Nhìn lại năm 2018, bên cạnh những kết quả và thành tựu kinh tế xã hội, cán bộ và nhân dân cả nước thêm phấn khởi, tin tưởng vào kết quả đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước.
Nhiều vụ "đại án” đã được đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý. Không ít cán bộ từng hoặc đang giữ chức vụ cao của địa phương, Trung ương bị xử lí kỉ luật khiển trách, cảnh cáo, có người bị miễn nhiệm chức vụ, xóa bỏ chức vụ từng giữ, thậm chí bị khởi tố vì những sai phạm xảy ra trong lĩnh vực mình phụ trách từ nhiều năm trước.
Trong đó, phải kể đến vụ MobiFone mua 95% cổ phần của AVG với giá gần 9.000 tỉ đồng. Nếu vụ việc không được phát hiện, xử lý, Nhà nước sẽ bị thất thoát số tiền hàng ngàn tỉ đồng. Tuy hậu quả đã được khắc phục, song nhiều cán bộ cấp cao đương chức hoặc nghỉ hưu đã bị xử lý kỉ luật, kể cả cấp bộ trưởng, Ủy viên Trung ương Đảng.
Trong vụ đánh bạc ngàn tỉ vừa được Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ xét xử, cũng có nhiều cán bộ cấp cao bị xử lý, truy tố, tuyên những mức án nghiêm khắc đúng người, đúng tội.
Rõ ràng, trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, đã thể hiện quan điểm nhất quán, kiên quyết của Đảng, Nhà nước là không có "vùng cấm”, không có "ngoại lệ”, không có chuyện "chỉ tắm từ vai”. Tính từ đầu nhiệm kỳ XII của Đảng đến nay, cơ quan thẩm quyền của Đảng đã phát hiện, đề nghị thi hành kỷ luật 50 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 8 Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương; khai trừ đảng 1 Ủy viên Trung ương – nguyên Ủy viên Bộ Chính trị.
Trong 3 năm vừa qua, các vụ đại án, vụ việc gây bức xúc dư luận đều được thông tin kịp thời trên báo chí. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng định kỳ họp, báo chí đều được tiếp cận, thông tin kịp thời nhiều nội dung và chỉ đạo cụ thể của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo. Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng thường xuyên cung cấp thông tin cho báo chí, thông báo kết quả kiểm tra, giám sát, thi hành kỉ luật, đề xuất kỉ luật đối với cán bộ trong diện quản lý.
Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng thường xuyên định hướng, chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí thông tin trung thực, đầy đủ về các vụ đại án, các vụ tham nhũng, tiêu cực gây bức xúc dư luận. Có thể khẳng định, chưa bao giờ không khí dân chủ, công khai, minh bạch trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí… được đề cao như hiện nay.
Người Việt Nam có câu "tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy lại”. Vậy nhưng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã dũng cảm chỉ rõ những tồn tại, khuyết điểm trong Đảng như nội dung Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) nêu: "Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước”...
Từ nhận thức đó, nhiều giải pháp cụ thể đã được đề ra và triển khai thực hiện, đem lại kết quả khả quan trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Người giữ cương vị cao nhất của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đồng thời là Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng khẳng định: "Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đã trở thành phong trào, xu thế được nhân dân đồng tình, đánh giá cao, được các tổ chức quốc tế ghi nhận”.
Như Giáo sư Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Australia, nhận định kết quả chống tham nhũng của Việt Nam trên báo Zing.vn vào tháng 5-2018: "Chống tham nhũng không chỉ là xử lý một nhóm các quan chức sai phạm. Nó còn là giải quyết các lỗ hổng trong hệ thống quản trị, pháp quyền”.
Cũng trên báo này, ông Miguel Chanco, chuyên gia ASEAN của Tổ chức nghiên cứu Economist Intelligence Unit (EIU) nhận định: "Trước đây có ý kiến cho rằng chiến dịch này chỉ nhắm đến những sai phạm và các cá nhân thuộc PetroVietnam, Oceanbank hay cùng lắm là khu biệt trong lĩnh vực dầu khí và ngân hàng. Thế nhưng, những động thái liên tục gần đây cho thấy những sai phạm ở lĩnh vực quốc phòng, công an và ở cấp tỉnh, thành cũng bị xử lý nghiêm khắc".
Thực tế trên đây là minh chứng sinh động, khẳng định quan điểm của Đảng ta là không giấu giếm khuyết điểm, quyết tâm chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng, chỉnh đốn Đảng để Đảng xứng tầm với vai trò lãnh đạo đất nước. Không chỉ cán bộ và nhân dân cả nước phấn khởi, tin tưởng mà cộng đồng quốc tế cũng nhìn nhận, đánh giá cao kết quả, hiệu quả đấu tranh chống tham nhũng của Việt Nam.
Rõ ràng, dũng cảm nhận thức thiếu sót, khuyết điểm và quyết tâm sửa chữa, khắc phục, Đảng Cộng sản Việt Nam đang thực hiện cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng một cách hiệu quả. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: "Một đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một đảng hỏng. Một đảng có gan thừa nhận những khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”.
(Theo CAND)