Dạy chữ trên non

  • Cập nhật: Thứ ba, 13/3/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Mùa xuân này là đã gần 7 năm, thầy giáo Lường Văn Hiệu - giáo viên cắm bản của Trường PTCS xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu ăn Tết cùng đồng bào Mông ở bản Tà Lù Đằng. Thầy cho biết: năm 1997, tốt nghiệp Trường Trung học Sư phạm Nghĩa Lộ, anh xung phong lên tận bản Chống Chùa, cách trung tâm xã Tà Xi Láng tới 6 cây số đi bộ để dạy học. Cuộc sống với bao khó khăn, thiếu thốn nhưng anh không chút nản lòng.

Cô giáo mầm non vùng cao Trạm Tấu đang soạn bài.
(Ảnh: Tô Anh Hải)
Cô giáo mầm non vùng cao Trạm Tấu đang soạn bài. (Ảnh: Tô Anh Hải)

Năm năm đem kiến thức dạy cho các em, anh đã thực sự gắn bó với người dân như những người anh em ruột thịt. Có lẽ vì thế mà thầy giáo Hiệu được các em học sinh và cả người dân bản Chống Chùa quý mến. Không chỉ giúp các em học cái chữ mà thầy Hiệu còn giúp đồng bào hiểu ra nhiều điều. Từ việc trồng lúa, ngô, nuôi con lợn, con gà đến việc chăm sóc sức khỏe bản thân… tất thảy ai nấy cũng đều nhờ đến thầy Hiệu. Năm 2002, thầy Hiệu xây dựng gia đình cùng cô giáo Hoàng Thị Hạnh Nguyên và chuyển về xã Xà Hồ công tác, nhưng hai vợ chồng lại cùng đi dạy ở điểm trường lẻ tại thôn Tà Lù Đằng. Ngoài việc vận động các gia đình cho con đi học, hàng ngày vợ chồng anh đều phải đi gọi học sinh đến lớp. Lớp học tạm bợ, chỗ ăn ngủ của giáo viên không có, vì vậy hai vợ chồng phải ở nhờ nhà dân. Cuộc sống khó khăn, thiếu thốn trăm bề, thức ăn phải mua dự trữ hàng tuần, điện, nước không có. Nhưng có lẽ thời gian vất vả nhất là khi bé gái đầu lòng của anh chị ra đời. Ông bà thì ở tận Văn Chấn, vì thế cứ đầu tuần vợ chồng, con cái lại bồng bế nhau lên núi với biết bao nhiêu thứ, cuối tuần lại xuống núi chuẩn bị lương thực. Khó khăn là vậy nhưng anh chị vẫn cố gắng để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần đem cái chữ đến cho con em đồng bào dân tộc.

Còn thầy giáo Văn Hữu Chính, nhà ở tận xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên cũng đã lên công tác ở vùng cao này được gần 10 năm nay. Nhớ lại cái ngày đầu tiên lên bản Tà Ghênh, nhìn trường lớp tuềnh toàng, tranh tre vách nứa tạm bợ mà nản; đã có lúc, anh muốn bỏ công việc. Nhưng mỗi buổi đến lớp, nhìn những gương mặt của các em học sinh và chứng kiến những khó khăn vất vả của đồng bào nơi đây, anh lại tự nhủ phải cố gắng để giúp các em có được cái chữ.

Tại thời điểm này, toàn huyện Trạm Tấu có hơn 500 giáo viên, trong đó có tới trên 60% giáo viên đang trực tiếp giảng dạy phải cắm bản tại các thôn, bản vùng sâu, vùng xa. Là một huyện vùng cao, Trạm Tấu cũng nằm trong những khó khăn chung về cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị dạy học, trình độ học sinh hạn chế và đặc biệt là các điều kiện cần thiết như nơi ăn chốn ở cho giáo viên nhiều nơi chưa có. Song những năm qua, đội ngũ giáo viên nơi đây đã khắc phục khó khăn, ngày ngày bám trụ. Phần lớn các giáo viên đang công tác tại huyện đều là những người từ vùng thấp lên như Yên Bình, Trấn Yên, Văn Yên, Văn Chấn và thị xã Nghĩa Lộ. Có người vừa mới ra trường cũng tình nguyện lên các thôn, bản xa xôi công tác, nhiều người đã gắn bó hơn chục năm nay. Ông Trần Văn Sa - Trưởng phòng Giáo dục huyện Trạm Tấu cho biết, huyện cũng đã tranh thủ các nguồn lực để đầu tư cơ sở trường lớp nhưng vấn đề khó khăn nhất hiện nay vẫn là chỗ ở cho giáo viên, nhất là ở các thôn, bản lẻ. Mong rằng, cùng với việc đầu tư cơ sở vật chất, trường lớp thì tỉnh cũng quan tâm hơn đến chỗ ở cho giáo viên, giúp họ yên tâm gắn bó với nghề.

Mặc dù chất lượng giáo dục ở vùng cao còn nhiều vấn đề phải bàn nhưng có thể khẳng định rằng, nếu không có những thầy cô giáo nhiệt tình, trách nhiệm và yêu nghề như thầy Hiệu, thầy Chính… thì không biết đến bao giờ trẻ em vùng cao mới được biết đến cái chữ? Khi đêm xuống, trong những căn phòng tạm, bên ánh đèn dầu, những người thầy vẫn miệt mài với trang giáo án để các em có một ngày mai tươi sáng hơn.

Hương Giang

Các tin khác
Ông La Tài Quan (bên trái) trao đổi với lãnh đạo xã và bà con thôn Thác Tiên về phát triển và bảo tồn gen quế giống.

Mạnh dạn dám nghĩ, dám làm, học và làm theo Bác để cùng với Ban Chi ủy Chi bộ vận động đồng bào thực hiện tốt hương ước làng xóm, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở và cùng nhau đóng góp công xây dựng thành công thôn nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu vào cuối năm 2024. Ông cũng là điển hình được đề nghị tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2021 - 2025 với những thành tích tiêu biểu thực hiện Chỉ thị 05. Đó là Phó thôn La Tài Quan - người có uy tín trong đồng bào dân tộc Dao ở thôn Thác Tiên, xã Mỏ Vàng, huyện Văn Yên.

Hàng tháng, gia đình bà Cù Thị Vân Hồng sản xuất khoảng trên 300 m2 khối gỗ ván bóc xuất bán ra thị trường.

Với đức tính cần cù, ham học hỏi, bà Cù Thị Vân Hồng năm nay ngoài 50 tuổi, ở thôn Cầu Khai, xã Mậu Đông, huyện Văn Yên luôn nỗ lực tập trung phát triển kinh tế gia đình từ chăn nuôi, làm ván bóc, vươn lên làm giàu chính đáng trên quê hương và tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Hàng năm, gia đình bà Hồng có thu nhập vài trăm triệu đồng.

Cựu chiến binh Lê Chí Công giới thiệu về quy trình kỹ thuật trồng dâu nuôi tằm.

Luôn biết tìm ra hướng phát triển kinh tế mới, vừa là chi hội trưởng cựu chiến binh (CCB) vừa là giám đốc hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tự thành lập với tổng nguồn thu hàng năm từ 600 - 800 triệu đồng và việc nào cũng "tròn vai". Người CCB năng động này là Lê Chí Công, Chi hội trưởng Chi hội CCB thôn Tiền Phong, xã Minh Quân, huyện Trấn Yên.

Ông Nguyễn Văn Thêm tại Lễ ra mắt cuốn sách Lịch sử Đảng bộ phường Nguyễn Thái Học.

Vinh dự được các cấp, các ngành khen thưởng vì những thành tích xuất sắc, ông Nguyễn Văn Thêm - Trưởng ban công tác Mặt trận tổ dân phố số 14, phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái là tấm gương tiêu biểu trong các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục