Tạo đột phá trong sản xuất nông nghiệp
- Cập nhật: Thứ hai, 30/9/2013 | 12:47:10 PM
YBĐT - Thực hiện mục tiêu phát triển toàn diện nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân và xây dựng nông thôn mới, những năm qua, Đảng bộ huyện Văn Chấn đã triển khai nhiều giải pháp để nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích.
Đồng chí Trần Văn Mộc (thứ 3, trái sang) - Bí thư Huyện ủy Văn Chấn kiểm tra vùng chè mới cải tạo.
|
Thế mạnh sản xuất nông - lâm nghiệp
Điều kiện tự nhiên, đất đai, khí hậu đã chia Văn Chấn thành ba tiểu vùng khí hậu khá biệt lập. Tương ứng với mỗi tiểu vùng khí hậu có các sản phẩm nông, lâm sản đặc trưng: vùng cao có chè Shan tuyết, quế; vùng ngoài là cây ăn quả có múi, rừng; vùng trung tâm huyện có lúa, chè và các vùng chuyên canh rau màu tập trung. Hàng năm, sản lượng lương thực có hạt của huyện đạt trên 60.000 tấn, sản lượng chè búp tươi đạt trên 40.000 tấn, sản lượng quả tươi đạt trên 11.000 tấn cùng hàng ngàn mét khối gỗ thành phẩm. Sản xuất nông, lâm nghiệp đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho trên 90% dân số và thúc đẩy công nghiệp chế biến phát triển.
Cùng với sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước và đứng trước yêu cầu của thị trường, những năm qua, nhân dân Văn Chấn đã hướng đến sản xuất các sản phẩm nông sản hàng hóa. Ngoài các sản phẩm nông sản đặc sản như gạo nếp tan Tú Lệ, chè Shan tuyết Suối Giàng, cây ăn quả có múi vùng ngoài, những năm gần đây, nông dân huyện đã xây dựng được các mô hình cánh đồng mẫu lớn với các vùng chuyên canh sản xuất lúa thuần, lúa lai chất lượng cao, các vùng chè sạch và vùng cam có uy tín.
Các sản phẩm lúa gạo Chiêm Hương, Séng Cù, chè Shan tuyết hay các sản phẩm cam V2, cam Đường canh đã khẳng định chất lượng trên thị trường và mang lại giá trị lợi nhuận vượt trội so với việc sản xuất các sản phẩm nông sản thông thường.
Những thách thức
Việc áp dụng khoa học kỹ thuật và sản xuất các mô hình chuyên canh nông, lâm sản tập trung đã phát huy hiệu quả, làm thay đổi tư duy sản xuất, giảm bớt sức lao động, nâng cao thu nhập cho người nông dân. Tuy nhiên, các mô hình chuyên canh sản xuất nông, lâm sản hàng hóa vẫn nhỏ lẻ; sản xuất nông, lâm nghiệp ở Văn Chấn phụ thuộc rất lớn vào thị trường tiêu thụ và điều kiện tự nhiên.
Nguyên nhân do tư duy sản xuất của một bộ phận nông dân hạn chế; điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, địa hình cản trở quá trình áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Bên cạnh đó, mối liên kết giữa Nhà nước - nhà khoa học - doanh nghiệp - nông dân chưa thực sự chặt chẽ nên khi sản xuất các nông sản hàng hóa ở quy mô nhỏ cho giá trị cao, khi sản xuất đại trà giá thành lại giảm. Hàng năm, nông dân Văn Chấn sử dụng khoảng 350 tấn giống các loại, trong đó chỉ có khoảng 50 - 70 tấn giống được sản xuất tại chỗ.
Cơ cấu giống rất đa dạng nên việc lựa chọn cơ cấu giống, bộ giống dù đã được định hướng, chỉ đạo song nhân dân vẫn lựa chọn theo kinh nghiệm và tự phát. Điều này dẫn đến có những giống được nhân dân ưa chuộng, được giá nhưng thiếu giống trên thị trường. Thời vụ sản xuất ở mỗi khu vực lại khác nhau, việc cung ứng giống có lúc, có nơi không kịp thời.
Vấn đề nguồn giống có thể thấy rõ qua công tác cải tạo chè, điển hình là thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ. Với diện tích chè trung du trên 400ha, giai đoạn đầu thực hiện chương trình cải tạo chè, người dân vẫn nhận giống hỗ trợ được vận chuyển từ Phú Thọ, Yên Bái vào.
Ảnh hưởng của quá trình vận chuyển lại gặp lúc thời tiết xấu nên có diện tích chè cải tạo tỷ lệ cây sống thấp. Rút kinh nghiệm từ thực tế sản xuất, người dân đã đề nghị được sản xuất giống chè tại địa phương và đẩy thời vụ làm bầu chè sớm hơn. Giống sản xuất tại chỗ, cây trồng đã thích nghi với khí hậu, ít bị ảnh hưởng bởi quá trình vận chuyển nên sinh trưởng, phát triển rất nhanh.
Tạo bước đột phá
Trước yêu cầu sản xuất nông, lâm nghiệp trong tình hình mới và thực hiện mục tiêu phát triển toàn diện nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân gắn với xây dựng nông thôn mới, Văn Chấn đã và đang phối hợp với Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam xúc tiến xây dựng Trung tâm Chuyển giao Khoa học kỹ thuật. Đây sẽ là một bước đột phá trong sản xuất nông, lâm nghiệp ở Văn Chấn nói riêng và tỉnh Yên Bái nói chung.
Với điều kiện đất đai, khí hậu tương ứng với các huyện, thị phía tây của tỉnh, Văn Chấn còn là trọng điểm sản xuất nông - lâm nghiệp. Xây dựng Trung tâm Chuyển giao Khoa học kỹ thuật không chỉ giúp đẩy nhanh tốc độ phát triển nông, lâm nghiệp của khu vực mà còn là điều kiện thuận lợi để nông dân trong khu vực tiếp cận nhanh chóng các tiến bộ khoa học kỹ thuật phù hợp với từng tiểu vùng khí hậu.
Mặt khác, sản xuất giống sẽ giúp nông dân có phương thức canh tác mới tiên tiến hiệu quả hơn, chủ động lựa chọn các bộ giống để sản xuất, đáp ứng yêu cầu về chất lượng, giá thành và điều kiện về thời vụ. Đồng chí Trần Văn Mộc - Bí thư Huyện ủy Văn Chấn khẳng định: "Chủ trương sản xuất nông sản hàng hóa, huyện Văn Chấn đã phối hợp, liên kết với các viện khoa học, các trường đại học, các nhà khoa học nghiên cứu, khảo nghiệm các bộ giống tốt, các mô hình sản xuất tiên tiến và bồi dưỡng kiến thức khoa học kỹ thuật cho cán bộ và đông đảo nhân dân. Xây dựng Trung tâm Chuyển giao khoa học kỹ thuật sẽ giúp nhân dân Văn Chấn và các huyện, thị phía tây tiếp cận nhiều phương pháp canh tác mới, mô hình sản xuất tiên tiến để nâng cao hiệu quả sản xuất, hướng tới mục tiêu sản xuất nông sản hàng hóa".
Mỗi sản phẩm nông sản được quyết định bởi các yếu tố, giống, quá trình chăm sóc, thu hoạch và khâu tiêu thụ. Một bộ giống tốt, được chăm sóc, thu hoạch, bảo quản theo đúng quy trình sản xuất sẽ tạo ra sản phẩm chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Đây là điều kiện tiên quyết để xây dựng những sản phẩm nông sản hàng hóa của nông dân Văn Chấn và các địa phương khác trong tương lai. Đó cũng chính là nền tảng để thực hiện thành công mục tiêu xây dựng nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa của Đảng bộ huyện Văn Chấn.
Trần Van
Các tin khác
YBĐT - Ngày 20/9, Đảng ủy Khối doanh nghiệp tỉnh Yên Bái tổ chức bế mạc lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng khóa 6, nhiệm kỳ 2011-2015. Tham gia lớp học có 56 học viên thuộc 14 chi, đảng bộ cơ sở trực thuộc Đảng ủy Khối doanh nghiệp tỉnh.
YBĐT - Đảng bộ xã Báo Đáp (Trấn Yên) có 23 chi cơ sở, thì 17 trong số đó là chi bộ nông thôn, vì vậy có những khó khăn khi triển khai các chỉ thị, nghị quyết của Đảng.
YBĐT - Sau hơn một năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Đảng bộ xã Mông Sơn, huyện Yên Bình (Yên Bái) đã đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ, tạo tiền đề và quyết tâm khắc phục những hạn chế, yếu kém.
YBĐT - Dế Xu Phình là một trong những xã điển hình trong phong trào học tập nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ của huyện. Điều đó được minh chứng thuyết phục khi hiện tại, địa phương có gần 20 cán bộ cả chuyên trách và không chuyên trách đang theo học các lớp tại chức đại học, lý luận chính trị ở tỉnh và huyện.