Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Đảng ủy xã nhanh chóng triển khai, quán triệt đầy đủ các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch, kết luận của các cấp ủy Đảng đến đảng viên và nhân dân bằng nhiều hình thức: học tập, sinh hoạt chuyên đề, báo cáo thời sự và nhiều kênh thông tin, cổ động trực quan… Qua đó, tư tưởng cán bộ, đảng viên, nhân dân ổn định, niềm tin vào đường lối lãnh đạo của Đảng được củng cố và nâng lên, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, hành động, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Để đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Mù Cang Chải lần thứ XIX và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ V nhiệm kỳ 2020 - 2025, trong nửa nhiệm kỳ qua, Đảng ủy xã đã chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm và đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển hạ tầng giao thông nông thôn...
Nổi bật trong lãnh đạo phát triển kinh tế ở Hồ Bốn là sự linh hoạt, chủ động khai thác điều kiện tự nhiên về đất đai, khí hậu đặc thù từng tiểu vùng khí hậu để phát triển các loại cây trồng khác nhau; trong đó, có những loại cây trồng đặc sản chỉ thích hợp với đặc thù ở từng thôn, bản.
Bí thư Đảng ủy xã cho biết: "Hồ Bốn có 5 bản, mỗi bản đang phát triển một loại cây trồng đặc trưng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đơn cử như tại bản Háng Á trồng được 3 ha dưa Mông, giá trị kinh tế đạt 150 triệu đồng/ha; cây su su, gừng trồng được 5 ha tại bản Háng Đề Chu; chuối 3 ha, mía 5 ha tại bản Trống Là; mận đỏ 5 ha tại bản Trống Trở. Các loại cây trồng trên đạt giá trị kinh tế từ 120 - 150 triệu đồng/ha”.
Theo chia sẻ của Bí thư Đảng ủy xã, các loại cây trồng nêu trên đều có thể trồng tại cả 5 bản. Tuy nhiên, có những loại cây đặc thù chỉ thích hợp trồng ở một bản như dưa Mông trồng ở Háng Á sẽ ngọt hơn; mía, chuối lại chỉ thích hợp trồng ở bản Trống Là. Hồ Bốn cũng là địa phương duy nhất ở Mù Cang Chải có thể trồng được một số loại cây trồng khác như: mận đỏ, lạc đỏ, ngô mini đem lại giá trị kinh tế cao, góp phần xóa đói giảm nghèo.
Ông Giàng A Hồng - Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Trống Là cho biết: "Trống Là có 145 hộ thì có trên 50% hộ nghèo. Chi bộ xác định, muốn xóa đói giảm nghèo cho người dân thì cần phải phát triển các loại cây trồng đặc sản phù hợp với điều kiện của bản. Hiện nay, Trống Là đang có 5 ha mía, 3 ha chuối tiêu, 10 ha ngô nếp mini, 26 ha lúa Séng cù. Ngoài ra, bản còn có 15 mô hình chăn nuôi theo Nghị quyết 69 HĐND tỉnh. Đây là những thế mạnh trong phát triển kinh tế mà Chi bộ sẽ tiếp tục vận động nhân dân thực hiện trong thời gian tới”.
Với 95% dân số là người Mông, việc quan tâm đến đời sống tinh thần, văn hóa của nhân dân cũng được Đảng bộ xã đặc biệt quan tâm. Trong đó, Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và thực hiện nếp sống văn hóa được duy trì và có bước phát triển khả quan, đẩy lùi hủ tục.
Hiện nay, xã Hồ Bốn đã xây dựng được hệ thống thiết chế văn hóa khá đồng bộ, thu hút nhân dân đến vui chơi, giải trí, hưởng thụ văn hóa, rèn luyện thân thể và cả 5 bản đều có nhà văn hóa; hàng năm, có trên 80% số hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa; có từ 80% đến 85% bản đạt chuẩn văn hóa; có 2/5 bản đạt chuẩn bản hạnh phúc.
Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, Hồ Bốn tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện cho các hộ dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Tận dụng diện tích đất để trồng các loại rau, cây ăn quả có giá trị, đáp ứng một phần nhu cầu thực phẩm cho nhân dân và từng bước hình thành nông nghiệp hàng hóa. Phát triển chăn nuôi ở quy mô hợp lý, có giá trị kinh tế cao, ít ô nhiễm môi trường và phát triển nông nghiệp gắn với phát triển giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp đến năm 2025 đạt 1,5 tỷ đồng.
Anh Dũng