Tự hào người chiến sỹ quân y

  • Cập nhật: Thứ hai, 15/8/2016 | 12:09:16 PM

YBĐT - Với công việc ở đội phẫu thuật tiền phương Quân khu 8, mặc dù chỉ được 5 tháng huấn luyện về quân y nhưng ông đã sớm nổi tiếng và được đồng đội đặt cho cái biệt danh đầy ý nghĩa: “Người đàn ông có bàn tay mát” bởi ông khâu và băng bó vết thương cho đồng đội rất nhanh lành. “Nói là lính quân y, phục vụ công tác hậu phương song nhiều trận đánh chúng tôi cũng đều tham gia…”.

Ông Nguyễn Thu Hưởng giới thiệu mô hình nuôi ong của gia đình.
Ông Nguyễn Thu Hưởng giới thiệu mô hình nuôi ong của gia đình.

Đến thôn Suối Chép, xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình hỏi thăm nhà ông Nguyễn Thu Hưởng chẳng ai không biết bởi ông không chỉ là một chiến sỹ quân y gan dạ, kiên cường xả thân để cứu sống đồng đội trong thời bom rơi lửa đạn mà khi về với cuộc sống thời bình, Suối Chép nhờ có ông mà đổi mới, vững mạnh.

Dũng cảm chiến đấu, hết lòng vì đồng đội

Ngôi nhà 2 tầng khang trang, đồ sộ nằm gần quốc lộ 70 được ông Hưởng xây dựng cách đây hơn chục năm trị giá gần 300 triệu đồng, xung quanh là khu vườn rộng trên 300 m2 được quy hoạch khá công phu từ đất trồng rau, cây ăn quả, nơi chăn nuôi gia súc, gia cầm cho đến khu vực nuôi ong, cây cảnh… khiến ai thấy cũng mê. Khi chúng tôi đang mải mê ngắm cơ ngơi này, anh Hà Quang Hưng - cán bộ lao động, thương binh - xã hội của xã giới thiệu sự xuất hiện của ông Hưởng - người đàn ông gần 70 tuổi, mái tóc đã bạc, dáng người nhỏ nhắn, nhưng vẫn còn nhanh nhẹn lắm! Nụ cười tươi, đôi mắt sáng, hiền từ, ông mời chúng tôi vào nhà dùng trà. "Nếu viết về tôi thì phải thật và đúng. Đừng viết quá, nói quá, tôi không thích!” - ông Hưởng hướng về phía chúng tôi đề nghị. Sự chân thành, cởi mở của ông khiến chúng tôi càng trân trọng hơn.

Câu chuyện về những năm tháng gian khổ, hào hùng, những trận đánh không thể nào quên... đã được tái hiện một cách sinh động qua lời kể của ông Hưởng. "Các đồng chí có biết tôi phải viết bao nhiêu đơn tình nguyện, nhiều lần đi dép cao, nhồi thêm bông, vải trong quần áo thì mới được tham gia vào chiến trường đấy” - ông hóm hỉnh.

Chẳng là, ngày ấy cậu thanh niên Nguyễn Thu Hưởng vừa học xong cấp 3, ấp ủ ước mơ lên đường tham gia chiến trận nhưng ngặt nỗi khi khám sức khỏe đều không đủ điều kiện. Năm 1964, ông tham gia Tiểu đoàn Yên Ninh 2 và huấn luyện 5 tháng về công tác quân y, sau đó điều động vào chiến trường miền Nam thuộc Trung đoàn 88, Sư đoàn 308 vùng đồng bằng sông Cửu Long thuộc Mỹ Tho, Bến Tre.

Với công việc ở đội phẫu thuật tiền phương Quân khu 8, mặc dù chỉ được 5 tháng huấn luyện về quân y nhưng ông đã sớm nổi tiếng và được đồng đội đặt cho cái biệt danh đầy ý nghĩa: "Người đàn ông có bàn tay mát” bởi ông khâu và băng bó vết thương cho đồng đội rất nhanh lành. "Nói là lính quân y, phục vụ công tác hậu phương song nhiều trận đánh chúng tôi cũng đều tham gia…”.

Thời gian ấy, ông cùng đồng đội từng bị địch bao vây suốt nhiều ngày trong vùng nước ngập mênh mông của đồng bằng sông Cửu Long. Địch bắn phá, đồng đội của ông người bị thương nặng, người bị thương nhẹ đều nằm chung trong một cái lán nhỏ nổi bồng bềnh trên mặt nước, xung quanh rừng tràm, rừng đước um tùm chẳng lối ra… Bên trong, bên ngoài chia cắt, không thể móc nối hay tiếp ứng từ các đơn vị khác; phương tiện, thuốc men cứu chữa thiếu thốn… Ông đã 4 lần dùng máu của bản thân tiếp tế cho đồng đội bị thương nặng; nhịn ăn 2 đến 3 ngày nhường cơm cho thương binh và bằng mọi giá cứu chữa đồng đội.

"Rồi một lần khác, tôi cùng đồng đội bị địch bao vây liên tục 3 - 4 ngày ở khu vực Đồng Tháp Mười! Lại một lần nữa đồng đội bị thương, bị bao vây, bị chia cắt, bị đói, lạnh giữa mênh mông nước… tôi và cậu thanh niên Phạm Văn Lọ đánh liều lặn ngụp bắt cá về làm thức ăn cho đồng đội. Vậy mà…!” - giọng ông bỗng nghẹn lại, cố nín giọt nước mắt đang trực tuôn khi nhắc đến kỷ niệm này. Câu chuyện về vùng Đồng Tháp Mười là ký ức đau thương nhất trong ông.

"Khi anh Lọ bắt được con cá rô đồng, do không có cái đựng nên đã cho vào mồm. Thật không may con cá trôi tuột vào cổ họng của anh. Tôi đưa anh về lán cấp cứu, phẫu thuật thì vây cá đã đánh rách vùng động mạch chính. Tôi cùng đồng đội đau đớn tiễn đưa anh Lọ theo dòng nước mênh mông về với đất mẹ…”. Đến đây, ông Hưởng dừng lời, dõi đôi mắt về phía xa xăm. Dường như một thời oanh liệt trở về vẹn nguyên trong ký ức của ông.

8 lần bị thương, lần 1 ở mạng sườn trong trận đánh ở Bến Tre; lần 2 bị thương ở bắp chân tại Cai Lậy, Mỹ Tho, rồi lần 3, lần 4, lần 5… nhưng phải đến lần thứ 8 mới "bắt” ông rời chiến trường. Đấy là lúc ông ở Quân đoàn 4 từ đồng bằng sông Cửu Long tiến lên Bến Lức, tỉnh Long An để bảo vệ tuyến cầu chiến lược của ta. Ta bằng mọi cách giữ, còn địch thì bắn phá điên cuồng. Cũng trận đánh ấy, ông đã bị mảnh đạn của pháo 175 ly trúng vào đầu.

"Lúc ấy, xác người của ta, địch, súng đạn "phơi” ngập cầu, một cảnh tượng ai thấy cũng phải đau lòng! Tôi không sợ gian khổ, hy sinh mà chỉ sợ phải xa đồng đội… Nhưng có những điều không muốn vẫn phải thực hiện, lần bị thương này đã khiến tôi phải xa chiến trường!” - ông chia sẻ. Sau khi bị thương, ông được chuyển ra tuyến sau điều trị và đến tháng 7/1975, ông trở về quê hương.

Xây dựng quê hương thời bình

Trở về quê hương, ông Hưởng được tỉnh phân công công tác tại Ban Tổ chức tỉnh và cử đi học Khoa Pháp lý, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội một năm. Học xong, ông chuyển ngành sang công tác tại Thanh tra tỉnh Hoàng Liên Sơn. Khi tách tỉnh, ông giữ chức Trưởng phòng Thanh tra xét khiếu tố của tỉnh Yên Bái đến năm 1994 thì về nghỉ hưu. "Tham gia công tác trên nhiều lĩnh vực, cho đến khi về nghỉ, điều mà tôi mong muốn nhất là có thể góp một phần công sức nhỏ bé để xây dựng quê hương mình!” - ông cho biết.

 Điều đó lý giải vì sao, khi ông Hưởng về nghỉ, đã nhiều lần lãnh đạo huyện Yên Bình xuống chỉ định ông giữ chức Bí thư Đảng ủy xã Thịnh Hưng nhưng ông từ chối và mong muốn về với thôn Suối Chép cùng gia đình phát triển kinh tế. Đề nghị, thuyết phục ông không được, lãnh đạo huyện Yên Bình đưa ra yêu cầu: "Nếu ông về thôn thì phải làm Bí thư Chi bộ”.

"Tôi đồng ý luôn bởi lúc bấy giờ, thôn Suối Chép rất phức tạp, đời sống người dân thì nghèo, lại không đoàn kết. Mặc dù gần trung tâm huyện nhưng Chi bộ thôn nhiều năm liền không hoàn thành nhiệm vụ” - ông cho biết. Để người dân đoàn kết, cùng nhau vượt khó đi lên, ông tổ chức họp thôn vận động, tuyên truyền, giải thích những khó khăn và việc cần làm trước. "Thành quả sẽ là minh chứng thuyết phục nhất” - ông quả quyết. Với khối óc, bàn tay và sự quyết tâm cao, quả đồi um tùm lau, sậy đã được ông "biến” thành trên 2 ha keo. Tiếp đó, ông đào thêm 3 sào ao nuôi cá, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Ban đầu vốn ít, ông nuôi nhỏ, khi có vốn, ông mạnh dạn nhân giống, mở rộng quy mô chăn nuôi.

Thời ấy, có trên 2 ha keo, ao cá, hàng trăm con gia súc, gia cầm, ruộng vườn gieo cấy như ông Hưởng là niềm mơ ước của nhiều người. "Ông Hưởng nói, ông Hưởng làm; ông Hưởng không lý thuyết, ông Hưởng rất thực tế” - đó là những câu nói mà người dân nói về ông. Ban đầu một vài hộ, sau đó thì cả thôn, ai cũng đến học kinh nghiệm chăn nuôi, cách thức tổ chức sản xuất của gia đình ông...

Nhằm tận dụng sức kéo của trâu, bò, ngay khi bán đồi keo, ông đã mua về trên chục con trâu, bò. Khi thành đàn, ông chủ động họp thôn để thông báo gia đình nào muốn chăn nuôi trâu, bò, ông sẽ tạo điều kiện cho mượn bò cái về gây giống. Gia đình nghèo ưu tiên trước, cứ 3 gia đình một lần, khi có bê thì chuyển sang các gia đình tiếp theo. Cứ thế, thôn Suối Chép gia đình nào cũng chăn nuôi đại gia súc, gia cầm, trồng rừng, làm ruộng...

Cuộc sống khấm khá lên, người dân đoàn kết, cùng nhau vươn lên thoát nghèo. Là Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Suối Chép trên chục năm thì những năm đó, thôn của ông luôn được đánh giá là thôn có tình hình an ninh trật tự tốt nhất, đời sống người dân cải thiện và Chi bộ luôn đạt trong sạch, vững mạnh, đứng đầu trong các thôn của xã.

Nay, dù tuổi đã cao song ông chưa lúc nào ngơi nghỉ bởi với ông còn sức khỏe là còn lao động. Niềm vui lớn nhất của ông là hàng ngày quây quần bên các con, các cháu và chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển kinh tế cùng bà con trong thôn; đặc biệt là những cuộc điện thoại đầy nghĩa tình, ôn lại một thời quá khứ oanh liệt với đồng đội năm nào từng được ông cứu chữa, sẻ chia gian khó trong chiến trường...

Chia tay người chiến sỹ quân y ấy, chúng tôi không khỏi xúc động bởi những hy sinh, đóng góp của ông và những người lính đã đấu tranh anh dũng và kiên cường cho độc lập dân tộc. Tấm gương ấy sẽ soi sáng lý tưởng cho chúng tôi - thế hệ trẻ hôm nay...

 Ngọc Sơn - Bảo Ngọc

Các tin khác
Đồng chí Dương Văn Thống - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Yên Bái (thứ 5, phải sang) trao đổi với Trưởng thôn Đặng Văn Nam (thứ 4, phải sang) cùng người dân thôn Ngòi Kè về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của thôn.

YBĐT - Đến thôn Ngòi Kè, xã Bảo Ái, huyện Yên Bình, ai cũng biết đến gia đình ông Đặng Văn Nam - 10 năm liền được nhân dân tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn. Không những thế gia đình ông còn làm kinh tế giỏi ở trong thôn.

Ông Trình chăm sóc đàn bò lai Sind.

YBĐT - Theo lời giới thiệu của Hội Cựu chiến binh huyện Yên Bình về gương thương binh điển hình làm kinh tế giỏi, chúng tôi tìm đến thăm mô hình phát triển kinh tế tổng hợp của gia đình ông Nông Ngọc Trình là thương binh hạng 4/4 ở thôn Yên Mỹ, xã Xuân Lai để tìm hiểu cách làm giàu của ông.

YBĐT - Cái tên Giàng A Phử - thôn Sài Lương 4, xã An Lương (Văn Chấn) được nhiều người biết đến là một đảng viên người Mông tiên phong, đi đầu trong việc vượt qua khó khăn mở mang, phủ xanh đất trống đồi núi trọc bằng rừng quế bạt ngàn.

Bà Nguyễn Thị Tâm, chăm sóc chồng khi bệnh tật tái phát.

YBĐT - Là người nhiễm CĐDC, mất 81% sức khỏe, nhưng ông Dũng không cam chịu số phận, hàng ngày, ông vẫn chăm sóc 8.000 m vuông chè, chăn nuôi lợn, gà, tăng thu nhập kinh tế cho gia đình...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục