Đảng bộ thị trấn Cổ Phúc: Thành công nhờ hướng đi đúng
- Cập nhật: Thứ ba, 21/4/2015 | 3:07:23 PM
YênBái - YBĐT - Những năm qua, Đảng bộ thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên (Yên Bái) đã tích cực đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, toàn diện, bám sát tình hình thực tiễn địa phương. Đảng ủy đã ban hành các nghị quyết chuyên đề, chương trình, kế hoạch để triển khai thực hiện các nhiệm vụ và đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, nhất là lĩnh vực kinh tế.
Lãnh đạo thị trấn Cổ Phúc nắm tình hình sản xuất kinh doanh của nhân dân trên địa bàn.
|
Đồng chí Nguyễn Huy Trình - Phó bí thư Thường trực Đảng ủy thị trấn cho biết: “Trước đây, thị trấn là xã nông nghiệp thuần túy, năm 1990 được phát triển thành thị trấn. Tuy nhiên, do Cổ Phúc là thị trấn trung tâm huyện nên tập trung đông dân cư khiến cho đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp chỉ còn 91 ha/2 vụ/năm. Vì vậy, thị trấn đã xác định phải chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - thương mại - dịch vụ (CN - TTCN - TMDV). Trong nhiệm kỳ qua, Đảng ủy thị trấn ban hành hai nghị quyết chuyên đề Phát triển kinh tế, nổi bật là chuyên đề Phát triển CN - TTCN - TMDV đã đem lại hiệu quả cao và vượt 114% so với nghị quyết”.
Để có được kết quả đó, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2010 -2015, Đảng bộ đã họp, thảo luận và ra các nghị quyết chuyên đề để lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị. Trong đó, thực hiện tốt sản xuất nông nghiệp, khuyến khích các hoạt động đẩy mạnh sản xuất như: hỗ trợ cây, con, giống mới, phòng chống dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi nhằm đem lại giá trị, hiệu quả kinh tế cao hơn trên một đơn vị diện tích canh tác. Hơn thế, với những thế mạnh, tiềm năng sẵn có của địa phương như: nguyên liệu gỗ rừng trồng, nguồn nhân lực, mặt bằng sản xuất… Đảng ủy thị trấn chỉ đạo đẩy mạnh phát triển CN - TTCN - TMDV tập trung các ngành nghề: chế biến nông, lâm sản, khai thác và sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí, sản xuất đồ mộc…
Theo ông Phùng Văn Bình - Phó chủ tịch UBND thị trấn: giai đoạn 2010 - 2015, khi Nghị quyết chuyên đề về Phát triển CN - TTCN được ban hành, UBND thị trấn đã xây dựng đề án về lĩnh vực này với mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể cho từng năm để thực hiện. Theo đó, phát huy thế mạnh địa phương về gỗ rừng trồng để phát triển ngành nghề chế biến lâm sản với nhiều cơ sở chế biến được đầu tư lớn.
Nguồn nhân lực trẻ dồi dào, mặt bằng sản xuất, điều kiện tài chính đều thuận lợi cũng đã hỗ trợ đắc lực cho phát triển CN - TTCN. Thương mại, dịch vụ được quan tâm và phát triển rộng khắp, đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của nhân dân thị trấn và vùng lân cận. Bên cạnh đó, Chăn nuôi được chỉ đạo phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Trên địa bàn hiện có 13 cơ sở nuôi lợn, gà với quy mô vài trăm con/lứa.
Đến gia đình ông Lê Quang Tuấn ở khu 8 có cơ sở chế biến gỗ rừng trồng, sản xuất đồ mộc gia dụng được ông chia sẻ: “Tôi từ dưới xuôi lên đây lập nghiệp, làm nghề chế biến gỗ, sản xuất đồ mộc từ năm 2003. Đây là nghề truyền thống của gia đình và được thị trấn vận động, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi trong vay vốn nên tôi mạnh dạn đầu tư máy móc khoảng 60 triệu đồng. Đến nay, sản xuất đã mang lại hiệu quả và cơ sở có giá trị tài sản hàng tỷ đồng. Không những thế, cơ sở còn tạo việc làm ổn định cho 5 lao động thường xuyên với mức lương trung bình 3,5 - 4 triệu đồng/tháng”.
Có thể khẳng định rằng, việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển CN - TTCN - TMDV là chủ trương, hướng đi đúng của Đảng bộ thị trấn Cổ Phúc và được nhân dân tham gia thực hiện tích cực. Nhờ vậy, kinh tế thị trấn đã khởi sắc đi lên qua từng năm. Năm 2010, giá trị sản xuất CN - TTCN đạt 58,7 tỷ đồng và năm 2015 dự ước đạt 90,3% tỷ đồng, vượt 114% so với nghị quyết, tăng 1,4 lần so với năm 2010. Đối với thương mại - dịch vụ cũng đạt 109% kế hoạch so với nghị quyết. Tốc độ tăng trưởng kinh tế duy trì và phát triển khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, trong đó CN - TTCN - TMDV chiếm 80%, nông nghiệp 20%. Đời sống người dân ngày càng được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân đầu người năm 2014 đạt 26,5 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 2,2%...
“Có được những kết quả đó là do Đảng ủy đã sắp xếp, tổ chức và phân công nhiệm vụ cụ thể gắn với trách nhiệm của từng cán bộ, đảng viên. Đồng thời, mọi vấn đề trong phát triển kinh tế, xã hội đều được bàn bạc, thảo luận dân chủ để tạo sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo. Đặc biệt, cán bộ đã bám sát cơ sở, gần nhân dân. Đây là tiền đề cho thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, đưa thị trấn Cổ Phúc ngày càng phát triển, giàu đẹp và văn minh” - Phó bí thư Nguyễn Huy Trình khẳng định.
Trần Minh
Các tin khác
YBĐT - 4 năm thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị đã làm cho cấp ủy, chính quyền các cấp, cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trên địa bàn huyện Yên Bình có sự chuyển biến nhận thức sâu sắc về ý nghĩa và tầm quan trọng của học tập và làm theo Bác.
YBĐT - Chi bộ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lục Yên có 16 đảng viên (chiếm 44,44% tổng số cán bộ, công chức).
YBĐT - Ông Nguyễn Thanh Tài - Bí thư chi bộ thôn Đồng Ghềnh, xã Báo Đáp (huyện Trấn Yên) cho biết, từ một chi bộ yếu kém nhiều năm liền, đến năm 2010 Đảng bộ xã Báo Đáp đã chỉ đạo Chi bộ thôn Đồng Ghềnh tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy và đổi mới phương pháp hoạt động. Từ đó đến nay, Chi bộ đã có chuyển biến mạnh mẽ và nhiều năm liên tục được công nhận là đơn vị trong sạch vững mạnh.
YBĐT - Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Trấn Yên lần thứ XX, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Bảo Hưng lần thứ XI, nhiệm kỳ qua, Đảng bộ xã Bảo Hưng đã thông qua nhiều nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế - xã hội.