Đây là tên mà những người dân địa phương dành cho họ - những người sở hữu từ 100 đến 300 ha rừng. Đó là "vua rừng” Ngô Thành Đông ở thôn Đức An, xã Đông An, huyện Văn Yên được vinh danh năm 2019 và "vua rừng đất Bắc” Lê Mai Hiền, thôn Tiến Minh, xã Tân Nguyên, huyện Yên Bình được vinh danh năm 2020.
Xây dựng thương hiệu cho nông sản
Tự tay lái chiếc xe ô tô bán tải, đưa chúng tôi đi một vòng trang trại, anh Ngô Thành Đông chia sẻ về những ngày khó khăn lập nghiệp trên vùng đất khô cằn để giờ biến thành một nông trang trù phú có diện tích 300 ha, thu nhập trên 30 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 120 lao động với mức thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng/tháng. Năm 2019, anh vinh dự được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vinh danh là 1 trong 63 nông dân Việt Nam xuất sắc.
Mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm, lăn lộn, bám đất, bám đồi rồi thấm thía những nguyên nhân của thất bại khi mới khởi nghiệp, anh đã tìm ra được hướng đi cho trang trại là trồng 150 ha quế và mạnh dạn chuyển đổi những diện tích còn lại sang trồng cây ăn quả có múi, trong đó chủ yếu là chanh và bưởi da xanh.
Giống bưởi được trồng tại trang trại có tên là "Đông Yến” - tên của hai vợ chồng anh, bởi anh có dự định xây dựng một thương hiệu riêng cho các loại cây ăn quả trong vườn.
Với quan điểm, chất lượng sản phẩm là ưu tiên số 1, anh tập trung đầu tư sản xuất theo hướng nông nghiệp sạch, sử dụng các loại phân hữu cơ thay cho vô cơ và áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất an toàn với mục tiêu đưa hàng vào các siêu thị hay xuất khẩu ra nước ngoài.
Anh Đông còn ấp ủ xây dựng các chuỗi siêu thị mini rau quả sạch, có nguồn gốc rõ ràng và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm ngay trên địa bàn huyện Văn Yên.
Không chỉ rừng, gia đình anh còn nhiều cây ăn quả nhất vùng, mỗi năm bán ra hơn 1.000 tấn bưởi, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc cũng trên 1.000 tấn chanh mà anh còn là Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Đông Yến chuyên chế biến tinh dầu và sản phẩm từ quế, công suất 20.000 tấn lá quế mỗi năm.
Theo anh Đông, để có được thành công, người nông dân cần có tư liệu sản xuất, có nhiệt huyết và đam mê, chịu khó học hỏi và mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Không những đi đầu trong phong trào phát triển kinh tế, anh còn tích cực hỗ trợ, động viên, giúp đỡ nhiều hộ dân trong xã, góp phần đưa Đông An trở thành xã nông thôn mới của huyện Văn Yên.
Làm giàu cho mình, cho đời
Cơ duyên đến với rừng khi còn rất trẻ, khi còn làm Bí thư Chi đoàn của thôn, năm 2000, anh Lê Mai Hiền ở xã Tân Nguyên, huyện Yên Bình đã mạnh dạn bỏ tiền mua gom hơn 50 ha rừng của các hộ dân trong xã chủ yếu là trồng keo, bạch đàn và bồ đề.
Sau vài năm, bán gỗ nguyên liệu, có vốn, anh tiếp tục mua thêm 50 ha rừng nữa của các hộ dân của xã Tân Nguyên và Trung Tâm (Lục Yên), nâng diện tích đất rừng của gia đình lên trên 100 ha. Sẵn nguồn nguyên liệu, anh mạnh dạn đầu tư mở xưởng chế biến ván bóc.
Từ cơ sở sản xuất công suất 500 m khối gỗ tròn/năm, đến nay, anh phát triển thành Doanh nghiệp tư nhân Hải Cường với công suất tiêu thụ trên 3.000 m khối gỗ tròn/năm, tạo công ăn việc làm cho 15 lao động địa phương với mức lương từ 7 - 7,5 triệu đồng/người/tháng.
Dẫn chúng tôi đi thăm trang trại được quy hoạch đồng bộ, anh Hiền cho biết, mỗi đồi cây đều được anh thuê máy ủi san gạt đường lên để thuận tiện cho việc khai thác vận chuyển gỗ. Điều đặc biệt, cứ vài ba đồi cây lại tạo thành một lòng chảo nhỏ được anh cải tạo thành ao nuôi cá.
Dưới tán rừng, anh nuôi thêm gần 100 con dê, 40 con bò và hơn chục con trâu. Mô hình trang trại tổng hợp và cơ sở kinh doanh chế biến gỗ mỗi năm mang về doanh thu hơn 10 tỷ đồng, trừ chi phí cho lãi hơn 3 tỷ đồng.
Ông Hà Văn Mạnh - Bí thư Đảng ủy xã Tân Nguyên cho biết: "Anh Lê Mai Hiền là người năng động, nhạy bén trong phát triển kinh tế. Mô hình trang trại tổng hợp do anh làm chủ đang tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương. Mỗi năm, anh đóng góp cho ngân sách địa phương từ 300 - 350 triệu đồng/năm”.
Hà Anh