Lặng lẽ tỏa hương

  • Cập nhật: Thứ hai, 15/11/2010 | 2:54:48 PM

YBĐT - Khi còn nhỏ, tôi luôn tự hỏi mình vì sao chị ấy luôn được mọi người dân trong xã dành cho sự yêu thương đặc biệt như vậy? Từ người già đến trẻ em đều coi chị như người trong nhà, với cách gọi tên rất gần gũi thân thương “ cô Xuyến”.

 Khi đã trưởng thành và tận mắt chứng kiến cả một quá trình dài chị tận tụy với nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho bà con trong xã tôi mới tự trả lời được những thắc mắc trong lòng. “Cô Xuyến” - người y sĩ tận tâm  hết mình với bà con nhân dân xã Văn Phú.

Ai đã một lần đến xã Văn Phú, thành phố Yên Bái hỏi thăm nhà chị Xuyến,  thôn 4 thì chắc chắn từ các bác cao niên đến cháu nhỏ đều nói rằng họ chỉ biết một “cô Xuyến”- người y sĩ cả cuộc đời gắn bó với xóm làng, với bà con để giúp người bệnh vượt qua những hoạn nạn. Đó là tình cảm đặc biệt mà người dân ở đây đã dành cho chị. Cái tên “cô Xuyến” đã trở thành tên riêng, rất gần gũi thân thương với mọi người dân trong xã.

Tôi gặp chị vào một buổi chiều, khi cái nắng còn chói chang như đang thiêu đốt những cây bưởi, cây cam trong vườn nhà. Vừa đặt chiếc túi đeo với lỉnh kỉnh những đồ nghề chữa bệnh xuống bàn chị vừa niềm nở, nhẹ nhàng rót nước mời tôi. Khi nghe tôi đặt vấn đề muốn được viết về chị, chị ái ngại: "Đó chỉ là một công việc bình thường của những người làm nghề y mà thôi". Được biết, chị học y sĩ đa khoa tại Trường Trung cấp Y tế tỉnh Yên Bái từ năm 1966 đến năm 1969. Sau khi tốt nghiệp, trở về công tác tại bệnh xá xã Văn Phú. Từ đó đến nay chị luôn gắn bó với trọng trách cao cả chăm sóc sức khỏe cho bà con. Chị tâm sự: “Tôi đã cùng bà con trong xã trải qua những năm tháng chiến tranh ác liệt chống  đế quốc Mỹ xâm lược. Ở đâu có bom rơi đạn nổ, có bà con bị thương vong thì bằng bất cứ giá nào tôi cũng phải có mặt ngay”. Nói đến đây giọng chị trầm lại: “Rất tiếc có nhiều trường hợp bị trúng bom vết thương rất nặng, vượt quá khả năng cứu chữa tại chỗ nên tôi đã phải đau đớn chứng kiến cái chết của họ. Hình ảnh ấy cứ mãi ám ảnh khiến tôi càng quyết tâm học tập, nâng cao trình độ chuyên môn để có thể cứu chữa được thêm nhiều người bệnh, không cho phép mình buông lơi, vô trách nhiệm với việc chăm sóc sức khỏe của bất cứ người dân nào, nhất là đối với những người nghèo trong xã” .

Do địa hình dân cư ở không tập trung, có những gia đình ở riêng trên một quả đồi, có những gia đình ở giữa bốn bề là đầm nước… không kể trời mưa hay nắng, không kể đó là lúc rạng sáng hay nửa đêm, chỉ cần có người đến gọi cần  giúp đỡ là chị lại sẵn sàng lên đường. Văn Phú hiện nay vẫn còn là một xã nghèo, phần lớn bà con không có tiền để lên Bệnh viện tỉnh. Mặt khác, tâm lý của mọi người trong xã đều nghĩ rằng có bệnh gì cứ gọi “ Cô Xuyến” đến là xong. Bà con tin tưởng và yêu quí chị đến thế  cũng chính là lý do khiến chị luôn phải hết lòng, hết sức  phục vụ bà con. Có rất nhiều trường hợp khiến chị  thật khó xử, họ cứ nghĩ rằng chị có thể làm được tất cả, nhưng thực tế đâu phải như thế. Với điều kiện dụng cụ, phương tiện khám chữa bệnh còn rất hạn chế không cho phép chị xử lý được những ca phức tạp. Khi ấy, từ vai trò một bác sĩ đến khám chữa bệnh chị lại phải kiêm  luôn vai trò của một bác sĩ tâm lý, thuyết phục bà con lên tuyến trên. Với chị, việc làm đó đôi khi còn khó hơn chữa bệnh rất nhiều.

Trong suốt 30 năm qua có tới hàng vài trăm đứa trẻ đã được chị đón tay ngay từ khi cất tiếng khóc chào đời. Với chị,  mỗi khi được đón một cháu bé ra đời là niềm hạnh phúc vô cùng thiêng liêng. Đó chính là động lực tiếp sức để chị vượt qua những khó khăn vất vả trong cuộc sống và tiếp tục sự nghiệp cao quí của mình. Gặp chị Nguyễn Thị Nhàn ở thôn 5 xã Văn Phú, tôi được biết gia đình chị có 4 đứa con thì cả 4 cháu đều do chị Xuyến làm bà đỡ, cháu nào cũng được chào đời an toàn “ mẹ tròn, con vuông”. Bên cạnh đó, sức khỏe của mọi thành viên trong gia đình chị trong suốt những năm qua đều nhận được sự chăm sóc, giúp đỡ của chị Xuyến. Hỏi về chị Xuyến, chị Nhàn chỉ nói một câu rất ngắn gọn và giản dị “ Cô Xuyến là người mà cả gia đình chúng tôi và những người dân trong xã coi như một ân nhân”.

Hôm nay, xã Văn Phú đã có nhiều đổi thay, Trạm Y tế xã đã được xây dựng khang trang với 4 phòng bệnh và đội ngũ y, bác sĩ có chuyên môn cao. Đường đến các thôn hầu như đã được đầu tư nâng cấp, khiến cho việc đi lại dễ dàng hơn trước rất nhiều. Chị Xuyến cũng đã được Nhà nước cho nghỉ hưu nhưng vì bà con trong xã, trong thôn, chị vẫn chưa một ngày cho phép mình ngơi nghỉ. Chiếc xe đạp và túi đồ nghề như vật “bất ly thân” vẫn cùng chị ngày đêm mưa, nắng đến với bà con.

Đến giờ thì tôi thấy thật dễ hiểu tại sao mọi người dân trong xã đều gọi chị bằng cái tên thân thương: “cô Xuyến”. Chị là một bông hoa đồng nội không khoe sắc rực rỡ nhưng lặng lẽ tỏa hương, thanh tao và quyến rũ lòng người. Bởi ở chị hội tụ cả cái tài, cái đức mà mỗi người làm nghề y luôn cần có. Quê hương Văn Phú đang vươn lên từng ngày, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của chị.

Nguyễn Thị Hồng

Các tin khác
Công an xã Tú Lệ và em Hà Kiều Oanh bàn giao tài sản cho chị Lò Thị Thu.

Em Hà Kiều Oanh – học sinh Trường Tiểu học xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn sau khi nhặt được ví da có gần 6 triệu đồng đã nhờ công an trả lại người đánh mất.

Buổi ra mắt mô hình du lịch của chị Lý Thị Thiêm - Bí thư Đoàn xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải.

Khi nói về cách nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Tốt nhất là miệng nói, tay làm, làm gương cho người khác bắt chước…”. Thực hiện lời dạy của Người, nhiều cán bộ, đảng viên trên địa bàn huyện Mù Cang Chải đã phát huy tinh thần tiên phong, gương mẫu trong mọi hoạt động, phong trào, trong đó có phong trào phát triển kinh tế, để đồng bào học và làm theo.

Cựu chiến binh Phùng Tiến Nhung (ngồi giữa) xúc động kể lại câu chuyện chiến đấu năm xưa.

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những ký ức về một thời mưa bom, bão đạn vẫn là những kỷ niệm in đậm trong cựu chiến binh (CCB) Phùng Tiến Nhung ở tổ 3, thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên.

Anh Phạm Tuấn Anh làm việc tại xưởng nhôm kính.

Học tập và làm theo gương Bác ở đức tính cần cù, chịu khó trong lao động, chàng thanh niên trẻ Phạm Tuấn Anh ở thôn Trực Bình, xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái đã quyết tâm vượt khó vươn lên lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục