Chuyện về người đàn ông Sán Chay giống Bác Hồ

  • Cập nhật: Thứ năm, 24/1/2019 | 5:10:06 PM

YênBái - Dù đã nghe nói, đã nhìn qua ảnh nhưng tôi vẫn rất ngỡ ngàng bởi ông Lâm Văn Lập, người dân tộc Sán Chay ở thôn Khuôn La, xã Tân Hương, huyện Yên Bình có vẻ bề ngoài giống Bác Hồ một cách kỳ lạ."Ví như đi dự đám cưới, quan viên hai họ chẳng tập trung vào cô dâu, chú rể mà cứ chỉ trỏ, bàn tán rồi chụp ảnh, quay phim mình", ông Lập bảo. 

Ông Lâm Văn Lập chăm sóc cây cảnh.
Ông Lâm Văn Lập chăm sóc cây cảnh.

Khi biết chúng tôi muốn đến thăm ông Lâm Văn Lập, ông Nguyễn Văn Huê - Bí thư Đảng ủy xã Tân Hương cười hóm hỉnh: "Lâm Văn Lập ở Khuôn La thì quá giống Bác Hồ rồi! Giống ngay từ khi còn trẻ. Mình học cùng bạn ấy từ tấm bé nên mình biết rõ. Càng lớn, càng thấy bạn ấy giống Bác. Giờ đã 55 tuổi, nhìn chẳng khác Bác Hồ những năm đi chiến dịch”. Rồi, tôi cùng Bí thư xã về thôn Khuôn La. Thôn này vẫn mang đậm nét của vùng cao Tây Bắc với nhà sàn, mái lá nấp dưới tán rừng tre, nứa. "Nhà Lập đây rồi!". 

Anh Huê cất lời thì vừa lúc anh Lập bước xuống cầu thang niềm nở chào đón khách. Dù đã nghe nói, đã nhìn qua ảnh nhưng tôi vẫn rất ngỡ ngàng bởi dáng vẻ bề ngoài của người đàn ông Sán Chay này giống Bác Hồ đến kỳ lạ từ vóc dáng, mái tóc, chòm râu đến cử chỉ, điệu bộ. Ấm trà nóng vừa hãm tỏa hương thơm ngát. Chúng tôi ngồi quây quần dưới sàn nhà và chỉ xoay quanh câu chuyện "giống Bác Hồ”.

Ông Lập mở đầu câu chuyện: "Chắc ông trời cho mình diễm phúc mang vẻ bề ngoài giống Hồ Chủ tịch rồi! Lúc 15, 16 tuổi, thầy cô giáo, bạn bè đã bảo mình giống anh Ba (tức Nguyễn Tất Thành). Thú thật, khi ấy mình cũng chẳng để ý. 

Rồi thời gian qua đi, tới một hôm, cách đây cũng ngót chục năm, mình đi thăm người thân ở Phú Thọ, có người thấy mình giống Bác Hồ quá nên đã dùng điện thoại quay lại hình ảnh cho mọi người xem và ai cũng đều thấy mình giống Bác. 

Khi chúng tôi đặt câu hỏi: "Mang vẻ bề ngoài giống Bác Hồ như vậy, anh thấy sao?”, ông Lập thành thật tâm sự: "Mình thấy vừa vui mừng, vừa lo lắng. Vui vì được giống Bác kính yêu, được mời đi đóng vai Bác Hồ tại một số sự kiện lớn như Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ thăm Yên Bái và Lào Cai. Qua đó, góp phần tái hiện lại hình ảnh của Bác, tạo sức lan tỏa phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác; được gặp Nghệ sỹ Nhân dân Tiến Hợi (người chuyên đóng vai Bác Hồ). 

"Vui là thế, còn phiền lo thì cũng không ít. Ví như đi dự đám cưới, quan viên hai họ chẳng tập trung vào cô dâu, chú rể mà cứ chỉ trỏ, bàn tán rồi chụp ảnh, quay phim mình. Hôm vừa rồi, tôi thay mặt con đi dự cuộc họp tổ dân phố ở thành phố Lào Cai (nơi con trai ông Lập cư trú). Cuộc họp quan trọng lắm, vì bàn việc sáp nhập tổ dân phố và bầu tổ trưởng mới. Ấy thế mà bà con không chịu quan tâm đến nội dung cuộc họp, cứ bàn tán rồi đòi chụp ảnh cùng tôi. Chẳng biết làm thế nào, tôi đành bỏ dở cuộc họp" - ông Lập phân trần.

Nhấp ngụm trà thơm, mắt nhìn xa xa về phía bên kia đồi rồi ông Lập cho biết thêm: "Những vấn đề tôi nêu trên chỉ là phiền phức nhỏ trong cuộc sống thường nhật thôi! Cái tôi đáng lo nhất là kẻ xấu lợi dụng vẻ bề ngoài giống Bác Hồ của tôi, chụp ảnh, làm clip xuyên tạc, bôi nhọ hình ảnh thiêng liêng của Bác Hồ thì nguy hiểm lắm! Vì thế, tôi luôn cảnh giác, cũng như thường xuyên từ chối người ta chụp ảnh, quay phim về mình. Dù sao thì tôi cũng tự hào vì mình giống Bác. Từ đó, tự nhủ phải học theo Bác, ít nhất là thái độ, lời nói, việc làm cũng phải giữ gìn sao cho mình xứng đáng là con cháu của Bác Hồ".

Nghe câu chuyện ông Lập kể, chúng tôi hiểu tấm lòng của ông cũng như đồng bào Sán Chay luôn hướng về Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng tấm lòng thành kính nhất và nguyện học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác. Tôi xin phép ông Lập được ghi lại tấm hình để chia sẻ cùng bạn đọc.

Lê Phiên

Các tin khác

Có nhiều sản phẩm đặc sắc, nổi tiếng về đá Ruby, doanh nhân 45 tuổi Nguyễn Thị Thứ - Giám đốc Công ty TNHH Đá quý Ngọc Sơn đã được các đối tác, khách hàng yêu mến gọi là "Nữ hoàng Ruby” của Việt Nam.



Bà Lò Thị Chài chăm sóc vườn rau sạch góp phần đem lại thu nhập cao cho gia đình.

Dù tuổi đã cao nhưng bà Lò Thị Chài, dân tộc Thái ở thôn Hát 1, xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu đã vượt qua những hạn chế về nhận thức để tìm tòi và tự lực vươn lên phát triển kinh tế, đưa gia đình thoát khỏi đói nghèo, nuôi dạy con cháu chăm ngoan, học giỏi.

Tận tụy với nghề, hết lòng vì học sinh vùng cao, thầy giáo Bùi Công Nguyên - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải luôn được đồng nghiệp quý mến, học sinh kính trọng.

Ông Nguyễn Quốc Huy cho cá ăn.

Ở thôn Ao Luông 1, xã Sơn A, huyện Văn Chấn, ông Nguyễn Quốc Huy được nhân dân trong vùng quý nể. Từ chỗ là công dân mãn hạn tù trở về địa phương ông đã không ngừng cố gắng vươn lên, để khẳng định những người đã vấp ngã như ông hoàn toàn có thể làm lại cuộc đời.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục