Phát triển kinh tế trang trại ở Yên Bái: Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động nông thôn
- Cập nhật: Thứ năm, 7/10/2010 | 8:55:09 AM
YBĐT - Theo tiêu chí mới, Yên Bái hiện có khoảng trên 1.000 trang trại, trong đó trang trại đủ tiêu chí (thu nhập 40 triệu đồng/năm) trên 300 trang trại với tổng diện tích đất sử dụng trên 4.900 ha, hạn điền bình quân 15 ha/trang trại.
Rừng kinh tế ở Xã Phúc An.
|
Tạm tính, bình quân mỗi năm các trang trại ở Yên Bái có tổng thu nhập khoảng 12 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho trên 3.700 lao động, giá trị hàng hoá làm ra trên 20 tỷ đồng, vốn đầu tư khoảng 170 triệu đồng/trang trại.
Quan điểm của Tỉnh ủy Yên Bái về phát triển kinh tế trang trại là nhằm khai thác sử dụng có hiệu quả đất đai, vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý góp phần phát triển nông nghiệp bền vững; có việc làm, tăng thu nhập, khuyến khích làm giàu đi đôi với xoá đói giảm nghèo, phân bổ lao động, dân cư xây dựng nông thôn mới. Quá trình chuyển dịch, tích tụ ruộng đất hình thành các trang trại gắn liền với quá trình phân công lại lao động ở nông thôn...
Huyện Yên Bình hiện có 41 cơ sở chế biến gỗ rừng trồng. (Trong ảnh: Khai thác gỗ rừng trồng ở Vĩnh Kiên).
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI xác định đây là hướng đi góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhất là khu vực nông nghiệp-nông thôn. Khoảng 10 năm trước, Yên Bái là nơi kinh tế trang trại phát triển khá sôi động, toàn tỉnh (thống kê chưa chính thức) có trên 7.200 trang trại. Những trang trại trồng quế ở Văn Yên; trồng rừng ở Yên Bình, Trấn Yên được các chuyên gia kinh tế, lãnh đạo các cấp và báo giới quan tâm, đánh giá cao, nhiều trang trại được biểu dương thành điển hình, như trang trại trồng rừng của ông Bồ Kế (Trấn Yên); ông Đỗ Thập (Yên Bình); trang trại trồng quế của ông Hoàng Văn An, ông Triệu Nguyên Huyện (Văn Yên)... với thu nhập 40 - 60 triệu đồng/năm.
Sự phát triển có phần “sôi động” dần đi vào chiều sâu khi Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn ban hành Thông tư Liên tịch số 62/TTLT-BNN-TCTK ngày 20.5.2003 quy định tiêu chí và hạn điền tối thiểu cho trang trại.
Trấn Yên - cái “nôi” của kinh tế trang trại Yên Bái hiện có 93 trang trại, hầu hết là trang trại lâm nghiệp. Các trang trại sử dụng trên 1.500 ha đất lâm nghiệp, 27 ha đất nuôi trồng thuỷ sản, còn lại là đất nông nghiệp.
Trang trại lâm nghiệp phát triển mạnh ở Lương Thịnh, Việt Cường, Quy Mông, Kiên Thành, Hồng Ca, Y Can. Đứng đầu là Lương Thịnh với 18 trang trại, kế đến là Việt Cường 16 trang trại, Quy Mông 11 trang trại... Trên 1.200 lao động địa phương đã tham gia sản xuất, trực tiếp làm ra sản phẩm và đem về thu nhập khoảng 4 tỷ đồng/năm.
Trang trại chăn nuôi bò theo hướng bán công nghiệp của một hộ dân thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ (Văn Chấn).
Sự phát triển của kinh tế trang trại đã góp phần quan trọng để Yên Bái ổn định, mở rộng các vùng chuyên canh quy mô lớn về diện tích và sản phẩm gắn với chế biến, thị trường. Đó là, vùng chè trên 12.500 ha; vùng quế trên 27.000 ha; diện tích rừng trồng mới (5 năm) 71.248 ha; vùng tre măng Bát độ ở Trấn Yên, Yên Bình; tổng đàn gia súc chính tăng 4,33%/năm; đàn gia cầm tăng 5,34%/năm, đưa tổng giá trị sản xuất nông lâm nghiệp tăng bình quân 6,42%/năm. |
Sự phát triển của kinh tế trang trại đã góp phần thúc đẩy làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Thế mạnh đất lâm nghiệp và lao động tại chỗ đã được khai thác đúng như chủ trương của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế trang trại. Trang trại của ông Nguyễn Quang Hưng, xã Cường Thịnh (Trấn Yên) diện tích 20 ha, vừa trồng rừng kinh tế kết hợp cây hương liệu cho thu gần 80 triệu đồng/năm, nhiều lao động thoát ly đồng ruộng có thu nhập thừ 1,5 - 2 triệu đồng/tháng.
Bí thư Huyện ủy Trấn Yên - đồng chí Nguyễn Tiến Dũng khẳng định: “Việc hình thành và phát triển kinh tế trang trại đã giúp Trấn Yên từng bước phủ xanh đất trống trọc, nhận khoán của lâm trường để phát triển trang trại. Kinh tế rừng phát triển, đã tạo thuận lợi để Trấn Yên thu hút đầu tư, mở rộng sản xuất công nghiệp chế biến gỗ rừng trồng, đẩy nhanh tỷ trọng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trong cơ cấu chung của nền kinh tế”.
Hiện tại, Trấn Yên có 172 cơ sở chế biến gỗ rừng trồng, trọng điểm là các xã Báo Đáp, Lương Thịnh, Quy Mông, Y Can, Minh Quân... Sự phát triển của các cơ sở chế biến đã chuyển dịch khoảng 1.000 lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp, thu nhập bình quân từ 1,2 - 2 triệu đồng/người/tháng, ngân sách địa phương tăng lên nhờ nguồn thu từ các cơ sở chế biến gỗ.
Huyện Yên Bình, thống kê nhanh hiện có 58 trang trại, 53/58 trang trại là trang trại lâm nghiệp. Ở Yên Bình, các mô hình trang trại lâm nghiệp có vai trò quan trọng trong xã hội hoá nghề rừng. Điển hình là trang trại lâm nghiệp của ông Lê Tiến Phương ở xã Thịnh Hưng; ông Nguyễn Văn Thắng, Hoàng Văn Doãn (xã Vĩnh Kiên)... Chính những trang trại này là nhân tố kích thích phong trào trồng rừng, góp phần đưa diện tích rừng trồng mới của Yên Bình 5 năm qua lên 13.000 ha. Vùng nguyên liệu gỗ dồi dào đã kích thích phát triển công nghiệp chế biến.
Theo Bí thư Huyện uỷ Yên Bình - đồng chí Hoàng Xuân Nguyên thì huyện hiện có 41 cơ sở chế biến gỗ rừng trồng, sản phẩm ngoài gỗ xẻ, bao bì, đồ dân dụng đã đa dạng hơn với gỗ ván bóc, ván dăm... Bình quân, mỗi năm đã giải quyết cho 500 lao động phi nông nghiệp với thu nhập từ 1,5 - 2,5 triệu đồng/người/tháng.
Kinh tế trang trại phát triển đi vào chiều sâu không thể thiếu sự “nâng đỡ về mặt chính sách, cơ chế. Tỉnh ủy Yên Bái đã sớm vận dụng các chính sách, cơ chế tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế trang trại phát triển. Chính sách tín dụng và hỗ trợ tín dụng và sự “can thiệp” kịp thời của địa phương đã góp phần giải cơn “khát” vốn cho các chủ trang trại.
Đáng kể nhất là sự chuyển hướng linh hoạt của địa phương trong hỗ trợ các trang trại chăn nuôi theo hướng trang trại, bán công nghiệp. Nghị quyết 09 của Tỉnh ủy Yên Bái về khuyến khích, hỗ trợ phát triển chăn nuôi là “cú hích” để phát triển mạnh trang trại chăn nuôi lợn, gia cầm - một thế mạnh của địa phương nhưng nhiều năm “bỏ ngỏ”.
Đáng chú ý- cũng có thể nhìn nhận là điểm nhấn của kinh tế trang trại ở Yên Bái những năm qua là sự đột phá trong đầu tư phát triển các trang trại nuôi trồng thuỷ sản với các loài giống mới, thích nghi cao, có giá trị cao như nuôi cá hồi, cá tầm, ba ba ở Văn Chấn, Yên Bình; nhím ở thị xã Nghĩa Lộ...
Huyện Trấn Yên có 172 cơ sở chế biến gỗ rừng trồng. (Ảnh: Sản phẩm chế biến từ gỗ rừng trồng ở xã Quy Mông).
4 vấn đề đặt ra
Sự phát triển của kinh tế trang trại như đánh giá của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XVI “đã được chú trọng và phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả. Giữ vững, mở rộng và hình thành thêm một số vùng sản xuất chuyên canh có quy mô lớn về diện tích và sản phẩm gắn với chế biến và thị trường”. Để kinh tế trang trại tiếp tục phát triển và nâng cao hiệu quả, qua thực tiễn những năm qua, có thể nêu 4 vấn đề cần quan tâm.
Thứ nhất, cần quy hoạch vùng phát triển trang trại, trên cơ sở đó công bố các quỹ đất có thể giao, cho thuê để phát triển trang trại. Định hướng là tập trung vào phát triển trang trại lâm nghiệp, mô hình trang trại tổng hợp, trang trại nuôi trồng thuỷ sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung theo hướng bán công nghiệp. Đi liền với đó có quy hoạch và đầu tư từng bước về cơ sở hạ tầng cho vùng phát triển trang trại tập trung.
Thứ hai, trên cơ sở quy hoạch và hạn điền theo quy định, cần khẩn trương hoàn thiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho chủ trang trại, bảo đảm đúng quy định chính sách đất đai của Nhà nước.
Thứ ba, tập trung đầu tư mạnh về kiến thức khoa học kỹ thuật để ứng dụng hiệu quả vào các mô hình trang trại. Thực hiện tốt liên kết “bốn nhà”; tăng cường hỗ trợ khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư cho các trang trại; có chính sách hỗ trợ đào tạo cho chủ trang trại về quản lý, quản trị nội bộ; hỗ trợ xúc tiến thị trường, tiêu thụ sản phẩm.
Thứ tư, tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích đồng bộ của Nhà nước về vốn, thuế... cho trang trại, tạo điều kiện thuận lợi để các chủ trang trại tiếp cận các nguồn tín dụng phù hợp cũng như thụ hưởng các chính sách ưu đãi thuế kịp thời.
T.A
Các tin khác
YBĐT - Trong nhiệm kỳ Đại hội khóa XVI (2005 - 2010), Sở KH & ĐT Yên Bái đã có nhiều giải pháp tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về triển khai các nhiệm vụ phát triển KT - XH..., đặc biệt là việc thu hút các nguồn lực đầu tư trên địa bàn.
YBĐT - Từ đầu năm đến nay, Huyện ủy Văn Chấn (Yên Bái) đã kết nạp 243 đảng viên mới, nâng tổng số đảng viên toàn Đảng bộ lên 6.660 người. Đảng bộ hiện có 73 chi, Đảng bộ trực thuộc; 509 chi bộ trực thuộc Đảng ủy cơ sở và 356 thôn, bản, tổ dân phố đã có chi bộ riêng.
YBĐT - Công tác tổ chức xây dựng Đảng và công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng được Đảng bộ xã Liễu Đô (Lục Yên) hết sức coi trọng.
YBĐT - Khánh Thiện là xã vùng 3 đặc biệt khó khăn của huyện Lục Yên (Yên Bái), có 1.071 hộ với 4.843 nhân khẩu gồm 7 dân tộc, trong đó dân tộc Tày chiếm đa số, là xã thuần nông, điều kiện sống của người dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao.