Trọng dân để thành công
Sau 9 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), năm 2020, xã Phúc Sơn đã hoàn thành 19/19 tiêu chí và được công nhận xã NTM. Đó là thành quả chung của sự nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Phúc Sơn; trong đó, vai trò, tinh thần trách nhiệm cao với quan điểm "trọng dân mới có thành công” của cán bộ trẻ Lường Văn Hùng (sinh năm 1987) - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã cũng là một yếu tố không nhỏ.
"Ngay từ khi bắt đầu thực hiện Chương trình, tôi đã xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, dài hạn và cần tập trung mọi nguồn lực để quyết tâm thực hiện thành công. Trong quá trình thực hiện, tôi luôn chú trọng triệt để nguyên tắc "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng. Trong mọi nguồn lực để xây dựng NTM thì nguồn lực lớn nhất, quan trọng nhất chính là nhân dân” - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Lường Văn Hùng nêu quan điểm.
Xác định rõ điều đó, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng NTM xã Lường Văn Hùng đã luôn sát sao lãnh đạo, chỉ đạo công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách và cách thức tiến hành xây dựng NTM đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, tạo điều kiện cho cả hệ thống chính trị và nhân dân hiểu rõ mục đích, nội dung, tư tưởng chỉ đạo, cơ chế chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh, của thị xã về xây dựng NTM.
Bởi thế, phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm, huy động nội lực là chính, tranh thủ sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước” đã được tuyên truyền để nhân dân hiểu và thấm nhuần, đồng thuận cao. Phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM, từ năm 2011 đến nay, xã đã có nhiều công trình, phần việc trị giá nhiều tỷ đồng được hoàn thiện với sự đóng góp lớn của người dân.
Hơn 6,9 ha đất ruộng, đất vườn cùng với hàng nghìn ngày công lao động đã được nhân dân Phúc Sơn đóng góp để làm các công trình đường giao thông nông thôn.
Năm 2020, triển khai công trình mở rộng khuôn viên Trường Mầm non Phúc Sơn, nhân dân bản Ngoa đã hiến hơn 900 m2 đất cho công trình. Năm 2022, xã đã triển khai làm 2 sân thể thao bản Hán và bản Thón trị giá gần 2 tỷ đồng, nhân dân cũng đã hiến hơn 3.700 m2 đất ruộng. Có những hộ như gia đình ông Đồng Văn Thân ở bản Thón hiến hơn 200 m2 đất vườn tạp để xây dựng sân thể thao bản Thón.
Nhận thức, tư duy đúng đắn của người lãnh đạo trong phát huy sức dân đã giúp NTM ở Phúc Sơn hiện hữu những màu sắc rõ nét, là nền tảng để xã tiếp tục nâng cao các tiêu chí NTM và xây dựng thôn, bản NTM kiểu mẫu.
Việc nào có lợi cho dân thì làm
Lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị của cán bộ, đảng viên và nhân dân; cùng tập thể lãnh đạo đánh giá, phân tích những vấn đề khó khăn mà xã đang gặp phải để đề ra giải pháp giải quyết thấu đáo và chỉ đạo thực hiện quyết liệt, cụ thể là cách mà cán bộ trẻ Chu Quốc Hoàng (sinh năm 1986) - Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Phúc thực hành lời dạy của Bác: "Việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm”.
Trước kiến nghị của nhân dân về làm đường giao thông nông thôn của xã do xuống cấp, nhỏ hẹp dễ xảy ra tai nạn giao thông, Bí thư Hoàng trực tiếp cùng lãnh đạo xã đi khảo sát và xây dựng phương án mở rộng đường, dự kiến sẽ lấy vào đất, công trình của dân như thế nào, từ đó chỉ đạo UBND xã xây dựng phương án thực hiện, đề xuất với cấp trên. Đồng thời chỉ đạo đoàn thể tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất, công trình trên đất để làm đường.
Nhờ đó, phong trào hiến đất mở đường ở xã Nghĩa Phúc đã trở thành điểm sáng trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ. Từ năm 2020 đến nay, Nghĩa Phúc đã mở rộng được 3,5 km đường bê tông trục chính từ 3m lên 6m, tạo điều kiện cho nhân dân đi lại, giao thương thuận lợi.
Tiếp thu kiến nghị về xây kè chắn lũ của nhân dân cùng với qua kiểm tra tình hình mưa lũ hàng năm làm một bộ phận người dân thuộc thôn Pá Làng, thôn Ả Hạ sinh sống ven suối Nậm Tộc có nguy cơ bị ảnh hưởng cao, Bí thư Hoàng xác định đây là việc cấp bách cần kiến nghị sớm với cấp trên. Anh chỉ đạo xã khẩn trương hoàn thiện hồ sơ báo cáo tình hình và đề xuất, kiến nghị. Đồng thời kiến nghị nhiều lần với các đoàn công tác cấp trên đến khảo sát, đánh giá.
Năm 2020, được quan tâm đầu tư đê kè chắn lũ, xã đã tích cực tuyên truyền để nhân dân tự nguyện hiến đất, cây cối, bàn giao mặt bằng sạch để xây dựng công trình. Cuối năm 2020, kè chắn lũ hoàn thành.
Trên bờ kè được xây dựng thêm một con đường bê tông sạch đẹp để bà con đi lại.
Nắm bắt kiến nghị của nhân dân về tình trạng ảnh hưởng do ô nhiễm môi trường tại bãi rác đồi Pú Lo (thuộc địa phận thôn Pá Làng), Bí thư Đảng ủy xã Chu Quốc Hoàng đã chỉ đạo thành lập đoàn đi khảo sát, đánh giá tác động và quan tâm liên tục đưa vào kiến nghị tại các cuộc họp, hội nghị, các cuộc tiếp xúc cử tri các cấp. Thị xã cũng đã quan tâm kiến nghị và đã có chủ trương xây dựng bãi rác mới để đảm bảo môi trường cho người dân xã Nghĩa Phúc nói riêng và thị xã Nghĩa Lộ nói chung...
Khi những ý kiến, kiến nghị chính đáng được quan tâm, giải quyết, người dân thêm đồng thuận, đồng lòng cùng cán bộ xã tiếp tục nỗ lực, phấn đấu thực hiện xây dựng xã NTM nâng cao, hướng tới xây dựng NTM kiểu mẫu.
Đảm bảo, chăm lo quyền lợi cho dân
Từ năm 2015, Nghĩa Lợi là xã triển khai nhiều công trình, dự án lớn của thị xã như chợ C Mường Lò, đường tránh quốc lộ 32, đường vành đai suối Thia, 7 khu dân cư mới. Đến nay, có 5 dự án liên quan đến thu hồi đất ruộng của nhân dân trên địa bàn xã với khoảng trên 70 ha đất nông nghiệp của trên 400 hộ dân và giá trị đền bù lên đến gần 100 tỷ đồng. Làm thế nào để đảm bảo công tác giải phóng mặt bằng phục vụ các công trình, dự án và đảm bảo cuộc sống, việc làm cho nhân dân sau thu hồi đất nông nghiệp là điều mà Bí thư Đảng ủy xã Lò Văn Hải (sinh năm 1982) cùng Ban Thường vụ Đảng ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ xã luôn nghĩ đến.
Đồng chí Lò Văn Hải - Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Lợi (bên phải) tham gia hoạt động "Ngày thứ Bảy cùng dân”.
Bí thư Hải cùng tập thể cán bộ lãnh đạo xã đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp như đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các dự án và các chính sách thu hồi, đền bù giải phóng mặt bằng tới nhân dân; đồng thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân bị thu hồi đất; chỉ đạo UBND xã phối hợp cùng các phòng, ban chuyên môn tham mưu cho thị xã, cho tỉnh thực hiện các cơ chế, chính sách có lợi cho dân, trong đó các hộ có nhu cầu muốn có đất ruộng để tiếp tục làm nông nghiệp thì bố trí từ quỹ đất 5%.
Nhờ vậy, phần lớn các hộ dân đều đồng tình ủng hộ nên 100% số thuộc diện thu hồi đất thuộc các dự án đều bàn giao mặt bằng đúng tiến độ. Sau khi thu hồi đất ruộng, Đảng ủy xã quan tâm chỉ đạo công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia các lớp học nghề để chuyển đổi ngành nghề.
Từ đầu nhiệm 2020 - 2025 đến nay, xã đã phối hợp mở được 14 lớp đào tạo nghề cho trên 500 lao động với các nghề: nấu ăn, dịch vụ homestay, dệt thổ cẩm, chăn nuôi - thú y… và tạo việc làm cho gần 500 lao động, góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu lao động của xã.
Có những hộ dân bị thu hồi 100% diện tích đất nông nghiệp nhưng đã tích cực chuyển đổi ngành nghề, có cuộc sống khấm khá hơn. Ông Hoàng Văn Hóa ở bản Xa, xã Nghĩa Lợi chia sẻ: "Gia đình tôi có 2.500 m2 ruộng thuộc diện thu hồi cho dự án Quỹ đất dân cư bản Xa khu 5. Sau khi nhận tiền đền bù đất và tiền hỗ trợ chuyển đổi và học nghề, đặc biệt được cán bộ xã tuyên truyền, định hướng, gia đình đã mạnh dạn đầu tư vào làm ngành nghề dịch vụ ăn uống khoảng 200 triệu đồng. Hiện nay, gia đình kinh doanh ổn định, có thu nhập cao hơn so với làm nông trước đây”.
Nỗ lực của những cán bộ trẻ đó còn được ghi nhận bằng những khen thưởng của Thị ủy Nghĩa Lộ dành cho đảng viên nhiều năm liền hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; của UBND tỉnh dành cho cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện chương trình xây dựng NTM.
Thu Hạnh