Phát triển chi bộ thôn, bản và xóa chi bộ ghép:

Đảng gần dân hơn!

  • Cập nhật: Thứ sáu, 17/9/2010 | 2:42:16 PM

YBĐT - Nhiệm kỳ 2005 - 2010, thành công lớn nhất trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ tỉnh Yên Bái là đã hoàn thành việc xóa chi bộ ghép, về trước thời gian hơn một năm so với mục tiêu Nghị quyết đề ra. Đến ngày 20/5/2009, tất cả 1.640 thôn, bản trong toàn tỉnh Yên Bái đều có chi bộ Đảng.

Nâng cao kiến thức mọi mặt cho phụ nữ các dân tộc thiểu số sẽ góp phần đẩy mạnh công tác phát triển Đảng.
Nâng cao kiến thức mọi mặt cho phụ nữ các dân tộc thiểu số sẽ góp phần đẩy mạnh công tác phát triển Đảng.

Sáng tạo vượt khó

Từ năm 2006 trở về trước, cấp ủy một số địa phương, nhất là ở cơ sở chưa thực sự chú trọng công tác tạo nguồn đảng viên mới để xóa thôn, bản trắng đảng viên và xóa chi bộ ghép. Bên cạnh đó, một số chi bộ vùng cao, vùng sâu, vùng xa và vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã được thành lập nhưng tính bền vững chưa cao. Vào thời điểm đó, Yên Bái còn 628 thôn, bản ở 100 xã chưa có chi bộ riêng, trong đó có 195 chi bộ ghép 2 thôn, bản; 56 chi bộ ghép 3 thôn, bản; 13 chi bộ ghép 4 thôn, bản và 4 chi bộ ghép 5 thôn, bản.

Tình trạng còn nhiều các chi bộ ghép tại các thôn, bản gây ảnh hưởng lớn tới sinh hoạt của các chi bộ, đặc biệt là các chi bộ vùng cao, vùng khó khăn. Có không ít đảng viên phải đi bộ cả nửa ngày đường mới tới thôn, bản bên cạnh để sinh hoạt, dẫn tới việc đảng viên sinh hoạt không đều. Kéo theo đó là các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước chậm đến với người dân và ngược lại, tâm tư, nguyện vọng của người dân khó đến được với Đảng. Qua thực tế cho thấy, việc xóa các chi bộ ghép gặp nhiều khó khăn do trình độ văn hóa của quần chúng chưa đạt. Theo qui định, ở vùng cao, ít nhất quần chúng học hết lớp 5 mới được kết nạp Đảng nên có những quần chúng hăng hái nhưng trình độ chưa cập cũng đành chịu. 

Ông Vàng Súa Tính - cán bộ văn phòng cấp ủy xã Cao Phạ (Mù Cang Chải) cho biết: “Những người có trình độ lại cho rằng, có vào Đảng thì cũng chỉ là đảng viên “khúa” (đảng viên thường), không phải là cán bộ nên không vào làm gì. Vào Đảng đã không được gì mà còn vừa mất thời gian sinh hoạt lại phải mất tiền đóng đảng phí. Còn những người nhiệt tình, có nguyện vọng vào Đảng thì lại không biết chữ. Phát triển đảng viên nữ rất khó vì ít quần chúng biết chữ. Với những người có đủ tiêu chuẩn, có khả năng kết nạp thì chồng lại không muốn vợ vào Đảng. Còn có đảng viên nữ trẻ vừa kết nạp xong thì đi lấy chồng ở nơi khác”.

Ngoài ra, còn có những nguyên nhân khác như: do quan hệ dòng họ, trong một chi bộ thôn, bản đã có anh, em, cha, chú, bác là đảng viên nên không muốn con, cháu mình tham gia nữa vì nghĩ chẳng được gì… Các đoàn thể hoạt động yếu nên không bồi dưỡng được quần chúng ưu tú cho Đảng. Mặt khác, bí thư Đảng ủy xã, chi bộ thôn, bản chưa thực sự quan tâm đến công tác phát triển đảng viên; chưa có kế hoạch cụ thể trong bồi dưỡng, giúp đỡ quần chúng phấn đấu vào Đảng.

Trước thực trạng trên, Tỉnh ủy Yên Bái đã ban hành Đề án “Phát triển chi bộ thôn, bản giai đoạn 2006 - 2010”, thể hiện quyết tâm cao của Đảng bộ tỉnh trong việc xóa chi bộ ghép để tất cả các thôn, bản có chi bộ Đảng. Các cấp ủy Đảng đã cụ thể hóa Đề án của Tỉnh ủy thành đề án, kế hoạch, chương trình, mục tiêu cụ thể của các huyện ủy, thị ủy phù hợp với tình hình địa phương.

Đảng bộ các xã, phường, thị trấn đều xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể, phân công từng đồng chí cấp ủy viên phụ trách thôn, bản chưa có chi bộ riêng để kiện toàn, duy trì sinh hoạt và nâng cao chất lượng hoạt động của các đoàn thể. Thông qua phong trào của các tổ chức trong hệ thống chính trị, các cấp ủy Đảng địa phương đã lựa chọn, bồi dưỡng, thậm chí bổ túc văn hóa cho các quần chúng ưu tú để tạo nguồn phát triển Đảng ở các chi bộ chỉ có 1 hoặc 2 đảng viên, hoặc không có đảng viên nhằm đủ 3 đảng viên, thành lập chi bộ.

Là huyện vùng cao vốn rất khó khăn trong phát triển Đảng, Đảng bộ huyện Trạm Tấu đã xây dựng kế hoạch tạo nguồn, bồi dưỡng, phát triển Đảng tập trung vào các đối tượng như giáo viên, cán bộ y tế, quân nhân xuất ngũ. Những đồng chí được luân chuyển giữ chức danh phó bí thư thường trực Đảng ủy các Đảng bộ cơ sở đã giải quyết được khâu yếu trong công tác Đảng là thực hiện đúng qui định của Điều lệ Đảng về hồ sơ, thẩm định kết nạp, chuyển Đảng chính thức cho đảng viên.

Nhờ đó, đến giữa năm 2009, Đảng bộ huyện Trạm Tấu đã kết nạp mới 323 đảng viên, phát triển thêm 27 chi bộ và tách xong các chi bộ ghép ở thôn, bản để thành lập chi bộ mới. Từ chỗ Đảng bộ có tới 6 Đảng bộ xã có chi bộ ghép thì đến nay, 100% số xã và thôn, bản đã có chi bộ, hoàn thành trước nửa năm so với Đề án của Tỉnh ủy đề ra.

Còn Đảng bộ huyện Mù Cang Chải đã cử ủy viên Ban chấp hành Đảng ủy xã xuống trực tiếp các thôn, bản chưa có đảng viên để cùng cơ sở bồi dưỡng, kết nạp. Khi đã có 3 đảng viên dự bị, sau một năm chuyển chính thức sẽ cử 1 đảng viên chính thức ở chi bộ thôn bên cạnh sang làm bí thư. Đối với những thôn chưa có đủ đảng viên, cử thêm đảng viên chính thức ở thôn bên cạnh sang bổ sung đủ số lượng để thành lập chi bộ.

Đảng bộ huyện chỉ đạo Đảng bộ các xã rà soát, nắm các đối tượng là thanh niên, đoàn viên, hội viên qua các phong trào, hoạt động thực tiễn để thu hút, vận động, giác ngộ và tiếp đó phân công đảng viên giúp đỡ, bồi dưỡng, kết nạp. Nếu các đối tượng chưa đủ trình độ sẽ phối hợp với ngành giáo dục mở lớp bổ túc văn hóa khi có đủ số lượng người. Bên cạnh đó, huyện mở lớp đối tượng tại trung tâm cụm xã; thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra, duy trì sinh hoạt từ Đảng ủy xã đến chi bộ thôn, bản.

Ông Hoàng Xuân Nguyên - Bí thư Huyện ủy Yên Bình đánh giá: “Nổi bật trong công tác xây dựng Đảng nhiệm kỳ qua ở Đảng bộ huyện Yên Bình là xóa chi bộ ghép ở các thôn, bản vùng cao, vùng xa gắn với phát triển kinh tế - xã hội. Sau khi rà soát tất cả các chi bộ thôn, bản, toàn huyện có 14 Đảng bộ xã, thị trấn với 68/274 thôn, bản là chi bộ ghép. Trên cơ sở đó, Đảng bộ huyện chỉ đạo các Đảng bộ xã, thị trấn tập trung rà soát, kiện toàn các chi bộ thôn, bản. Thôn, bản nào đã có 3 đảng viên trở lên thì thành lập chi bộ. Những thôn, bản chỉ có 1 đến 2 đảng viên, Đảng bộ xã làm thủ tục giới thiệu đảng viên là cán bộ xã về sinh hoạt cùng để đủ số lượng thành lập chi bộ. Các đảng viên này có nhiệm vụ cùng chi bộ và các đoàn thể phát hiện, bồi dưỡng, bổ sung nguồn phát triển đảng viên mới cho chi bộ. Nhờ đó, giờ đây, tất cả các thôn, bản ở Yên Bình đã có chi bộ Đảng, không còn phải sinh hoạt ghép”.

Có thể nói, để tất cả các thôn, bản ở Yên Bái đều có chi bộ Đảng là một nỗ lực rất lớn với các giải pháp sáng tạo, mang tính riêng biệt của mỗi địa phương, giúp Đảng thêm gần và sát dân hơn.

Những kinh nghiệm rút ra

Phát triển chi bộ thôn, bản và xóa chi bộ ghép thành công ở Yên Bái đã góp phần quan trọng tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đến tận thôn, bản đồng thời nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên ở cơ sở, nhất là đội ngũ bí thư chi bộ, trưởng thôn, bản và các đoàn thể trong thôn. Công tác qui hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ được thực hiện tốt, khắc phục tình trạng cán bộ quan liêu, xa dân, thiếu trách nhiệm trong củng cố mối quan hệ giữa Đảng với dân.

Yên Bái hoàn thành trước thời hạn so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra về phát triển chi bộ thôn, bản và xóa chi bộ ghép đã để lại nhiều kinh nghiệm hay. Trước hết, để phát triển được đảng viên ở các thôn, bản vùng cao, vùng xa còn nhiều khó khăn, cần phải làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi người dân thông qua các tổ chức đoàn thể chính trị. Cần quán triệt để các Đảng bộ xã, các thôn, bản chưa có chi bộ và cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị, quần chúng nhân dân nhận thức rõ vai trò, vị trí, tầm quan trọng của chi bộ Đảng thôn, bản trong lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn.

Một vấn đề đặt ra nữa là trong phát triển đảng viên, phát triển chi bộ thôn, bản phải coi trọng cả về số lượng và chất lượng. Phát triển kiện toàn các chi bộ thôn, bản, cấp ủy các cấp cần có sự sâu sát, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc ở cơ  sở. Các Đảng bộ cơ sở và trên cơ sở cũng cần phải coi trọng việc sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, biểu dương kịp thời những nơi làm tốt, uốn nắn những nơi chưa tốt và đề ra nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để khắc phục, thực hiện cả về xây dựng, củng cố chi bộ cũng như lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội ở thôn, bản.

Bên cạnh thành công đó là khó khăn đi cùng: tính bền vững của các chi bộ thôn, bản, đặc biệt ở vùng cao chưa cao. Để các chi bộ thôn, bản phát triển bền vững, ổn định, thời gian tới, các cấp ủy Đảng cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trong nhân dân, nhất là đoàn viên, hội viên trong các tổ chức chính trị - xã hội thêm hiểu về Đảng, chủ nghĩa Mác–Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, nghị quyết đại hội Đảng các cấp. Đảng bộ cơ sở sâu sát giúp đỡ chi bộ thôn, bản làm tốt công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên mới, xây dựng các chi bộ thôn, bản phát triển bền vững, đi lên vững mạnh.

Các cấp ủy Đảng cần tăng cường sự lãnh đạo đối với chính quyền, các đoàn thể nhân dân, các tổ chức trong hệ thống chính trị, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, chi đoàn, chi hội và chú trọng đào tạo cán bộ, nhất là các bí thư chi bộ thôn, bản.

Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Mù Cang Chải, ông Lê Trọng Khang cho rằng: Để các chi bộ thôn, bản phát triển bền vững, vươn lên vững mạnh,  Đảng bộ huyện Mù Cang Chải lãnh đạo các cơ sở Đảng, đặc biệt là chi bộ thôn, bản đổi mới nội dung, hình thức hoạt động của các tổ chức đoàn thể ở cơ sở thông qua các hoạt động hữu ích, sát thực như: phổ biến kiến thức chăn nuôi, trồng trọt; tuyên truyền phòng, chống ma túy và tảo hôn, thực hiện kế hoạch hóa gia đình… để thu hút hội viên.

Bên cạnh đó, nhân rộng điển hình những đảng viên, đoàn viên, hội viên làm kinh tế giỏi để người dân thấy, làm theo và muốn vào Đảng đồng thời giúp đỡ những đảng viên có mức sống trung bình, nghèo vươn lên. Về lâu dài, huyện chỉ đạo ngành giáo dục nâng cao chất lượng dạy và học từ mầm non đến trung học cơ sở gắn với tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng để tạo nguồn cán bộ, đảng viên cho tương lai. Huyện đào tạo cán bộ tại chỗ thay thế cán bộ không đủ trình độ, năng lực lãnh đạo đồng thời thực hiện luân chuyển cán bộ, tạo chuyển biến ở các Đảng bộ xã và chi bộ thôn, bản.

Hy vọng đó cũng là giải pháp để tổ chức Đảng các cấp thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình trong lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh ngay từ thôn, bản.

Minh Đức

Các tin khác
Đại biểu tại Đại hội Đảng bộ huyện Lục Yên bỏ phiếu bầu Ban chấp hành khóa mới, nhiệm kỳ 2010 - 2015.

YBĐT - Qua đánh giá của Ban Tổ chức Tỉnh ủy Yên Bái, hầu hết đại hội các chi, Đảng bộ cơ sở nhiệm kỳ này chỉ bầu một lần là đủ số lượng, đúng cơ cấu, thành phần. Điều đó đã cho thấy sự chủ động, công khai, dân chủ, tập trung của các chi, Đảng bộ trong công tác nhân sự - nội dung được đặc biệt chú trọng trong mỗi kỳ đại hội.

Bỏ phiếu bầu Ban chấp hành Đảng bộ xã Việt Hồng, nhiệm kỳ 2010 - 2015.

YBĐT - Trước và trong thời gian tiến hành đại hội các chi, Đảng bộ cấp cơ sở, Yên Bái đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo ra một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn dân, đồng thời tập trung giải quyết những vấn đề nhân dân quan tâm, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng.

Đại hội Đảng bộ Cục thuế khóa VIII,
nhiệm kỳ 2010 - 2015. (Ảnh: Linh Nhung)

YBĐT - Được tách ra từ Cục Thuế Hoàng Liên Sơn, năm 1991, Chi bộ Cục Thuế mới chỉ có 16 đảng viên; năm 1995 số lượng đảng viên phát triển mạnh, Chi bộ được nâng lên thành Đảng bộ.

Chè vẫn được Đảng bộ thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ xác định là cây chủ lực (chiếm 1/3 diện tích tự nhiên).

YBĐT - Xin bắt đầu từ chân dốc Bồ Hòn, cách huyện lỵ Văn Chấn chừng 3km, theo quốc lộ 32 hướng về Mường Lò là đến một “địa chỉ đỏ”. Đó là thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ (Yên Bái).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục