Chàng trai trẻ với khát vọng làm giàu

  • Cập nhật: Thứ hai, 14/8/2017 | 6:51:37 AM

YBĐT - Sinh ra và lớn lên ở vùng quê Trấn Yên, sớm thoát ly gia đình, sau nhiều năm bươn chải ở Hà Nội, tiết kiệm được khoản tiền nho nhỏ, chàng trai sinh năm 1989 - Hoàng Văn Hoan, ở thôn Đồng Bằng 3, xã Lương Thịnh quyết định trở về quê hương ấp ủ khát vọng làm giàu. 

Chăn nuôi gà thương phẩm quy mô lớn của anh Hoàng Văn Hoan mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Chăn nuôi gà thương phẩm quy mô lớn của anh Hoàng Văn Hoan mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Đường vào trang trại gà của anh Hoàng Văn Hoan không khó đi bởi nằm sát trục đường chính, bên trong là 3 gian trại chăn nuôi rộng rãi cùng 1 khu nhà ở được xây kiên cố, có rào chắn cẩn thận. Vì là buổi sáng, nên khi chúng tôi tới thăm cũng là lúc anh đang phun rửa, vệ sinh khu vực chuồng trại.
 
Anh Hoan tâm sự: "3 năm theo học Trường Cao đẳng Cơ khí chế tạo Thái Nguyên, cộng thêm 3 năm đi làm tại Công ty cổ phần Đá cao cấp Vinaconex - Hà Nội, chưa bao giờ em nghĩ sẽ có ngày theo nghề chăn nuôi gà. Bươn chải kiếm sống, dành dụm được 100 triệu đồng, đắn đo suy nghĩ mãi, tôi quyết định trở về và mang trong mình khao khát vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương. Ban đầu, tôi cứ nghĩ 100 triệu làm được nhiều thứ lắm! Nào ngờ, vừa mới xây dựng nhà trại đầu tiên đã hết luôn số tiền đó. Được xã quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện vay vốn ngân hàng, tôi mới quyết định vay thêm 200 triệu, mở rộng quy mô chuồng trại như bây giờ”.

Khởi điểm chăn nuôi đầu năm 2016, anh Hoan tập trung nuôi duy nhất giống gà Minh dư (Bình Định). "Gánh” trên vai số tiền lớn vay mượn để xây dựng chuồng trại, mua con giống, anh Hoan càng quyết tâm phải thành công, chịu khó tìm tòi, học hỏi kỹ thuật chăn nuôi. Bên cạnh tư duy nhạy bén, dám nghĩ dám làm, nắm bắt thị trường, anh đặc biệt chú trọng đến khâu phòng chống dịch bệnh cho đàn gà. Gà được nuôi theo quy trình chuẩn, cách ly với môi trường bên ngoài và được tiêm phòng vắc - xin đầy đủ.
 
Đến nay, sau 2 năm, quy mô trang trại chăn nuôi gà của anh Hoan với tổng diện tích 3.800 m2 luôn duy trì nuôi 3.500 con gà/lứa. Có đầu ra ổn định là chợ đầu mối gia cầm Hà Vĩ - Hà Nội và chợ Lào Cai, mỗi năm anh Hoan xuất bán 3 lứa gà, mỗi lứa 7 - 8 tấn với giá từ 50 - 60 nghìn đồng/kg, trừ chi phí còn thu về hơn 150 triệu đồng/năm.
 
Thuận lợi là thế, nhưng không phải công việc chăn nuôi lúc nào cũng suôn sẻ. Còn nhớ, lứa gà thứ 2 năm đầu tiên, do thiếu kinh nghiệm, đàn gà hơn 3.000 con bị chết đồng loạt vì dịch bệnh. Xót xa chịu thua lỗ nhưng anh Hoan không nản chí mà vẫn quyết tâm tìm tòi, học hỏi thêm kiến thức sách vở, trên mạng Internet, rút ra được bài học để có thêm kinh nghiệm tiếp tục đầu tư, khôi phục lại trại gà.

Bên cạnh những khó khăn về vốn, phòng chống dịch bệnh, với mô hình nuôi gà thả vườn, anh Hoan rất chú trọng các khâu kỹ thuật chăn nuôi khác như: bắt gà vào những thời điểm sáng sớm hoặc chiều mát; không thả gà tự kiếm thức ăn khi gà còn quá nhỏ; thiết kế chuồng trại đảm bảo thoáng mát mùa hè, kín ấm vào mùa đông, nền chuồng cao, có khả năng thoát nước tốt; xen kẽ ở nơi thả gà trồng thêm một số loại cây tạo bóng mát; máng ăn, máng uống nước cho gà luôn sạch sẽ, đầy đủ…
 
"Làm rồi mới thấy, nuôi gà kỳ công hơn mình tưởng rất nhiều, đặc biệt là cần có sự cẩn trọng, tỉ mỉ và am hiểu kỹ thuật chăn nuôi. Ngày thường chăm sóc gà, hai vợ chồng tôi có thể quán xuyến được, nhưng định kỳ mỗi lứa 3 lần cắt mỏ để gà không đánh mổ nhau thì phải thuê thêm ít nhất 15 người, tập trung làm trong vòng một ngày mới xong. Nhiều khi vất vả nhưng với tôi đó cũng chính là niềm vui lớn lao” - anh Hoan chia sẻ thêm.

Nhắc đến mô hình nuôi gà thương phẩm quy mô lớn của anh Hoàng Văn Hoan, anh Phùng Bảo Khánh - Phó Bí thư Đoàn xã Lương Thịnh cho biết: "Không chỉ là tấm gương thanh niên làm kinh tế giỏi tiêu biểu, anh Hoan còn là một trong những trưởng thôn trẻ tuổi rất năng nổ, nhiệt huyết trong công tác xã hội của xã. Với đặc thù địa phương là bà con sống chủ yếu nhờ lâm nghiệp, mô hình chăn nuôi gà của anh Hoan nổi lên như một hướng đi mới trong phát triển kinh tế; đồng thời, là tấm gương sáng để các đoàn viên thanh niên trong xã cùng học tập, noi theo”.

Mai Linh

Các tin khác
Phóng viên Hùng Cường trong một lần đi cơ sở viết bài

"Tận mắt chứng kiến cảnh tượng tàn khốc mà trận lũ kinh hoàng vừa càn quét qua Mù Cang Chải (Yên Bái) khiến cả 1 khu dân cư vốn yên bình, nhộn nhịp nay bỗng tan hoang đổ nát; đối diện với những gương mặt, ánh mắt thất thần của đồng bào khi trắng tay bởi tài sản bao năm tích cóp đã bị "dòng nước dữ” cuốn phăng, đặc biệt là những gia đình vẫn đang trông ngóng từng phút, từng giờ mong tìm lại người thân mất tích… đã khiến lòng tôi đau nhói, xót xa, đan xen nhiều cảm xúc khó tả…”. Đó là trải lòng của phóng viên Hùng Cường- Báo Yên Bái- về chuyến hành trình tác nghiệp đầy vất vả, khó khăn nhưng cũng rất ấn tượng của mình. Nhà báo Hùng Cường cho biết:

Chị Ma Thị Hồng Vân (thứ 4, trái sang) với vai trò giám khảo trong Hội thi Nữ công gia chánh của Công ty.

YBĐT -Gắn bó với Công ty Điện lực Yên Bái 11 năm, chị Ma Thị Hồng Vân - Chánh Văn phòng, Trưởng ban Nữ công Công ty đã trải qua 5 lần luân chuyển vị trí. Ở bất kỳ vị trí nào, chị cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, tham mưu giúp việc có hiệu quả cho lãnh đạo Công ty; đồng thời, tạo được niềm tin, sự lạc quan, tinh thần đoàn kết cho tập thể nữ cán bộ công nhân viên (CBCNV) cùng nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Vợ chồng ông bà Hà Văn Đổi cùng nhau biểu diễn đàn tính - hát nôm.

YBĐT - Mặc dù đã ở cái tuổi xưa nay hiếm nhưng vợ chồng ông bà Hà Văn Đổi, Hà Thị Piển, dân tộc Tày ở thôn Ao Sen, xã Đồng Khê, huyện Văn Chấn vẫn dành trọn đam mê với những nhạc cụ cổ của dân tộc mình.

YBĐT - Lũ dữ đi qua, tình người ở lại. Mù Cang Chải vẫn ngổn ngang bùn đất và còn 9 người mất tích chưa được tìm thấy. Trong đau thương, mất mát, ngọn lửa tình người lại được thắp sáng lên và những tấm gương quên mình cứu người trong lũ như chàng trai người Mông Giàng A Già thực sự trở thành động lực giúp vùng cao đau thương vượt lên mất mát.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục