Người “thổi hồn” vào đá
- Cập nhật: Thứ hai, 23/1/2017 | 1:56:05 PM
YBĐT - Các bức tranh được tạo ra từ đá của chị Hằng trở nên sống động hơn, những thảm cỏ như được trải thêm một màu xanh mượt mà, óng ánh, những con suối như róc rách reo vang, những tà áo trở nên mềm mại, lụa là... đầy cuốn hút.
Chị Nguyễn Thị Hằng sáng tạo sản phẩm mới.
|
Những ngày cuối năm, làng tranh đá quý ở vùng “đất ngọc” Lục Yên trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Người ra người vào đông vui, nhộn nhịp, nhà nhà làm tranh, người người làm tranh... làng nghề trở nên rộn ràng. Những người thợ làm tranh như những con ong chăm chỉ, miệt mài, tỷ mẩn bên các tác phẩm mong sao xong sớm để trả cho khách hàng đã đặt trước kịp treo đón tết.
Nghề làm tranh đá Lục Yên xuất hiện từ những năm 90 của thế kỷ trước. Ban đầu chỉ ở một vài hộ gia đình, đến nay, đã phát triển thành làng nghề, tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng trăm nhân công. Nghề làm tranh đá quý cũng đem lại doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm, góp phần quan trọng thúc đẩy nền kinh tế Lục Yên phát triển.
Thế nhưng, ít ai biết một trong những người góp phần khai sinh và phát triển nghề làm tranh đá quý Lục Yên nở rộ như ngày hôm nay lại là một người phụ nữ rất đỗi giản dị, chị là Nguyễn Thị Hằng - chủ cơ sở sản xuất tranh đá quý Hồng Ngọc ở tổ 11, thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên.
Chị Hằng đến với nghề đá quý khi mới 15, 16 tuổi. Khi đó, khắp các bãi đá lớn nhỏ ở Lục Yên chỗ nào người ta cũng biết chị. Như bãi “Thái”, bãi “Chuối” đến bãi “Mây Thượng”, “Mây Hạ” nơi nào cũng in dấu chân người phụ nữ lanh lợi, hoạt bát ấy. Khi có chút kinh tế từ nghề buôn đá, gia đình chị mở thêm một quán cà phê nhỏ tại thị trấn và từ đây cuộc đời chị rẽ sang một trang mới.
Năm 1999, tình cờ nhìn thấy một bức tranh do một người khách đi du lịch Thái Lan đem về có gắn những viên đá giống viên đá quý lấp lánh của gia đình. Chị và một số người bạn chợt nảy ra ý định làm tranh từ những viên đá lóng lánh sắc màu ấy.
Chị Hằng bồi hồi nhớ lại những ngày đầu thử nghiệm làm tranh: “Ban đầu, chị chỉ dám làm một bức tranh hoa hồng nhỏ nhưng vì vẽ tranh không khéo nên phải loay hoay mấy ngày mới nghĩ ra cách làm. Hôm ấy, đang không biết làm sao để tạo nên một bức tranh như bức tranh hoa hồng vẫn thích thì chợt nhìn thấy tấm kính trong để ở góc nhà. Chị liền nghĩ ra đặt bức tranh phía dưới tấm kính rồi lấy keo 502 gắn từng miếng đá nhỏ trực tiếp lên mặt kính theo bức tranh bên dưới”.
Đang kể, như nhớ ra một điều gì đó rất thú vị, chị Hằng cười rồi tiếp: “Em biết không, mình nghĩ đơn giản nhưng cũng không đơn giản đâu nhé. Gắn tranh xong, chị đem cho vào tủ lạnh 2, 3 hôm sau mới đem ra, nhưng khi mới động vào một chút, đá đã rơi ra từng mảng và nhiều lần sau cũng thế đều không thành công. Nhưng sau mỗi lần thất bại mình lại có thêm kinh nghiệm và càng quyết tâm hơn em ạ!”.
Và rồi, sau nhiều đêm suy tư, trằn trọc chị lại nghĩ ra cách phủ một tờ giấy bóng trong trên mặt kính, cách này đã giúp chị thành công.
Hoàn thành bức tranh đá đầu tiên, chị đem treo tại quán cà phê, khách ra vào đều khen đẹp, độc đáo. Nhiều người hỏi mua, chị bán được giá cao. Nhận thấy nhu cầu về tranh đá quý là rất lớn chị bắt tay vào làm tranh để bán.
Nói về những ngày đầu vào nghề làm tranh, đôi mắt chị chợt trở nên xa xăm: “Ngày đầu mới làm, chưa có kinh nghiệm, lại không có xưởng chị phải ngồi làm tại quán cà phê của gia đình. Vì địa điểm không phù hợp lại chật chội nên rất nhiều khó khăn. Đã có lần, ghép gần xong bức tranh, một vị khách đến xem vô tình xô vào chân bàn, thế là lại phải làm lại từ đầu. Màu sắc của tranh cũng là một vấn đề khiến chị nhiều đêm mất ngủ. Gắn đá vào rồi nhưng khi nhỏ keo để cố định đá sẽ bị chuyển sang màu khác, không còn nguyên bản, cho nên phải tốn rất nhiều công sức nghiên cứu, lựa chọn sao cho khi hoàn thành tác phẩm màu sắc bức tranh được hài hòa, tự nhiên nhất”.
Vượt qua những khó khăn, có được thành công bước đầu, chị mở thêm các lớp dạy làm tranh đá quý miễn phí, khi lao động học việc có tay nghề chị trực tiếp nhận họ vào xưởng của gia đình. Có thời kỳ, xưởng tranh của gia đình chị tạo việc làm ổn định cho 30 - 40 nhân công.
Thấy mô hình làm tranh đá phát triển, đem lại lợi nhuận cao, hàng xóm, người dân quanh vùng học làm theo, mọi người đến học hỏi kinh nghiệm, chị đều tận tình hướng dẫn truyền nghề. Dần dà, nhu cầu thị trường cao mọi người bắt đầu mở nhiều xưởng làm tranh.
Nghề làm tranh đá trở nên phổ biến từ thị trấn đến các xã quanh vùng rồi trên cả địa bàn huyện Lục Yên. Sau này, khi nghề làm tranh đá phát triển, người ta nghĩ ra cách tán đá thành bột mịn rồi rắc lên tranh cho mượt mà và làm trực tiếp trên những chất liệu mica như ngày nay. Bởi thế, mà giờ đây các bức tranh được tạo ra từ đá trở nên sống động hơn, những thảm cỏ như được trải thêm một màu xanh mượt mà, óng ánh, những con suối như róc rách reo vang, những tà áo trở nên mềm mại, lụa là... đầy cuốn hút.
Từ một người phụ nữ nhỏ nhắn, trẻ tuổi, không ai có thể nghĩ lại có một “bà chủ tranh đá” như hôm nay. Xưởng tranh của gia đình chị nhiều năm liền nhận giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của UBND tỉnh và Bộ Công thương.
Từ thành công và đóng góp của những người như chị Hằng, đến nay, huyện Lục Yên có 25 cơ sở sản xuất tranh đá, tạo việc làm thường xuyên cho 130 lao động. Tranh đá Lục Yên đã đi khắp mọi miền Tổ quốc và hơn thế đã có nhiều đơn đặt hàng của nước ngoài, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội địa phương.
Chia tay chị Hằng, chia tay “đất ngọc” khi sắc xuân đang tràn ngập khắp đất trời, chúng tôi tin tưởng hơn về tương lai tươi sáng mà nghề làm tranh đá ở Lục Yên đang có, chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển, có thêm nhiều mùa xuân áp, mang lại ấm no cho nhân dân địa phương.
Lê Thương
Các tin khác
YBĐT - Hỏi chuyện mấy đồng nghiệp công tác tại Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện Trạm Tấu, mọi người bảo: “Ông Lò Văn Khiêm và bà Lò Thị Ương chứ gì? Cả huyện đều biết!”. Lý do mọi người đều biết, bởi “kỷ lục” mà ông bà đã tạo nên khi sinh tới 18 người con và bây giờ có cả “đại đội” cháu, chắt. Nhưng sự “nổi tiếng” này càng đặc biệt hơn là, các con cháu của ông bà đều phương trưởng, trở thành công dân tiêu biểu.
YBĐT - Trân trọng và luôn ý thức gìn giữ vốn văn hóa đặc sắc của dân tộc mình, ở cái tuổi ngoài 70, ông Lạc Văn Sinh đã nỗ lực rất nhiều để phục dựng thành công lễ cấp sắc; các điệu múa chim gâu, múa xúc tép...
YBĐT - Mạnh dạn, dám nghĩ dám làm, quyết tâm vượt khó để khẳng định bản thân cũng như nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, làm giàu chính đáng và góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp - họ là những người nông dân năng động, giàu nghị lực.
YBĐT - 25 năm công tác giảng dạy tại vùng cao Trạm Tấu, thầy Nguyễn Quang Hạnh - giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở (PTDTBT TH&THCS) Bản Mù, Trạm Tấu có 18 năm dạy tại trường bán trú.