Bàn về chất lượng sinh hoạt chi bộ nông thôn

  • Cập nhật: Thứ ba, 15/4/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Tôi đang sinh hoạt ở một chi bộ nông thôn, đồng thời lại có dịp tìm hiểu hoạt động của một số chi bộ thôn bản ở huyện Lục Yên tỉnh Yên Bái. Qua đó tôi thấy, một số việc nên bàn sâu hơn, đó là chất lượng sinh hoạt chi bộ.

Điều lệ Đảng quy định: “Chi bộ, chi ủy họp thường lệ mỗi tháng một lần”. Việc này, chi bộ nào định ra ngày “Đảng nhật” tức là xác định ngày họp cố định thì chi bộ đó sinh hoạt đều. Như chi bộ thôn Thâm Pồng, xã Yên Thắng, có 26 đảng viên, đã định ra ngày “Đảng nhật” là sáng mùng 5 hàng tháng. Từ ngày có “Đảng nhật”, đảng viên chủ động bố trí công việc tránh được tình trạng ngày họp, chi bộ và ban chi ủy phải đi báo họp như trước mà mỗi kỳ sinh hoạt đã đông đủ hơn, không có buổi họp nào phải hoãn vì số lượng không quá bán.

 

Những chi bộ không xây dựng “Đảng nhật” thì thường 2 – 3 tháng họp 1 lần. Có đồng chí bí thư chi bộ cho rằng: “Họp đều đặn hàng tháng không có việc gì đáng bàn. Công việc làm ăn tự mỗi người khắc lo liệu. Nếu có việc đột xuất, trưởng thôn đi thông báo đến từng nhà dân là xong...”. Có đảng viên vì mải mê làm ăn mà “quên” họp chi bộ. Có chi bộ ít đảng viên (5 – 7 đồng chí) thường khi nào có công việc đột xuất hoặc có nhiệm vụ cấp trên giao xuống mới tiến hành họp. Vậy có nên xây dựng “Đảng nhật” hay có cách nào duy trì họp chi bộ đều hàng tháng là việc cần bàn.

 

Nội dung sinh hoạt chi bộ chiếm vị trí quan trọng nhất. Trước mỗi kỳ họp, ban chi ủy thường họp trước để đánh giá sự lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của chi bộ trong 1 tháng và kiểm điểm những nội dung khác.

 

Những chi bộ đông đảng viên thường có khá đủ các đoàn thể trong cơ cấu ban chi ủy, nên việc nhận định, đánh giá đúng tình hình dễ dàng hơn, giúp cho cuộc họp chi bộ có chất lượng hơn. Ngược lại, chi bộ ít đảng viên, chỉ có 1 bí thư hoặc 1 bí thư, 1 phó bí thư thì các đồng chí đó phải nêu cao trách nhiệm hơn, đi đến nhà dân, gặp các cán bộ thôn, đến từng cánh đồng mới mong có được sự nhận xét, đánh giá đúng tình hình và mới đề ra được phương hướng sát hợp để chi bộ thảo luận.

 

Những năm gần đây, bí thư chi bộ đã có phụ cấp. Tuy ít, nhưng cũng là một nguồn động viên bí thư nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác. Một đảng viên từng thổ lộ: “Trước đây bí thư không có phụ cấp thì việc đi sâu xuống dân và kiểm tra, đôn đốc có phần chểnh mảng. Còn bây giờ có phụ cấp, bí thư làm việc hăng hái và có trách nhiệm cao hơn. Vậy chất lượng sinh hoạt chi bộ phụ thuộc một phần quan trọng vào hoạt động của chi ủy. Một khi chi ủy đưa ra được những nội dung cụ thể, sát thực, gợi mở nhiều hướng thảo luận thì cuộc họp hào hứng, sôi nổi, đảng viên dễ dàng tham gia đóng góp ý kiến xây dựng nghị quyết để qua đó không những nắm được toàn diện tình hình sản xuất, đời sống, an ninh, tình hình chi bộ mà còn phát huy được vai trò của mình trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị ở cơ sở”.

 

Việc triển khai nghị quyết chi bộ ra quần chúng cũng cần đề cập. Trước đây đã có khá nhiều chi bộ phân công đảng viên phụ trách quần chúng và một số duy trì họp thôn, họp các đoàn thể quần chúng ngay sau cuộc họp chi bộ để triển khai nghị quyết ra toàn dân. Nhưng gần đây nhiều chi bộ không còn giữ được nền nếp đó. Do đó, có những việc rất cần phổ biến trong dân như lịch thời vụ, các chỉ tiêu về chuyển đổi cây trồng, vật nuôi... không kịp thời phổ biến đến toàn dân, làm ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch của cơ sở. Ngày nay nhiều xã, nhiều thôn bản đã có hội trường, nhà văn hóa, có hệ thống loa đài, truyền thanh, có bảng tin công cộng ..

 

Vậy, mỗi cơ sở có thể khai thác các lợi thế trên đây, lồng ghép các hình thức thông tin tuyên truyền như hội nghị, truyền thanh, viết bảng tin, hoạt động văn hóa, văn nghệ, đưa sách, báo ra hội trường nơi công cộng để nhiều người tự tìm đọc... nhằm phổ biến đến toàn dân mọi đường lối, chính sách, pháp luật, chỉ thị, nghị quyết một cách hiệu quả thì công tác lãnh đạo của chi bộ mới mang lại hiệu quả thiết thực.         

 

Hoàng Xuân Khánh

Các tin khác

YBĐT - Đảng bộ xã Viễn Sơn huyện Văn Yên (Yên Bái) có 93 đảng viên sinh hoạt tại 10 chi bộ trực thuộc. Nhờ làm tốt công tác kiểm tra, giám sát theo đúng quy định của Điều lệ Đảng, nên những năm qua, đặc biệt là năm 2007, tổ chức cơ sở Đảng ở vùng sâu Viễn Sơn luôn giành được những kết quả cao trong công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng.

Một cơ sở chăn nuôi gà trên địa bàn phường Đồng Tâm.

YBĐT - Những năm qua, Đảng bộ phường Đồng Tâm đặc biệt chú trọng làm tốt công tác củng cố, xây dựng tổ chức Đảng cơ sở trong sạch vững mạnh. Năm 2007, 17/17 chi bộ Đảng đạt trong sạch vững mạnh, Đảng bộ phường nhiều năm giữ vững danh hiệu Đảng bộ trong sạch vững mạnh; đội ngũ cán bộ, đảng viên không ngừng lớn mạnh.

YBĐT - Với 85 đảng viên, sinh hoạt ở 7 chi bộ, nhiều năm qua Đảng bộ Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Yên Bái luôn là một tập thể đoàn kết, phát huy dân chủ, chủ động sáng tạo trong việc lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành.

Đảng viên ở các xã vùng sâu, vùng xa của huyện Yên Bình, duy trì việc đọc báo trong các buổi sinh hoạt Đảng ở cơ sở.

YBĐT - Trong công tác giáo dục chính trị tư tưởng được Đảng bộ xã Phúc An, huyện Yên Bình (Yên Bái) đặt lên hàng đầu, Đảng bộ chú trọng tổ chức cho cán bộ, đảng viên, hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; cuộc thi “Tự hào truyền thống quê hương Yên Bái”; tìm hiểu về “Truyền thống xây dựng và trưởng thành của Đảng bộ huyện Yên Bình”...; tổ chức bước 3 thực hiện khảo sát tình hình nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ và triển khai một số nội dung học tập khác đạt chất lượng cao.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục