Yên Bái thực hiện Đề án 11: Tiền đề vững chắc cho các nhiệm kỳ tiếp theo
- Cập nhật: Thứ hai, 3/2/2020 | 8:57:32 PM
YênBái - Năm 2019 khép lại với nét chấm phá từ “Đề án 11” về công tác cán bộ. Có thể nói, lần đầu tiên Đảng bộ tỉnh Yên Bái có một Đề án căn cơ, bài bản về công tác cán bộ, khắc phục tình trạng hẫng hụt cán bộ, đáp ứng yêu cầu quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ một cách “dài hơi”.
Đồng chí Trần Huy Tuấn - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy trao đổi với cán bộ, chuyên viên về triển khai Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
|
Chuyện của những "cán bộ 11"
Chị Phùng Thị Phương Hạnh là Phó chánh Văn phòng Cấp ủy - Chính quyền huyện Yên Bình, kiêm Trưởng Bộ phận Phục vụ hành chính công của huyện. Ý thức được nhiệm vụ của mình, Hạnh luôn luôn cố gắng để tích lũy kinh nghiệm trong công tác; đồng thời, chú trọng tự học tự nghiên cứu để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ để đáp ứng tốt công việc được giao.
Khi Tỉnh ủy triển khai Đề án 11 (tháng 8/2018), Hạnh đủ các điều kiện, tiêu chuẩn và được Huyện ủy Yên Bình lựa chọn giới thiệu nguồn đào tạo cán bộ trẻ. Vinh dự được tham gia đề án, Hạnh cho rằng, bản thân được phát huy năng lực sở trường là hết sức quan trọng.
"Sự tạo điều kiện của lãnh đạo huyện đã giúp tôi luôn mạnh dạn đề xuất những đổi mới để công tác phục vụ, tham mưu của văn phòng luôn đạt được kết quả cao nhất. Mới đây, được tham gia chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo Đề án 11 của tỉnh, tôi càng có thêm kiến thức và kinh nghiệm mới áp dụng trong công việc mà mình được giao” - Hạnh chia sẻ.
Cũng là cán bộ văn phòng ở Huyện ủy Trạm Tấu, Nguyễn Văn Hòe được điều động làm Chủ tịch UBND xã Xà Hồ. 35 tuổi làm chủ tịch xã vùng cao không phải sớm, nhưng còn trẻ so với những thế hệ trước.
10 năm công tác ở huyện, công việc liên quan nhiều đến "bàn giấy”, giờ về cơ sở cũng không khỏi những khó khăn.
"Trước giờ chủ yếu là tham mưu giúp lãnh đạo huyện chỉ đạo cơ sở thế nọ thế kia. Khi về cơ sở phải hiểu hết những khó khăn của dân bản, rồi các phong tục, tập quán, nhận thức của người dân; từ đó, có cách tuyên tuyền vận động. Rồi trực tiếp đi vận động, phải sát luôn thực tế để mình triển khai thực hiện chứ không phải chỉ đạo nữa” - Chủ tịch Hòe bày tỏ.
Anh cũng cho biết thêm: "Đúng như bài các thầy ở lớp đề án hướng dẫn là phải trực tiếp, sâu sát vì đó là thực tiễn của mình, là chỗ để triển khai các chỉ thị nghị quyết”.
Xác định được như thế, nên Hòe đã cố gắng rèn luyện và tham gia vào Đề án 11 diện cán bộ trẻ nhằm tích lũy kiến thức cho bản thân. Qua mấy tháng học tập, Hòe có thêm một lượng lớn kiến thức để vận dụng vào công việc địa phương. Kể cả việc thành lập nhóm chỉ đạo điều hành công việc ở xã thông qua mạng zalo cũng nhờ Hòe tiếp nhận xu thế 4.0 từ lớp đào tạo lần này.
Đề án 11-ĐA/TU về "Xây dựng và tạo nguồn đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đến năm 2030, định hướng đến năm 2035” đặt ra mục tiêu đến năm 2030 tỷ lệ cán bộ trẻ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý và tham gia cấp ủy tỉnh đạt từ 20 đến 25%; tỷ lệ cán bộ nữ và tỷ lệ cán bộ người dân tộc thiểu số giữ các chức danh thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đến 2030 đạt 20 đến 25%. Toàn tỉnh có 150 cán bộ vượt qua các vòng sát hạch tham gia Đề án (gồm 60 cán bộ trẻ, 45 cán bộ nữ và 45 cán bộ người dân tộc thiểu số). |
Còn với Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Triệu Bích Ngọc - một cán bộ người dân tộc Tày mới được bổ nhiệm từ Trưởng phòng Quản lý báo chí xuất bản Sở Thông tin và Truyền thông thì những nội dung đào tạo, bồi dưỡng thuộc Đề án 11 rất có ý nghĩa.
Ngoài những kiến thức "nền tảng”, Ngọc được tiếp cận với nhiều kỹ năng mới trong quản trị Nhà nước, quản trị doanh nghiệp, sơ đồ quản lý. Đó là kỹ năng quản lý, phương pháp nghiên cứu, kỹ năng xử lý tình huống, nắm bắt tâm lý, tư tưởng đồng nghiệp...
Cùng đó, là những nội dung do các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy truyền đạt đã giúp Ngọc nâng cao nhận thức chính trị, quan điểm, chủ trương, mục tiêu của Đảng, Nhà nước và của tỉnh.
Ngọc chia sẻ: "Tham gia Đề án là một may mắn đối với tôi. Tôi sẽ nỗ lực để hoàn thiện bản thân, để đáp ứng sự tin tưởng của lãnh đạo tỉnh. Trước mắt là cùng Ban Giám đốc tham mưu làm tốt công tác quản lý nhà nước về du lịch, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân phát huy tiềm năng du lịch, góp phần mang lại thu nhập cho người dân và đóng góp vào sự phát triển của tỉnh”.
Trong năm 2019, các cán bộ trẻ thuộc Đề án 11 được tham gia khóa đào tạo tại Vân Nam (Trung Quốc).
Lời ngỏ
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”; "Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có vị trí rất quan trọng; đào tạo huấn luyện luôn cần đi đôi với việc sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ. Muốn vậy "phải biết rõ cán bộ”, "phải cất nhắc cán bộ cho đúng”; "phải khéo dùng cán bộ”...
Tháng 6/2019, chương trình đào tạo dành cho cán bộ thuộc Đề án 11 đã kết thúc với 77% học viên đạt loại xuất sắc và giỏi, 23% đạt loại khá. Đội ngũ cán bộ trẻ cũng đã được đi đào tạo tại Vân Nam (Trung Quốc); được nghiên cứu thực tế kỹ năng quản trị tại Tập đoàn LG; tham dự kỳ họp HĐND tỉnh...
Sức xuân đang phơi phới, những "cán bộ 11” sẽ được tỉnh xem xét luân chuyển, tăng cường, biệt phái về các cơ quan, đơn vị, địa phương phù hợp chuyên môn được đào tạo, năng lực, sở trường để rèn luyện, thử thách qua thực tiễn hoặc tập sự lãnh đạo, hình thành tố chất người quản lý và lãnh đạo.
Đội ngũ 150 "cán bộ 11” đang nuôi dưỡng hoài bão và khát vọng vươn lên sẽ tạo tiền đề quan trọng cho Yên Bái trước thềm nhiệm kỳ mới. Tất cả đang khẳng định rằng, Đề án đã tạo ra những chuyển biến, trong đó, có trào lưu học tập nâng cao trình độ và tích cực phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao trong cán bộ, công chức, viên chức.
Đề án 11 của Yên Bái đã được Trung ương đánh giá cao và cho rằng cần nhân rộng để các địa phương khác cùng thực hiện. Đây không còn chỉ là nét chấm phá, mà thực sự Đảng bộ tỉnh Yên Bái đã học tập và làm theo Bác Hồ kính yêu để xây dựng đội ngũ cán bộ cho hôm nay và mai sau.
Quang Tuấn
Các tin khác
Không chỉ riêng chi bộ Tổ dân phố 10, từ năm 2017 đến nay, trên 277 chi bộ thôn bản, tổ dân phố đều có đảng viên đương chức các cơ quan, đơn vị huyện được Huyện ủy giao tham gia sinh hoạt, nắm tình hình cơ sở.
Đến ngày 15/1, toàn huyện Mù Cang Chải đã có 10/19 đảng bộ trực thuộc tổ chức xong đại hội chi bộ cơ sở, nhiệm kỳ 2020 - 2022.
Xác định rõ công tác kiểm tra, giám sát (KTGS) nói chung và KTGS chuyên đề nói riêng là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần giúp Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo đạt kết quả cao trong công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng (PCTN) và cải cách tư pháp (CCTP), những năm qua, đặc biệt là năm 2019, Ban Nội chính Tỉnh ủy đã tăng cường đẩy mạnh công tác tham mưu, giúp Tỉnh ủy tổ chức các cuộc KTGS chuyên đề trong lĩnh vực nội chính, PCTN và CCTP đạt được nhiều kết quả tích cực.
Ngay sau khi có Kế hoạch số 146 của Huyện ủy Trấn Yên, Đảng bộ xã Hòa Cuông xây dựng Kế hoạch số 57 để cụ thể hóa việc tổ chức triển khai thực hiện công tác chuẩn bị và tiến hành đại hội; đồng thời, khẩn trương chuẩn bị về mọi mặt theo đúng chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên.