Vấn đề xây dựng Đảng trong doanh nghiệp ngoài quốc doanh: Cần có biện pháp, nghị quyết cụ thể

  • Cập nhật: Thứ hai, 27/4/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Vấn đề xây dựng Đảng trong doanh nghiệp ngoài quốc doanh là một vấn đề lớn. Trong bài viết này, tôi chỉ xin đề cập một vài ý về xây dựng tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp, công ty trách nhiệm hữu hạn. Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) là doanh nghiệp nằm trong loại hình doanh nghiệp tư nhân do gia đình tự bỏ vốn đầu tư sản xuất kinh doanh.

Công nhân Công ty TNHH Yên Phú (Yên Bình) vận hành dây chuyền sản xuất bao bì. (Ảnh: Quang Thiều)
Công nhân Công ty TNHH Yên Phú (Yên Bình) vận hành dây chuyền sản xuất bao bì. (Ảnh: Quang Thiều)

Đã nhiều năm qua, thành phố Yên Bái thực hiện Chỉ thị số 07 – CT/TW ngày 23/11/1996 của Bộ Chính trị ban hành về việc “Tăng cường công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể trong các doanh nghiệp tư nhân” nói chung và công ty TNHH nói riêng nhưng xem ra còn nhiều vấn đề cần xem xét!

Một vài thực trạng của công tác xây dựng Đảng trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh

Tơí Công ty TNHH Tuổi Trẻ, một trong những doanh nghiệp tư nhân tiêu biểu trong phong trào thanh niên chuyên sản xuất các loại vật liệu xây dựng, bê tông đúc sẵn trong cụm công nghiệp Đầm Hồng (thành phố Yên Bái), đúng hôm Giám đốc Lê Thanh Tâm đi vắng. Chỉ còn chị kế toán Công ty là vợ anh ở nhà. Để tiện làm việc chị cho số điện thoại điện cho giám đốc. Thấy có ý muốn tìm hiểu công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể trong Công ty, anh nói vẻ không hào hứng: “Cứ hỏi vợ mình là nắm được hết. Trước Công ty có cả công đoàn, Đoàn thanh niên nhưng do lao động toàn ở xa, dưới xuôi lên hợp đồng thời vụ vài tháng một nên không hoạt động được lại thôi”. Nghe hỏi sao không vào Đảng, anh cười: “Mình chưa đủ tư cách, thôi để hẹn hôm khác gặp nhau nhé!”

Ông Nguyễn Duy Vượng – Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất, Thương mại và Xây dựng cũng đóng tại Đầm Hồng đã từng đi bộ đội và được kết nạp Đảng trong quân đội. Năm 1994, ông xin ra khỏi Đảng làm doanh nghiệp tư nhân với lý do: “Không vì gì cả đâu mà mình muốn tập trung thời gian cho làm ăn. Còn mình cũng bảo anh em cứ cố gắng phấn đấu đi, nếu phấn đấu tốt mình sẽ gửi sang chi bộ ở Công ty bạn trong khu công nghiệp hoặc địa phương để kết nạp”. Hiện Công ty đang có 22 cán bộ, công nhân với 8 cán bộ hành chính còn lại là công nhân. Ông Vượng lý giải, Công ty vẫn chưa có tổ chức Đảng, đoàn thể do mải bận sản xuất cũng như công nhân đi công trường thường xuyên không có điều kiện hoạt động nên chưa thành lập.

Qua tìm hiểu của một số cán bộ, công nhân Công ty TNHH Sản xuất Thương mại và Xây dựng cho thấy, hầu hết cán bộ, công nhân đều muốn tham gia tổ chức công đoàn và Đoàn thanh niên nếu được hợp đồng lâu dài. Chị Nguyễn Thị Huệ – phụ trách nhà máy, kiêm kế toán Công ty, năm nay 27 tuổi, tâm sự: “Em rất muốn có tổ chức Đoàn để tham gia cho sôi nổi, giao lưu học hỏi và có môi trường phấn đấu vào Đảng”. Còn anh Vũ Văn Tài, 42 tuổi, công nhân tổ máy cán tôn, quê Hà Nam lên làm việc tại công ty bộc bạch: “Nếu được làm việc lâu dài tại Công ty, có tổ chức công đoàn, mình sẽ tham gia và phấn đấu vào Đảng”. 

Tổng công ty TNHH Hoà Bình Minh được coi là một trong số các doanh nghiệp có đông đảng viên với 23 người thành lập từ năm 2004 đến nay, đã qua hơn 4 năm không phát triển được thêm đảng viên nào. Ông Bùi Minh Lực – Bí thư chi bộ, Giám đốc công ty nói rằng: “Từ khi thành lập đến nay, Công ty đã cử 2 đợt 12 quần chúng ưu tú đi học cảm tình Đảng. Nhưng do quần chúng không thiết tha, không có động cơ phấn đấu nên không kết nạp được đảng viên nào. Chi bộ sinh hoạt khi đầu tháng, lúc cuối tháng tuỳ theo công việc kinh doanh”. 

Ông Đào Tiến Dũng – Trưởng ban Tổ chức Thành uỷ Yên Bái thừa nhận, từ trước đến nay, Thành uỷ chưa khảo sát cũng như có nghị quyết chuyên đề nào về phát triển Đảng trong doanh nghiệp tư nhân cũng như công ty TNHH. Số lao động làm việc ở khoảng 150 doanh nghiệp trong thành phố Yên Bái không phải là ít, nhưng một điều thật đáng suy nghĩ: Đảng của giai cấp công nhân mà các nhà máy, xí nghiệp người công nhân không muốn vào Đảng hay người ta chưa hiểu về Đảng, chưa thấy tổ chức Đảng là nơi đấu tranh mang lại quyền lợi cho giai cấp công nhân... Và một điều đáng suy nghĩ nữa: Trước đây khi chưa giành được chính quyền, Đảng ta đã có những biện pháp tuyên truyền, vận động để công nhân giác ngộ tình nguyện xin vào Đảng.

Thời kỳ khó khăn như thế mà ta làm được, nay thuận lợi hơn nhiều mà cả một đội ngũ công nhân đang làm việc ở các doanh nghiệp, mà hơn chục năm nay Đảng bộ thành phố chưa khảo sát, chưa có biện pháp gì để có nghị quyết, biện pháp xây dựng tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp. Do vậy như ông Nguyễn Duy Vượng - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất, Thương mại và Xây dựng nói: “Công ty đi vào hoạt động từ năm 2007 đến nay, chưa thấy tổ chức Đảng cũng như đoàn thể nào của thành phố đến hỏi cũng như vận động vào các tổ chức chính trị”. Bởi đã nhiều năm nay, ngoài hai công ty là  Tổng công ty TNHH Hoà Bình Minh và Công ty TNHH Tư vấn, Đầu tư xây dựng tự đến đặt vấn đề thành lập chi bộ, thành phố chưa phát triển được thêm chi bộ nào trong các công ty TNHH.

Chế biến gỗ rừng trồng tại Doanh nghiệp Tuấn Hưng ở thị trấn Yên Bình (Yên Bình).

Cần có biện pháp, nghị quyết cụ thể

Thực trạng trên cho thấy, một trong những nguyên nhân dẫn tới công tác xây dựng Đảng cũng như tổ chức đoàn thể trong các công ty TNHH ở thành phố Yên Bái còn có những khó khăn là do giám đốc các công ty người “không muốn vào” Đảng, người “xin ra”, người vào “lãnh đạo cầm chừng”; dù không nói ra, nhưng họ đều cho rằng, vào Đảng cũng như thành lập các tổ chức đoàn thể nếu dành thời gian cho sinh hoạt, họp hành, triển khai nghị quyết sẽ ảnh hưởng đến thời gian sản xuất. Do vậy, hiện nay nếu Công ty nào có các tổ chức chính trị thì đều tổ chức sinh hoạt ngoài giờ sản xuất.

Thêm nữa, Đảng có chức năng vận  động cán bộ công nhân, doanh nghiệp thực hiện đúng đường lối, chính sách, pháp luật của Nhà nước nên sợ có Đảng viên, tổ chức Đảng, công đoàn trong Công ty sẽ bị giám sát, kiểm tra chặt chẽ khó trốn thuế, trốn nộp bảo hiểm xã hội và các quyền lợi khác của người lao động... Điều đó cho thấy các doanh nghiệp chưa hiểu được vai trò, vị trí của tổ chức Đảng, đoàn thể phát huy tốt sẽ tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển.

Nếu chi bộ doanh nghiệp ra nghị quyết đúng, cùng những chính sách hợp lý với giám đốc trong, khen thưởng, tăng lương... sẽ tạo ra sức lôi cuốn lớn với công nhân lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất. Đồng thời trong doanh nghiệp phải có tổ chức công đoàn, tổ chức Đoàn thanh niên để họ tổ chức các phong trào thi đua sản xuất, phong trào tự quản, phong trào nâng cao chất lượng sản phẩm và nhiều phong trào khác nữa... và có tổ chức đoàn thể họ mới được bảo vệ quyền lợi của người lao động trong doanh nghiệp. Do vậy, cần có tổ chức Đảng ở đây để lãnh đạo họ và cùng giám đốc doanh nghiệp không ngừng phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và năng suất lao động.

Cũng từ hoạt động của các đoàn thể công đoàn, Đoàn thanh niên tạo ra phong trào thi đua sôi nổi phát huy được sức trẻ động viên cán bộ hăng say sản xuất, tạo môi trường cho đoàn viên thanh niên, đoàn viên công đoàn phấn đấu vào Đảng. Nhưng hiện nay còn nhiều công nhân không muốn tham gia tổ chức đoàn thể và vào Đảng vì hiện nay việc làm thì ít, lao động thì nhiều, nếu họ đòi hỏi nhiều, giám đốc sẽ không hợp đồng làm nữa, họ sẽ mất việc. Do vậy, họ cam chịu phục tùng giám đốc. Dù có những doanh nghiệp không nộp bảo hiểm, họ cũng không dám đấu tranh.

Một số doanh nghiệp tính toán chỉ hợp đồng thời vụ để trốn đóng bảo hiểm cho công nhân. Rõ ràng hiện nay người lao động làm ở các doanh nghiệp TNHH, không có ai bảo vệ quyền lợi cho họ. Tất cả phục tùng giám đốc. Do vậy cần có tổ chức Đoàn thể và tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp. Vấn đề này trách nhiệm của các cấp bộ Đảng và các tổ chức đoàn thể chính trị cần có biện pháp cụ thể để bảo vệ quyền lợi người lao động.

 

Dây chuyền sản xuất giấy vàng mã ở Công ty cổ phần Chế biến nông lâm sản thực phẩm Yên Bái.

Đảng bộ thành phố Yên Bái cần tiến hành khảo sát xem trong các doanh nghiệp có bao nhiêu đảng viên, họ làm việc ở doanh nghiệp nhưng sinh hoạt Đảng ở khu phố, địa phương? Khi có đủ đảng viên thì cần tuyên truyền, vận động các đảng viên và bàn cụ thể với giám đốc doanh nghiệp để thành lập chi bộ. Đặc biệt cần chú ý đến vấn đề doanh nghiệp đảm bảo quyền lợi của người lao động như ký hợp đồng lao động dài hạn và đóng bảo hiểm xã hội…Đảng bộ thành phố cũng cần sớm có nghị quyết chuyên đề về phát triển Đảng và các đoàn thể trong doanh nghiệp tư nhân cũng như công ty TNHH và thành lập ban chỉ đạo để tổ chức thực hiện.

Nói về giải pháp  phát triển Đảng và đoàn thể trong công ty TNHH, trước hết Đảng bộ thành phố Yên Bái tiến hành làm tốt công tác tư tưởng, vận động giám đốc các công ty có quan điểm nhận thức đúng đắn về Đảng để phối hợp với địa phương nơi doanh nghiệp đóng chân bồi dưỡng kết nạp vào Đảng. Đồng thời để có đảng viên là cán bộ công nhân, thông qua nơi cư trú của họ như: tổ dân phố, bí thư cụm dân cư sẽ xem xét, bồi dưỡng kết nạp. Đảng cũng cần vận động giám đốc các doanh nghiệp thành lập các tổ chức đoàn thể trước, sau đó mới thành lập chi bộ. Bên cạnh đo, cùng các doanh nghiệp đang có các tổ chức đoàn thể kiện toàn lại hoạt động bồi dưỡng đoàn viên ưu tú tạo nguồn kết nạp Đảng. Một vấn đề nữa là Tỉnh ủy có thể nghiên cứu, xem xét thành lập Đảng ủy Khối doanh nghiệp để tổ chức Đảng này chuyên chăm lo công tác xây dựng Đảng trong các doanh nghiệp của tỉnh.

Xây dựng Đảng trong doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ngoài quốc doanh là một vấn đề rất hệ trọng của Đảng ta. Do vậy, các cấp ủy Đảng cần quan tâm và có các biện pháp, nghị quyết cụ thể về vấn đề này thì công tác xây dựng Đảng trong các doanh nghiệp mới phát triển được. 

 Minh Đức

Các tin khác

YBĐT - Đảng bộ phường Nguyễn Thái Học (thành phố Yên Bái) có 14 năm liền (1995 - 2008) được Thành uỷ Yên Bái công nhận đạt “Trong sạch vững mạnh” và “Trong sạch vững mạnh tiêu biểu”; được Tỉnh uỷ tặng cờ cho Đảng bộ đạt “Trong sạch vững mạnh tiêu biểu” 5 năm 2000 - 2006 và mới đây Đảng bộ tiếp tục được Tỉnh uỷ tặng Bằng khen Đảng bộ “Trong sạch vững mạnh tiêu biểu” 3 năm liền (2006 - 2008).

Đồng chí Lê Mạnh Hùng - Phó bí thư Tỉnh ủy làm việc tại xã Hồ Bốn (Mù Cang Chải).

YBĐT - Đó là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Lê Mạnh Hùng - Phó bí thư Tỉnh uỷ trong chuyến đi kiểm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ quý I tại huyện Mù Cang Chải trong ngày 21-22/4.

Gia đình chị Triệu Thị Liều ở thôn Nậm Chậu, xã Nậm Búng tham gia mô hình lúa vụ xuân năm 2009.

YBĐT - Thời gian qua, hệ thống chính trị của xã Nậm Búng, huyện Văn Chấn (Yên Bái) hoạt động rất yếu, một bộ phận cán bộ, đảng viên, lãnh đạo đoàn thể chưa gương mẫu thực hiện chủ trương, nghị quyết của cấp trên; làm việc quan liêu, chưa thường xuyên sâu sát cơ sở, tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; chưa thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở… dẫn đến tình trạng một bộ phận nhân dân ở thôn Sài Lương và Nậm Chậu không chấp hành chủ trương của tỉnh và của huyện, chống đối lại các doanh nghiệp vào đầu tư khai thác khoáng sản trên địa bàn, gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân trong xã.

Lãnh đạo Trường Quân sự tỉnh trao đổi với các học viên về công tác quân sự địa phương.

YBĐT - Trong khi các trường quân sự trên toàn Quân khu II chưa chú trọng tới việc phát triển Đảng trong học viên thì Đảng uỷ Trường Quân sự Yên Bái đã tập trung nghiên cứu, vận dụng và tham mưu cho tỉnh chỉ đạo việc xây dựng chi bộ, bồi dưỡng kết nạp học viên vào Đảng. Đến nay, trên toàn Quân khu II đã áp dụng, triển khai công tác phát triển Đảng trong học viên tới các nhà trường quân đội trên địa bàn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục