Góp nhặt làm giàu
- Cập nhật: Thứ năm, 20/4/2017 | 6:37:40 AM
YBĐT - Sau 21 năm nỗ lực trên quê mới Yên Bái, vợ chồng ông bà Lại Đức Khanh và Phan Thị Đổi đã có khu đất rộng 6 ha làm mô hình kinh tế tổng hợp với 100 gốc vải thiều, 100 cây bưởi da xanh, 4 ha keo, nuôi gà, thả cá...
Hộ bà Phan Thị Đổi đang tiếp tục mở rộng quy mô chuồng trại chăn nuôi lợn và tập trung đầu tư vào lợn nái
|
Năm 1996, vợ chồng ông bà Lại Đức Khanh và Phan Thị Đổi từ quê hương Vũ Chính, Vũ Thư, Thái Bình chuyển lên sinh sống tại thôn Lý Nhân, xã Đại Đồng, huyện Yên Bình. Lúc đó, ông bà đã mua lại một khu đất rộng 4,5 ha gồm 4 gian nhà đất, 2 ao cá, trị giá 15 triệu đồng.
Bắt tay cải tạo lại, hai vợ chồng đã tích cực khai phá đất để trồng thêm 100 gốc vải thiều vào năm 1998. Nhà chủ cũ quê gốc ở Hải Dương có sẵn cây vải thiều ngon nên ông bà đã tự chiết cành trồng khi chưa có vốn đầu tư gì khác.
Cây cam cũng được đưa về trồng thử 50 gốc trong vườn nhà do con trai mua giống ở huyện Văn Chấn nhưng 5 năm sau thì phải bỏ vì không hợp. Tích lũy dần qua từng năm, đồng vốn hai vợ chồng có được nhờ nuôi lợn, nuôi gà và thả cá. Quan điểm là có tiền đến đâu thì mở rộng đầu tư sản xuất đến đó một cách phù hợp nên chưa bao giờ ông bà vay vốn ngân hàng.
Sau 21 năm nhìn lại, hiện gia đình bà Đổi đã có khu đất rộng 6 ha. Không tập trung vào hẳn một sản phẩm nào, gia đình duy trì phát triển nhiều hướng sản xuất. Cây vải thiều vẫn giữ 100 gốc, không mở rộng diện tích mà ông bà sẽ trồng thử thêm nhiều loại cây ăn quả khác để mùa nào cũng có quả bán ra thị trường.
Mỗi năm, ông bà thu về khoảng 50 triệu đồng từ cây vải. Giống vải thiều hiện có, bà Đổi gọi là vải mắt na, quả to bằng cái chén uống nước cỡ bình thường, tầm 20 quả thì tròn một cân. Loại này hạt bé, cùi giòn, độ ngọt không đậm như vải thiều nhưng lại ráo nước nên được giá hơn hẳn vải thiều.
Thường thì thương lái đã biết vải ngon của gia đình nên vào tận nơi mua, thỉnh thoảng bà cũng đem ra chợ Km 6, thành phố Yên Bái bán lẻ. Năm nay, cậu con trai út của ông bà áp dụng phương pháp mới giúp quả vải ra từ thân cây và cành cây chứ không phải chỉ riêng ở đầu cành như thông thường, tiện lợi cho việc thu hái quả.
Ngoài 4 ha keo có độ tuổi từ 2 năm đến 5 năm, hai vợ chồng ông bà đã đăng ký với xã tham gia dự án trồng quế. Tháng 11 năm ngoái, nhờ có sẵn 1.000 m2 diện tích đất từ cải tạo vườn tạp, gia đình đã tham gia dự án của địa phương và trồng 100 cây bưởi da xanh. Qua nghiệm thu, toàn bộ số cây bưởi đều đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật theo yêu cầu.
Bà Đổi cho biết: “Cũng mong là cây bưởi da xanh sẽ đem lại thu nhập cao cho người dân vì tin rằng Nhà nước đã đầu tư thì chắc chắn phải là giống cây tốt”.
Với 2 ao cá rộng 4 sào nuôi cá mè, trắm, rô phi lúc nào cũng có thức ăn sẵn của nhà như cỏ voi, sắn khô, thân cây chuối băm nhỏ. Khu nuôi 200 con gà ri Hải Phòng cho ăn cám công nghiệp đến khi đạt 1 kg mỗi con thì bỏ cám, chuyển sang ăn thóc và thả đồi quanh nhà. Mỗi vụ, bà Đổi còn trồng 1 kg ngô giống, lấy hạt khô làm thức ăn cho cả lợn lẫn gà. Nuôi 15 con lợn nái và 35 con lợn con hàng năm, nay ông bà có ý định gây giống thêm 30 con lợn nái và mở rộng diện tích chuồng trại.
Bà Đổi bảo rằng nhà mình chưa giàu bằng nhiều hộ khác nhưng cuộc sống của ngày hôm nay là cả nhà đã chung sức, góp nhặt, cần cù lao động nên thật sự đáng quý.
Nguyễn Thơm
Các tin khác
YBĐT - Tận dụng 1.600 m2 đất của gia đình, vợ chồng chị Nguyễn Thị Dung ở thôn 3, thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên đầu tư xây dựng trang trại nuôi gà với quy mô 1.000 con theo mô hình nuôi thả vườn.
YBĐT - Mỗi giờ học của cô Dung, học sinh đều hào hứng bởi toàn bộ nội dung tiết học, nhiệm vụ trong mỗi bài học được biến thành các trò chơi, câu hỏi vui nhộn.
YBĐT - Đó là những cán bộ, hội viên phụ nữ Công an tỉnh. Các chị đã đảm nhận và duy trì thực hiện 14 công trình, phần việc trong các phong trào thi đua.
YBĐT - Thượng úy Nguyễn Tiến Dũng - kỹ thuật viên Đại đội Kho Kỹ thuật, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Yên Bái đã có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật được áp dụng hiệu quả.