Bài 2: Siết chặt kỷ luật ngân sách
- Cập nhật: Thứ ba, 22/11/2016 | 2:30:34 PM
Tập trung tháo gỡ vấn đề chi ngân sách, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài; xác định rõ trách nhiệm trực tiếp của người đứng đầu cơ quan, tổ chức đối với hiệu quả kinh tế của dự án đầu tư.
>> Bài đầu: Những nhiệm vụ cấp bách
Nghị quyết số 05-NQ/TƯ Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế nêu rõ: Việc cơ cấu lại ngân sách nhà nước và quản lý nợ công theo hướng bảo đảm an toàn, bền vững, thực hành tiết kiệm triệt để theo khả năng của nền kinh tế; siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách nhà nước là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách.
Những đột phá chiến lược
Tại Nghị quyết số 05-NQ/TƯ, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đánh giá thẳng thắn, tăng trưởng hiện nay vẫn chủ yếu dựa vào tăng vốn đầu tư và số lượng lao động, chưa dựa nhiều vào tăng năng suất lao động và ứng dụng khoa học - công nghệ… Kinh tế vĩ mô ổn định nhưng chưa vững chắc, bội chi ngân sách lớn, nợ công tăng nhanh, nợ Chính phủ vượt trần cho phép, áp lực trả nợ lớn… Cơ cấu lại nền kinh tế chậm, thiếu đồng bộ, chưa thật sự gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Cơ cấu lại đầu tư chưa gắn với cơ cấu lại tài chính, ngân sách nhà nước, bảo đảm an toàn nợ công. Từ những đánh giá thẳng thắn đó, Nghị quyết số 05-NQ/TƯ đã yêu cầu, một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách là đẩy mạnh cơ cấu lại đầu tư công, khắc phục tình trạng dàn trải, lãng phí, nợ đọng… Cơ cấu lại ngân sách nhà nước và quản lý nợ công theo hướng bảo đảm an toàn, bền vững; triệt để tiết kiệm chi tiêu trong khả năng của nền kinh tế, chỉ vay trong khả năng trả nợ; siết chặt kỷ luật, kỷ cương ngân sách nhà nước.
Cũng theo Nghị quyết 05-NQ/TƯ, việc đổi mới mô hình tăng trưởng gắn kết chặt chẽ với thực hiện ba đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế, mà một trong những trọng tâm ưu tiên là: Cơ cấu lại đầu tư công; doanh nghiệp nhà nước; hệ thống các tổ chức tín dụng; ngân sách nhà nước và nợ công; các đơn vị sự nghiệp công.
Trong yêu cầu đẩy mạnh cơ cấu lại tổng thể các ngành, lĩnh vực kinh tế trên phạm vi cả nước và từng địa phương, doanh nghiệp với tầm nhìn dài hạn, lộ trình cụ thể; gắn kết chặt chẽ giữa cơ cấu lại tổng thể nền kinh tế với cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực trọng tâm, Nghị quyết 05-NQ/TƯ nhấn mạnh: Tiếp tục cơ cấu lại đầu tư, trọng tâm là đầu tư công. Cụ thể là rà soát, hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá xây dựng, suất đầu tư của các ngành kinh tế. Thực hiện cơ cấu lại đầu tư công gắn với cơ cấu lại tài chính, ngân sách nhà nước và nợ công; thực hiện tốt kế hoạch đầu tư công trung - dài hạn, gắn với kế hoạch tài chính và kế hoạch vay, trả nợ công. Cùng với đó, quyết liệt các biện pháp phòng, chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí vốn, tài sản nhà nước. Tập trung tháo gỡ vấn đề chi ngân sách, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài; xác định rõ trách nhiệm trực tiếp của người đứng đầu cơ quan, tổ chức đối với hiệu quả kinh tế của dự án đầu tư.
Triệt để tiết kiệm là quốc sách
Tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV đang diễn ra, nhiều đại biểu nhận xét, tình hình ngân sách rất khó khăn, nghĩa vụ trả nợ công ngày càng lớn, đảo nợ ngày càng nhiều. Nếu tình trạng ngân sách vẫn cứ căng thẳng như các năm gần đây thì sẽ đến lúc không còn gì để chi tiêu. Phân tích cơ cấu các nguồn thu - chi ngân sách, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An) cho rằng, tỷ trọng thu nội địa những năm gần đây có tăng, nhưng nguồn thu không bền vững, chủ yếu vẫn phụ thuộc vào dầu thô, đất, xổ số kiến thiết... trong khi, nguồn thu từ doanh nghiệp thấp. Về chi ngân sách, kết quả kiểm toán cho thấy đụng đến thì đơn vị nào cũng có vấn đề. Trong khi, giai đoạn tới nếu không tăng chi đầu tư phát triển thì tăng trưởng kinh tế sẽ khó khăn.
Thế nhưng, việc tăng chi đầu tư phục vụ phát triển trong bối cảnh ngân sách eo hẹp là một thách thức lớn hiện nay. Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, trần nợ công đã sát ngưỡng 65% GDP và Chính phủ kiên quyết không nới trần nhằm bảo đảm nghĩa vụ trả nợ. Bởi năm 2015, nghĩa vụ trả nợ đã chiếm khoảng 27,5% thu ngân sách. Quan điểm là chi tiêu phải nằm trong khả năng của nền kinh tế, vay phải trong khả năng trả nợ. Phấn đấu tăng thu để tăng chi; nếu thu không đạt thì phải giảm chi tương ứng, nhằm siết chặt kỷ luật, kỷ cương về tài chính.
Phân tích về những giải pháp trọng tâm mà Nghị quyết số 05-NQ/TƯ đặt ra, chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Vũ Đình Ánh cũng đồng tình, việc cơ cấu lại ngân sách nhà nước theo hướng siết chặt các khoản thu, chi, đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng vốn là giải pháp đặc biệt quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Trong bối cảnh nguồn thu ngân sách eo hẹp, việc siết chặt kỷ luật ngân sách sẽ giúp cắt giảm những khoản chi không thực sự cần thiết và tập trung nguồn vốn cho các nhiệm vụ ưu tiên cấp bách. Khi vốn ngân sách đi và đến đúng địa chỉ sẽ tạo ra động lực quan trọng để nâng cao chất lượng tăng trưởng và đưa đất nước phát triển theo hướng bền vững.
(Còn nữa)
(Theo HNMO)
Các tin khác
Nghị quyết số 05-NQ/TƯ Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế được ban hành ngày 1-11-2016.
Để Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng Đảng đi vào cuộc sống, tạo ra chuyển biến rõ rệt thì cả hệ thống chính trị phải vào cuộc.
YBĐT - Thị ủy Nghĩa Lộ xác định Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" là nội dung quan trọng góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức...
Đánh giá cao việc Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) ban hành Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân cho rằng, để ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, cùng với quyết tâm chính trị, Đảng cần khẳng định bằng những chuyển biến mạnh mẽ trong hành động, nhất là trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng.