“Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”

  • Cập nhật: Thứ hai, 20/2/2023 | 1:57:47 PM

YênBái - Chị Hoàng Thị Nam - cán bộ y tế xã Bản Mù đã có hơn 25 năm chăm sóc sức khỏe sinh sản cho những bà mẹ, trẻ em trên khắp những bản làng xa xôi của huyện vùng cao Trạm Tấu. Cũng trong thời gian này, chị đã có đến 7 năm đi hết các thôn xa, bản khó để mang những tấm lòng, những món quà của những nhà hảo tâm, mạnh thường quân đến với những hoàn cảnh cơ cực, khốn khó. Chị vinh dự là 1 trong 10 "Công dân tiêu biểu tỉnh Yên Bái” năm 2022.

Chị Hoàng Thị Nam (mặc áo đỏ) cùng các em nhỏ vùng cao trong một chuyến thiện nguyện.
Chị Hoàng Thị Nam (mặc áo đỏ) cùng các em nhỏ vùng cao trong một chuyến thiện nguyện.

Xã Bản Mù vào đông, những làn sương trắng đục bập bùng như buộc chặt cả núi rừng bản vùng cao như không để tia nắng nào có thể phá sương, xuyên thủng. Ấy thế mà giữa đông giá rét lại có một người phụ nữ rong ruổi khắp các bản làng từ thôn Mù Cao xuống Mù Thấp, từ bản Khấu Ly lên đến Giàng La Pán… để thăm khám cho những thai phụ, tuyên truyền về sức khoẻ sinh sản, kế hoạch hóa cho cho người dân - đó là chị Hoàng Thị Nam. 

Chị tâm sự: "Tôi đi làm đến nay đã bước sang năm thứ 25. Trong 10 năm đầu, tôi công tác tại Trạm y tế xã Bản Công, ngày nào đi làm cũng đi bộ ngót cả chục cây số. Đến khi nhận công tác tại Trạm y tế xã Bản Mù, đi chiếc xe máy cà tàng 26 km cả đi lẫn về, nhưng chưa khi nào tôi nản lòng”. 

Trong suốt từng ấy năm công tác, chữa bệnh, gặp gỡ với bao nhiêu đồng bào, chị hiểu rõ được cuộc sống vất vả của những con người sống cùng sương mù, ăn cùng sương mù. Ở nơi đây, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội còn hạn chế, thiên nhiên khắc nghiệt, địa hình khó khăn nên cái nghèo, cái khổ cứ bám mãi chẳng rời. Trình độ dân trí còn hạn chế, bà con chưa hiểu thế nào là kế hoạch hóa gia đình, là sinh đẻ có kế hoạch, là chăm sóc dinh dưỡng cho bà bầu và trẻ nhỏ. 

Chị thấm thía, đồng cảm và càng thương hơn cho những phụ nữ chưa từng được sinh đẻ tại cơ sở y tế, thương cho những cháu bé chưa được tiêm đủ vắc-xin từ khi ra đời. Bằng tấm lòng của mình, chị chẳng ngại đường xa, dốc đứng, có khi cả tuần đi đến các thôn tìm những phụ nữ mang thai vận động khám thai định kỳ tại trạm y tế, tuyên truyền chế độ ăn uống để đảm bảo dinh dưỡng cho các em thơ. 

Với người cán bộ này, chẳng điều gì hạnh phúc bằng khi có một em bé ra đời bình an, người mẹ mạnh khoẻ hạnh phúc vuông tròn. Trong 25 năm công tác, lúc nào chị cũng được đồng nghiệp tin yêu, kính trọng và đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. 

Trong quá trình làm việc tại vùng cao, không biết đã bao lần chị không kìm được nước mắt trước những em nhỏ chân trần, chiếc áo cánh mỏng manh, cố với tay chạy theo ánh nắng cuối ngày cho đỡ lạnh, hay những người mẹ trẻ nhường nốt cái chăn mỏng cho con thơ. 

Với mong muốn tất cả những em bé còn phải chịu lạnh, những bà mẹ còn chịu rét, đều có được một mùa đông ấm, chị đã gom góp những đồ dùng như quần áo, chăn màn, vật dụng của gia đình hay sách vở của các con đã học xong để tặng lại cho những hoàn cảnh còn thiếu thốn. Của nhà không đủ, chị còn đi xin thêm đồng nghiệp, người thân, bạn bè, ai có đồ dùng cũ còn dùng được chị xin về để mang tặng cho bà con. 

Nhưng sức mình quá nhỏ bé, những người cần giúp đỡ lại quá nhiều, chị mạnh dạn lên những hội nhóm từ thiện trên các trang mạng xã hội để kêu gọi kết nối với những cá nhân, tổ chức hảo tâm mang những chương trình thiện nguyện đến với người dân nghèo quê mình. 

Bằng những hình ảnh thực tế, tấm lòng chân thật của mình, chị đã chạm đến được trái tim nhân ái. Từ đó, chị không chỉ đơn giản là người làm thiện nguyện mà chị còn là một "nhịp cầu” nối những tấm lòng yêu thương. Mỗi năm, chị nhận từ 4-5 chuyến xe chở đồ từ thiện của các cá nhân, tổ chức từ các địa phương khác gửi gắm, mỗi chuyến xe đều trở từ 3,4 tấn đồ dùng gồm: nồi xoong, chăn, bát đũa, xe lăn, quần áo… Chị đã vận động, kết nối, quyên góp được số vật phẩm, quà tặng, trị giá lên đến 5 tỷ đồng. Đây là một con số thật đáng quý và đáng ngưỡng mộ với một cán bộ y tế vùng cao. 

Nhờ những món quà, những tấm lòng của chị và những cá nhân, tổ chức hảo tâm, rất nhiều "những mùa đông nhỏ” được sưởi ấm để mạnh mẽ chờ xuân sang. Ngoài việc trao quà đến tận tay cho bà con có hoàn cảnh khó khăn, chị còn xây dựng một gian hàng miễn phí 0 đồng, bà con ai thừa thì mang cho, ai thiếu thì đến lấy. Ai đến lấy cũng chỉ lấy những đồ cần thiết và đủ dùng để còn chia sẻ với những người đến lấy sau. Gian hàng của chị là nơi tình người được "nở hoa” giữa "sương mù cằn cỗi” và chị chính là một bông hoa trong vườn hoa ngập sắc màu ấy.

Chẳng ai có thể tin được rằng người phụ nữ, giản dị, thân thiện, bước chân không trọn vẹn vì di chứng bệnh tật ngày nhỏ lại có sự bền bỉ và giàu lòng nhân ái đến vậy. Người bảo chị rằng: "Sức khoẻ vốn đã yếu, trời đông rét mướt, mưa gió ở nhà cho ấm áp”, người lại bảo "vác tù và hàng tổng”. Với chị Hoàng Thị Nam, hạnh phúc đơn giản là được đi, được giúp đỡ mọi người, với chị "Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”.

Ngọc Huyền (Trung tâm TT&VH huyện Trạm Tấu)

Tags y tế bác sỹ y tá chăm sóc Hoàng Thị Nam Trạm y tế xã Bản Mù Công dân tiêu biểu tỉnh Yên Bái

Các tin khác
Hoàng Trung Kiên (19 tuổi) quê Yên Bái, đang theo học ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Học viện hành chính Quốc gia.

Hoàng Trung Kiên (19 tuổi) quê Yên Bái, đang theo học ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Học viện hành chính Quốc gia. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình không mấy khá giả, Kiên luôn cố gắng thật nhiều để gia đình bớt lo lắng. Từ năm nhất đại học tuy chưa có nhiều kinh nghiệm nhưng Kiên đã tự tin thể hiện bản thân khi tự ứng cử làm ban cán sự lớp, ứng tuyển vào Câu lạc bộ Sách và đi làm thêm.

Cô giáo Đỗ Thị Loan trong một giờ dạy tại Trường Mầm non Bông Sen, huyện Mù Cang Chải.

Hơn 15 năm công tác tại Mù Cang Chải, cô giáo Đỗ Thị Loan - Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Kim Nọi, huyện Mù Cang Chải không đếm hết được những sáng kiến đổi mới giáo dục trong quá trình giảng dạy cũng như khi cô đã làm công tác quản lý. Những sáng kiến của cô đã được áp dụng tại nhiều trường ở nhiều địa phương chứ không riêng gì huyện Mù Cang Chải.

Y sĩ Trần Văn Điền chăm sóc vườn thuốc nam tại Trạm y tế xã Đông Cuông.

Với lòng nhiệt huyết, yêu nghề, tận tụy chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, y sĩ Trần Văn Điền - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Đông Cuông, huyện Văn Yên là tấm gương sáng về người thầy thuốc gần dân.

Nhân dân thôn Lừu 2, xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu tham gia bê tông hóa tuyến đường vào thôn.

1 trong số 5 trưởng ban công tác mặt trận (CTMT) tiêu biểu của tỉnh Yên Bái được dự Hội nghị biểu dương Chủ tịch MTTQ Việt Nam cấp xã và Trưởng ban CTMT tiêu biểu toàn quốc giai đoạn 2017 - 2022, tổ chức hồi tháng 11/2022 tại Thủ đô Hà Nội. Anh là Lường Văn Hiếm- Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban Công tác Mặt trận (CTMT) thôn Lừu 2, xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục