Luôn là người lính đi đầu
- Cập nhật: Thứ năm, 16/10/2014 | 3:19:50 PM
YBĐT - Không sinh ra ở vùng cao thơ mộng này nhưng gia đình chị đã gắn bó với quê hương thứ hai Suối Giàng (Văn Chấn) suốt 20 năm nay. Chị là cựu chiến binh Lâm Thị Kim Thoa – Chủ nhiệm Hợp tác xã Chè Suối Giàng.
Chị Lâm Thị Kim Thoa (ngoài cùng bên trái) trao đổi cùng các xã viên Hợp tác xã về nâng cao chất lượng chè Suối Giàng.
|
Sau khi tốt nghiệp THPT, chị tình nguyện đi bộ đội. Hoàn thành nghĩa vụ quân sự, chị học kế toán và về công tác tại Công ty cổ phần Thương nghiệp Nghĩa Lộ được 14 năm. Khi cơ chế kinh tế thay đổi, Công ty tạm ngưng hoạt động, chị tham gia điều hành Dự án Chia sẻ - một dự án giảm nghèo của Thụy Điển đầu tư vào vùng nông thôn Việt Nam. Những năm tháng tham gia Dự án giúp chị sâu sát hơn với đời sống của bà con. Có một điều khiến chị trăn trở, đó là chuyện về cây chè Suối Giàng. Chè Suối Giàng vốn rất thơm ngon là vậy nhưng một thời gian bỗng dưng bị mất giá, mất uy tín.
Làm cách nào để sản phẩm chè Suối Giàng thực sự giúp người dân nơi đây có cuộc sống khấm khá và cũng là để chè Suối Giàng khẳng định, giữ vững được thương hiệu trên thị trường là niềm trăn trở bấy lâu của chị. Từ trăn trở đó, năm 2007, chị Thoa đã cùng một số anh em bạn bè cùng tâm huyết với cây chè Suối Giàng đầu tư thành lập HTX Chè Suối Giàng do chị làm Chủ nhiệm.
Nhận công việc trong điều kiện khó khăn nhiều bề, chị luôn suy nghĩ muốn có thị phần ổn định thì sản phẩm phải có chất lượng tốt, chất lượng sẽ tạo ra thương hiệu. Từ đó, chị cùng HTX phối hợp với Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện vận động bà con nông dân thu hái chè đúng tiêu chuẩn chất lượng, đồng thời thu mua chè búp tươi cho người dân với giá cao hơn các đơn vị, tổ chức, cá nhân khác. HTX của chị còn huy động nguồn vốn đầu tư mua sắm dây chuyền thiết bị hiện đại, áp dụng công nghệ mới chế biến sản phẩm, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; mặt khác, chủ động liên kết, tìm thị trường trong và ngoài tỉnh để bảo đảm đầu ra ổn định.
Nhờ đó, sản phẩm của HTX sản xuất ra luôn có chất lượng cao, giá thành hợp lý, dịch vụ chu đáo, mẫu mã, bao bì đẹp. Chị cũng dành nhiều thời gian lăn lộn đem sản phẩm đặc sản của HTX đi chào hàng tại các chợ đầu mối, siêu thị, các quán trà, tham gia các hội chợ để quảng bá. Nhờ sự năng động, táo bạo và tâm huyết với cây chè của chị mà thương hiệu Tuyết Sơn Trà Suối Giàng của HTX đã từng bước chinh phục khách hàng gần xa, cả thị trường trong nước và nước ngoài, lấy lại chữ tín và vị trí đích thực cho cây chè quý. Năm 2010, chè Suối Giàng Yên Bái được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng chứng nhận. HTX Suối giàng cũng là đơn vị đầu tiên được Sở Khoa học và Công nghệ Yên Bái cấp Giấy chứng nhận quản lý.
Năm 2012, sản phẩm Tuyết Sơn Trà Suối Giàng đạt giải Nhất cuộc thi bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh và cấp khu vực. Sản phẩm cũng được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu toàn quốc năm 2013. Đó là phần thưởng xứng đáng dành cho người đã dành nhiều tâm huyết với cây chè như chị. Những năm gần đây, HTX, duy trì việc làm ổn định cho 15 xã viên với mức lương 2,2 triệu đồng/người/tháng, doanh thu đạt 923 triệu đồng/năm.
Gắn bó với Suối Giàng, bản thân chị còn nhiều băn khoăn trước tập quán lạc hậu của đồng bào. Đó là tình trạng không làm nhà vệ sinh, không làm chuồng trại, thả rông gia súc ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và sức khỏe con người. Vì thế, chị đã dành tâm sức cùng với sự giúp đỡ của các dự án phi chính phủ xây dựng đề án giúp đồng bào Mông Suối Giàng cải thiện chất lượng cuộc sống và hướng tới việc phát triển bền vững. Đề án của chị đã giành giải thưởng với trị giá 30 nghìn USD trong cuộc thi “Ngày sáng tạo Việt Nam 2011”. Phần thưởng này sẽ góp phần giúp người Mông Suối Giàng cải thiện chất lượng cuộc sống.
Không lùi bước trước những khó khăn, người chiến sĩ năm xưa, người cựu chiến binh trên trận tuyến mới hôm nay luôn khắc ghi lời dạy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Điều tiên quyết của mọi việc là các anh chị em cựu chiến binh ta đã có phẩm chất niềm tin, còn phải có tinh thần tự đổi mới…”. Bí quyết thành công của Chủ nhiệm Lâm Thị Kim Thoa chính là tinh thần tự đổi mới, luôn xung kích đi đầu trong công tác, lao động sản xuất và hoạt động xã hội. Phẩm chất bộ đội Cụ Hồ đã cho chị quyết tâm và nghị lực vượt khó để có được thành công hôm nay.
Quỳnh Nga
Các tin khác
YBĐT - Về Yên Hưng (Văn Yên), hỏi thăm ông Trần Ngọc Huynh, ai cũng biết. Sở dĩ ông được nhiều người biết vì không chỉ là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã mà còn là tấm gương sáng trong phong trào hiến đất làm đường giao thông nông thôn.
YBĐT - Đến thôn Ngòi Tu, xã Vũ Linh (Yên Bình), mọi người thường nhắc đến gương làm kinh tế giỏi của vợ chồng chị Bàn Thị Mùi và anh Tướng Văn Bội. Từ nhiều năm nay, nắm bắt cơ hội, phát huy tiềm năng du lịch của địa phương, gia đình chị Mùi đã biết cách khai thác, phát triển kinh tế, có được nguồn thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
YBĐT - Trải qua nhiều thế hệ nối tiếp nhau trên mảnh đất thôn Ba Khe, xã Cát Thịnh (huyện Văn Chấn), những người trong dòng họ Sa đã tự thân vươn lên, “neo” lấy con chữ để trở thành người có ích cho quê hương, đất nước. Tinh thần hiếu học ấy đã trở thành một nét đẹp, một niềm tự hào của mỗi người trong dòng họ.
YBĐT - Tôi nghe danh về chị đã lâu, một nữ doanh nhân thành đạt trên lĩnh vực tư vấn, thiết kế các công trình xây dựng thủy lợi, thủy điện. Chị là Phạm Thúy Hảo - Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế thủy lợi, thủy điện Yên Bái.