Nữ cựu quân nhân chủ doanh nghiệp

  • Cập nhật: Thứ tư, 28/9/2016 | 11:15:31 AM

YBĐT - Sự kiên định trong ánh nhìn, sự quyết đoán trong lời nói và sự tự tin trong cuộc chiến xóa đói nghèo sau khi rời quân ngũ đã làm nên một cô Nhâm năng động, mạnh dạn. Cô Nhâm "văn công" trẻ măng từ chiến trường bước ra với bộ quân phục xanh màu áo lính ngày nào nay càng mặn mòi, rắn rỏi hơn bởi kinh nghiệm và uy tín trên thương trường kinh doanh, đem về thành quả no ấm cho gia đình và quê hương.

Vợ chồng cô Nhâm sơ chế táo tươi.
Vợ chồng cô Nhâm sơ chế táo tươi.

Tiếng máy cắt táo và sự chú tâm làm việc đến say mê của người nữ quân nhân - chủ doanh nghiệp kinh doanh rượu táo mèo Trần Thị Nhâm khiến tôi phải chào tới câu thứ ba hay tư gì đó, người phụ nữ ấy mới ngẩng đầu lên:

- Cháu vào nhà đi, hôm nay nghe tin cơn bão số 4 về, cô định không làm nên cho lao động nghỉ gần hết, nhưng thấy trời nắng, nghĩ tiếc lại mang táo ra thái phơi. Nói rồi, như sợ ông trời đỏng đảnh tắt mất nắng, cô Nhâm tiếp tục cho táo vào cắt. Vừa cắt táo vừa vui vẻ trò chuyện với tôi, chỉ có điều thi thoảng tôi phải hỏi lại cô mới nghe được. Sau này mới biết tai của cô bị ảnh hưởng do áp lực bom mìn của Trường Sơn nên nghe không được rõ. Câu chuyện râm ran xen lẫn tiếng máy thái táo giữa những người thân trong gia đình với lao động thời vụ đã đưa nữ quân nhân duyên dáng và xinh đẹp quay về con đường Trường Sơn huyền thoại năm xưa.

Ấy là mùa xuân năm 1970, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc đang diễn ra ác liệt, cô gái trẻ Trần Thị Nhâm cũng như bao nam, nữ thanh niên trong làng quyết tâm xa gia đình, người thân, xa quê hương Kiến Xương (Thái Bình) xung phong vào miền Nam phục vụ. Trong đó, ngoài tiếng gọi tình yêu Tổ quốc còn có tiếng gọi của con tim là người yêu cùng quê - anh Vũ Vương Nhàn nhập ngũ đúng Mậu Thân năm 1968 và chiến đấu ở Tiểu đoàn 17, Sư đoàn 320 (nay là Sư đoàn 390 Quảng Trị).

Tình yêu quê hương, yêu Tổ quốc và tình yêu đôi lứa khi ấy như ngọn lửa nhiệt huyết nâng bước đôi chân cô thôn nữ quê lúa vượt bao đèo cao, suối sâu đến với chiến trường miền Nam, dù biết có thể sẽ một đi không trở về. Hết thời gian đi thanh niên xung phong tại Quảng Bình, cô tình nguyện xin ở lại chiến trường với mong muốn được phục vụ lâu dài trong quân đội. Năm 1972, cô được phiên chế trong Đội Tuyên truyền Văn hóa - Văn nghệ của Sư đoàn 472.

Cùng đồng đội đi khắp các chiến trường từ Hạ Lào sang Cam Pu Chia tới Đà Nẵng, năm 1973, cô được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng, năm 1974 được cấp trên giao trọng trách Trung đội phó Trung đội Bảo vệ của Trung đoàn 34, Sư đoàn 472, Đoàn 559. Đó cũng là thời gian cô bị căn bệnh sốt rét hành hạ nhiều nhất, có lúc người chỉ còn hơn 40 kg. Chiến trường ác liệt khiến những cánh thư gửi người thân cũng thất lạc bởi đạn bom nhưng cả hai người lính ấy đều chiến đấu với niềm tin tuyệt đối "Chiến thắng sẽ về ta, nước nhà độc lập sẽ về quê xin phép gia đình làm đám cưới".

Thế rồi, ở hai đơn vị khác nhau họ cùng vỡ òa trong niềm vui chiến thắng với đồng đội khi Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử kết thúc thắng lợi, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Sau đó 1 năm, cả hai ra Bắc và tổ chức lễ cưới thật đơn giản nhưng vô cùng ý nghĩa. Bà con họ hàng mừng cho đôi vợ chồng người lính trẻ bình yên trở về vui ngày đoàn tụ.

Trong ngôi nhà nhỏ ở tổ 13, phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái, vừa giúp vợ chọn táo để thái vừa thoăn thoắt chuẩn bị tải mang táo đi phơi, chú Vũ Vương Nhàn (chồng cô Nhâm) tâm sự: "Tôi tên Nhàn mà chẳng nhàn tí nào. Hai vợ chồng về quê làm đám cưới xong, tôi trở lại chiến trường, mãi tới tháng 5/1978 mới giải ngũ về làm ở ngành lương thực. Còn vợ cũng về Trung đoàn An dưỡng 153, Tiền Hải (Thái Bình) làm nhiệm vụ điều dưỡng thương binh nặng, đến năm 1988 chuyển ngành về làm xây dựng".

Hai vợ chồng, 4 đứa con, đất nước mới qua chiến tranh vẫn còn bao khốn khó. Từ Tổng kho Lương thực Lào Cai trở về, họ quyết định chọn Yên Bái làm quê hương thứ hai cùng chung tay xây dựng cuộc sống. Đầu tư trồng rau, nuôi lợn, nuôi gà nhưng cái nghèo vẫn đeo bám không thôi. Năm 2013, vợ chồng cô bàn bạc và quyết định chuyển hướng làm kinh tế. Cô Nhâm chia sẻ: "Rời quân ngũ về nghỉ hưu, tham gia Hội Cựu thanh niên xung phong, Hội Cựu chiến binh thành phố, cô nghĩ nếu chuyển sang kinh doanh thì kinh doanh cái gì để vừa có thu nhập cho gia đình lại vừa góp phần tạo công ăn việc làm cho bà con xóm nghèo?".

Làm gỗ lạt hay kinh doanh chè xanh, chè đen thì phải có xưởng, chăn nuôi lớn thì phải có đất. Thấy Yên Bái có đặc sản quả sơn tra (táo mèo) rất nhiều công dụng, lại sẵn có trên vùng đồng bào dân tộc Mông, hai vợ chồng quyết định đầu tư dây chuyền sản xuất kinh doanh rượu táo mèo. Được cán bộ Sở Công thương tạo điều kiện giúp đỡ, được tập huấn về vệ sinh thực phẩm và an toàn lao động để bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, ban đầu cô làm thử 3 téc, mỗi téc chứa 2.000 lít rượu. Thấy có hiệu quả và được bạn hàng của Hà Nội ưa chuộng đặt hàng, cô tiếp tục mở rộng quy mô lên gấp đôi và kinh doanh thêm cả rượu chuối hột rừng ở tận Lục Yên với mức tiêu thụ từ 4 - 5 tấn/vụ.

Việc liên hệ thu mua táo tươi ở hai huyện vùng cao Trạm Tấu và Mù Cang Chải, cô phải đích thân lên tận nơi khảo sát và ký hợp đồng với cơ sở cung cấp nguyên liệu, bảo đảm đầu vào cho sản phẩm đạt chất lượng và số lượng. Tiếp đến là việc vận chuyển hàng trăm cây số về thành phố sao cho táo không bị dập nát. Sau đó mới tới công đoạn chọn lọc, rửa nước sạch, để ráo rồi cho vào máy thái sau đó mang phơi khô. Tiếp tục cho táo đã phơi vào bảo quản bằng cách rửa thật kỹ lại bằng nước sạch cho hết mùi hăng, đổ ra cho ráo nước rồi mới đưa vào ngâm. Rượu để ngâm táo cũng được cô Nhâm chọn lọc kỹ càng qua nhiều cơ sở trong tỉnh, cuối cùng nguồn rượu được cung cấp bởi Công ty Rượu Đồng Xuân (Thanh Ba - Phú Thọ).

Cô Trần Thị Nhâm giới thiệu sản phẩm rượu táo mèo của Công ty với lãnh đạo Hội Cựu thanh niên xung phong tỉnh và thành phố Yên Bái.

Đi thăm dây chuyền chế biến rượu táo mèo được cô đầu tư hơn 200 triệu đồng mới thấy quyết tâm và nghị lực phi thường của người nữ quân nhân nhỏ bé này. 7 chiếc téc, mỗi téc chứa 2.000 lít rượu, vị chi 14.000 lít/năm với thời gian từ lúc ngâm ủ tới lúc xuất bán ra thị trường là 6 - 9 tháng, trung bình mỗi năm doanh nghiệp của cô xuất bán ra thị trường trên 10.000 lít rượu táo mèo, tương đương với 11 - 12 tấn táo tươi. Chẳng những góp phần giải quyết công ăn việc làm thời vụ cho hàng chục lao động địa phương mà Công ty cổ phần Rượu táo mèo của cô còn góp phần tiêu thụ, quảng bá sản phẩm quả sơn tra Yên Bái tới đông đảo bạn hàng trong và ngoài tỉnh.

Cô Nhâm cho biết: "Từ nguồn vốn vay Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hơn 300 triệu đồng, đến nay mỗi vụ táo, trừ các loại chi phí và nhân công lao động, đóng góp ngân sách Nhà nước, gia đình cũng có thu nhập trên 30 triệu đồng".

Số tiền tuy chưa cao nhưng với một nữ quân nhân, cựu thanh niên xung phong như cô Trần Thị Nhâm thì đó quả là một nỗ lực rất đáng trân trọng. Năm nay dù đã bước sang tuổi 65 nhưng người nữ cựu quân nhân, chủ doanh nghiệp Trần Thị Nhâm vẫn rất năng động, nhanh nhẹn và đầy nghị lực trên thương trường kinh doanh. Với cô, việc làm giàu cho gia đình, cho bà con, làng xóm và cho quê hương hôm nay không khác gì so với việc xung phong ra chiến trường bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân, cho đất nước năm xưa. Có chăng, nó đòi hỏi nhiều hơn sự sẻ chia, yêu thương, đùm bọc giữa những chiếc lá rách - lành mà cuộc chiến với nghèo đói trong thời bình cần có. Tôi tin, suy nghĩ ấy, tinh thần ấy, bầu nhiệt huyết ấy sẽ là động lực mạnh mẽ hơn bất cứ đòn bẩy nào giúp nữ quân nhân - chủ doanh nghiệp Trần Thị Nhâm vững vàng hơn, quyết tâm hơn, đạt hiệu quả cao hơn trên con đường kinh doanh mà cô đã chọn.

Thanh Hương

Các tin khác
Anh Hoàng Trung Chinh tặng quà cho học sinh nghèo ở xã Trung Tâm, huyện Lục Yên.

YBĐT - Gặp Bí thư Huyện đoàn Hoàng Trung Chinh khi anh vừa cùng các bạn đoàn viên thanh niên (ĐVTN) hoàn thành xong công trình tình nguyện đổ bê tông sân Nhà văn hóa ở một xã gần trung tâm thị trấn Yên Thế. Hoàng Trung Chinh vừa vinh dự được tham dự Đại hội “Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác” toàn quốc lần thứ IV - 2016 và đạt Giải thưởng Lý Tự Trọng năm 2016.

Anh Phương cho cá ăn bằng máy tự động.

YBĐT - Không sinh ra và lớn lên ở xã Vân Hội, huyện Trấn Yên nhưng anh Trần Ngọc Phương đã chọn mảnh đất giàu tiềm năng này để lập nghiệp và quyết tâm làm giàu từ nghề nuôi cá“.

Tin tưởng chị Hồng nên chị em phụ nữ đến Phòng khám để sinh đẻ và tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản ngày một đông.

YBĐT - Một ngày đầu thu, chúng tôi đến Phòng khám Đa khoa khu vực Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu để gặp chị Nguyễn Thị Minh Hồng - nữ hộ sinh duy nhất đại diện cho Việt Nam nhận Giải thưởng Cán bộ hộ sinh xuất sắc quốc tế do Hội đồng Cán bộ hộ sinh quốc tế (COINN) và Tổ chức Cứu trợ trẻ em (Save the Children) trao tặng giữa tháng 8 vừa qua.

Chị Tô Thị Xuyến đang tư vấn cho khách hàng.

YBĐT - Thân thiện, cởi mở, mến khách là những gì chúng tôi cảm nhận được khi gặp doanh nhân Tô Thị Xuyến - người phụ nữ bé nhỏ nhưng là chủ cửa hàng cơ khí (điện máy, xây dựng, nông nghiệp) lớn nhất, nhì của tỉnh Yên Bái.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục