Có những tấm lòng như thế với quê hương!

  • Cập nhật: Thứ hai, 2/10/2023 | 7:24:52 AM

YênBái - Hai không gian lưu giữ kỷ vật của hai con người trước kia mang tư tưởng khác nhau nhưng giờ có chung một mục đích gìn giữ và lan toả những giá trị lịch sử, bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ. Đó là cựu chiến binh Hà Văn Tích và nhà báo Việt kiều Mỹ - Trường Nguyễn.

Ông Hà Văn Tích giới thiệu lưu bút của các đoàn tới tham quan phòng trưng bày hiện vật chiến tranh của mình.
Ông Hà Văn Tích giới thiệu lưu bút của các đoàn tới tham quan phòng trưng bày hiện vật chiến tranh của mình.

Trên địa bàn tỉnh Yên Bái có nhiều không gian gìn giữ các giá trị lịch sử văn hoá. Dù không được định danh là "bảo tàng tư nhân” nhưng tất cả các không gian ấy đều có giá trị giáo dục rất hiệu quả, góp phần làm cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa di sản và nhân dân, tạo dựng thêm những điểm đến đẹp.

Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi muốn giới thiệu 2 địa điểm với câu chuyện của hai con người trước kia mang tư tưởng khác nhau nhưng giờ có chung một mục đích gìn giữ và lan toả những giá trị lịch sử, bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ.

Lần thứ 3 chúng tôi trở lại với không gian trưng bày hiện vật chiến tranh của ông Hà Văn Tích ở xã Đại Lịch, huyện Văn Chấn. Ông cụ đã ở tuổi 90 - sự nhanh nhẹn có giảm đi phần nào nhưng sự minh mẫn và đặc biệt là nhiệt huyết của ông với phòng trưng bày vẫn vẹn nguyên. 

Lật từng trang sổ lưu bút của các đoàn khách ghé thăm, ông tự hào kể về những người đồng đội, các đồng chí lãnh đạo, những đoàn học sinh, sinh viên trong và ngoài huyện, trong tỉnh và ngoài tỉnh. Mỗi dòng lưu bút để lại đều là những lời cảm ơn cho tâm huyết mấy chục năm qua của ông Tích. 

Dù tuổi cao nhưng trong câu chuyện ông vẫn muốn chúng tôi góp ý về không gian trưng bày. Chỉ thế thôi cũng đủ cho những bạn trẻ và cả chúng tôi bài học về sự cầu thị, cầu tiến bên cạnh những bài học lịch sử, sự biết ơn những hy sinh cho hòa bình hôm nay của lớp người đi trước. 

Với mục đích tưởng nhớ đồng đội đã hy sinh vì nền độc lập, tự do, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, ông đã dành thời gian, công sức, tiền bạc để đi khắp nơi sưu tầm những kỷ vật của đồng đội mình. Thật khó để nói hết được sự kỳ công của ông Tích trong những lần đi vận động, đi xin hay mua lại những hiện vật này. Ai mách ở đâu có là ông lại cất công đến tận nơi. Tất cả chi phí, ông dùng những đồng lương hưu ít ỏi để thực hiện. 

Phòng trưng bày của ông đã có hàng nghìn lượt khách đến tham quan. Mỗi khi khách đến, ông Tích kiêm luôn hướng dẫn viên giới thiệu, kể về từng đồ vật. Từ sự tận tâm, tận lực của ông, những kỷ vật thời chiến đã được trưng bày và trở thành một trong những "địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ tại xã Đại Lịch và các vùng lân cận. 

Ông tâm sự: "Các cháu học sinh đến đây đều rất thích. Tôi cảm thấy tự hào khi phòng trưng bày của mình là một phần trong bài học giáo dục lý tưởng cách mạng cho học sinh trong vùng”. 

Trường Sa Studio với người lần đầu biết đến thì chỉ là một quán cà phê nằm trong một con ngõ nhỏ của thành phố Yên Bái. Nhưng tới rồi thì không khó để nhận ra nơi đây trưng bày rất nhiều hiện vật mang từ Trường Sa trở về và cả những thứ được xem như là biểu tượng của Trường Sa. 

Một buổi sáng mùa thu, trong không gian ấy, tiếng nhạc du dương yên bình, chúng tôi ngồi trò chuyện với nhà báo Việt kiều Mỹ - Trường Nguyễn. Ông không ngần ngại chia sẻ về tư tưởng của mình trước năm 2006 khi sự hiểu biết còn hạn chế về Việt Nam, về những chính sách của Đảng và Chính phủ. 


Ông Trường Nguyễn bên những hiện vật Trường Sa.

Ông trở về Việt Nam nhân sự kiện APEC 2006, sau đó ông đã thông tin nhiều cuộc phỏng vấn mang quan điểm của chính phủ Nhà nước Việt Nam đến độc giả là kiều bào. Mỗi thông tin ông mang tới độc giả là thêm một lần ông được tiếp cận với những thông tin vốn bị bưng bít với kiều bào nước ngoài. 

Ông chia sẻ: "Năm 2012, chúng tôi có đề xuất với Bộ Ngoại giao về chuyến đi đầu tiên cho kiều bào ra Trường Sa. Từ đó đến nay đã có 11 chuyến đi Trường Sa cho kiều bào nước ngoài và tôi tham gia 6 chuyến. Năm 2014, sự kiện giàn khoan 981 của Trung Quốc kéo vào lãnh hải Việt Nam thì tôi được mời đi tác nghiệp cùng với nhiều cơ quan báo chí quốc tế. Tôi đã đưa được thông tin chính thống tới độc giả, qua các bài viết đã khẳng định được chủ quyền của Việt Nam trong giai đoạn tranh chấp”. 

Sau những chuyến đi Trường Sa trở về ông quyết định ở lại Việt Nam và định cư tại Yên Bái. Trường Sa Studio mở ra, ông trưng bày những hình ảnh, những kỷ vật những tranh vẽ và đặc biệt là những câu chuyện mà ông muốn kể cho thế hệ trẻ nghe. 

Trong không gian nhỏ của gia đình, ông thiết kế biểu tượng cột cờ Trường Sa, trồng một cây bàng vuông. Một góc lớn ông trưng bày các hiện vật như san hô, mũ hải quân, trang phục của những người lính đảo, quả bàng vuông, những lá cờ, những bức ký hoạ tại chỗ về những người lính đảo, những người dân trên đảo. Hằng ngày, bên góc trưng bày hiện vật, ông dạy vẽ cho các bạn nhỏ và kể những câu chuyện, những trải nghiệm của ông tại Trường Sa. 

Ông tâm sự: "Đến Trường Sa tôi thấu hiểu rằng để giữ được biển đảo là vô cùng khó khăn. Tôi muốn kể những câu chuyện Trường Sa cho mọi người, đặc biệt là những bạn trẻ rằng chúng ta đang được hưởng nền hòa bình, sự bình yên này là có đóng góp vô cùng to lớn của những chiến sĩ ở đảo xa và những người lính ở đó rất trân quý tình người… Tôi có ý tưởng sẽ vận động mọi người viết những lá thư gửi người lính đảo để mang Trường Sa về gần hơn. 

Nhiều người mong muốn nhân mô hình này, gần đây nhất có một anh trên Suối Giàng làm homestay bày tỏ muốn làm cột cờ Trường Sa và muốn sử dụng một số tài liệu hình ảnh mà tôi có cho homestay của anh ấy. Tôi hạnh phúc vì sự lan toả này!”. Tại Trường Sa Studio đã diễn ra nhiều sự kiện giáo dục lịch sử ý nghĩa của Hội Khoa học lịch sử tỉnh, của các trường học trên địa bàn… 

Sự lan tỏa tình yêu biển đảo quê hương của nhà báo Trường Nguyễn đã vượt ra khỏi không gian của Trường Sa Studio, mới đây ông đã vận động tài trợ, cùng với công sức của các thầy giáo để làm bức tranh tường 7x16m về biển đảo tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Púng Luông, huyện Mù Cang Chải với mong muốn mang biển đảo về gần hơn với các em nhỏ vùng cao, lan tỏa tình yêu biển đảo quê hương. 

Cựu chiến binh Hà Văn Tích và nhà báo Việt kiều Mỹ - Trường Nguyễn bằng cách làm riêng đang gìn giữ những giá trị lịch sử, cùng lan tỏa tình yêu quê hương đất nước cho thế hệ trẻ theo một cách thật đáng trân trọng như thế!

Thanh Ba

Tags bảo tàng tư nhân Yên Bái Hà Văn Tích Đại Lịch Văn Chấn phòng trưng bày kỷ vật chiến tranh Studio Trường Nguyễn

Các tin khác
Đại tá Lê Thị Thanh Hằng tặng quà các cháu thiếu nhi được Hội phụ nữ Công an tỉnh Yên Bái nhận đỡ đầu.

Các nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thời gian qua đã được Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an Yên Bái, trực tiếp là Đại tá Lê Thị Thanh Hằng, Phó Bí thư Đảng ủy, PGĐ chỉ đạo thực hiện hiệu quả, khích lệ mọi người hăng hái thi đua trong công tác, chiến đấu, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Ông La Tài Quan (bên trái) trao đổi với lãnh đạo xã và bà con thôn Thác Tiên về phát triển và bảo tồn gen quế giống.

Mạnh dạn dám nghĩ, dám làm, học và làm theo Bác để cùng với Ban Chi ủy Chi bộ vận động đồng bào thực hiện tốt hương ước làng xóm, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở và cùng nhau đóng góp công xây dựng thành công thôn nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu vào cuối năm 2024. Ông cũng là điển hình được đề nghị tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2021 - 2025 với những thành tích tiêu biểu thực hiện Chỉ thị 05. Đó là Phó thôn La Tài Quan - người có uy tín trong đồng bào dân tộc Dao ở thôn Thác Tiên, xã Mỏ Vàng, huyện Văn Yên.

Hàng tháng, gia đình bà Cù Thị Vân Hồng sản xuất khoảng trên 300 m2 khối gỗ ván bóc xuất bán ra thị trường.

Với đức tính cần cù, ham học hỏi, bà Cù Thị Vân Hồng năm nay ngoài 50 tuổi, ở thôn Cầu Khai, xã Mậu Đông, huyện Văn Yên luôn nỗ lực tập trung phát triển kinh tế gia đình từ chăn nuôi, làm ván bóc, vươn lên làm giàu chính đáng trên quê hương và tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Hàng năm, gia đình bà Hồng có thu nhập vài trăm triệu đồng.

Cựu chiến binh Lê Chí Công giới thiệu về quy trình kỹ thuật trồng dâu nuôi tằm.

Luôn biết tìm ra hướng phát triển kinh tế mới, vừa là chi hội trưởng cựu chiến binh (CCB) vừa là giám đốc hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tự thành lập với tổng nguồn thu hàng năm từ 600 - 800 triệu đồng và việc nào cũng "tròn vai". Người CCB năng động này là Lê Chí Công, Chi hội trưởng Chi hội CCB thôn Tiền Phong, xã Minh Quân, huyện Trấn Yên.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục