Người tâm huyết với văn hóa dân gian
- Cập nhật: Thứ hai, 31/8/2015 | 3:06:59 PM
YênBái - YBĐT - Xuất phát từ tình yêu, niềm đam mê, sưu tầm lưu giữ, sau gần 20 năm ông Nguyễn Văn Quy - thị trấn Yên thế (Lục Yên) đã có một kho tàng đồ sộ, các loại hình văn hóa dân gian của người Tày, Nùng, Dao. Năm 2013, ông quyết định bàn giao lại toàn bộ những tài sản vô giá đó cho Ban quản lý Di tích và Danh thắng thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du Lịch tỉnh Yên Bái quản lý, khai thác, nghiên cứu khoa học và phổ biến văn hóa tới nhân dân trong và ngoài tỉnh.
Ông Quy giới thiệu với lãnh đạo Trung tâm Văn hóa - Thông tin huyện Lục Yên những clip mới quay được về nét đẹp trong cuộc sống sinh hoạt của người Tày.
|
Đi ra từ cuộc chiến chống Mỹ, rời chiến trường Quảng Trị mang theo trên mình những thương tật của chiến tranh, ông phục viên là thương binh hạng 4/4. Năm 1973, ông Nguyễn Văn Quy cùng gia đình rời quê hương Ba Vì, Hà Nội đi xây dựng kinh tế mới và định cư tại tổ 11 thị trấn Yên Thế, huyện lục Yên. Sau nhiều năm làm các công việc khác nhau rồi chuyển sang làm công nhân tại Xí nghiệp Cơ khí Lục Yên và về nghỉ chế độ. Năm 1995, khi thấy nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân ngày càng, cao ông Quy mở hiệu bán, cho thuê băng hình phim, nhạc và quay video thuê. Đây chính là cơ duyên đưa ông đến với niềm đam mê sưu tầm, gìn giữ vốn văn hóa dân gian của người Tày, Nùng, Dao.
Từ việc được mời đi quay thuê cho các đám cưới, lễ hội dân gian trong huyện, xã, ông Quy đã cảm nhận được nét văn hóa đặc sắc trong tín ngưỡng, phong tục, tập quán dân gian của người dân bản địa qua những giai điệu ngọt ngào, quyến rũ của những làn điệu Khắp coọi, hát Then, hát ru, hát giao duyên, hát lượn, hát sli, Quan làng, Pá Dung… Những âm thanh trong trẻo, mềm mại, trầm bổng như tiếng người thủ thỉ, thấm sâu vào lòng người được phát ra từ những nhạc cụ đàn tính, xóc nhạc, trống, thanh la, chũm chọe, khánh, tù và, sáo như mê hoặc ông. Rồi cả những nét độc đáo trên hoa văn thổ cẩm của đồng bào các dân tộc.
Tuy không biết, hiểu hết về tiếng các dân tộc, nhưng được nghe, được nhìn thấy cái đẹp, cái hay và luôn có cảm giác nhớ khi lâu không được nghe lại. Vì thế, sau nhiều lần suy tính ông Quy đã đầu tư mua máy vi tính về tự mày mò, nghiên cứu cách dàn dựng, cắt ghép lồng cảnh, lồng tiếng và lưu giữ lại từng làn điệu múa, hát, các phong tục tập quán, các lễ hội của mỗi dân tộc. Ông Quy tâm sự: “Nhiều hôm trái gió trở trời, vết thương cũ tái phát đau nhức, mở nghe lại những làn điệu hát Then, Khắp Coọi, hát Giao duyên mà thấy tinh thần sảng khoái hẳn lên, cơn đau trong người như thuyên giảm. Cứ như là một liều thuốc đặc biệt vậy”.
Ông Quy còn say sưa sưu tầm và ghi lại hình ảnh từ các hoạt động văn hóa, lễ hội tâm linh của đồng bào các dân tộc mang ý nghĩa như: Cầu tài, lộc, cầu mưa thuận gió hòa cho mùa màng tươi tốt bội thu, cầu sống lâu, không bệnh tật, xua đuổi ma quỷ được diễn ra trong các lễ hội Lồng Tồng, mừng thọ, cấp sắc, giải hạn, đám cưới, mừng nhà mới và nghề thêu dệt thổ cẩm truyền thống hay đan lát… Ông Quy đã từng bỏ tiền thuê mọi người diễn lại các hoạt cảnh trong những lễ hội truyền thống dân gian để quay hình, ghi âm đầy đủ. Tài sản văn hóa vô giá đó được ông Quy sưu tầm, lưu giữ bằng tình yêu, niềm đam mê đặc biệt.
Năm 2013, ông đã bàn giao lại toàn bộ cho Ban quản lý Di tích và Danh thắng tỉnh Yên Bái quản lý, khai thác, nghiên cứu và phổ biến. Bộ sưu tập gồm gần 200 bài hát Khắp Tày; 165 các bài hát then sưu tầm từ các tỉnh bạn; gần 3.000 file ảnh đặc tả các hoạt động, sinh hoạt văn hóa dân gian của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Dao; hơn 30 clip quay lễ hội của các dân tộc và gần 20 băng ghi âm, ghi lại tiếng hát của các nghệ nhân dân tộc Tày, Nùng, Dao trên địa bàn huyện Lục Yên.
Ông Mã Đình Hoàn - Giám đốc Ban quản lý Di tích, Danh thắng tỉnh Yên Bái chia sẻ: “Không một chút đòi hỏi quyền lợi, chế độ thù lao, ông Nguyễn Văn Quy xứng đáng với danh hiệu người chiến sỹ tiêu biểu trên mặt trận văn hóa. Năm 2015, Sở Văn hóa, Thể thao và Du Lịch đã gửi hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú cho ông Quy. Bộ sưu tập của ông hiện vẫn còn nguyên giá trị và được bảo quản, khai thác, sử dụng hiệu quả trong việc phát huy những di sản văn hóa của tỉnh”.
Sinh năm 1947, trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông Nguyễn Văn Quy là thương binh hạng 4/4 và được Nhà nước phong tặng Huy chương kháng chiến hạng Nhất. Trên mặt trận văn hóa tư tưởng, ông được nhận rất nhiều bằng khen, giấy khen vì sự đóng góp tích cực của cá nhân. Năm 2014, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao tặng Kỷ niệm chương “Nhà nghiên cứu sưu tầm văn hóa dân gian đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành văn hóa”.
Ghi nhận những đóng góp của ông, nhiều năm liền nghệ nhân Nguyễn Văn Quy được UBND tỉnh, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, UBND huyện Lục Yên tặng bằng khen, giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII về “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.
Vũ Đồng
Các tin khác
YBĐT - Nhiều ngày làm việc của chị Cao Thị Thanh Thủy - nhân viên bán than tổ ong Trạm than Yên Bái (Công ty kinh doanh than Tây Bắc) bắt đầu từ 5 giờ sáng, kết thúc sau 7, 8 giờ tối, với hàng trăm cây số chạy xe máy giao hàng. Không thể nói là không vất vả nhưng chị luôn gắng hết sức để không những thu được kết quả lao động tốt nhất mà còn tìm thấy cả niềm vui trong công việc bình dị của mình.
YBĐT - Nói đến ông Đặng Văn Hiện, người dân thôn Làng Còng, xã Tân Hợp (Văn Yên) chẳng ai là không biết. Bởi ông là người đi đầu trong mọi hoạt động của thôn đặc biệt là người tiên phong trong việc trồng quế, hơn thế những kinh nghiệm của ông đã giúp bà con nơi đây từng bước vươn lên thoát nghèo.
YBĐT - Vinh dự là một trong những đại diện của huyện Văn Chấn được đi dự Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Yên Bái lần thứ IX, đảng viên Nguyễn Công Nghĩa, thôn Thác Hoa 3, xã Sơn Thịnh là một cựu chiến binh (CCB) một đảng viên gương mẫu luôn đi đầu trong các phong trào lao động sản xuất, hoạt động xã hội.
YBĐT - Tại Công ty Cổ phần Sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn, tổ chịu trách nhiệm đốt lò giữ một vị trí đặc biệt quan trọng trong quy trình sản xuất sứ cách điện. Bởi, sản phẩm sứ khi ra lò có đảm bảo đúng khuôn mẫu, không bị rạn nứt và cho màu chuẩn, đẹp... hay không đều khâu này quyết định. Những mẻ sản phẩm ra lò của Công ty sau hoàn thành phẩm đi khắp thị trường trong và ngoài nước có sự đóng góp rất lớn của kỹ sư, người thợ tài hoa Hoàng Duy Võ - Tổ trưởng Tổ đốt lò.