo TTO)
Các tin khác
Nhật Bản sẽ ngưng khai thác năng lượng hạt nhân vào năm 2030, căn cứ theo lộ trình của chính sách mà chính phủ nước này đưa ra sau thảm họa hạt nhân Fukushima, theo tin tức tờ Mainichi Shimbun (Nhật) đăng tải ngày 12.9.
Philippines đã chính thức lấy tên “Biển Tây Philippines” để đặt cho các vùng lãnh hải trên Biển Đông, động thái có nguy cơ “đổ thêm dầu vào lửa” trong mối quan hệ vốn đang căng thẳng với Trung Quốc.
Tính đến cuối ngày 12-9, số người chết trong biển lửa ở hai nhà máy đêm 11-9 của Pakistan đã tăng lên hơn 300 người. Đây là thảm họa công nghiệp tồi tệ nhất kể từ khi Pakistan giành độc lập năm 1947.
Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng ASEAN lần thứ 30 (AMEM 30) đã khai mạc sáng 12/9 tại thủ đô Phnom Penh – Vương quốc Campuchia.