Thủ lĩnh tiên phong
- Cập nhật: Thứ sáu, 21/3/2014 | 9:14:44 AM
YBĐT - "Duy trì và làm giàu từ nghề truyền thống của cha ông là trách nhiệm của thế hệ trẻ, những người đang kế thừa thành quả để lại của thế hệ đi trước". Đó là tâm sự của Nguyễn Khắc Hiếu, sinh năm 1987 - Bí thư Đoàn xã Giới Phiên, thành phố Yên Bái, khi nói về quá trình lập nghiệp.
Mô hình sản xuất miến của Hiếu thu hút nhiều bạn trẻ đến tìm hiểu, học tập. (Ảnh: Thu Hiền)
|
Đam mê làm giàu
Nghề sản xuất miến được du nhập vào xã từ đầu thập niên 70 của thế kỷ trước. Giai đoạn phát triển nhất là đầu những năm 2000, lúc đó cả xã có 120 hộ làm nghề. Nhưng làm miến chỉ diễn ra trong thời gian 3 - 4 tháng cuối năm, nhu cầu tiêu thụ trên thị trường kém, không thể làm giàu bằng nghề miến. Với nhận thức đó, kỳ thi tốt nghiệp vừa kết thúc cũng là lúc Hiếu chuẩn bị cho mình hành trang vào Nam tìm hướng đi mới.
Những ngày lang thang nơi đất khách quê người, kiếm đồng tiền sau mỗi giọt mồ hôi, được tận mắt thấy các bạn cùng trang lứa tham gia các hoạt động xã hội và phát triển kinh tế đã thôi thúc anh quay về quê hương. Mảnh "đất hứa" ngay tại quê nhà vẫy gọi, anh tin mình sẽ thành công.
Hiếu khẳng định: "Để lập nghiệp, trước hết phải có kiến thức, kiến thức tiếp thu từ nhà trường và trong chính cuộc sống thực tế. Nếu không tham gia tổ chức Đoàn, các hoạt động xã hội, mình không được như ngày hôm nay. Hiện nay mình đã có bằng đại học nông lâm và các kiến thức cơ bản đủ để duy trì phát triển nghề truyền thống của quê hương".
Nói là vậy nhưng khi bắt tay vào nghề, Hiếu đã đối diện bao khó khăn, thách thức, bởi thực tế kinh nghiệm có được chỉ là sự truyền lại của thế hệ đi trước chứ không có sổ sách ghi chép; kinh nghiệm chưa nhiều lại sản xuất thủ công, thời tiết không thuận lợi… Nhiều lần ngậm ngùi nhìn miến làm ra phải đổ đi mà nước mắt lưng tròng. "Tưởng chừng đơn giản nhưng thực tế khó khăn rất nhiều trong bước đầu khởi nghiệp. Dám nghĩ thì phải dám làm, làm mà sợ thất bại thì ai làm theo, ai ủng hộ; phải là đầu tầu thực hiện khi mình làm thủ lĩnh" - Hiếu tâm sự.
Khởi điểm từ 50 triệu đồng tiền vốn của gia đình và bạn bè giúp đỡ, sau bao thất bại, trăn trở suy nghĩ, tìm ra hướng đi mới trong nghề làm miến, đến nay, cơ sở sản xuất của anh đã đi vào hoạt động ổn định, mang về thu nhập gần 80 triệu đồng/năm.
Bên cạnh việc duy trì nghề truyền thống, năm 2013, anh đã quyết định đầu tư hơn 80 triệu đồng xây dựng chuồng trại, chăn nuôi hơn 1.000 con gà thương phẩm. Theo tính toán, sau khi lứa gà đầu tiên xuất chuồng, anh thu lãi 40 triệu đồng.
"Với dịch cúm đang lan mạnh như hiện nay mình cũng rất ngại vì chăn nuôi bây giờ như đánh bạc với nghề, phòng bệnh không tốt không những ảnh hưởng đến sức khỏe người dân mà của cải còn đổ xuống sông xuống bể. Nhưng mình luôn tự khẳng định và vận động các bạn đoàn viên phải xác định mỗi hộ gia đình là một pháo đài trong công tác phòng chống dịch bệnh" - Hiếu chia sẻ.
Đồng hành cùng thanh niên
Không chỉ đam mê làm kinh tế, với cương vị là Bí thư Đoàn xã, anh luôn ý thức được trách nhiệm của mình với phong trào và nhiệt tình tham gia các hoạt động Đoàn của địa phương, Thành đoàn tổ chức.
Hưởng ứng Năm Thanh niên tình nguyện 2014, Đoàn xã đã huy động đoàn viên thanh niên tham gia xóa nhà dột cho gia đình chính sách, hộ neo đơn; tu sửa sân chơi thể thao và ra quân tình nguyện bóc, xóa tờ quảng cáo, rao vặt trái quy định trên địa bàn xã và thành phố…
Bên cạnh đó, Đoàn xã đã tổ chức cho đoàn viên thanh niên học tập các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, chương trình hành động của Đoàn cấp trên lồng gắn trong các buổi lao động tình nguyện, tránh việc tập trung hội họp gây lãng phí thời gian; tham mưu với Đảng ủy vận động 20 đoàn viên thanh niên trong xã tham gia lớp dạy nghề ngắn hạn như trồng rau an toàn, nấu ăn, xây dựng… Ban Chấp hành Đoàn xã còn cùng với Chi đoàn UBND xã tận dụng những khu đất trống trồng 2 sào riềng gây quỹ.
Hiếu đã trực tiếp nghiên cứu, tìm hiểu, vận động xây dựng ba mô hình kinh tế lấy ý tưởng từ thanh niên và do thanh niên lao động chủ lực như: mô hình sản xuất gạch bê tông, buôn bán vật tư nông nghiệp tổng hợp của đoàn viên Văn Tiến Nghĩa - Bí thư Chi đoàn thôn 6; mô hình VACR của đoàn viên Vũ Quốc Lượng - Bí thư Chi đoàn thôn 2 và mô hình chăn nuôi lợn thương phẩm, buôn bán vật tư nông nghiệp của Nguyễn Trọng Đại đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo được uy tín trong tổ chức Đoàn.
Chia sẻ về dự định trong thời gian tới, Hiếu cho biết: "Miến dong Giới Phiên đã được công nhận thương hiệu sản phẩm làng nghề năm 2012. Bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh quảng bá sản phẩm trong quá trình tìm mối giao hàng, mình sẽ đầu tư vốn mua máy ép thủy lực sử dụng điện lưới thực hiện cơ giới hóa một phần công đoạn ép miến, đồng thời, tiếp tục duy trì mô hình chăn nuôi gà thương phẩm như hiện nay".
Sự thành công của anh từ mô hình làm miến dong đã khẳng định và chứng minh một điều: sự quan tâm, tạo điều kiện của tổ chức Đoàn, sự kiên trì, quyết tâm của bản thân sẽ giúp thanh niên phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng.
Tấm gương thủ lĩnh thanh niên Nguyễn Khắc Hiếu làm giàu từ hiệu quả mô hình làm miến dong, chăn nuôi gà đã góp phần giải quyết và tạo việc làm cho 2 lao động thường xuyên và 4 lao động thời vụ với mức thu nhập bình quân 3,5 triệu đồng/người/tháng. Anh là điển hình "gương mẫu đi đầu" của tuổi trẻ góp phần phát triển kinh tế -xã hội tại địa phương.
10 gương mặt thanh niên tiêu biểu 2013 1. Giàng A Mang (1996) - Ủy viên Ban Chấp hành Đoàn trường, Phó bí thư Chi đoàn 12A, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú - THPT Miền Tây - Thị đoàn Nghĩa Lộ. 2. Dương Văn Thu (1983) - Bí thư Chi đoàn thôn Hin Lò, Ủy viên Hội Liên hiệp thanh niên xã Yên Thắng - huyện Lục Yên. 3. Hoàng Mạnh Hà (1982) - Chi đoàn Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Yên Bái. 4. Nguyễn Mạnh Tiệp (1984) - Phó trưởng Khoa Ngoại, Bệnh huyện Đa khoa Văn Yên, Chủ nhiệm Chi hội Thầy thuốc trẻ huyện Văn Yên. 5. Hà Thanh Chương (1979) - Ủy viên Ban chấp hành Huyện đoàn, Bí thư Đoàn xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên. 6. Trần Hồng Nhung (1999) - Liên đội trưởng Trường THCS Lê Lợi, thành phố Yên Bái. 7. Bùi Mạnh Thắng - Phó đội trưởng Phòng Kỹ thuật hình sự, Bí thư Chi đoàn Cảnh sát hình sự - Cảnh sát truy nã - Kỹ thuật hình sự - Công an tỉnh Yên Bái. 8. Nguyễn Ngọc Hải (1981) - Phó bí thư Liên chi đoàn Trường Trung cấp Thể dục thể thao Yên Bái. 9. Nguyễn Hải Linh (1995) - Học sinh Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành, Yên Bái, hiện là sinh viên Trường Đại học Y Hà Nội. 10. Hờ A Vàng (1995) - Học viên Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Yên Bái, hiện là sinh viên Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội. |
Minh Quang
Các tin khác
YBĐT - Trước đây, khi chưa sản xuất gạch, cuộc sống của gia đình anh Hoàng Văn Cửu ở thôn Ba Khe 3, xã Cát Thịnh (Văn Chấn) rất khó khăn, làm đủ nghề nhưng cái đói nghèo vẫn bám riết. Sau khi học hỏi kinh nghiệm của bạn bè và đến thăm quan các xưởng sản xuất gạch, đầu năm 2007, anh Cửu quyết định mở xưởng sản xuất gạch tại địa phương.
YBĐT - Mới gặp Hờ A Sùng ở bản Háng Chua Say, xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái), ít người nghĩ anh lại là chủ của những ba trang trại gà.
YBĐT - Đến xã Mồ Dề (Mù Cang Chải), nếu kể đến tên anh Sùng Lử Chang ở bản Nả Háng A thì bà con nơi đây ai cũng biết và mến phục bởi anh là người biết tự vươn lên thoát nghèo.
YBĐT - Bản Mường, xã Vĩnh Lạc (Lục Yên) tự hào có một người con gái làm thầy thuốc ở Hà Nội. Các ông bà trong làng đều lấy tấm gương của cô gái Tày này làm gương cho bọn trẻ trong học hành và tu dưỡng. Đó là tiến sỹ Hoàng Thị Lề, cán bộ Viện Nghiên cứu Dược liệu Trung ương.