Thời gian qua, công tác này đã được tiến hành đồng bộ, bài bản và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, có mặt hạn chế là việc phát hiện để thanh lọc có nơi, có lúc, có trường hợp chưa kịp thời dẫn đến có những cán bộ lên đến chức vụ cao mới bị kỷ luật vì những sai phạm lúc còn chức vụ thấp.
Cùng với việc đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án tham nhũng liên quan đến cựu Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, vụ án tham nhũng liên quan đến nguyên một số lãnh đạo UBND và các sở, ngành tại thành phố Hồ Chí Minh, mới đây, các cơ quan bảo vệ pháp luật cũng đã truy tố đối với Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường vì liên quan đến vụ án hình sự buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh.
Công tác kiểm tra, giám sát kỷ luật Đảng là công việc thường xuyên, liên tục theo tinh thần không khoan nhượng, không có vùng cấm. Chỉ riêng ở cấp Trung ương từ tháng 1/2021-11/2021, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kiểm tra, xử lý kỷ luật, và kiến nghị yêu cầu xử lý kỷ luật 12 tổ chức Đảng và 20 đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý liên quan đến các vụ án vụ việc Ban chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Trong đó, có 3 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 2 Thứ trưởng, 1 nguyên Chủ tịch tỉnh, 1 nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, 13 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Việc làm đó cho thấy công tác thanh lọc cán bộ của Đảng ngày càng mạnh mẽ, thực chất hơn.
Tuy nhiên, việc thanh lọc cán bộ hiện nay vẫn chưa được tiến hành kịp thời. Hầu hết các vụ việc và cán bộ bị xử lý đều có sai phạm từ những nhiệm kỳ trước; các cá nhân có sai phạm hoặc đã chuyển công tác hoặc được bố trí ở những vị trí cao hơn so với thời điểm thực hiện hành vi sai phạm; một số khác đã về hưu.
Dẫn lại các vụ vi phạm của nguyên lãnh đạo tỉnh Bình Dương, Khánh Hòa, mới đây nhất là vụ ông Trương Quốc Cường - Thứ trưởng Bộ Y tế, PGS, TS Nguyễn Văn Giang - nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu lịch sử Đảng cho rằng, với những vụ việc sai phạm đó, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để phát hiện, cũng như nhận ra những hệ quả tiêu cực từ khi xảy ra vụ việc, nhưng phải rất lâu sau mới có thể làm rõ và xử lý.
Nguyên nhân chính là công tác kiểm tra, giám sát tuy đã có chương trình, kế hoạch nhưng việc định hướng đi thẳng vào vấn đề nhạy cảm, những lĩnh vực dễ xảy ra sai phạm, hay những vấn đề gây bức xúc thì công tác kiểm tra, giám sát của chúng thực hiện chưa được đúng, chưa được nghiêm. Trong công tác, kiểm tra, giám sát của chúng ta trong thời gian qua cũng có những vụ việc chưa được tốt.
PGS.TS Nguyễn Văn Giang – nguyên Phó Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
Từ thực tế hoạt động nghề nghiệp của mình, ông Nguyễn Anh Liên, nguyên Ủy viên Ủy ban kiểm tra Trung ương cho rằng, kiểm tra cán bộ mới là phần nổi, còn khi nào kết hợp kiểm tra cán bộ với sự kiểm tra trong các tổ chức cán bộ thì mới đích thực. Dưới góc nhìn khác, nhiều chuyên gia xây dựng Đảng và đảng viên cho rằng, việc thanh lọc cán bộ chưa thực sự kịp thời và hiệu quả còn có nguyên nhân trong chất lượng đánh giá cán bộ khi cuối năm ai cũng đạt thành tích tốt, mặc dù trong quá trình làm việc không phải ai cũng như ai.
Công tác kiểm tra, giám sát và đánh giá cán bộ đóng vai trò rất quan trọng trong việc sàng lọc, lựa chọn ra những cán bộ năng lực, đạo đức, và bản lĩnh chính trị để ra nhiệm vụ trọng trách cao hơn. Để làm được điều này thì vấn đề đầu tiên là phải nâng cao nhận thức trách nhiệm về công tác kiểm tra, giám sát, xử lý kỷ luật cán bộ, đảng viên. Đổi mới mạnh mẽ hơn nữa công tác đánh giá cán bộ quyết liệt và kịp thời xử lý những cán bộ đảng viên suy thoái không đủ năng lực phẩm chất chính là cách sàng lọc cán bộ hiệu quả nhất.
(Theo VOV)