Syria: Nội chiến ngày càng lan rộng
- Cập nhật: Thứ ba, 18/9/2012 | 8:04:27 AM
Cuộc khủng hoảng tại Syria tiếp tục lún sâu vào bế tắc. Mặc dù các lực lượng quân đội Chính phủ Syria giành lại hoàn toàn quận Midan, giải phóng thành phố Aleppo ở miền Bắc từ tay các phần tử vũ trang ngày 16-9, nhưng những thắng lợi đó chưa thể dẫn đến một kết quả mang tính quyết định.
Thành phố Aleppo đã thành đống đổ nát khi xung đột leo thang, lan rộng.
|
Làn sóng bạo lực vẫn không ngừng diễn ra trên khắp lãnh thổ quốc gia Trung Đông này. Ngày 15-9, tại các vùng ngoại ô Al-Joura, Asali và Al-Qadam của thủ đô Damascus, quân chính phủ đã truy bắt các nhóm vũ trang, tiêu diệt hơn 100 tay súng. Tại tỉnh Homs ở miền Trung, các chiến dịch quân sự tương tự đang được thực hiện và quân chính phủ đã tiêu diệt nhiều tay súng nổi dậy. Còn tại tỉnh Daraa, miền Nam, 8 dân thường thiệt mạng và 25 người bị thương trong một vụ nổ được điều khiển từ xa trên đường phố. Ở tỉnh Idlib, phía Tây bắc, một cuộc không kích đã làm 5 trẻ em và một phụ nữ thiệt mạng... Theo số liệu của Liên hợp quốc, đến nay đã có 20.000 người thiệt mạng trong 18 tháng xung đột ở Syria.
Cuộc tìm kiếm hòa bình ở Syria vẫn hết sức nan giải. Chuyến thăm đầu tiên (từ ngày 13 tới 15-9) của Đặc phái viên chung của Liên hợp quốc và Liên đoàn Arab (AL) về Syria, ông Lakhdar Brahimi đã làm dấy lên hy vọng. Nhà ngoại giao người Algeria này - thay thế vai trò hòa giải đã thất bại của cựu Tổng Thư ký Liên hợp quốc Kofi Annan từ ngày 1-9 - đã hội đàm với các quan chức chính phủ và một số nhân vật đối lập Syria; đồng thời tiếp xúc với các quốc gia có lợi ích và ảnh hưởng với Syria nhằm tham khảo giải pháp chấm dứt cuộc khủng hoảng.
Tuy nhiên, bất đồng nội bộ ở Syria đang khiến mọi nỗ lực hòa bình có thể bị tiêu tan. Mặc dù, chính quyền Damascus khẳng định sẽ hoàn toàn hợp tác và nhấn mạnh bất kỳ sáng kiến hòa giải nào cũng phải dựa trên “lợi ích của nhân dân Syria và quyền tự do lựa chọn không có sự can thiệp từ bên ngoài”, nhưng phe nổi dậy đã “dội gáo nước lạnh” vào nỗ lực đó khi một chỉ huy của quân nổi dậy tự xưng là Quân đội Syria tự do (FSA) tuyên bố, sứ mệnh của Đặc phái viên quốc tế về Syria L.Brahimi chắc chắn sẽ thất bại như phái viên tiền nhiệm. Câu hỏi được đặt ra là cơ sở nào để các phần tử chống đối ở Syria lại có tuyên bố mạnh mẽ đến vậy. Rõ ràng, lực lượng này đã và đang nhận được sự ủng hộ đáng kể từ bên ngoài.
Ngày 9-9, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Syria Jihad Makdessi đã chỉ trích Pháp hỗ trợ quân nổi dậy Syria và cho rằng như vậy là phá hoại sứ mệnh của tân Đặc phái viên L.Brahimi. Trước đó, giới chức Paris thừa nhận đã cung cấp thiết bị liên lạc và phi sát thương cho quân nổi dậy Syria, song khẳng định sẽ không cung cấp vũ khí nếu không có sự chấp thuận của quốc tế. Còn các Ngoại trưởng Liên minh Châu Âu (EU) cũng vừa kết thúc cuộc họp không chính thức trong hai ngày 7 và 8-9 tại đảo Síp, cách bờ biển Syria khoảng 100km, để thảo luận cách thức hỗ trợ phe đối lập tại Syria.
Trước những diễn biến như vậy, ngày 10-9, Thứ trưởng Ngoại giao Nga - đặc phái viên của Nga về các vấn đề Trung Đông - Mikhail Bogdanov, một lần nữa nhắc lại quan điểm của Mátxcơva phản đối mạnh mẽ bất cứ sự can thiệp nào từ bên ngoài vào Syria, đồng thời yêu cầu phương Tây và các nước Arab gây sức ép buộc lực lượng chống đối ngừng bạo lực. Song song đó, Mátxcơva đề xuất tổ chức một hội nghị quy tụ “tất cả các bên” trong cuộc xung đột hiện nay gồm các nhóm đối lập, dân thường và chính quyền. Nhưng xem ra, mong muốn của Nga khó thực hiện do khoảng cách bất đồng giữa Mátxcơva và Washington về cuộc khủng hoảng ở Syria vẫn còn rất lớn.
Trong khi đó, sức ép từ bên ngoài với chế độ của Tổng thống Syria Al-Assad vẫn liên tục gia tăng. Ngày 13-9, phát biểu tại Brussels (Bỉ), Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi nhắc lại quan điểm rằng, ông Al-Assad cần phải từ chức. Còn Ngoại trưởng Anh William Hague trong chuyến thăm Iraq đã đánh giá chế độ hiện nay ở Syria là đang “suy sụp”...
Trong bối cảnh như vậy, quan ngại của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon về viễn cảnh nhân đạo tại Syria sẽ ngày càng tồi tệ không phải là không có cơ sở khi cuộc nội chiến tại quốc gia Trung Đông đang lan rộng và chưa thấy điểm dừng.
(Theo HNMO)
Các tin khác
Nhật Bản không thể ngồi yên nếu tàu cá của Trung Quốc đến gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Đây là một sự xâm phạm có thể đưa cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước lên một mức độ căng thẳng mới, một trợ lý của Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda hôm 17/9 cảnh báo.
Ngày 16/9, hàng loạt tàu chiến đến từ các nước trên thế giới đã tập hợp tại Vùng Vịnh để tham gia cuộc tập trận hải quân quốc tế quy mô lớn do Mỹ dẫn đầu trong 12 ngày.
Nhật Bản tuyên bố đẩy mạnh tuần tra biên giới biển giữa lúc căng thẳng với Trung Quốc vẫn chưa hạ nhiệt.
Một chỉ huy lực lượng FSA ngày 16/9 tuyên bố sứ mệnh của Đặc phái viên quốc tế về Syria Lakhdar Brahimi chắc chắn sẽ thất bại.