Ai Cập dùng mọi biện pháp để giải tán biểu tình

  • Cập nhật: Thứ năm, 1/8/2013 | 2:01:08 PM

Ngày 31/7, Chính phủ lâm thời Ai Cập đã quyết định dùng "mọi biện pháp cần thiết" để giải tán các cuộc biểu tình ngồi kéo dài một tháng qua của những người ủng hộ Tổng thống bị phế truất Mohamed Morsi.

Biểu tình ở Ai Cập.
Biểu tình ở Ai Cập.

Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Thông tin Ai Cập Dorreya Sharaf El-Din cho biết nội các đã chỉ thị cho Bộ Nội vụ "chống lại các hành vi khủng bố và phong tỏa đường sá", đồng thời cho rằng các cuộc biểu tình ngồi hiện nay của phe Hồi giáo tại Quảng trường Rabaa al-Adawiya thuộc quận Nasr City ở Đông Bắc Cairo và trước cổng trường Đại học Cairo tại tỉnh Giza là điều "không thể chấp nhận được" và là "mối đe dọa đối với an ninh quốc gia."

Bà El-Din cũng nhấn mạnh rằng lực lượng cảnh sát nước này sẽ giải tán các cuộc biểu tình "phù hợp với luật pháp và hiến pháp," đồng thời khẳng định hành động này sẽ được thực hiện theo "sứ mệnh được nhân dân giao phó" qua cuộc biểu tình rầm rộ hôm 26/7 vừa qua, với mục đích bảo vệ an ninh quốc gia, lợi ích của đất nước, hòa bình và sự an toàn của người dân.

Hãng thông tấn chính thức MENA của Ai Cập dẫn một nguồn tin an ninh cấp cao cho biết Bộ Nội vụ nước này đang nghiên cứu các biện pháp thích hợp nhằm đối phó với những người biểu tình Hồi giáo và xem xét các thông tin liên quan đến số vũ khí đang được tàng trữ tại các địa điểm biểu tình cũng như "các yếu tố nước ngoài."

Nguồn tin này khẳng định cảnh sát sẽ hành động với các cấp độ tăng dần, bắt đầu với việc đưa ra cảnh báo, tiếp đó là sử dụng hơi cay để giải tán đám đông và các biện pháp tự vệ. Trước đó, hôm 27/7, Bộ trưởng Nội vụ Ai Cập Mohamed Ibrahim cho biết cảnh sát và quân đội đã thảo luận về "một ngày thích hợp" để giải tán hai cuộc biểu tình ngồi ủng hộ ông Morsi.

Ngay lập tức, tổ chức Anh em Hồi giáo (MB) lên tiếng cho rằng quyết định trên của nội các là "hành động khủng bố." Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình, phát ngôn viên của MB Ahmed Aref khẳng định những người trung thành với Tổng thống bị lật đổ Mohamed Morsi "sẽ tiếp tục các cuộc biểu tình và không lời đe dọa nào có thể khiến họ nao núng," đồng thời chỉ trích "tiêu chuẩn kép" của các phương tiện truyền thông Ai Cập khi đưa tin về các cuộc biểu dương lực lượng của phe Hồi giáo.

Cùng lúc đó, Liên minh quốc gia ủng hộ tính hợp pháp (NASL) - một tổ chức mới được thành lập do MB đứng đầu và quy tụ nhiều chính đảng và phong trào Hồi giáo - đã kêu gọi tổ chức một cuộc biểu tình "triệu người" trong ngày 1/8 và tiếp tục các cuộc biểu tình hòa bình cho tới khi ông Morsi được phục chức. Trong một tuyên bố, NASL khẳng định sẽ "không im lặng về các hành vi côn đồ", đồng thời kêu gọi quân đội và cảnh sát không bắn vào những người "anh em Ai Cập."

Tổ chức Hồi giáo Al-Jama'a Al-Islamiya có quan điểm cứng rắn - lực lượng đồng minh thân cận của MB - đã ra tuyên bố bác bỏ việc xem các cuộc biểu tình của những người ủng hộ ông Morsi là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia. Trong một tuyên bố, tổ chức này cảnh báo: "Âm mưu áp đặt cuộc đảo chính quân sự đẫm máu lên người dân sẽ gây ra hỗn loạn. Người cầm đầu cuộc đảo chính, tổng thống bù nhìn và bộ trưởng nội vụ sẽ phải chịu trách nhiệm về tình trạng này", đồng thời kêu gọi các binh sỹ và cảnh sát "có phẩm giá" không tham gia giải tán các cuộc biểu tình.

Trong một tuyên bố với những lời lẽ hết sức thận trọng, ông Younes Makhyoun, thủ lĩnh của đảng Hồi giáo Salafist Nour - lực lượng từng là đồng minh của MB - yêu cầu tất cả các biện pháp nhằm vào những người biểu tình ủng hộ ông Morsi phải được "tiến hành trong khuôn khổ của pháp luật", tránh vi phạm nhân quyền và các quyền tự do. Trong khi đó, phong trào thanh niên "Mùng Sáu tháng Tư" ra tuyên bố bác bỏ quyết định nói trên của nội các và cho rằng giải pháp an ninh đồng nghĩa với việc "công nhận thất bại và không đoái hoài đến nguy cơ xảy ra đổ máu."

Cũng trong ngày 31/7, Văn phòng Tổng công tố Ai Cập đã chuyển Lãnh tụ tinh thần tối cao của MB Mohammed Badie, cùng hai thủ lĩnh cấp cao khác của MB sang tòa án hình sự để xét xử các cáo buộc kích động bạo lực chống lại những người biểu tình hòa bình. Cơ quan công tố cũng ra lệnh bắt giữ hai nhà lãnh đạo cấp cao khác của MB cùng một giáo sĩ Hồi giáo, đồng thời kéo dài lệnh tạm giam Chủ tịch Đảng Tự do và Công lý - nhánh chính trị của MB - thêm 15 ngày với các cáo buộc kích động sát hại người biểu tình.

Trong khi đó, thẩm phán Ali Awad Saleh, Cố vấn hiến pháp của Tổng thống lâm thời Atly Mansour và là Chủ tịch Ủy ban sửa đổi hiến pháp, cho biết ủy ban này đang xem xét các đề xuất của các cơ quan, tổ chức và cá nhân. Dự kiến, tất cả các điều khoản của Hiến pháp được phe Hồi giáo soạn thảo và thông qua trong cuộc trưng cầu ý dân vào tháng 12 năm ngoái sẽ được sửa đổi.

Trong một diễn biến khác, Tòa án tiểu hình quận Dokki thuộc thủ đô Cairo ngày 31/7 đã giữ nguyên án tù một năm và tiếp tục yêu cầu "cách chức" đối với cựu Thủ tướng Hesham Qandil do không thực hiện một phán quyết của Tòa án Hành chính Ai Cập.

Trước đó, vào tháng 4/2013, một tòa án đã tuyên phạt ông Qandil - lúc đó còn giữ chức Thủ tướng - một năm tù giam, đồng thời ra lệnh cách chức ông này và buộc nộp phạt 2.000 bảng Ai Cập (hơn 290 USD). Ngoài ra, tòa án cũng buộc chính phủ phải rút lại hợp đồng bán Công ty sợi lanh và dầu khí Tanta cho một doanh nhân người Arab Saudi, phục hồi quyền sở hữu của nhà nước đối với công ty này cũng như việc làm của các cựu công nhân.

Cùng ngày, Tòa Phá án Ai Cập đã ra lệnh xét xử lại 73 nghi phạm liên quan đến thảm họa sân cỏ xảy ra hồi đầu tháng 2/2012 trong trận đấu giữa hai câu lạc bộ Ahly của Cairo và Masry của tỉnh Port Said, khiến 74 cổ động viên thiệt mạng. Dự kiến, phiên tòa này sẽ được mở vào ngày 5/12 tới.

Trước đó, Tòa án Hình sự Port Said đã tuyên án tử hình đối với 21 nghi phạm và tù chung thân đối với 5 người khác, đồng thời tuyên bố trắng án đối với 28 người khác và các án tù từ 5-15 năm đối với các nghi phạm còn lại. Bản án này đã gây ra các cuộc bạo loạn tại tỉnh Port Said và hai tỉnh lân cận, buộc chính phủ phải áp đặt lệnh giới nghiêm tại các địa phương này trong vòng một tháng.

(Theo TTXVN)

Các tin khác
Ảnh của Tổng thống Mỹ Joe Biden và cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trên màn hình trong cuộc vận động tranh cử cho ông Trump ở Green Bay, Wisconsin hôm 2/4.

Trong số hơn 70 cuộc bầu cử sẽ diễn ra trong năm "siêu bầu cử" 2024, cuộc bầu cử tổng thống tại Mỹ được dự đoán là sự kiện lớn nhất, thu hút sự quan tâm chú ý nhất của thế giới, không chỉ vì đây là cuộc bầu cử có thể làm thay đổi lãnh đạo tại một siêu cường đứng đầu thế giới, mà còn bởi kết quả của nó sẽ có thể ảnh hưởng tới cục diện chính trị, kinh tế toàn cầu.

Quân đội Nigeria ăn mừng sau khi đánh bại Boko Haram tại một khu vực ở Đông Bắc Nigeria năm 2015.

Các chỉ huy Lực lượng dân quân Nigeria (CJTF) hôm qua (28/4) xác nhận, ít nhất 23 thành viên của lực lượng này đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công khủng bố hôm 27/4 tại miền Bắc nước này.

Người dân nhận hàng viện trợ nhân đạo tại Dải Gaza ngày 23/4/2024.

Israel cho biết đã mở cửa các hành lang vận chuyển mới từ cảng biển và biên giới trên đất liền để tăng cường đưa hàng hóa viện trợ gồm thực phẩm, nước uống, vật tư y tế, thiết bị trú ẩn vào Gaza.

Dải Gaza bị tàn phá nặng nề do xung đột giữa Israel và Hamas

Trong một động thái khá bất ngờ, truyền thông Israel đêm qua dẫn lời một quan chức nước này tuyên bố rằng Tel Aviv sẵn sàng chấm dứt cuộc xung đột kéo dài gần 7 tháng qua ở dải Gaza với lực lượng Hamas. Trước đó, một số nguồn tin khu vực nhận định các cuộc thương lượng tiến tới thỏa thuận ngừng bắn và trao đổi con tin giữa Israel và Hamas, đã đạt thêm những tiến bộ đáng kể.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục