"Mình cố gắng lao động, mình nghe lời cán bộ nên giờ mình khá giả rồi!”. Ông Liêm không hề giấu giếm bởi ông giàu thật. Tính sơ sơ, tài sản của ông ngót 50 tỷ đồng. Ông nói thế càng không phải để khoe khoang mà để tỏ lòng biết ơn đối với Đảng, Nhà nước, đối với đội ngũ cán bộ đã biết chăm lo cho đồng bào sống ở vùng sâu, vùng xa. Nhờ sự quan tâm của Đảng, nhờ các chương trình kinh tế, nhờ những cán bộ về tận thôn, tận bản cầm tay chỉ việc, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật mà những người nông dân như ông mới có cuộc sống đủ đầy.
Sinh năm 1959, đến năm 1978, lên đường nhập ngũ, trực tiếp chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, anh lính trẻ Hà Văn Liêm tham gia hàng chục trận đánh, vào sinh ra tử tại các điểm cao ở Mường Khương, Lào Cai. Sau đó, chiến sĩ Hà Văn Liêm được cử đi học rồi biên chế về ban chỉ huy quân sự các huyện: Trấn Yên, Yên Bình, Văn Chấn, Than Uyên. Do cuộc sống gia đình, năm 1983, ông phục viên về tham gia công tác tại địa phương, làm Phó Ban Chỉ huy Quân sự, Đội trưởng Đội khai thác gỗ của xã Kiên Thành. Làm đủ mọi công việc cực nhọc chặt gỗ, bóc măng, bẫy thú… nhưng gia đình chẳng bao giờ đủ ăn, sắn khoai là lương thực chính.
"Kẻ thù hung bạo mình còn đánh thắng được, sao nghèo đói mình lại không thể vượt qua?” - câu hỏi ấy đã phảng phất trong tâm trí người cựu chiến binh không biết bao ngày. Chỉ đến khi phong trào trồng rừng kinh tế được triển khai, ông Hà Văn Liêm mới nhận ra cơ hội cho mình: "Đã bao đời người Kiên Thành chỉ biết lên rừng chặt gỗ, làm nương, có ai nghĩ đến việc trồng rừng đâu nhưng tôi vẫn tin và nghe theo lời cán bộ bởi chủ trương, chính sách nào cũng vì người dân, vì mục tiêu phát triển. Đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao nhất thiết phải nghe lời cán bộ! Từ suy nghĩ ấy, vợ chồng tôi đã quyết định vào Khe Lũng - Đồng Cát để nhận đất, trồng rừng. Từ đó, một hành trình gian nan, vất vả bắt đầu bởi Khe Lũng hẻo lánh, không có đường giao thông, hàng chục hộ trong xã cũng từng đến Khe Lũng phá đất trồng sắn, gieo lúa nhưng chỉ đôi ba vụ cũng bỏ hết. Riêng tôi, tôi nhìn ra cơ hội, đó là có khe nước để đắp ao, có bãi bằng để vỡ ruộng và nhất là có bạt ngàn đất trống, đồi trọc để trồng rừng”.
Mồ hôi đã đổ xuống để một vùng đất hoang biến thành 2 ha ao, 0,5 ha ruộng, hơn 20 ha tre măng Bát độ và hơn 6 ha quế (chưa kể đã chia cho 4 người con, mỗi người 4 ha đất để trồng tre măng Bát độ). Cơ ngơi của gia đình ông Liêm thực sự là mô hình kinh tế tiêu biểu của xã Kiên Thành, của huyện Trấn Yên. Chỉ tính riêng hơn 20 ha tre măng Bát độ, từ nhiều năm qua, mỗi vụ vợ chồng anh Liêm đã bỏ túi trên 1 tỷ đồng. Cơ sở thu mua, sơ chế măng của bố con anh mỗi vụ cũng đạt sản lượng trên 700 tấn và mang lại nguồn thu nhập lớn cho gia đình. Có nguồn tiền lớn, ông Liêm mở đường vào Khe Lũng và đường nội bộ lên tận lưng đồi, góp phần giảm chi phí sản xuất, tăng giá trị sản phẩm. Ngoài ra, ông còn đầu tư trên 3 tỷ đồng san tạo mặt bằng xây một ngôi nhà lớn, trên 500 m2 sàn và đang triển khai kế hoạch biến khu đất quanh nhà thành một khu rừng tự nhiên với nhiều cây gỗ quý.
Gia đình ông Hà Văn Liêm cùng nhiều hộ dân ở Kiên Thành đã mở cơ sở thu mua và chế biến măng tre Bát độ, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Ông Hà Văn Liêm chia sẻ: "Tôi xây nhà lớn để anh em, con cháu và bạn bè đến tụ hội là chính chứ hai vợ chồng già thì ở hết bao nhiêu. Tôi mong muốn trồng nhiều cây gỗ quý như: đinh, sến, táu, dổi, chò chỉ… quanh nhà vừa làm bóng mát, tạo phong cảnh và bảo vệ nguồn giống cây bản địa quý giá. Tôi cũng bắt nước, dẫn nguồn về nhà, xây bể bơi cho lũ trẻ đến tắm mát và đỡ nguy hiểm. Ngay sau tết này, tôi cũng sẽ đầu tư xây dựng ngầm tràn liên hợp qua suối để gia đình và bà con đi lại thuận tiện hơn. Giờ mình có tiền rồi, mình phải nghĩ cho xã hội, nghĩ cho tương lai. Nếu nghĩ ngắn thì bán cả trang trại lấy mấy chục tỷ đồng mua cái nhà rồi hưởng thụ nhưng sống thế thì uổng quá, mất vui. Mình nhà nông, mình phải lao động, mình là người đồng bào, mình phải gắn bó với núi rừng, sông suối” - chất giọng thủng thẳng nói lên nghĩ suy của lão nông người Tày khiến người nghe càng thêm nể phục.
Gió xuân khiến rừng quế, rừng tre măng lao xao. Mưa xuân buông xuống là cây rừng lại nảy lộc biếc. Đồng Cát đã vươn mình đứng lên, bỏ xa đói nghèo, lạc hậu nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, nhờ các chương trình kinh tế và nhờ tinh thần vượt khó, hăng say lao động sản xuất của người dân.
Lê Phiên