Theo giới thiệu của Cơ quan Tổ chức - Nội vụ huyện, chúng tôi có mặt ở xã La Pán Tẩn đúng dịp các chị em trong xã đang tập luyện cho buổi tái hiện một lễ cưới của người Mông phục vụ du lịch.
Chỉ tay về hướng người phụ nữ mặc váy Mông có khuôn mặt ưa nhìn, chị Hờ Thị Dê - Phó Bí thư Đảng ủy xã phấn khởi: Đảng viên nữ mới của chúng tôi năm ngoái đấy nhà báo ạ! Không chỉ giỏi làm nương, làm ruộng mà cô ấy còn rất tích cực tham gia các phong trào Đoàn thanh niên, là hạt nhân của đội văn nghệ xã, nhiệt tình, sống gần gũi và có uy tín lắm”.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, đó là chị Giàng Thị Vàng, sinh năm 1990 ở Chi bộ Háng Sung. Năm 2017, thấy chị năng động, Chi bộ đã định hướng, quan tâm, giúp đỡ để chị được giới thiệu xem xét, bồi dưỡng và kết nạp Đảng. Từ khi vào Đảng, chị càng gương mẫu, hăng hái vận động bà con thi đua lao động sản xuất, đi đầu trong các phong trào ở thôn, xã.
Chị Vàng chia sẻ: "Là phụ nữ xã khác về làm dâu ở La Pán Tẩn, lúc đầu mình nói phấn đấu vào Đảng nhà chồng ai cũng không ủng hộ, nhất là chồng mình, luôn lo vợ không quán xuyến được việc đồng áng, nương rẫy, con cái. Mình cứ cố gắng thuyết phục, tâm sự theo kiểu "mưa dầm thấm lâu”, thế rồi, thấy mình quyết tâm chồng không những ủng hộ mà còn giúp đỡ công việc gia đình để mình có thời gian làm việc Đảng giao. Mình vui và tự hào lắm!”.
Được biết, mỗi năm, xã La Pán Tẩn kết nạp được từ 1 - 3 đảng viên nữ đồng bào dân tộc vùng nông thôn vào Đảng. Từ những nhân tố tích cực như chị Vàng, dần dần các chị em trong xã cũng mong muốn được học và làm theo, có lý tưởng, nguyện vọng được đứng trong hàng ngũ của Đảng.
Tiêu biểu như chị Hàng Thị Bla, Chi bộ La Pán Tẩn gần 40 tuổi luôn nhiệt tình, hăng hái lao động sản xuất; chị Hảng Thị Sua, Chi bộ Tà Chí Lừ; chị Giàng Thị Gừ, Chi bộ La Pán Tẩn là những đảng viên nữ nhanh nhạy trong phát triển du lịch cộng đồng…
Rời La Pán Tẩn, chúng tôi tìm gặp chị Điền Thị Say - Phó Bí thư Đảng ủy xã Púng Luông. Sinh năm 1989, chị Say khá chín chắn trong vai trò Phó Bí thư Đảng ủy xã.
Chị tâm sự: "Phụ nữ dân tộc Mông, rất ít người được học hết phổ thông, thậm chí là còn không biết chữ. Không được học hành, ít giao tiếp, va chạm không vượt quá ranh giới bản, làng thì nói gì đến tích cực tham gia công tác xã hội, có ý chí phấn đấu trở thành đảng viên. Tôi may mắn sau khi tốt nghiệp, theo Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm Phó Chủ tịch UBND xã. Sau quá trình làm việc, rèn luyện, tu dưỡng tôi được cấp trên tin tưởng, giao nhiệm vụ. Đây chính là cơ hội để tôi trưởng thành, nêu cao tinh thần tiền phong gương mẫu, vận động, tuyên truyền bà con làm theo đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”.
Đến nay, Đảng bộ xã Púng Luông có 40 đảng viên nữ; trong đó, có 11 đảng viên nữ nông thôn. Từ khi đảm nhận vai trò Phó Bí thư Đảng ủy xã, chị Say đã vận động kết nạp được thêm 1 đảng viên nữ và 1 quần chúng nữ ưu tú đang đi học lớp cảm tình Đảng. Tất cả số đảng viên nữ này đều là những chị em rất năng nổ, nhiệt tình trong các hoạt động ở thôn.
Sau khi được kết nạp Đảng, các nữ đảng viên đã phát huy tốt năng lực, có nhiều đóng góp cho địa phương tích cực tuyên truyền, vận động học sinh ra lớp, vệ sinh môi trường; phòng, chống mua bán người và bạo lực gia đình...
Thực tế cho thấy, những năm gần đây, Đảng bộ huyện Mù Cang Chải luôn tăng cường công tác lãnh, chỉ đạo phát triển đảng viên nữ đồng bào dân tộc. Từ đó, có quy hoạch, tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ nữ, góp phần nâng cao tỷ lệ cán bộ nữ trong các cấp, ngành.
Đồng thời, tạo điều kiện cho cán bộ nữ phát huy năng lực, sức sáng tạo, những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ đó, đội ngũ đảng viên nữ của huyện đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng. Từ năm 2012 đến nay, toàn huyện đã kết nạp được 1.106 đảng viên; trong đó, có 385 đảng viên nữ (92 đảng viên nữ vùng nông thôn).
Đồng chí Phạm Văn Quynh - Thủ trưởng Cơ quan Tổ chức - Nội vụ huyện Mù Cang Chải cho biết: "Tuy đã xác định vai trò quan trọng của đảng viên nữ nhưng công tác phát triển đảng viên nữ dân tộc vùng nông thôn hiện nay còn gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân chính là do trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ của đảng viên nữ trên địa bàn còn thấp.
Đảng viên nữ có trình độ chuyên môn, lý luận chính trị tập trung chủ yếu ở các đơn vị sự nghiệp và cơ quan hành chính Nhà nước. Hầu hết đảng viên nữ nông thôn có trình độ tiểu học, trung học cơ sở và chưa được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ.
Tính đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ đảng viên nữ nông thôn sinh hoạt trong các tổ chức cơ sở Đảng, đặc biệt là các chi bộ thôn, bản chiếm tỷ lệ rất thấp, có chi bộ chỉ có 1 đảng viên nữ”. Ngoài ra, do đặc thù của huyện vùng cao, bà con đồng bào dân tộc Mông chiếm 91% nên phong tục, tập quán sinh hoạt, nhận thức về bình đẳng giới còn nhiều hạn chế; công tác phát triển đảng viên nữ có nơi chưa được cấp ủy đảng cơ sở quan tâm đúng mức…
Đảng viên nữ xã La Pán Tẩn vận động chị em dọn dẹp, bảo vệ môi trường, chung tay xây dựng nông thôn mới.
Nhằm thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Mù Cang Chải lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 về công tác xây dựng Đảng, góp phần tăng số lượng, nâng cao chất lượng đảng viên, đặc biệt là đảng viên nữ đồng bào dân tộc vùng nông thôn, thời gian tới, Đảng bộ huyện tiếp tục chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể từ huyện đến cơ sở tăng cường tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên, hội viên và quần chúng nhân dân về vị trí, tầm quan trọng, vai trò của công tác phát triển đảng viên.
Quan tâm phát triển đảng viên nữ dân tộc vùng nông thôn, nhất là trong đội ngũ đoàn viên thanh niên. Duy trì giao chỉ tiêu về cơ sở, phấn đấu kết nạp 150 đảng viên mới/năm; trong đó, đảng viên nữ nông thôn là 30 đồng chí.
Chỉ đạo các tổ chức đoàn thể đổi mới phương pháp hoạt động nhằm thu hút hội viên, đoàn viên tham gia, phát động các phong trào thi đua yêu nước để từ đó phát hiện, bồi dưỡng những quần chúng ưu tú, tiêu biểu, tạo nguồn kết nạp vào Đảng.
Làm tốt việc đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng, lấy kết quả phát triển đảng viên nữ là một tiêu chí đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên hàng năm…
Theo đó, chính những đảng viên nữ phải là "hạt nhân” trong tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, nhất là ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, luôn sát cơ sở để chị em được "mắt thấy tai nghe”, yêu mến, tin tưởng, học tập và làm theo.
Với những kết quả đã đạt được cùng mục tiêu, định hướng, cách làm cụ thể, sẽ là tiền đề quan trọng cho phát triển đảng viên nói chung và phát triển đảng viên nữ đồng bào dân tộc vùng nông thôn nói riêng ở huyện Mù Cang Chải trong năm 2018 và những năm tiếp theo. Tin tưởng rằng, với lực lượng đảng viên nữ có tâm, ý chí, tư tưởng, chính trị vững vàng, Đảng bộ huyện Mù Cang Chải sẽ gặt hái thêm nhiều thành công, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng nơi vùng cao còn nhiều khó khăn này.
Mai Linh