Ân nghĩa của chị Phượng

  • Cập nhật: Thứ tư, 13/7/2016 | 10:09:45 AM

YBĐT -Chị Phượng kể, đến nay chị không nhớ rõ mình đã cứu giúp được bao nhiêu người, nhưng với trẻ em rơi xuống suối có nguy cơ bị đuối nước thì chị đã cứu được 4 em.

Suối Biệc, đoạn chảy qua thôn 12 xã Minh Xuân, huyện Lục Yên, nhất là đoạn ngầm tràn chảy ngang qua tỉnh lộ 171, mỗi khi mùa mưa đến, nước ngập ảnh hưởng rất nhiều đến việc đi lại của người dân cũng như các cháu học sinh. Nhưng ngay tại đầu ngầm này, có một gia đình trong nhiều năm qua, đã thường xuyên làm công việc giúp đỡ người dân qua ngầm, cứu giúp những vụ tai nạn; đặc biệt là, đã cứu được 4 trẻ em bị ngã và nước suối cuốn trôi có nguy cơ đuối nước.

Trên ngôi nhà sàn cạnh suối Biệc, chị Lã Thị Phượng kể cho chúng tôi nghe về những nguy hiểm, những vụ việc đã từng xảy ra tại con suối này mỗi khi mùa lũ đến. Chị Phượng cho biết, chênh lệch chiều cao giữa mặt đường và mặt nước khi bình thường rất cao, nên mỗi khi có lũ, dòng nước chảy rất xiết và nước xoáy gây nhiều nguy hiểm cho người qua lại, đặc biệt là đối với những người không quen dòng suối này.

Sinh ra, lớn lên ở đây, nên ngay từ nhỏ, chị Phượng đã tự tập bơi dưới con suối Biệc. Do đó, chị rất hiểu con suối này và biết chỗ nào có nước xoáy, chỗ nào dòng chảy xiết. Bởi vậy, cứ mỗi mùa lũ về, gia đình chị lại trở thành địa chỉ tin cậy chỉ dẫn cho nhiều người qua suối. Hơn nữa, chị tự nguyện làm việc này còn bởi chị từng chứng kiến những vụ tai nạn đuối nước rất thương tâm. “Tôi luôn tự nhủ, bản thân mình thấy nạn mà không cứu là có tội và sẽ bị lương tâm cắn rứt. Bởi thế, khi thấy người rơi xuống nước là tôi không nề hà đắn đo, mà phải tìm cách cứu người nhanh nhất” - chị Phượng cho biết.

Không chỉ cứu người bị tai nạn, những khi nước lên, chị Phượng còn thường xuyên giúp đỡ những người qua đường như: giúp đẩy xe, dắt người già, trẻ em qua dòng nước. Chị còn thường nhắc nhở các em học sinh khi đến chơi tại khu vực suối Biệc để tránh tai nạn đáng tiếc xảy ra. Để chủ động trong công việc cứu giúp, ngay trước sân nhà chị Phượng khi nào cũng có một cây sào dài để sẵn sàng đưa xuống kéo người bị ngã dưới suối.

Lần gần đây nhất là vào khoảng hơn 7 giờ sáng ngày 21/6, cháu Sầm Thị Quỳnh Trang cùng ông bà đi qua suối. Do đêm hôm trước, khu vực có xảy ra mưa lớn nên nước lũ lên cao, dòng nước chảy mạnh. Khi sang gần đến đầu bên kia, cháu Trang bị tuột khỏi tay bà, trôi theo dòng nước. Khi ấy, có rất nhiều người gần đó, nhưng không ai kịp nhảy xuống cứu cháu. Nghe thấy tiếng kêu cứu, từ trong nhà chị Phượng vội chạy ra, mặc dù từ trên sân nhà chị xuống đến mặt nước cao khoảng gần 3m, nhưng không chút đắn đo, chị lấy đà nhảy xuống dòng nước xiết cứu cháu bé. Sau một hồi lặn ngụp, chị đã cứu được cháu Trang trong niềm vui khôn siết của ông bà cháu Trang cũng như những người chứng kiến.

Ông Nguyễn Tiến Đạc, thôn 21, xã Minh Xuân là ông ngoại cháu Trang xúc động nhớ lại: “Tại khu vực suối này, từ trước đến nay đã có nhiều trường hợp cả người lớn và trẻ em bị đuối nước. Hôm ấy, nếu không có chị Phượng cứu thì đến nay chắc chắn cháu tôi đã không còn. Gia đình chúng tôi rất cảm kích và vô cùng biết ơn tinh thần dũng cảm cứu người của chị Phượng”.

Ông Nông Mạnh Tường - Chủ tịch UBND xã Minh Xuân cho biết: “Trên địa bàn xã Minh Xuân có 4 hệ thống khe suối, trong đó, có 2 ngầm tràn vào mùa mưa lũ thường bị ngập. Trước tình hình đó, xã thường xuyên cử cán bộ, dân quân, công an viên thường xuyên ứng trực tại các ngầm này. Tuy nhiên, khi lực lượng chức năng chưa kịp có mặt thì chị Phượng đã túc trực bên bờ suối để giúp đỡ người dân, đưa đón các cháu học sinh qua đường. Tấm gương của chị Phượng được xã đánh giá rất cao và đã triển khai cho toàn thể nhân dân trong xã học tập để cùng nhau khắc phục những khó khăn mỗi mùa lũ đến mà hạ tầng giao thông ở địa phương vẫn còn những bất cập”.

Hoàng Hữu (Đài TT – TH Lục Yên)

Các tin khác
Vợ chồng anh Nguyễn Văn Đoàn (bên trái) thu 1,3 tỷ đồng tiền bán cam, chanh tứ thời và cây giống năm 2015.

YBĐT - “Bây giờ, ai còn trồng chè...” - nghe bạn chê mà anh thấy “nóng mặt”. “Trồng chè thì đói lắm!” - nghe thêm một người bạn tỏ vẻ cảm thông mà lòng anh “đau” vì “tủi”. Những sự lòng “đầy tự trọng trai tráng” ấy đã suốt một năm dài không tưởng “hành hạ” người thanh niên 22 tuổi. Mặc bao xì xèo, anh vẫn quyết tâm đưa cây cam về trồng thay thế cây chè, sau đó là cây chanh tứ thời...

Già Sử (ngồi giữa) cùng lãnh đạo xã Nậm Khắt bàn về công tác phát triển kinh tế ở bản Hua Khắt.

YBĐT - Già làng Thào Bủa Sử chẳng nhớ nổi mình đã dừng chân trước bao nhiêu ngôi nhà, nói chuyện với bao nhiêu người ở bản Hua Khắt, xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải này. Chỉ biết rằng, những nơi già đến, hủ tục, đói nghèo bị đẩy lùi nhường chỗ cho đời sống mới với ấm no, hạnh phúc. Dân bản, chính quyền tin yêu, nể trọng và gọi già Sử là già làng chống hủ tục.

Anh Nguyễn Quốc Đỉnh (bên phải) bán gỗ quế cho một cơ sở thu mua ngay trên địa bàn thôn.

YBĐT - Vụ tháng 3 đầu năm, vợ chồng anh Nguyễn Quốc Đỉnh ở thôn 5, xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên bóc 10 tấn quế vỏ, bán giá 16.000 đồng/kg, thu về 160 triệu đồng, cộng với bán lá, bán gỗ được 100 triệu đồng.

Đại tá Trần Kim Hải - Phó giám đốc Công an tỉnh (thứ 2 bên trái) trao đổi với Tổ công tác tăng cường cơ sở tại xã Khánh Hòa.

YBĐT - Tăng cường cơ sở là một chủ trương hết sức đúng đắn và mang nhiều ý nghĩa. Năm 2016 này, Công an tỉnh Yên Bái tiếp tục cử 10 tổ công tác (mỗi tổ gồm 5 thành viên, do một lãnh đạo cấp phòng làm tổ trưởng) về tăng cường cho các xã, thời gian từ tháng 3 đến hết tháng 7 năm 2016. Đi tăng cường là phải cơm niêu, nước lọ, phải chịu đựng nhiều thiếu thốn, vất vả nhưng đã là chiến sỹ thì ai cũng đều cố gắng vươn lên để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục