Thoát nghèo nhờ nuôi ba ba

  • Cập nhật: Thứ hai, 21/3/2016 | 1:22:01 PM

YBĐT - Mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm, từ một hộ nghèo nhất, nhì trong thôn, đến nay, gia đình ông Đỗ Văn Cẩn, thôn Hoàn Thành, xã Đại Phác, huyện Văn Yên đã trở thành hộ khá giả với mô hình nuôi ba ba thương phẩm cho thu nhập gần trăm triệu đồng mỗi năm.

Ông Cẩn (bên phải) trao đổi với cán bộ nông - lâm nghiệp của xã về việc mở rộng diện tích ao nuôi ba ba của gia đình.
Ông Cẩn (bên phải) trao đổi với cán bộ nông - lâm nghiệp của xã về việc mở rộng diện tích ao nuôi ba ba của gia đình.

Trao đổi với chúng tôi, ông Cẩn cho biết, cái duyên đến với nghề nuôi ba ba của ông cũng rất tình cờ bởi trước đó, gia đình ông cũng nổi tiếng là hộ có thâm niên hơn 30 năm nuôi trâu song chủ yếu phục vụ nhu cầu cày kéo của gia đình chứ chưa nuôi theo kiểu hàng hóa. Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây, bãi chăn thả dần bị thu hẹp, không có đất để trồng cỏ nên việc nuôi nhốt không hiệu quả. Từ 6 con trâu, cuối cùng, gia đình ông phải bán đi chỉ để lại một con phục vụ cày kéo. Từ nuôi trâu rồi chuyển sang nuôi gà, nuôi cá cũng không hiệu quả, cuối cùng con ba ba như cơ duyên đã gắn bó với gia đình ông.

Ông Cẩn chia sẻ: “Trong một lần đi đám cưới con của người bạn ở xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn, tôi thấy nhà nào cũng nuôi ba ba, nhà ít có vài trăm mét vuông ao nuôi, nhà nhiều nuôi tới cả nghìn mét vuông. Nhờ ba ba, nhiều hộ đã trở nên khá giả. Sau khi tìm hiểu nghề nuôi ba ba ở đấy thấy việc nuôi đơn giản, không mất nhiều công chăm sóc, đầu tư chi phí ban đầu ít, không tốn nhiều nhân công, lại là giống dễ nuôi, thích hợp với mọi môi trường nước, vậy là tôi đã mạnh dạn bắt tay vào làm”.

Sẵn có diện tích hơn 200 m2 mặt nước ao của gia đình, năm 2002, dồn hết vốn liếng của gia đình, vay mượn thêm anh em, bạn bè và vay thêm từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, gia đình ông đã tập trung cải tạo ao nuôi, xây dựng hệ thống tường bao và mua ba ba giống.

Tổng chi phí đầu tư ban đầu gần 100 triệu đồng. Ông đã tự mày mò tìm đến các nhà hàng, quán ăn trên huyện và trên tỉnh nắm bắt nhu cầu của nhà hàng để nuôi cho hiệu quả. Hướng tới việc xây dựng cho mình thương hiệu ba ba sạch, thay vì nuôi những giống ba ba năng suất, nhanh lớn. Ông tìm mua những con giống nhỏ của người dân đánh bắt trên sông, hồ về nuôi, chỉ 10.000 - 20.000 đồng/con giống.

Theo ông Cẩn, nuôi theo hình thức công nghiệp chỉ một năm là ba ba đã có trọng lượng 2 - 3 kg nhưng với hình thức nuôi chủ yếu là thức ăn tự nhiên, phải 2 - 3 năm trọng lượng ba ba mới được 3 kg. Mặc dù thời gian nuôi lâu nhưng thịt ba ba chắc, có giá cao hơn hẳn, giá thấp cũng được 200 ngàn đồng/kg, cao từ 300 - 400 ngàn đồng/kg.

 Từ chỗ phải tự liên hệ tìm đầu ra, đến nay, nhiều nhà hàng trên địa bàn huyện đã tìm đến nhà ông đặt mua ba ba thương phẩm với khối lượng lớn, các nhà hàng dưới tỉnh cũng đến đặt hàng để mua sản phẩm của gia đình ông lâu dài. Bằng hình thức đánh tỉa thả bù và tự sản xuất con giống phục vụ nhu cầu nuôi của gia đình nên mọi chi phí đầu vào cũng không đáng kể.

Theo ông Cẩn, nếu so với nuôi trâu, bò, gia cầm thì nuôi ba ba lãi hơn nhiều. Bình quân mỗi năm, trừ chi phí, thấp nhất cũng thu về 20 triệu đồng, còn nếu đầu tư tốt thì mỗi năm cũng thu về cả trăm triệu đồng. Nuôi trâu, bò, lợn, gà rủi ro cao, nhỡ gặp dịch bệnh có thể mất trắng, còn ba ba hầu như không có bất cứ một loại dịch bệnh nào.

14 năm gắn bó với nghề nuôi ba ba, giờ đây, cuộc sống gia đình ông đã khá giả lên trông thấy. Mong muốn của gia đình ông trong năm nay sẽ mở rộng quy mô chăn nuôi, đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Song hiện nay, việc nuôi ba ba của gia đình ông đang gặp rất nhiều khó khăn bởi nguồn nước lấy vào ao nuôi đang có dấu hiệu bị ô nhiễm.

Lý giải vấn đề này, ông cho biết, do ao nuôi lấy nước qua hệ thống kênh mương nội đồng của xã, hầu hết là nước ở đầu nguồn tự chảy, mấy năm trở lại đây nguồn nước đã bị ô nhiễm do ý thức sử dụng của người dân khiến sự sinh trưởng và phát triển của ba ba chậm lại, nếu tình trạng kéo dài thì ba ba có thể sinh bệnh. Chính bởi vậy, ông Cẩn mong muốn chính quyền địa phương có giải pháp để người dân ý thức hơn trong việc giữ môi trường nước để những hộ nuôi trồng thuỷ sản như gia đình ông yên tâm phát triển kinh tế trên chính mảnh đất quê hương mình.

Thanh Tân

Các tin khác

YBĐT - Ở xã Tân Thịnh, thành phố Yên Bái, ai cũng biết đến người phụ nữ đã 25 năm nay gắn bó với công tác Hội Phụ nữ cơ sở trong vai trò là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Trấn Ninh 1. Đó là chị Lê Thị Lương - một người cán bộ hội tiêu biểu, thể hiện ở lòng nhiệt tình và tận tâm với các hoạt động của hội phụ nữ cơ sở và các hội đoàn thể khác mà chị tham gia.

Anh Lương Văn Thùy chăm sóc đàn dê.

YBĐT - Từ hai bàn tay trắng, với hành trang duy nhất là sự quyết tâm, nhiệt huyết của tuổi trẻ, sau gần 2 năm, anh Lương Văn Thùy, sinh năm 1983 ở thôn Gốc Quân, xã Đông Cuông, huyện Văn Yên đã biến những mảnh đồi toàn cây tạp ngày nào thành một gia trại kinh tế tổng hợp cho thu nhập khá. Thành công của anh chính là minh chứng rõ nhất cho sự cần cù, chịu khó, dám nghĩ, dám làm ngay trên mảnh đất quê hương.

Trung tá Nguyễn Trường Giang (giữa) thống nhất phương án đấu tranh phá án với các đồng chí trong Đội.

YBĐT - Tác phong nhanh nhẹn, tận tụy trong công việc, luôn sẵn sàng vượt khó khăn, gian khổ vì sự bình yên, hạnh phúc của nhân dân - đó là những gì chúng tôi cảm nhận được khi làm việc với Trung tá Nguyễn Trường Giang - Đội trưởng Đội Hướng dẫn, Điều tra án xâm phạm về nhân thân, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an tỉnh Yên Bái.

Anh Mai Văn Khuyến (trái) cùng công nhân trong giờ làm việc.

YBĐT - Không cam chịu cái khó, cái nghèo, quyết tâm vươn lên bằng chính đôi tay và khối óc dám nghĩ dám làm của mình, anh Mai Văn Khuyến, thôn Xuân Bình, xã Xuân Lai, huyện Yên Bình không những làm giàu cho gia đình mà còn giúp đỡ bà con trong xã làm ăn kinh tế thoát khỏi cảnh đói nghèo.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục