Anh nghiêm "gạch"

  • Cập nhật: Thứ tư, 27/10/2010 | 9:20:16 AM

YBĐT - Nghề sản xuất gạch thủ công trong nhiều năm qua đã góp phần giải quyết việc làm cho một bộ phận lao động nông thôn tại xã Văn Tiến (thành phố Yên Bái). Tạo nguồn thu nhập khá cho nhiều hộ dân, trong đó phải kể tới hộ gia đình anh Lại Xuân Nghiêm, một trong những hộ làm gạch thủ công lâu năm phát triển kinh tế hiệu quả tại địa phương.

Chúng tôi đến thăm cơ sở sản xuất của gia đình anh Lại Xuân Nghiêm tại thôn Lưỡng Sơn, khi anh vừa cho ra lò mẻ gạch mới. Nhìn những viên gạch đỏ hồng, anh phấn khởi cho hay: “Lò này đốt 10 vạn viên, đạt chắc 80% gạch loại A”. Từ năm 1993, với trên 1 mẫu đất phù sa nằm bên bờ ngòi Sen do canh tác nông nghiệp kém hiệu quả (vụ chiêm khô, vụ mùa úng lụt), qua nhiều lần tham khảo và học hỏi kinh nghiệm tại một số địa phương, anh Nghiêm chuyển hẳn sang làm gạch. Lúc đó trong xã cũng vài ba hộ sang làm gạch thủ công như các ông Nguyễn Văn Thạnh, Đỗ Đức Vinh, Hà Viết Phúc.

Ban đầu do nguồn vốn hạn hẹp phải vay mượn thêm với lãi suất cao, gạch tiêu thụ rất chậm, chưa tạo dựng được uy tín với bạn hàng khiến cuộc sống của gia đình anh gặp rất nhiều khó khăn. Kỷ niệm nhớ nhất trong nghề làm gạch là hồi giữa năm 2006, khi gạch đã vào đầy lò chưa kịp đốt thì mưa bão ập đến làm đổ sập lò gây ra bao thiệt hại kinh tế và những lo toan cho gia đình. Với nghị lực, quyết tâm, cộng thêm bản chất cần cù chăm chỉ lao động, anh quyết làm lại từ đầu.

Từ đó đến nay, anh đã đầu tư xây dựng được 2 lò đốt luân phiên, tích luỹ mua thêm máy móc và hơn 1 mẫu ruộng thuộc loại chiêm khô mùa lụt để khai thác đất sản xuất gạch. Cơ sở sản xuất gạch vật liệu xây dựng của anh Nghiêm đã tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 15 lao động nông thôn với mức thu nhập bình quân từ 1,3 đến 1,6 triệu đồng/người/tháng trong thời điểm hiện tại. Anh tiếp: “Từ đầu năm 2010 đến nay gia đình đã cho ra 10 lò gạch, trung bình 10 vạn viên/lò. Tuy vậy có thời điểm vẫn “cháy” gạch.

Khi thời tiết thuận lợi gạch ra lò, loại A sẽ đạt khoảng trên 75%, hiện giá bán gạch tại lò loại A là 650 đồng/viên, loại B là 400 đồng/viên. Năm 2009, trừ các khoản chi phí (thuế, tiền lương công nhân, nguyên vật liệu đốt...), gia đình anh thu lãi gần 200 triệu đồng. Hiện mong muốn của gia đình anh cũng như các chủ hộ sản xuất gạch trong xã là chính quyền có điều chỉnh quy hoạch cụ thể vùng sản xuất gạch, tạo điều kiện kích thích phát triển bền vững cũng như bảo vệ an toàn  môi trường sinh thái trong vùng có các lò gạch.

Ông Nguyễn Ngọc Tân - Bí thư Đảng uỷ xã Văn Tiến cho biết: “Địa phương có trên 25 ha đất trũng nằm dọc hai bên bờ ngòi Sen hiệu quả canh tác nông nghiệp thấp, chỉ phù hợp cho việc khai thác đất sản xuất gạch. Hiện có 15 hộ tham gia sản xuất gạch với gần 30 lò đốt, giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 200 lao động nông thôn. Thời gian qua, nhiều hộ nuôi con ăn học, xây dựng nhà cửa phát triển kinh tế cũng nhờ làm gạch. 15 hộ dân làm gạch đã đóng góp được 30% nguồn vốn cho ngân sách địa phương.

Với những mong muốn của người làm gạch, chính quyền xã đã có chủ trương trong vòng từ 3 đến 5 năm tới quy hoạch trọng điểm vùng sản xuất gạch vật liệu xây dựng, chuyển đổi sản xuất gạch theo công nghệ hiện đại, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, kích thích phát triển bền vững từng bước phát triển sản xuất gạch thành một ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương”.

Mong sao sản phẩm gạch của gia đình anh Nghiêm nói riêng và sản phẩm gạch Văn Tiến nói chung từng bước phát triển, nâng cao chất lượng tạo được thương hiệu mạnh trên thị trường.

C.L

Các tin khác
Đại tá Lê Thị Thanh Hằng tặng quà các cháu thiếu nhi được Hội phụ nữ Công an tỉnh Yên Bái nhận đỡ đầu.

Các nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thời gian qua đã được Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an Yên Bái, trực tiếp là Đại tá Lê Thị Thanh Hằng, Phó Bí thư Đảng ủy, PGĐ chỉ đạo thực hiện hiệu quả, khích lệ mọi người hăng hái thi đua trong công tác, chiến đấu, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Ông La Tài Quan (bên trái) trao đổi với lãnh đạo xã và bà con thôn Thác Tiên về phát triển và bảo tồn gen quế giống.

Mạnh dạn dám nghĩ, dám làm, học và làm theo Bác để cùng với Ban Chi ủy Chi bộ vận động đồng bào thực hiện tốt hương ước làng xóm, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở và cùng nhau đóng góp công xây dựng thành công thôn nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu vào cuối năm 2024. Ông cũng là điển hình được đề nghị tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2021 - 2025 với những thành tích tiêu biểu thực hiện Chỉ thị 05. Đó là Phó thôn La Tài Quan - người có uy tín trong đồng bào dân tộc Dao ở thôn Thác Tiên, xã Mỏ Vàng, huyện Văn Yên.

Hàng tháng, gia đình bà Cù Thị Vân Hồng sản xuất khoảng trên 300 m2 khối gỗ ván bóc xuất bán ra thị trường.

Với đức tính cần cù, ham học hỏi, bà Cù Thị Vân Hồng năm nay ngoài 50 tuổi, ở thôn Cầu Khai, xã Mậu Đông, huyện Văn Yên luôn nỗ lực tập trung phát triển kinh tế gia đình từ chăn nuôi, làm ván bóc, vươn lên làm giàu chính đáng trên quê hương và tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Hàng năm, gia đình bà Hồng có thu nhập vài trăm triệu đồng.

Cựu chiến binh Lê Chí Công giới thiệu về quy trình kỹ thuật trồng dâu nuôi tằm.

Luôn biết tìm ra hướng phát triển kinh tế mới, vừa là chi hội trưởng cựu chiến binh (CCB) vừa là giám đốc hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tự thành lập với tổng nguồn thu hàng năm từ 600 - 800 triệu đồng và việc nào cũng "tròn vai". Người CCB năng động này là Lê Chí Công, Chi hội trưởng Chi hội CCB thôn Tiền Phong, xã Minh Quân, huyện Trấn Yên.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục