Một số vấn đề rút ra qua công tác kiểm tra, thi hành kỷ luật trong Đảng
- Cập nhật: Thứ tư, 3/12/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Năm 2008 là năm thứ ba thực hiện Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam về công tác kiểm tra, giám sát của Đảng và ủy ban kiểm tra các cấp, công tác khen thưởng, kỷ luật trong Đảng, là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương khóa X về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng.
Trong mấy năm qua, Đảng bộ Khối cơ quan Dân chính Đảng tỉnh; các cấp ủy Đảng, ủy ban kiểm tra (UBKT) các cấp đã tổ chức triển khai quán triệt, học tập và thực hiện nghiêm túc có hiệu quả thiết thực. Trong lãnh đạo, chỉ đạo có nhiều đổi mới và đạt được những kết quả quan trọng, góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, tăng cường kỷ cương, kỷ luật, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.
Hơn hai năm qua, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối đã tổ chức kiểm tra định kỳ theo chương trình kế hoạch được 7 tổ chức cơ sở Đảng; kiểm tra theo chuyên đề về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chuyên đề về thực hiện cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" theo kế hoạch của tỉnh được 9 đơn vị. UBKT Đảng ủy Khối đã tiến hành kiểm tra, giám sát định kỳ theo 6 nhiệm vụ quy định của Điều lệ Đảng được 8 cơ sở.
Đối với 55 chi, Đảng bộ cơ sở trực thuộc Đảng ủy khối; trong đó có 29 UBKT cơ sở và 194 chi bộ trực thuộc Đảng bộ cơ sở, các cấp ủy và nhiều đơn vị cũng đã tổ chức khá tốt công tác kiểm tra, giám sát thường xuyên và một số cuộc kiểm tra theo chương trình kế hoạch hàng năm.
Qua tự kiểm tra và kiểm tra của các cấp ủy, UBKT cơ sở, cấp ủy, ủy ban kiểm tra cấp trên, toàn Đảng bộ Khối năm 2008 đã có 13 đảng viên và 4 cấp ủy phải xem xét thi hành kỷ luật. Từ thực tiễn thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, thi hành kỷ luật trong Đảng, một số vấn đề rất quan trọng cần rút ra để làm tốt công tác kiểm tra, thi hành kỷ luật trong thời gian tới.
Một là: Công tác kiểm tra thực chất là công tác đấu tranh tư tưởng, nhưng đấu tranh một cách trực diện đối với những đối tượng cụ thể, chứ không phải đấu tranh chung. Trong thực tế công tác kiểm tra đã cho thấy cuộc đấu tranh đó thường diễn ra giữa cán bộ kiểm tra với đối tượng bị kiểm tra, giữa đối tượng bị kiểm tra với tổ chức Đảng trực tiếp và các đảng viên xung quanh. Đồng thời nó còn diễn ra ngay trong bản thân những người tham gia kiểm tra và xét xử. Đây là vấn đề đặt ra để mỗi đối tượng đưa ra câu hỏi, câu trả lời phải làm gì và làm như thế nào cho đúng quy định, đúng Điều lệ Đảng, đúng pháp luật. Thực chất đi vào kiểm tra một đảng viên, hoặc một tổ chức của Đảng chúng ta thường gặp phải nhiều vấn đề phức tạp, nó có nhiều mặt, nhiều nguyên nhân, nhiều mối quan hệ khác nhau, nó biểu hiện ra bằng nhiều hiện tượng muôn hình, muôn vẻ.
Vì vậy khi kiểm tra phải có quan điểm, lập trường vững vàng, phải xem xét kỹ từng việc, từng vấn đề để tìm ra bản chất của vấn đề, đồng thời phải có cách nhìn thấu đáo giữa hiện tượng và bản chất, bởi vì không phải bao giờ giữa hiện tượng và bản chất cũng thống nhất với nhau. Đặc biệt là những đối tượng, những phần tử cơ hội, lợi dụng, vi phạm quy định, Điều lệ của Đảng, chính sách của Nhà nước thường hay có những biểu hiện che giấu, bưng bít những động cơ những việc làm xấu đó, nhưng bên cạnh đó họ lại thường có được những động tác, những hành vi, việc làm khéo lôi kéo được quần chúng ủng hộ, đồng tình khi có lợi ích. Nếu ta chỉ mới nghe họ, nhìn thấy một số việc làm của họ thì mới chỉ là hiện tượng bề ngoài mà không xem xét kỹ các nguyên nhân trực tiếp, gián tiếp, chủ quan, khách quan, xem xét mối quan hệ trên, dưới, trong, ngoài, hiện tại, quá khứ tới tương lai thì không giải quyết được thấu đáo vấn đề kiểm tra.
Người làm công tác kiểm tra phải có kinh nghiệm chuyên môn của công tác kiểm tra, có vốn sống thực tiễn, có cách nhìn toàn diện, khách quan, trung thực, có thái độ nhẫn nại, kiên quyết, đi sâu tìm hiểu thực tế công việc kiểm tra, đối tượng kiểm tra, thẩm tra, xác minh phân tích kỹ tình hình thì mới tìm ra bản chất của vấn đề và mới đi tới đích. Mục đích của kiểm tra không phải là để kỷ luật, mà mục đích của kiểm tra là làm cho đơn vị cá nhân được kiểm tra mạnh lên; đồng thời kiểm tra để ngăn chặn, răn đe và giáo dục sửa chữa những khuyết điểm và phát huy ưu điểm để xây dựng đơn vị mạnh lên.
Hai là: Công tác kiểm tra của Đảng là công tác Đảng, là sinh hoạt nội bộ của Đảng. Vì vậy khi tiến hành kiểm tra phải giữ đúng nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng, đúng tính chất công tác Đảng. Do vậy khi kiểm tra phải dựa vào tổ chức Đảng, phải phát huy được tinh thần tự giác của tổ chức Đảng và từng đảng viên, phát huy được trách nhiệm xây dựng Đảng của quần chúng. Bởi lẽ tổ chức Đảng là nơi giáo dục, rèn luyện, quản lý đảng viên và chính cũng ở nơi đó thì mọi đảng viên mới có điều kiện để bày tỏ, thổ lộ hết tâm tư, nguyện vọng, ưu điểm, khuyết điểm của mình với tổ chức.
Vậy chỉ khi sự tự giác, tự nguyện của mỗi đảng viên, tổ chức Đảng nhận ra, nhận đúng bản chất của vấn đề, của sự việc thì kết quả kiểm tra mới đạt được mục đích công tác xây dựng Đảng.
Ba là: Điều tối kỵ trong công tác kiểm tra là không được cường điệu hóa thành tích, khuyết điểm, sai lầm, kết luận vấn đề một cách chụp mũ hoặc là nặng về trách nhiệm cá nhân mà không thấy hết trách nhiệm của lãnh đạo, của tập thể, không thấy hết sai lầm chủ quan của cá nhân.
Bốn là: Việc xử lý kỷ luật phải tuân thủ các nguyên tắc (gồm 14 nguyên tắc cơ bản chủ yếu) theo quy định của Trung ương và khi xử lý kỷ luật phải đạt được mục đích là nhằm giữ vững sự thống nhất ý chí và hành động, giữ vững kỷ cương, kỷ luật, tăng cường sức chiến đấu của Đảng và giáo dục đảng viên. Bảo đảm cho kỷ luật của Đảng thực sự là kỷ luật sắt. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "... Đảng là một tổ chức tiên phong. Vì vậy có những đường lối, chính sách đưa ra thực hành trong dân, nếu kém ý thức tổ chức là làm cho lực lượng Đảng ta yếu đi một phần. Đảng ta gồm những người con ưu tú trong công nhân, nông dân, trí thức và các tầng lớp khác; già có, trẻ có, trai có, gái có, có hàng chục vạn đảng viên. Muốn mọi chính sách của Đảng thực hiện được thì phải có kỷ luật. Kỷ luật của Đảng là tự nguyện, tự giác; đã tự nguyện, tự giác là kỷ luật sắt, rất nghiêm. Tất cả đảng viên, già trẻ, trên dưới đều phải tuân theo". "Đối với người kiểm tra nếu tổ chức việc kiểm tra cho chu đáo thì cũng như ngọn đèn "pha", bao nhiêu tình hình, bao nhiêu ưu điểm và khuyết, bao nhiêu cán bộ chúng ta đều thấy rõ".
Hán Văn Luân
Các tin khác
YBĐT - Trong hai ngày 27 và 28/11/2008, Đảng ủy Khối cơ quan Dân chính Đảng tỉnh Yên Bái đã tổ chức lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Đảng cho 61 đồng chí bí thư và cấp ủy viên cơ sở thuộc 17 Đảng bộ cơ sở trong Khối.
YBĐT - Đảng bộ phường Nguyễn Thái Học (TP Yên Bái - Yên Bái) nhiều năm liền đạt danh hiệu Đảng bộ trong sạch vững mạnh xuất sắc. Đảng bộ luôn chú trọng đến công tác xây dựng Đảng, coi đây là một công tác trọng tâm trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
YBĐT - Trong khi vai trò lãnh đạo của Đảng trong công ty cổ phần ở một số doanh nghiệp chưa rõ nét, hiệu quả lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh chưa cao, thì ở Công ty cổ phần Xây dựng số 2 Yên Bái, Đảng bộ đã khẳng định rõ vai trò lãnh đạo của mình với doanh nghiệp. Sự lớn mạnh của doanh nghiệp về mọi mặt, thời gian qua, không tách rời sự lãnh đạo của tổ chức Đảng…
YBĐT - Trong triển khai thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” năm 2008, công tác tuyên truyền được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, đã diễn ra bằng nhiều hình thức sinh động trong thời gian qua.