Thế nhưng, bằng đức tính kiên trì của mình, ông Hải đã chứng minh cho mọi người thấy sự lựa chọn ấy là đúng, vì cỏ săn sắt đã trở thành nguồn thức ăn chăn nuôi mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho gia đình ông.
Ông Hải tâm sự: "Tôi luôn suy nghĩ khi đầu tư chăn nuôi thì phải lựa chọn những con vật nuôi có khả năng chống lại bệnh tật nhiều nhất, chi phí cho thức ăn phải thấp nhất nhưng chất lượng thịt phải ngon, được nhiều người ưa chuộng. Chính vì vậy, tôi chọn nuôi lợn rừng, nuôi chim bồ câu và thả cá”.
Nhập ngũ năm 1979, tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, đến năm 1983, ông Phạm Quốc Hải xuất ngũ. Với đức tính cần cù, ông quyết tâm làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình. Đầu tư nhiều mô hình chăn nuôi khác nhau: nuôi vịt bầu, lợn thịt, nuôi thỏ, nuôi nhím đến nuôi dế nhưng do đầu ra không ổn định nên tất cả các mô hình này ông Hải không duy trì được lâu.
Sau 10 năm không ngừng lao động, tìm tòi, đến năm 2013 ông Hải quyết định chuyển sang mô hình chăn nuôi tổng hợp: lợn rừng, chim bồ câu và nuôi cá.
Theo ông Hải, lợn rừng là loài động vật dễ nuôi, sức đề kháng tốt, thường chỉ mắc các bệnh ngoài da và rối loạn tiêu hóa đơn giản. Do đó, chi phí thú y rất thấp, thức ăn cho lợn rừng cũng sẵn, chủ yếu là các loại cây cỏ tự nhiên.
Để chăm sóc và thuần dưỡng lợn rừng, ông đã đi nhiều nơi học hỏi kinh nghiệm, tìm hiểu kiến thức khoa, học kỹ thuật chăm sóc lợn rừng. Tận dụng diện tích vườn của gia đình, ông Hải trồng giàn thiên lý tạo bóng mát, xây bờ tường bao bọc xung quanh, tạo môi trường gần giống với môi trường tự nhiên.
Để tạo nguồn thức ăn cho lợn rừng, ông mạnh dạn chuyển đổi hơn 1 mẫu ruộng để trồng cỏ săn sắt. Hiện nay, ông Hải đã có hơn 60 con lợn rừng, trong đó có 1 con lợn đực giống và 10 lợn nái sinh sản.
Hàng năm, đàn lợn giống đã cung cấp cho gia đình ông từ 50 - 60 con giống, sau một năm xuất bán, mỗi con có cân nặng vào khoảng từ 35 - 40 kg với giá bán 150.000 đồng/kg cho thu nhập trên 300 triệu đồng.
Ông Hải cho biết: "Muốn nuôi được lợn rừng trước hết cần phải chọn giống tốt và hội đủ các yếu tố: dáng cao, bụng thon, chân nhỏ, mõm thẳng. Tiếp theo, cần phải xây dựng chuồng trại đúng quy chuẩn, chuồng nuôi lợn cần có bóng mát, có chỗ cho lợn nghỉ ngơi và nhất là phải tạo được không gian và nền đất thích nghi với bản năng hoang dã của lợn rừng.
Cùng với nuôi lợn rừng, ông Hải còn nuôi hàng nghìn con chim bồ câu. Mô hình nuôi chim bồ câu đến với ông Hải rất tình cờ, đó là khi ông đến nhà một người bạn đồng ngũ ở Lào Cai chơi và nhận thấy nuôi chim bồ câu cho hiệu quả kinh tế cao, thị trường ổn định.
Ông Hải quyết định đầu tư 10 đôi chim giống Pháp về nuôi. Vừa nuôi vừa học tập kinh nghiệm, kiến thức trên sách báo, đến nay, mô hình nuôi chim bồ câu Pháp của ông Hải đã có trên 700 cặp bồ câu bố mẹ sinh sản.
Bình quân mỗi tháng, gia đình ông xuất bán từ 150 - 200 cặp chim giống và chim thương phẩm với giá dao động từ 150.000 - 200.000 đồng/cặp. Sau khi trừ các chi phí thức ăn, gia đình ông thu về từ 20 - 25 triệu đồng.
Sau 6 năm xây dựng mô hình chăn nuôi tổng hợp chim bồ câu, lợn rừng, cá, đến nay, gia đình ông có kinh tế ổn định, cho thu lãi từ 200 đến 250 triệu đồng/năm và được người dân nhiều nơi đến tham quan, học hỏi.
Anh Dũng