Nghị quyết Trung ương 4 ở Mậu A: Chuyển động đến từng việc khó
- Cập nhật: Thứ năm, 24/9/2015 | 4:46:55 PM
YênBái - YBĐT - Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) sau hơn 3 năm triển khai ở Đảng bộ thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên (Yên Bái) đã tạo ra bước chuyển động tích cực, làm thay đổi căn bản nhận thức, hành động, tác phong, lề lối làm việc của cán bộ chủ chốt địa phương. Có 7 phần việc được Đảng bộ thị trấn xác định là vấn đề nổi cộm, bức xúc, tồn đọng nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ đã được giải quyết dứt điểm.
Con đường tránh ngập được hoàn thành trong niềm phấn khởi của nhân dân khu 5 thị trấn Mậu A.
|
Một trong 7 nhiệm vụ trọng tâm, vấn đề khó được nghị quyết đưa ra bàn thảo nhiều nhiệm kỳ nhưng chưa thực hiện được, đó là việc tuyên truyền, vận động nhân dân hưởng ứng mở mới tuyến đường vành đai và cũng là đường tránh ngập nối trung tâm thị trấn với khu phố 5 và khu ga Nhâm thông ra trục đường chính của huyện dài gần 1 km.
Ông Trần Văn Tặng - Phó bí thư Đảng ủy thị trấn chia sẻ: “Đường vành đai này ngắn nhưng lại có vị trí rất quan trọng; là tuyến giao thông nối liền trung tâm thị trấn với các khu dân cư nằm bên kia đường sắt thông ra trục đường chính của huyện. Cái khó mà nhiều năm chưa thể thực hiện được là dù có chủ trương đúng nhưng chưa thật thấu đáo đến dân. Người dân vì chỉ nhìn thấy phần mình bị thiệt trước mắt, ấy là mất đất, cây cối, vườn tược mà chưa nhìn đến cái mình được là lợi ích kinh tế lâu dài. Bởi thế, sự đồng thuận không cao, nghị quyết cũng vì vậy mà khó cụ thể hóa thành hành động”.
Đi trên tuyến đường mới hoàn thành, cũng là công trình trọng điểm chào mừng Đại hội Đảng bộ huyện Văn Yên lần thứ XV, mới hiểu hết những khó khăn trong vận động mở mới tuyến đường này và để thấy quyết tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, tinh thần trách nhiệm trước nhiệm vụ của mỗi cán bộ, đảng viên là không hề nhỏ. Thật đúng là “sức dân mạnh như sức nước” và ý thức trách nhiệm của người dân trước lợi ích chung của cộng đồng là rất đáng ghi nhận. Do địa thế một phần tuyến đường là đất sản xuất nông nghiệp nên cần một lượng lớn đất để tôn cao nền đường để ngang bằng với tuyến đường sắt chạy song song, nên khó khăn trong san tạo mặt bằng. Mặt khác, phần lớn tuyến đường phải lấy vào phần đất đồi, vườn và đất ở của dân dọc tuyến nên chỉ khi người dân đồng thuận, tự nguyện hiến đất mở đường thì quyết tâm của Đảng ủy mới thêm phần sức mạnh.
Ông Trần Văn Tặng cho biết thêm, mình cũng không nhớ chính xác đã bao lần cùng lãnh đạo Đảng ủy, chi bộ, khu dân cư đến vận động, thuyết phục người dân hiến đất mở đường. Đã có không ít cuộc họp tổ chức ra nhưng chẳng đem lại kết quả gì. Gần 30 hộ dân, mỗi người mỗi quan điểm, cách nhìn khác nhau. Có người sẵn sàng hiến đất, góp tiền góp của để mong tuyến đường sớm được mở mới, nhưng cũng có không hiếm người do tư tưởng “chưa thông” nên dù chỉ phải hiến vài chục phân đất cũng khó khăn… Cứ kiên trì vận động, tuyên truyền, thuyết phục theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”, mà người năng nổ nhiệt tình, gương mẫu đi đầu trong vận động thực hiện phải kể đến ông Nguyễn Hoàn Lý ở Khu 5. Ông Lý đi từng nhà phân tích, điều hơn lẽ thiệt. Cá nhân ông, ngoài đóng góp 3 triệu đồng như các hộ khác, còn tự nguyện ủng hộ 1 triệu đồng và hiến 600 mét đất vườn đồi cùng nhiều cây cối, hoa màu trên đất để làm đường...
Ông Lý cho biết: “Do nằm bên kia của tuyến đường sắt nên việc đi lại của bà con Khu 5 và Khu ga Nhâm rất khó khăn. Chỉ riêng Khu 5 đã có hơn chục nhánh đường ngang cắt qua đường sắt do các hộ dân tự mở để đi rất nguy hiểm. Vì tuyến đường chỉ dài gần 1km mà số hộ dân trên tuyến ít nên vận động ban đầu rất khó khăn. Nhưng khi bà con đã hiểu thì không chỉ tích cực tham gia mà còn tự nguyện đóng góp, ủng hộ thêm tiền của. Tuyến được mở ra là quyết tâm rất lớn của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương lo cái lo cho dân và vì cái lợi của dân nên bà con chúng tôi rất phần chấn, tin tưởng”.
Những vấn đề khó khăn nhất, đó là tư tưởng của nhân dân đã được đả thông, lòng người đã đồng thuận. Việc huy động tiền của, công sức của nhân dân đã không còn là trở ngại. Người dân từ chỗ thiếu tin tưởng thì nay đã tự nguyện hy sinh lợi ích riêng để phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội địa phương.
Từ cách làm công khai tài chính, minh bạch các khoản đóng góp, các hộ dân Khu 5, Khu ga Nhâm đã tự nguyện hiến trên 5 nghìn m2 thổ cư, vườn đồi; tham gia đào đắp trên 2 vạn m3 đất san tạo nền đường. Thực hiện phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm, trong đó nhân dân đóng góp 50% kinh phí, ngày công lao động đảm nhận phần san tạo, đào đắp nền đường và bê tông hoá mặt đường; phần kinh phí còn lại do địa phương hỗ trợ và tuyến đường tránh ngập đã hoàn thành trong niềm tin tưởng, phấn khởi của người dân.
Trên thực tế, chuyển động từ việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI), đặc biệt là việc xác định và quyết tâm giải quyết triệt để những vấn đề nổi cộm, tồn đọng tại địa phương ở Đảng bộ thị trấn Mậu A đã tạo ra sức lan tỏa lớn, làm chuyển biến nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Thành công từ làm đường tránh ngập đã bổ sung những kinh nghiệm quý để Mậu A tiếp tục thực hiện thành công việc nâng cấp, mở rộng các tuyến đường nội thị, cùng những mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược phát triển kinh tế, xã hội đã được Đảng bộ xác định tại Đại hội Đảng bộ thị trấn lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2015 - 2020.
Minh Thúy
Các tin khác
YBĐT - Xác định rõ hai nhiệm vụ cơ bản “Phát triển kinh tế là trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt” có ý nghĩa quyết định đến tiến trình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, Đảng bộ xã Việt Thành đã tập trung phát huy trí tuệ tập thể, đề cao tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân để thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới.
YBĐT - Qua công tác điều động, luân chuyển cán bộ, Văn Chấn đã từng bước điều chỉnh bố trí lại đội ngũ cán bộ một cách hợp lý hơn, tăng cường được cán bộ cho những nơi có nhu cầu cấp bách, nhất là cho các xã có nhiều khó khăn.
YBĐT - Chúng tôi về xã An Lạc, huyện Lục Yên tìm hiểu việc thực hiện phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) theo Công điện của Chủ tịch UBND tỉnh. Đồng chí Chủ tịch UBND xã – Trưởng ban chỉ đạo PCTT, TKCN chỉ thoảng qua một lát, không làm việc được đầu đuôi, tỷ mỉ.
YBĐT - Đảng bộ Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) là đơn vị trực thuộc Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh, Đảng bộ có 98 đảng viên, 7 chi bộ. Trong nhiệm kỳ 2010 - 2015, các chi bộ đều đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh, Đảng bộ đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh tiêu biểu năm 2013 và 2014.