Làm giàu từ nuôi lợn
- Cập nhật: Thứ hai, 7/11/2016 | 8:12:01 AM
YBĐT - Áp dụng thành công mô hình chăn nuôi lợn khép kín, anh Đỗ Trọng Lưu ở xã Đại Lịch (Văn Chấn) đã đạt mức thu nhập mỗi năm gần 200 triệu đồng.
Anh Đỗ Trọng Lưu (bên trái) giới thiệu với lãnh đạo xã Đại Lịch về quy trình chăn nuôi lợn khép kín của gia đình.
|
Khởi nghiệp từ năm 2014, đến nay gia đình anh Lưu đã có quy mô trang trại với 25 lợn nái và luôn đảm bảo trên 100 đầu lợn thịt. Anh Lưu chia sẻ: “Ban đầu gặp không ít khó khăn do thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm nên gia đình tôi chỉ nuôi vài ba chục con lợn thịt. Sau khi xuất chuồng lứa lợn đầu tiên, thấy hiệu quả mang lại khá, gia đình đã quyết định đầu tư mở rộng chuồng trại chăn nuôi với quy mô lớn”.
Nhờ tính cần cù, chịu khó, năng động tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi gia súc do Trạm Khuyến nông huyện mở tại xã và học hỏi kinh nghiệm thông qua sách báo, anh Lưu đầu tư áp dụng mô hình nuôi lợn theo quy trình khép kín. Khu vực chuồng trại được chia thành nhiều dãy riêng biệt, được phân khu để nuôi lợn nái cung cấp con giống tại chỗ và chăn nuôi lợn thịt thương phẩm. Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, anh Lưu xây dựng hầm khí biogas lấy khí đốt phục vụ sinh hoạt và nguồn phân bón chăm sóc một số loại cây ăn quả như: bưởi Diễn, ổi, cam sành và hạn chế dịch bệnh có thể gây hại cho đàn lợn. Giữa năm 2016, cơ sở chăn nuôi của anh Lưu được huyện Văn Chấn hỗ trợ 30 triệu đồng từ “Đề án Phát triển chăn nuôi tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2016 - 2020”.
Với quy mô hệ thống chuồng trại rộng, đảm bảo vệ sinh, thức ăn cho lợn được chế biến đúng kỹ thuật, phù hợp theo từng tháng tuổi của lợn nên đàn lợn luôn khỏe mạnh, tăng trọng nhanh. Tính toán tránh rủi do trong chăn nuôi, anh lựa chọn loại cám chăn nuôi tại những công ty có thương hiệu, uy tín về chất lượng kết hợp thêm ngô, sắn, rau, thân chuối làm thức ăn chăn nuôi. Đàn lợn nái luôn được anh chăm sóc theo quy trình kỹ thuật rất khắt khe để đạt chất lượng lợn giống tốt nhất và lợn thương phẩm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Lợn thịt khi đủ tiêu chuẩn xuất chuồng luôn bán được giá cao, bởi thương lái tin tưởng vào chất lượng. Trung bình mỗi năm, anh Lưu xuất ra thị trường 3 lứa lợn, đạt khoảng trên 10 tấn với giá bình quân 45.000 đồng/kg.
Anh Lưu cho biết: “Muốn nuôi lợn thịt hiệu quả, đạt lợi nhuận cao, trước hết không nên mua con giống trôi nổi trên thị trường không rõ nguồn gốc; khi nuôi cần thường xuyên kiểm tra, theo dõi bệnh dịch và chăm sóc bằng loại thức ăn tốt nhất. Đặc biệt, phải tiêm phòng vắc-xin định kỳ đầy đủ nhằm chủ động phòng ngừa các loại bệnh lợn hay mắc phải, nhất là phòng bệnh lợn tai xanh và lở mồm long móng. Bên cạnh đó, phải thực hiện tốt công tác vệ sinh thú y, giữ cho nhiệt độ chuồng nuôi hợp lý theo điều kiện thời tiết, tránh trường hợp để chuồng trại chăn nuôi ẩm thấp, lợn bị muỗi đốt, mưa ngập dễ phát sinh mầm bệnh”.
Trước đây, nuôi lợn thương phẩm, vợ chồng anh Lưu phải đi liên hệ hoặc mang lợn đi bán thì hôm nay, mỗi khi đủ cân xuất chuồng chỉ cần điện thoại là các thương lái cho xe đến tận nơi thu mua, hoặc bán cho các hợp đồng đã ký từ trước. Với quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương, vợ chồng anh Lưu đang có kế hoạch tiếp tục mở rộng thêm chuồng trại, phát triển chăn nuôi lợn nái để cung cấp nguồn con giống cho người dân tại địa phương và các xã lân cận.
Chị Hà Thị Kim Cương - Chủ tịch Hội Nông dân xã Đại Lịch cho biết: “Gia đình hội viên Đỗ Trọng Lưu được xem là một điển hình tiêu biểu cho tinh thần dám nghĩ, dám làm, ý chí vượt khó của thanh niên nông thôn. Trong quá trình thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, chính quyền xã Đại Lịch đã khuyến khích người dân học hỏi, áp dụng mô hình chăn nuôi lợn theo quy trình khép kín như của gia đình anh Lưu để nâng cao thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”.
Vũ Đồng
Các tin khác
YBĐT - Mục đích chính làm ngành hàng này trước mắt là phát triển kinh tế gia đình, sau là để tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương.
YBĐT - Mô hình nuôi thỏ bán công nghiệp với quy mô 2.000 con của đoàn viên Nguyễn Thành Công, thôn Quyết Thắng, xã Y Can, huyện Trấn Yên cho thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm.
YBĐT - “Cô Hằng là một nhà giáo mẫu mực, tâm huyết, tận tụy với nghề nghiệp, hết lòng vì học sinh thân yêu. Cô đã có nhiều cải tiến và sáng kiến trong công tác giảng dạy, cũng như đóng góp trong việc bồi dưỡng đội ngũ học sinh giỏi cho nhà trường...”. Đó là những nhận xét của bạn bè, đồng nghiệp về cô giáo Hoàng Thị Thuý Hằng - giáo viên Tổ Khoa học Tự nhiên, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú (PTDTNT) THCS huyện Văn Chấn.
YBĐT - Đã có nhiều năm lênh đênh trên hồ Thác Bà, nhọc nhằn mưu sinh với những mẻ tôm, mẻ cá nhưng chỉ đến khi dựng trại nuôi lợn thì ông Đinh Văn Lưu ở thôn Thủy Sơn, xã Mông Sơn, huyện Yên Bình mới trở nên khá giả. Đến nay, triệu phú Lưu thường xuyên duy trì 100 lợn thịt, 15 lợn nái, 20 con dê, 10 con bò…