Công ty cổ phần Chè Trần Phú: Khó khăn trong tạo nguồn cho Đảng
- Cập nhật: Thứ năm, 12/11/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Nói đến công tác xây dựng, phát triển Đảng ở các doanh nghiệp phải kể đến những khó khăn không nhỏ xuất phát từ thực tế. Mỗi cơ sở có những khó khăn riêng nhưng nhìn chung đều bắt nguồn từ hoạt động sản xuất, kinh doanh đã chiếm gần như toàn bộ thời gian, vật chất cũng như các nguồn lực của doanh nghiệp. Điều này dẫn đến việc, công tác Đảng hầu như phải lồng ghép với các hoạt động khác nên đương nhiên, chất lượng sinh hoạt không cao.
Công nhân Công ty cổ phần Chè Trần Phú bốc xếp chè thành phẩm đưa đi xuất khẩu.
|
Mặt khác, do đặc thù riêng của nhiều doanh nghiệp nên nguồn cán bộ, quần chúng ưu tú để giới thiệu cho Đảng không phải lúc nào cũng có sẵn. Do vậy, mặc dù cấp ủy đã có nhiều nỗ lực nhưng công tác phát triển Đảng vẫn rơi vào tình trạng “lực bất tòng tâm”. Công ty cổ phần Chè Trần Phú (thị trấn Nông trường Trần Phú, huyện Văn Chấn) là một trong những ví dụ điển hình.
Là Đảng bộ có số lượng đảng viên khá đông, 82 đồng chí thuộc 7 chi bộ, số cán bộ, công nhân viên của Công ty hiện có 229 người với tuổi đời, tuổi nghề khá cao, còn số cán bộ, công nhân trẻ được tuyển mới rất hạn chế. Chính vì lí do này mà hiện nay doanh nghiệp thậm chí còn không có tổ chức Đoàn.
Nói về vấn đề này, ông Trần Văn Trung - Bí thư Đảng bộ, Giám đốc Công ty thở dài: “Từ khi thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp năm 2000, số cán bộ, công nhân, lao động dôi dư khá nhiều. Vẫn biết rằng “Đoàn là cánh tay phải của Đảng”, là nơi bồi dưỡng, giới thiệu cho Đảng những quần chúng ưu tú, thế nhưng, chúng tôi hiện không có tổ chức Đoàn vì có đủ số lượng đoàn viên đâu mà thành lập... Tuyển mới thêm cán bộ, công nhân trẻ thì rất ít và đại đa số theo dạng hợp đồng lao động. Cái khó là nguồn, không có con người thì dù có muốn đẩy mạnh công tác phát triển Đảng cũng đành chịu”.
Cũng theo lời tâm sự của ông Trung, một số quần chúng, cán bộ, công nhân của Công ty có tuổi đời trung bình cao, tư tưởng chưa thông đã nảy sinh tâm lý không có động lực để phấn đấu, không còn thiết tha được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Đối với công tác Đảng nói chung của doanh nghiệp, thuận lợi ít mà khó khăn lại rất nhiều, xuất phát từ đặc thù sản xuất, kinh doanh và hạn chế của cơ chế. Đơn cử một ví dụ, đặc thù của Công ty là sản xuất, kinh doanh theo mùa vụ, các chi bộ Đảng và đảng viên phần lớn rất xa nhau về vị trí địa lý (trên địa bàn hàng chục xã); có 7 chi bộ nhưng có đến 5 chi bộ ghép (từ 12 đội sản xuất) và phần lớn phải thực hiện sinh hoạt Đảng lồng ghép với sinh hoạt công đoàn, họp giao ban...
Mặt khác, hoạt động cũng không thường xuyên, liên tục, số lượng đảng viên không phải lúc nào cũng có thể triệu tập đông đủ. Do vậy, nội dung sinh hoạt nghèo nàn, thậm chí đơn điệu; việc tuyên truyền các đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các thông tin khác đến với đảng viên gặp nhiều hạn chế.
Đảng viên Hoàng Thị Thịnh, dân tộc Tày cho biết: “Là đảng viên, tôi cũng luôn suy nghĩ là làm thế nào để cố gắng hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, góp phần vào thành công chung của Công ty. Đối với những buổi sinh hoạt Đảng, do có nhiều bộ phận và mỗi bộ phận đảm trách những công việc khác nhau nên chúng tôi thường xuyên phải lồng ghép với các hoạt động khác. Vì vậy, nội dung không sâu, công tác Đảng chưa được quan tâm nhiều, đôi khi còn mờ nhạt”. Nhấn mạnh thêm về điều này, chị Thịnh đưa ra dẫn chứng, một số buổi sinh hoạt lồng ghép chủ yếu bàn về sản xuất, đời sống công nhân lao động, nói chung là những vấn đề liên quan đến “miếng cơm, manh áo” của người lao động, còn các nội dung về Đảng thì không mấy người quan tâm.
Với thực tế đáng lo ngại này, nên chăng, các cơ quan có thẩm quyền xem xét cho phép chuyển các chi bộ Đảng thuộc Đảng bộ Công ty về sinh hoạt tại các địa phương (các xã nơi chi bộ đóng quân)? Khi đó, mỗi địa phương, mỗi Đảng bộ sẽ có những hình thức sinh hoạt đa dạng hơn, sát với thực tế và sát với đời sống đảng viên hơn để từ đó nâng cao hiệu quả, chất lượng sinh hoạt. Đó cũng chính là nguyện vọng mà Đảng bộ Công ty cổ phần Chè Trần Phú mong muốn. Còn việc không có tổ chức Đoàn thanh niên, đây thực sự là bài toán khó đối với Đảng bộ doanh nghiệp và rất cần sự quan tâm, góp sức của các cấp, các ngành.
Thiên Cầm
Các tin khác
YBĐT - “3 có”, “3 không” là nội dung được cụ thể hóa trong việc thực hiện các tiêu chuẩn đạo đức, chuyên môn của cán bộ, công chức Trung tâm Công nghệ Thông tin & Truyền thông tỉnh Yên Bái hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
YBĐT - Đến nay, Đảng bộ tỉnh Yên Bái đã hoàn thành việc chia tách các chi bộ thôn, bản, bảo đảm 100% thôn, bản có chi bộ và đã hướng dẫn xây dựng quy chế, nội dung, phương pháp sinh hoạt. Riêng trong 9 tháng đầu năm, Đảng bộ tỉnh đã kết nạp gần 1.300 đảng viên mới, đạt gần 87% kế hoạch. Qua quá trình kiểm tra, giám sát đối với các tổ chức Đảng và đảng viên, toàn tỉnh đã thi hành kỷ luật 9 tổ chức và trên 300 đảng viên vi phạm.
YBĐT - Chi bộ Trường Mầm non Hồng Ngọc thuộc Đảng bộ Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Lục Yên nhiều năm liền đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh. Thành tích này là nhờ Chi bộ đã phát huy tốt vai trò của mình trên mọi mặt công tác của nhà trường.
YBĐT - Trước khi có Chỉ thị 10 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ”, Hướng dẫn số 05 của Ban Tổ chức Trung ương về “Nội dung sinh hoạt chi bộ trong các loại hình tổ chức cơ sở Đảng” thì cấp ủy huyện, các cấp ủy cơ sở huyện Trấn Yên (Yên Bái) vẫn luôn quan tâm đến hoạt động của chi bộ, nhất là năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu và chất lượng sinh hoạt. Tuy nhiên, chất lượng, nội dung sinh hoạt chi bộ còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra.