Chàng trai đa nghề

  • Cập nhật: Thứ hai, 30/6/2014 | 9:21:19 AM

YBĐT - Với phương châm "năng nhặt chặt bị" và cách làm "lấy ngắn nuôi dài", chậm nhưng chắc, Phương Đức Dũng ở xã Xuân Lai, huyện Yên Bình (Yên Bái) đã tìm ra cho mình hướng phát triển kinh tế phù hợp và hiệu quả.

Mô hình  kinh tế của Phương Đức Dũng là địa chỉ học tập kinh nghiệm của nhiều bạn trẻ.
Mô hình kinh tế của Phương Đức Dũng là địa chỉ học tập kinh nghiệm của nhiều bạn trẻ.

Nổi tiếng với nghề đan rọ tôm, người dân xã Xuân Lai, huyện Yên Bình cũng như đồng bào dân tộc các địa phương sinh sống quanh vùng lòng hồ Thác Bà trước nay chỉ biết bám mặt nước hồ, bám đất đồi rừng để kiếm kế sinh nhai chứ chẳng mấy ai nghĩ đến phát triển thêm các ngành nghề mới. Từ chủ trương khuyến khích và tạo điều kiện cho người dân đầu tư mở rộng sản xuất và lựa chọn các ngành nghề phù hợp để phát triển kinh tế đã gợi mở, định hướng cho lớp trẻ địa phương những ý tưởng táo bạo, dám nghĩ dám làm trong phát triển kinh tế hộ. Mô hình kinh tế được đánh giá cao cho hiệu quả kinh tế tốt trong giới trẻ xã Xuân Lai hiện nay là của Phương Đức Dũng - chàng trai dân tộc Tày trẻ tuổi, đa nghề.

Câu dân gian truyền miệng "Một nghề thì sống, đống nghề thì chết" đã không còn hẳn đúng với cách nghĩ, cách tư duy làm kinh tế của Phương Đức Dũng. Bà con vẫn trêu đùa anh là "chân ngoài dài hơn chân trong", bởi cái nghề tay trái của một cán bộ thú y xã luôn mang về cho anh khoản thu nhập cao hơn cả lương của một công chức địa phương thuần túy. Tốt nghiệp lớp trung cấp thú y tại Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật tỉnh Yên Bái, bỏ qua cái sỹ diện hão của tuổi trẻ, Dũng bắt tay vào nghề bằng những kiến thức được truyền dạy và sự ham học hỏi của một người trẻ cùng những dự định ấp ủ những mong gây dựng sự nghiệp bằng nghề của một thanh niên giàu nghị lực.

Dũng chia sẻ: "Thanh niên ở quê ít người chọn làm nghề này. Mới đầu học về đi làm bị chúng bạn trêu chọc kể cũng ngại nhưng mình nghĩ đây là một công việc rất thú vị. Ở nông thôn, ngành chăn nuôi là chính và  nghề này đang phát triển mạnh, tất nhiên rất cần đến công tác thú y. Tuy công việc lắt nhắt như bận con mọn nhưng chẳng bao giờ lo hết việc. Gắn bó với nghề rồi mới thấy muốn phát triển chăn nuôi không quá khó, lo nhất chỉ là khâu tiêu thụ sản phẩm".

Từ kinh nghiệm tích lũy mỗi ngày qua các hộ chăn nuôi, Dũng vào nghề chăn nuôi nhàn nhã hơn nhiều chủ hộ khác trong vùng. Chủ động phòng được dịch bệnh nên rủi ro trong chăn nuôi đối với trang trại lợn của anh gần như không có. Nuôi trung bình mỗi lứa 50 lợn thịt, ông chủ trẻ tuổi này còn đầu tư nuôi thêm 2 lợn đực giống một mặt phụ vụ nguồn giống cho 11 lợn nái sinh sản của gia đình, mặt khác làm dịch vụ phối giống cho các trang trại lợn quanh vùng. Mỗi tháng từ dịch vụ này vợ chồng anh thu về trên 10 triệu đồng, cộng với nguồn thu từ chăn nuôi thu nhập cả năm trừ chi phí cũng xấp xỉ 100 triệu.

Là người trẻ năng động, lại có đầu óc tính toán kinh doanh, nhận thấy điều kiện thuận lợi về vị trí đặt điểm bán hàng và giao thông đi lại thuận tiện, Dũng mở đại lý làm dịch vụ cung cấp thức ăn chăn nuôi cho các nhà máy lớn có uy tín, đồng thời mở dịch vụ giải trí với 1 bàn bi -a và 2 phòng hát karaoke phục vụ chủ yếu cho hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ và nhu cầu giải trí lành mạnh của thanh niên và công nhân các nhà máy lân cận trong vùng. Với số vốn bỏ ra không nhỏ và nguồn thu đều đặn hàng tháng ổn định, anh trở thành một trong số ít đoàn viên thanh niên táo bạo, năng động trong phát triển kinh tế, có thu nhập khá ở địa phương. Dũng cũng là một trong số rất ít người dám đầu tư vào lĩnh vực kinh tế này.

Nói về mô hình kinh tế của anh, Bí thư Đoàn xã Xuân Lai - chị Hoàng Thị Tuyết khẳng định: Đây là một sự năng động, táo bạo trong đầu tư phát triển kinh tế. Các bạn trẻ đã biết nắm bắt nhu cầu thị trường và kết hợp hiệu quả các ngành nghề trong phát triển kinh tế hộ. Những mô hình kinh tế tổng hợp hiệu quả như thế này ở địa phương và trong vùng chưa có mấy người thành công nên được khá nhiều bạn trẻ quan tâm tìm hiểu. 

Với phương châm "năng nhặt chặt bị" và cách làm "lấy ngắn nuôi dài", chậm nhưng chắc, Phương Đức Dũng đã tìm ra cho mình hướng phát triển kinh tế phù hợp và hiệu quả. Không chỉ bằng lòng với những gì đang có, anh dự định đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh dịch vụ ăn uống. Khó khăn vẫn còn ở phía trước nhưng thành công của Dũng đang tiếp thêm niềm tin và nghị lực, khơi dậy khát khao được khẳng định mình của tuổi trẻ địa phương. Anh còn được biết đến là một điển hình tiêu biểu "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh" được tuổi trẻ Đoàn xã Xuân Lai suy tôn.

Phạm Minh


 

Các tin khác
Anh Vạn đang tắm cho đàn lợn.

YBĐT - Vinh dự được lựa chọn là đại biểu tiêu biểu của Minh Tiến đi dự Đại hội đại biểu dân tộc thiểu số huyện Lục Yên lần thứ II, anh Vạn luôn khiêm tốn khi nói về thành tích của mình.

YBĐT - Gần 7 năm qua, bằng tinh thần trách nhiệm, lòng nhiệt huyết với nghiệp truyền thanh ở cơ sở, ông Phàng A Vừ ở thôn Tà Xùa, xã Bản Công, huyện Trạm Tấu vẫn thầm lặng làm "cánh tay nối dài" của Đài TT-TH huyện Trạm Tấu, góp phần đưa tiếng nói của Đảng đến được gần hơn với đồng bào Mông nơi đây.

Doanh nhân Bùi Thị Sửu (thứ 6, trái sang) trong giờ phút được tôn vinh tại lễ trao Cúp “Bông hồng vàng 2013”

YBĐT - Được biết và nghe nói về chị đã nhiều, song trực tiếp được gặp và chứng kiến sự vất vả, bận rộn của chị với công việc, chúng tôi mới phần nào thêm thấu hiểu đằng sau bất cứ vinh quang nào cũng là cả một sự nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ.

Nghệ sĩ Hoàng Nừng và người học trò cũ Hoàng Thị Chí.

YBĐT - Sinh ra và lớn lên tại xã vùng cao Phan Thanh, là một người con dân tộc Nùng, tuổi thơ của cậu bé Hoàng Nừng gắn liền với những câu khắp cọi của dì, của mẹ lúc đưa nôi, tiếng sáo trên lưng trâu, tiếng hát mỗi dịp hội làng, lễ tết.  Âm nhạc đã ngấm dần và trở thành một phần không thể thiếu trong ông như một cái duyên trời định.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục