Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ một khâu cơ bản trong nâng cao chất lượng xây dựng Đảng

  • Cập nhật: Thứ tư, 25/2/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Chi bộ là hạt nhân lãnh đạo, là nơi đưa mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng vào cuộc sống; là nơi trực tiếp tập hợp, vận động quần chúng thực hiện các nhiệm vụ chính trị và lắng nghe những ý kiến, tâm tư, nguyện vọng chính đáng và hợp pháp của nhân dân để tiếp thu, phản ánh với cấp có thẩm quyền kịp thời có những chủ trương, chính sách; đáp ứng nguyện vọng của nhân dân và thực tế đang đặt ra, bởi muốn chính sách đi vào cuộc sống, trước hết phải đưa được cuộc sống vào chính sách.

Từ trước đến nay, Đảng ta luôn chú trọng việc xây dựng chi bộ, lấy việc nâng cao chất lượng đảng viên và sức chiến đấu của chi bộ làm một khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng. Chúng ta đã rất cố gắng tự đổi mới, xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Trung ương cũng đã có hướng dẫn quy định tính chất, nhiệm vụ, hoạt động của các loại hình tổ chức cơ sở Đảng như chi bộ cơ quan, doanh nghiệp, đường phố, nông thôn. Những kết quả của công tác xây dựng Đảng được đo bằng kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị hàng năm với nhiều điểm mấu chốt như: các chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội đều đạt và vượt, chính trị ổn định, an ninh quốc phòng được đảm bảo, các vấn đề xã hội được quan tâm từng bước giải quyết tốt hơn, nhất là khi phải trải qua những biến cố lớn.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy còn nhiều việc phải làm để nâng cao hơn nữa chất lượng sinh hoạt chi bộ. Có thể khẳng định về chính trị thì chắc các chi bộ đều không thể có đảng viên có vấn đề, quan điểm trái với đường lối của Đảng. Về tư tưởng thì do trình độ khác nhau, cách tiếp cận khác nhau, mức độ hiểu sâu các chủ trương, chính sách của Đảng khác nhau nên còn có thể có nhận thức khác nhau. Điều đáng quan tâm nhất là về tổ chức, trong đó việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ còn nhiều việc đáng bàn. Đối với chi bộ đường phố, tỷ lệ đảng viên khá đông. Do đặc thù của loại hình chi bộ đường phố nên có nơi tới 80% – 90% đảng viên là cán bộ hưu hoặc nghỉ theo chế độ mất sức.

 Tổ chức quần chúng thì thanh niên chỉ còn vài ba người do không học hành đến nơi đến chốn, chưa đi học, đi làm ở đâu thì làm sao đóng được vai trò là “cánh tay đắc lực” của chi bộ? Hội nông dân cũng chiếm tỷ lệ rất ít, nguồn sống chính của họ là làm dịch vụ như: rửa xe, bán hàng… Hội cựu chiến binh và hội người cao tuổi thì đều thuộc diện tuổi cao sức yếu, chỉ còn hội phụ nữ là tương đối sung sức, tương đương với tổ chức hội ở nông thôn. Phân tích những đặc điểm này không phải là hạ thấp vai trò của các tổ chức mà liên hệ với khu vực nông thôn để thấy cái khó của chi bộ đường phố trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị.

Nếu ở nông thôn, 100% các công dân đều do cấp ủy, chính quyền địa phương quản lý, lãnh đạo thì ở đường phố, có đến một nửa là cán bộ, công chức. Họ có nghĩa vụ thực hiện nhiệm vụ của chi bộ, cơ quan giao là chính và chỉ tham gia sinh hoạt với địa phương, gương mẫu chấp hành chính sách, hoàn thành nghĩa vụ theo quy định. ở nông thôn, việc lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ kinh tế khá rõ ràng và xuyên suốt, đảm bảo chi bộ phải lãnh đạo nhưng ở đường phố, có đến 80% số gia đình sống bằng lương công chức, viên chức hoặc phụ cấp hưu trí, mất sức; số còn lại sống bằng nhiều nguồn thu như lập doanh nghiệp tư nhân, dịch vụ, buôn bán... Vì thế, định hướng của chi bộ cũng hết sức chung chung, làm sao có thể xác định được mức phấn đấu để thu nhập đầu người đạt mấy triệu đồng mỗi năm? Từ khâu mấu chốt là phát triển kinh tế, khó có được mục tiêu cụ thể (trong khi hầu hết đảng viên là hưu trí, mất sức) nên sinh hoạt chi bộ chủ yếu kiểm điểm và bàn việc chấp hành chính sách, trật tự, vệ sinh, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường, hòa giải mâu thuẫn nội bộ nhân dân...

Trong các chi bộ đường phố, nhiều gia đình có tới 2 – 3 đảng viên nhưng do nội dung sinh hoạt chưa thật thiết thực nên không ít trường hợp chỉ cử “đại diện” đi họp (vì đi đủ cũng không có chỗ họp nếu những phố chưa có nhà văn hóa mà phải họp nhờ nhà dân). Điều đó làm cho tính nghiêm túc và sức chiến đấu của chi bộ trong sinh hoạt bị hạn chế. Có nơi sinh hoạt đều kỳ chỉ nặng về hình thức để duy trì cho đúng Điều lệ, tính chiến đấu chưa cao. Đơn cử như việc kinh doanh internet, Nhà nước quy định không được quá 24h nhưng không ít trường hợp cho thanh thiếu niên vào chơi thâu đêm đến sáng, các đảng viên ở cùng phố chắc đều biết nhưng sao vẫn tồn tại? Hay những tụ điểm dịch vụ có mại dâm, ma túy, thậm chí dùng cả thuốc lắc cũng chỉ do công an khám phá, bắt giữ chứ đã có bao nhiêu đảng viên phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn được?...

Ở nông thôn cũng có một số nơi trong một chi bộ trực thuộc cơ sở hầu hết là anh em, con cháu trong một họ. Trong trường hợp đó, có khi con làm bí thư nhưng bố là đảng viên vẫn giữ trịch “bề trên” trong sinh hoạt. Cần phải “gột rửa” tư tưởng ấy.

Những chuyện cần bàn để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ còn nhiều. Chúng ta đang đẩy mạnh cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, tin rằng, các chi bộ sẽ có những việc làm thiết thực, cụ thể để nâng cao chất lượng sinh hoạt và sức chiến đấu của chi bộ.

Ngân Hà

Trạm Tấu: Phấn đấu kết nạp mới 100 đảng viên

Năm 2009, Đảng bộ Trạm Tấu phấn đấu kết nạp mới 100 đảng viên. Để thực hiện mục tiêu này, Ban Tổ chức Huyện ủy yêu cầu các chi, Đảng bộ cơ sở cần nắm vững và thực hiện đúng phương châm, phương hướng, tiêu chuẩn, điều kiện tạo nguồn phát triển đảng viên mới; nguyên tắc, thủ tục kết nạp đảng viên và công nhận đảng viên chính thức. Các cấp ủy xây dựng kế hoạch kết nạp đảng viên mới theo từng năm; khảo sát, phân tích chất lượng quần chúng để xây dựng kế hoạch tạo nguồn; tuyên truyền, giáo dục và chỉ đạo các tổ chức quần chúng, nhất là Đoàn TNCS Hồ Chí Minh giáo dục, lựa chọn đoàn viên, hội viên ưu tú; giao nhiệm vụ cho quần chúng để thử thách; phân công đảng viên chính thức giúp đỡ quần chúng; định kỳ hàng tháng xem xét, lựa chọn quần chúng ưu tú, xét đề nghị cho đi học lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng. Đối với các Đảng bộ khối nông thôn, hướng lựa chọn đối tượng có trình độ văn hóa, đối tượng là phụ nữ, cán bộ y tế, giáo viên, đặc biệt chú trọng đến các thôn, bản ít đảng viên.

Thu Hằng

Các tin khác

YBĐT - Từ tháng 8 năm 2007 trở về trước, khi nhắc đến xã Cảm Nhân (Yên Bình - Yên Bái) là nhớ tới ngay một Đảng bộ yếu kém, đời sống nhân dân khó khăn, nhiều tệ nạn xã hội... Trong hai năm 2005 - 2006, nhiều chỉ tiêu Nhà nước giao đều không đạt và Đảng bộ xã xếp loại yếu kém. Nhưng nay, Cảm Nhân đã có chuyển biến mạnh mẽ, tạo bước đột phá trên mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội. Điều gì khiến Cảm Nhân thay đổi như vậy?

YBĐT - Đảng bộ Quân sự huyện Lục Yên (Yên Bái) đã có nhiều chuyển biến tích cực sau 2 năm thực hiện cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Cuộc vận động đã thực sự đi vào cuộc sống của cán bộ, đảng viên, chiến sỹ lực lượng vũ trang huyện, mang lại hiệu quả thiết thực, tạo động lực mạnh mẽ củng cố niềm tin của quần chúng đối với Đảng, góp phần nâng cao sức chiến đấu của Đảng bộ, chất lượng chính trị của lực lượng vũ trang (LLVT): 100% cán bộ, đảng viên có phẩm chất đạo đức tốt, lối sống trong sạch lành mạnh, thực hiện tốt nhiệm vụ chức trách được giao.

YBĐT - Hiện nay, Đảng bộ Văn Chấn (Yên Bái) có 65 Đảng bộ, chi bộ cơ sở với 6.243 đảng viên. Đảng bộ huyện nhiều năm liền có số lượng đảng viên mới kết nạp cao nhất so với các Đảng bộ trực thuộc tỉnh. Năm 2008, Đảng bộ huyện Văn Chấn đã kết nạp 379 đảng viên mới, bằng 126,33% kế hoạch, tăng 2,71% so với năm 2007.

YBĐT - Thành phố là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học kỹ thuật của tỉnh Yên Bái. Trong nhiều năm qua, Đảng bộ thành phố đã có những chuyển biến mạnh mẽ, sâu sắc hầu hết ở các lĩnh vực, đặc biệt là sau hai năm thực hiện cuộc vận động lớn: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Thành phố đã thu được những kết quả đáng phấn khởi trên các lĩnh vực của đời sống chính trị – xã hội, nhất là trong cải cách hành chính, chống quan liêu, tham ô, lãng phí và thực hành tiết kiệm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục