Sau khi xuất ngũ, đảng viên trẻ Hoàng Mạnh Hùng thuộc Chi bộ thôn Bản Phạ, xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên đã cùng gia đình tích cực phát triển kinh tế bằng cách trồng rừng và xây dựng xưởng chế biến gỗ rừng trồng.
Hiện, anh có 10 ha rừng trồng và có 1 xưởng chế biến gỗ rừng trồng đem lại thu nhập trên 400 triệu đồng/năm và tạo việc làm cho 20 lao động với mức thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng. Do chú trọng về chất lượng, nên sản phẩm ván bóc của anh Hùng sản xuất đến đâu tiêu thụ đến đó.
Anh Hoàng Văn Biên ở thôn Bản Phạ cho hay: "Trước đây, gia đình tôi rất khó khăn, nhưng từ khi được anh Hùng cho vào làm việc tại xưởng chế biến gỗ rừng trồng, tôi đã có thêm thu nhập nên đời sống được cải thiện rõ rệt”.
Cũng là đảng viên luôn phấn đấu phát triển kinh tế, sau nhiều năm nỗ lực, đảng viên Nguyễn Văn Chung thuộc Chi bộ thôn Bản Nả đã có trên 16 ha rừng trồng các loại và 4 ao nuôi cá chủ yếu là các loại cá đặc sản có giá trị kinh tế cao như cá tầm, cá lăng, cá bỗng...
Bằng những kinh nghiệm đã tích lũy, ông Chung thường xuyên chia sẻ với bà con để cùng nhau phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo.
Ông Chung chia sẻ: "Mô hình kinh tế của tôi thực hiện đa dạng các loại cây trồng, vật nuôi; tuy nhiên, cần đảm bảo cân đối và không làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Theo tôi, nếu nuôi cá thì không nên nuôi vịt. Còn về trồng rừng cũng phải quy hoạch tốt thì rừng mới phát triển lâu dài và bền vững”.
Xác định phát triển kinh tế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, Đảng bộ xã Việt Hồng đã chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân phát triển kinh tế nâng cao đời sống nhân dân.
Để công tác phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo đạt hiệu quả, xã định hướng nhân dân phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế.
Trong đó, phát triển mạnh lĩnh vực chăn nuôi bằng cách làm mô hình trang trại, gia trại theo hướng sản xuất hàng hóa; sử dụng hiệu quả các nguồn vốn vay ưu đãi, nguồn vốn hỗ trợ để phát triển sản xuất hiệu quả; đồng thời, thu hút vốn đầu tư, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh địa phương và thúc đẩy sản xuất chế biến gỗ rừng trồng, du lịch…
Cùng đó, tập trung xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, gắn phát triển kinh tế với công tác gìn giữ vệ sinh môi trường. Làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối, chính sách phát triển kinh tế - xã hội để tạo sự đồng thuận và ủng hộ của nhân dân.
Với phương châm: "Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, những năm qua, Đảng ủy xã Việt Hồng đã chỉ đạo các đảng viên chủ động tìm tòi các mô hình kinh tế mới, đem lại hiệu quả cao đưa vào triển khai thực hiện tại địa phương. Từ đó, xã đã xuất hiện nhiều mô hình làm kinh tế giỏi do đảng viên làm chủ.
Điển hình như mô hình nuôi ốc nhồi của ông Nguyễn Văn Huân ở thôn Bản Bến mỗi năm thu nhập đạt từ 150 đến 200 triệu đồng và mô hình nuôi cá tầm của ông Trần Cao Thắng ở thôn Bản Nả mỗi năm thu nhập trên dưới 200 triệu đồng.
Ngoài ra, xã còn có 10 mô hình phát triển chăn nuôi trâu, bò, dê với quy mô từ 10 con trở lên và 10 cơ sở nuôi ếch thương phẩm với quy mô 10 ngàn con/lứa… Đây là những mô hình điểm để bà con trong xã đến tham quan học hỏi, làm theo.
Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 36 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 3,1%; cơ sở hạ tầng nông thôn mới được đầu tư, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững ổn định.
Đồng chí Nguyễn Đức Bảo - Phó Chủ tịch UBND xã Việt Hồng cho biết: trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, các đảng viên của xã đã thực sự nêu cao được tính tiền phong, gương mẫu phát triển kinh tế; trong đó, đã tập trung xây dựng được những mô hình mới nên hiện nay nhiều đảng viên đã trở thành gương sáng làm kinh tế giỏi. Đồng thời, những nỗ lực của đội ngũ đảng viên đã tạo nên phong trào phát triển kinh tế trên địa bàn xã ngày càng sôi nổi…
Chí Sinh