Khi “cái khó ló cái khôn”

  • Cập nhật: Thứ ba, 6/9/2016 | 8:16:23 AM

YBĐT - Bài giảng điện tử thiết kế chữ trên phần mềm Power Point, máy tẽ ngô hay máy thái rau lang là những sản phẩm khoa học đã và đang được ứng dụng trong thực tế trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ. Và tác giả của những sản phẩm này, không ai khác, chính là những người phụ nữ dân tộc thiểu số bình thường.

Giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc (thị xã Nghĩa Lộ) áp dụng bài giảng điện tử thiết kế chữ trên phần mềm Power Point trong giảng dạy.
Giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc (thị xã Nghĩa Lộ) áp dụng bài giảng điện tử thiết kế chữ trên phần mềm Power Point trong giảng dạy.

Những sản phẩm mang tính ứng dụng

Tiết học phân môn Tập viết tại Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc (thị xã Nghĩa Lộ), giáo viên không cần phải cặm cụi nắn nót từng nét phấn trắng trên bảng đen mà vẫn hướng dẫn được tỉ mỉ, cụ thể từng nét chữ cho học trò. Đơn giản bởi vì thầy cô giáo nhà trường đã giảng dạy bằng bài giảng điện tử thiết kế chữ viết trên phần mềm Power Point.

Quy trình viết, cách viết, cách trình bày nét chữ được hiển thị trên màn hình máy chiếu, minh họa rõ nét theo từng lời giảng của thầy cô. Học sinh vừa nghe vừa nhìn một cách rất trực quan, sinh động nên thực hành theo cũng rất dễ dàng. Bắt đầu từ năm 2009, bài giảng điện tử này đã được giáo viên trong Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc áp dụng. Theo nhận xét của nhiều giáo viên, nó đã hỗ trợ đắc lực cho quá trình giảng dạy của họ, tạo ra những thay đổi tích cực hơn theo phương pháp học truyền thống.

Cách đây 3, 4 năm, bản Đêu 1, xã Nghĩa An (thị xã Nghĩa Lộ), mùa thu hoạch ngô, không còn cảnh người dân bản phải cặm cụi ngồi tẽ từng bắp ngô bằng tay như trước. Thay vào đó, ngô bắp được đưa vào một chiếc máy tẽ ngô rất nhỏ gọn, chỉ việc dùng tay quay máy, từng bắp ngô được tẽ hạt mà không làm vỡ hạt.

Cũng ở bản Đêu 1 này, chiếc máy thái rau lang, cỏ vừng, bèo, chuối phục vụ chăn nuôi lợn đơn giản mà tiện lợi có mặt và trở nên cần thiết với nhiều gia đình. Người ta không còn phải căng tay cầm dao thái rau lợn mà chỉ việc cho rau vào máng của chiếc máy rồi dùng thanh tre nhỏ đẩy vào, rau sẽ được băm nhỏ. Bình thường, một người một ngày nếu thái bằng tay liên tục trong 8 giờ có thể thái được 120 kg - 150 kg rau lợn thì máy này trong ngần ấy thời gian thái được 650 kg - 700 kg.

Bài giảng điện tử thiết kế chữ trên phần mềm Power Point, máy tẽ ngô hay máy thái rau lang là những sản phẩm khoa học đã và đang được ứng dụng trong thực tế trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ. Và tác giả của những sản phẩm này, không ai khác, chính là những người phụ nữ bình thường, đến với sự sáng tạo khoa học một cách tự nhiên, từ thôi thúc bởi chính những khó khăn trong công tác, công việc hàng ngày. 
 
Sáng tạo từ cái khó

Như bao phụ nữ Thái khác ở mảnh đất này, bà Điêu Thị Xiêng (thôn Đêu 1, xã Nghĩa An) gắn bó với đồng ruộng, mùa lúa cấy lúa, mùa ngô thu ngô. Việc nhà nông cơ bản vẫn sử dụng đôi bàn tay lao động đơn thuần. Bà Xiêng chia sẻ: "Trước đây, cứ đến vụ thu hoạch ngô, cả gia đình tôi cùng bà con trong bản lại ngồi tẽ ngô. Có những hôm tẽ đến sưng, đau cả tay mà cũng chỉ được chục cân ngô hạt. Thế nên, câu hỏi làm thế nào để giảm bớt được sự vất vả này cứ canh cánh trong tôi". Sự canh cánh ấy đã thôi thúc bà tự mày mò, nghiên cứu và sáng chế ra chiếc khung gỗ tẽ ngô nhỏ gọn, rất phù hợp với điều kiện của các gia đình trong bản. Đó là thời điểm năm 2013.

Bà Xiêng cho biết thêm: "Khi ấy, trên thị trường, máy tách hạt ngô đã có từ lâu nhưng để sắm được một chiếc máy như vậy với một gia đình thuần nông trong bản như chúng tôi không hề đơn giản. 1 chiếc máy tẽ ngô công suất nhỏ giá thấp nhất là 2 triệu đồng, chiếc công suất lớn có giá trên chục triệu đồng".

Chiếc khung máy tẽ ngô của bà Xiêng dùng quả lô tròn, trên mặt lô có răng như kiểu bàn cào, quay bằng tay, không cần dùng động cơ điện, không gây tiếng ồn, không làm vỡ hạt ngô, lõi ngô, năng suất gấp 5 - 6 lần so với tẽ ngô bằng tay. Thời điểm đó, bà con nông dân trong bản, trong xã nhiều người đến hỏi mua nhưng bà Xiêng không bán mà tận tình hướng dẫn giúp họ tự làm máy tẽ ngô cho nhà mình.

Cách làm rất đơn giản, vật liệu có thể tận dụng những thanh gỗ nhỏ, ổ bi xe đạp hỏng, đinh. Bây giờ, tuy chiếc máy tẽ ngô này không còn được sử dụng nhiều như trước nữa vì nhiều gia đình thu hoạch ngô sản lượng lớn phải chuyển sang thuê máy tẽ ngô hiện đại có công suất lớn song nó vẫn hữu dụng với những gia đình có sản lượng ngô ít. 

Tác giả của chiếc máy thái rau lợn được kể đến cũng là một người phụ nữ Thái. Chị tên Lò Thị Liêng, cùng ở bản Đêu 1, ngày bám đồng ruộng, sáng, tối lại tất bật với đàn lợn. "Gia đình tôi chỉ chăn nuôi có năm, bảy con lợn mà lúc nào cũng phải bận rộn với việc băm rau, nấu cám nên tôi nảy ra ý tưởng làm một chiếc máy thái rau lang cho tiện dụng" - chị Liêng cho hay.

Tự mày mò, chị tận dụng mô tơ chiếc máy bơm nước hỏng và ván gỗ thông đóng lại thành chiếc hộp, bên trong có lưỡi dao làm thanh chiếc máy thái rau lợn. Cũng như máy tẽ ngô, máy thái rau lợn không phải chưa có trên thị trường nhưng giá thành không phù hợp với nhiều gia đình thuần nông trong bản. Chiếc máy mà chị Liêng nghĩ ra có chi phí không đáng kể, lại có công suất cao hơn nhiều so với việc thái rau lợn theo cách thông thường. Lúc đầu, bà con trong bản chỉ sang xem, rồi thấy dễ sử dụng nên nhiều người mượn về dùng thử. Thấy công dụng, nhiều người đã mang vật liệu nhờ chị Liêng làm giúp và sử dụng.

Cũng xuất phát từ nhu cầu giải quyết khó khăn trong công việc mà sản phẩm sáng tạo "Một số giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và giảng dạy" của Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc - cô Chu Thị Tú Liên, người dân tộc Ngái đã ra đời. Chương trình quản lý học sinh tiểu học, thiết kế chữ viết trên phần mềm Power Point và chương trình quản lý cán bộ, giáo viên, nhân viên là những giải pháp nằm trong sản phẩm này.

Nói về cái khó trong phân môn Tập viết ở cấp 1, cô Liên cho hay: "Thực tế hiện nay, đội ngũ giáo viên viết chữ đẹp và viết đúng còn ít. Các thầy cô viết không đẹp, không đúng thì thật khó mà hướng dẫn học sinh cho chuẩn. Kể cả thầy cô viết đẹp, viết đúng thì lại úp mặt vào bảng, che mất quá trình viết và không quan sát được học sinh của mình có chú ý theo dõi cô hướng dẫn cách viết hay không. Hoặc để viết đúng, các thầy cô nắn nót mất nhiều thời gian, làm ảnh hưởng đến chất lượng giờ học, thời gian dành cho luyện viết không đủ”.

Cô Liên cho biết thêm, trên mạng Internet cũng có một số mẫu chữ có sẵn nhưng để giáo viên đưa vào bài của mình thì gặp nhiều khó khăn. Thực tế, có nhiều giáo viên đã thất bại khi sử dụng trong tiết dạy của mình. Áp dụng cách thiết kế chữ viết mà cô Liên thiết kế làm bài giảng điện tử đã khắc phục được những nhược điểm, hạn chế của một bài giảng theo phương thức truyền thống của giáo viên, cũng có thể nói là rất hữu hiệu đối với phần tập tô của học sinh mẫu giáo.

Bà Điêu Thị Xiêng (thứ 2, trái sang) là tác giả của chiếc máy tẽ ngô tiện lợi.

Bà Lò Thị Tuyết Dung - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Nghĩa Lộ cho biết: "Bài giảng điện tử thiết kế chữ viết trên phần mềm Power Point đã tập huấn hè 2009 cho 100% cán bộ quản lý và giáo viên tiểu học trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ. Từ đó đến nay, kỹ thuật thiết kế này được giáo viên các trường: Nguyễn Bá Ngọc, Nguyễn Viết Xuân, Kim Đồng sử dụng để thiết kế các bài giảng có hiệu quả cao.

Tuy nhiên, ngoài Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc thì ở các trường khác, các bài giảng mới chỉ dừng lại ở các tiết hội giảng, thanh tra, kiểm tra hoặc chuyên đề, do nhiều lý do như cách thiết kế đòi hỏi người giáo viên cần có tính kiên trì, tỉ mỉ, sáng tạo; trình độ tin học, sử dụng máy tính của giáo viên chưa cao; phương tiện máy chiếu tại các nhà trường còn thiếu...”.

Cùng với giải pháp thiết kế chữ viết trên phần mềm Power Point, chương trình hỗ trợ quản lý học sinh tiểu học và chương trình quản lý cán bộ, giáo viên, nhân viên của cô Liên đều là những chương trình ứng dụng công nghệ thông tin giúp việc quản lý và sử dụng tất cả các thông tin liên quan đến học sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên trong trường học một cách thuận tiện, chính xác, cập nhật thường xuyên, giảm bớt việc in ấn sổ sách và thời gian tổng hợp từ sổ sách, giảm bớt thời gian và cường độ làm việc của cán bộ quản lý, giáo viên cho công việc này để dành thời gian cho những công việc khác.

Chương trình quản lý học sinh tiểu học đã triển khai đến các trường tiểu học trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ, riêng Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc đang sử dụng có hiệu quả. Còn chương trình quản lý cán bộ giáo viên nhân viên đang thử nghiệm, bước đầu có hiệu quả, phấn đấu năm 2016 hoàn thiện để triển khai đại trà trên địa bàn thị xã.

Những sản phẩm khoa học ít nhiều đã cho thấy sự năng động, tư duy sáng tạo trước cái khó nảy sinh trong công việc, cuộc sống của những người phụ nữ dân tộc thiểu số ấy, bất kể trên cương vị là một cán bộ quản lý hay những người phụ nữ thuần nông.

Thu Hạnh - Thu Hằng

Các tin khác
Đại úy Triệu Anh Tuấn (ngồi giữa) luôn bám sát cơ sở để vận động nhân dân tham gia Phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.

YBĐT - Nhanh nhẹn, tận tụy với công việc, không ngại khó khăn, gian khổ, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; luôn gần gũi, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, đó là nhận xét của đồng đội và nhân dân về Đại úy Triệu Anh Tuấn - Phó đội trưởng Đội An ninh, Công an huyện Yên Bình.

Cô giáo Chu Thị Tú Liên.

YBĐT - “Khoa học là một niềm đam mê của tôi” - đó là tâm sự của cô giáo Chu Thị Tú Liên, người dân tộc Ngái, hiện là Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc, thị xã Nghĩa Lộ.

Mô hình chăn nuôi lợn của gia đình anh Lê Văn Hoàng cho thu nhập cao.

YBĐT - Những năm gần đây, phong trào hội viên hội nông dân tham gia phát triển kinh tế gia đình vươn lên làm giàu được nhân rộng trên địa bàn xã Minh Quân (Trấn Yên). Một trong số hội viên điển hình đó là anh Lê Văn Hoàng ở thôn Linh Đức, làm kinh tế giỏi từ mô hình vườn, ao, chuồng, rừng (VACR).

Cựu chiến binh Hoàng Ngọc chăm sóc vườn cây ăn quả.

YBĐT - Đứng trước hơn một mẫu đất trồng cây ăn quả của gia đình, ông Hoàng Ngọc - Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh thôn 3, thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên vẫn không khỏi xúc động trước thành quả từ bao nhiêu công sức, mồ hôi của mình nay đã được đền đáp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục