Tâm huyết vì sự nghiệp giáo dục vùng cao

  • Cập nhật: Thứ năm, 10/12/2015 | 10:24:16 AM

YBĐT - Trong chuyến công tác tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Pá Hu, xã Pá Hu, huyện Trạm Tấu, gặp những thầy cô giáo tình nguyện cắm bản bám trường, bám lớp vì những em nhỏ vùng cao, chúng tôi thật sự khâm phục ý chí, nghị lực của họ. Không ít thầy cô đã hy sinh cả tuổi xuân của mình mang con chữ đến với đồng bào, trong số đó có cô giáo Nguyễn Thị Phương, người đã có 14 năm cắm bản ở xã vùng cao này.

Cô giáo Nguyễn Thị Phương trong giờ lên lớp.
Cô giáo Nguyễn Thị Phương trong giờ lên lớp.

Sinh ra và lớn lên tại thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ, huyện Văn Chấn, mơ ước nghề giáo viên từ nhỏ nên suốt 12 năm học, Phương luôn nỗ lực để phấn đấu học tập thật tốt. Sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp Sư phạm Nghĩa Lộ năm 1999, thay vì chọn cho mình công việc thuận tiện thì Phương lại làm đơn tình nguyện lên Trạm Tấu, 2 năm trời cắm bản tại xã Xà Hồ, đến đầu năm 2001, Phương được chuyển công tác về Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Pá Hu công tác.

Được phân công nhiệm vụ phổ cập giáo dục cho cán bộ chủ chốt xã rồi làm chủ nhiệm lớp 4, lớp 5 của Trường. Kinh nghiệm chưa nhiều lại đảm nhiệm trọng trách lớn, Phương luôn nỗ lực hết mình để hoàn thành tốt nhiệm được giao. Nói là vậy, song thực tế công tác tại vùng cao với trên 90% là đồng bào dân tộc Mông mới thấy vất vả khó khăn nhường nào, cũng vì cuộc sống, cũng vì nhận thức của đồng bào mà nhiều gia đình chưa ý thức được việc cho con em mình đến trường đến lớp, tư tưởng “cái chữ không no được cái bụng” đã ăn sau bám rễ bao đời đối với cuộc sống đồng bào Mông nơi đây.

Càng khó, càng phải quyết tâm, hàng ngày sau mỗi giờ lên lớp, Phương lại đến các hộ gia đình người Mông để tâm sự, trao đổi chuyện học hành rồi học tiếng Mông để giao tiếp với đồng bào. Vất vả nhất là những lúc ngày mùa rồi đầu năm học, để đủ sĩ số học sinh đến lớp, ngoài việc cùng với các giáo viên khác đến tận các gia đình vận động, Phương phải nhờ đến cấp ủy, chính quyền địa phương vào cuộc để vận động các gia đình. Cố gắng là thế nhưng chỉ được đầu năm học rồi đến ngày mùa sĩ số học sinh cứ thưa dần, nhiều em vì gia đình không có người làm nên học đến nửa chừng phải nghỉ học.

Với những trường hợp như thế, Phương phải đến tận nhà vận động các em, một lần không được thì hai lần, thậm chí có những hôm phải đợi vài tiếng đồng hồ để đợi phụ huynh về gặp gỡ vận động. Cũng nhiều khi gặp phụ huynh rồi nhưng kết quả không như mong đợi, không nản chí, Phương kiên trì chuyện trò, phụ giúp công việc cùng gia đình để tạo sự thân thiện, gần gũi và để “mưa dầm thấm lâu”… và rồi sau nhiều ngày tuyên truyền vận động các gia đình cũng đã hiểu và cho con em mình đến trường học chữ.

Đưa được học sinh đến trường là một thành công lớn, song để học sinh yên tâm học tập, Phương lại tự bỏ tiền túi ra mua quần áo, giày dép cho học sinh, rồi thông qua các chương trình, tổ chức từ thiện để vận động quyên góp các trang thiết bị cho nhà trường. Với sự cố gắng không mệt mỏi của bản thân, những lớp do Phương chủ nhiệm đều có học sinh giỏi thi đỗ các giải cao của huyện, của tỉnh. Năng động, nhanh nhẹn trong các hoạt động, năm 2007, Phương được giao thêm trọng trách làm Bí thư Đoàn trường. Nhận thêm trọng trách mới, Phương càng hiểu rằng mình cần phải cố gắng nỗ lực nhiều hơn nữa trong công việc cũng như nhiệm vụ mới. Để thúc đẩy hoạt động của Đoàn trường, Phương đã tổ chức nhiều chương trình, phong trào thanh niên cho chi đoàn; ngoài giờ học, Phương còn tổ chức cho các em học sinh trồng rau xanh cải thiện bữa ăn.

34 tuổi đời, 14 năm lăn lộn với vùng cao đưa con chữ đến với các bản làng để chắp cánh cho những ước mơ được bay cao. Nhiều học sinh từ những lớp Phương chủ nhiệm đã trưởng thành, thi đỗ vào các trường chuyên nghiệp. Bản thân Phương nhiều năm liền đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp huyện, chiến sỹ thi đua cơ sở, song khi hỏi về chuyện riêng tư, Phương chỉ cười… Tôi càng cảm phục tinh thần, nhiệt huyết mà Phương dành cho sự nghiệp giáo dục bởi nơi đây.

Thanh Tân

Các tin khác
Mỗi năm gia đình CCB Nguyễn Ngọc Thắm, thôn Làng Trẹo, xã An Thịnh (Văn Yên) thu hoạch trên 20 tấn cá các loại.

YBĐT - Phong trào đó như một “trận tuyến mới” đang được các thành viên Câu lạc bộ Doanh nhân CCB huyện Văn Yên (Yên Bái) khẳng định, góp phần tích cực cùng địa phương phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Cựu chiến binh Phạm Quốc Tuấn chăm sóc vườn cây cảnh.

YBĐT - Nổi tiếng trong giới làm cây cảnh ở Yên Bái từ những năm 2006 - 2007, giờ đây, cựu chiến binh (CCB) Phạm Quốc Tuấn ở tổ 14B, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình đang sở hữu vườn cây cảnh trị giá hàng chục tỷ đồng.

YBĐT - Nguyễn Ngọc Bảo Huy và Nguyễn Duy Linh là hai học trò lớp 12A4 của Trường THPT Thác Bà, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái đã vinh dự nhận giải khuyến khích Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh - thiếu niên và nhi đồng toàn quốc lần thứ XI năm 2015.

Anh Trịnh Văn Hưng giới thiệu về giống cam sành Lục Yên. 
(Ảnh: Văn Tuấn)

YBĐT - Với 4 ha cam đang vào kỳ thu hoạch, vụ cam vừa qua, anh Trịnh Văn Hưng, thôn 6, xã Khánh Hòa, huyện Lục Yên thu về ngót nghét 1 tỷ đồng. Năm nay, thị trường cam mặc dù gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ nhưng nhờ chăm sóc tốt, đặc biệt không lạm dụng các loại hóa chất trong chăm sóc và bảo quản cam nên vẫn có rất nhiều khách hàng tìm đến tận vườn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục