Xứng danh nhà giáo ưu tú

  • Cập nhật: Thứ năm, 18/11/2010 | 2:54:22 PM

YBĐT - Sinh ra trong một gia đình đông anh em, lại là chị cả, hoàn cảnh khó khăn của gia đình đã thôi thúc cô giáo Thành quyết tâm vươn lên mạnh mẽ.

Cô giáo Nguyễn Thị Thành (phải) tại Hội nghị Biểu dương nữ CNVC-LĐ khắc phục khó khăn lao động giỏi - nuôi con học giỏi toàn quốc năm 2004.
Cô giáo Nguyễn Thị Thành (phải) tại Hội nghị Biểu dương nữ CNVC-LĐ khắc phục khó khăn lao động giỏi - nuôi con học giỏi toàn quốc năm 2004.

Tốt nghiệp Trường Trung học Sư phạm Yên Bái năm 1979, vượt qua những éo le của số phận (một mình cô phải nuôi dạy hai con nhỏ), khắc phục những thiếu thốn về tình cảm cũng như vật chất, cô giáo Thành đã gắn bó và tận tụy với nghề, hết lòng với học sinh và không ngừng sáng tạo trong phương pháp giảng dạy.

Trong suốt quá trình công tác, dù ở vùng cao Suối Quyền (Văn Chấn) hay ở các trường vùng thấp huyện Yên Bình, với tình yêu nghề, mến trẻ, cô giáo Thành luôn tâm niệm một điều ấy là làm thế nào để con chữ, những kiến thức bổ ích đến được với học sinh một cách khoa học, hiệu quả nhất. Và từ suy nghĩ đó, cô đã đem đến cho các thế hệ học sinh những giờ học bổ ích và đầy ý nghĩa. "Không chỉ giỏi về chuyên môn, cô giáo Thành luôn tâm huyết và đam mê nghề nghiệp, để lại sự quý mến và tin yêu đối với đồng nghiệp và bao thế hệ học trò", cô giáo Đặng Thị Lan Hương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Đồng nhận xét.

Giảng dạy các môn học của bậc tiểu học, đối với lứa tuổi đang trong quá trình hình thành nhân cách, nếu không có phương pháp phù hợp sẽ rất dễ tạo ra tâm lý nhàm chán, chểnh mảng đối với học sinh. Làm thế nào để học sinh vừa nắm vững kiến thức, vừa có tâm lý thoải mái trong các giờ học? Đó cũng là điều băn khoăn lớn nhất của cô Thành ngay từ buổi đầu bước chân lên bục giảng, là động lực thôi thúc cô mày mò tìm ra phương pháp phù hợp nhất trong giảng dạy.

Kết thúc từng giờ dạy, cô Thành thường dặn các em hệ thống lại bài vừa học, đồng thời soạn bài tiếp theo tại nhà để chuẩn bị cho buổi học hôm sau. Đến lớp, trên cơ sở các em đã chuẩn bị sẵn bài, cô giáo chỉ chọn các chi tiết quan trọng, cung cấp thêm các kiến thức bổ sung, mở rộng, thời gian còn lại để học sinh thảo luận, giải đáp các vấn đề thắc mắc xung quanh bài học. Phương pháp giảng dạy ấy đã tạo cho các em thói quen tư duy sáng tạo, khả năng tổng hợp trong cách học và làm bài, tránh lối học thuộc lòng sáo rỗng.

"Điều tôi quan tâm nhất trong mỗi buổi giảng bài không phải là buộc các em phải nhồi nhét kiến thức mà phải tạo cho học sinh tâm lý thoải mái, biến lớp học trở thành một tập thể để các em mạnh dạn trao đổi và dần khám phá kiến thức mới. Tôi nghĩ điều đó rất cần trong các môn học, nhất là với những học sinh ở lứa tuổi tiểu học". Đó là điều tâm huyết nhất sau hơn 31 năm gắn bó với bục giảng của cô giáo Nguyễn Thị Thành - giáo viên Trường Tiểu học Kim Đồng (huyện Yên Bình).

Để học sinh nắm vững, kiến thức, sau mỗi bài, mỗi phần, cô Thành thường  hướng dẫn các em làm bài thu hoạch tổng hợp và chấm điểm khích lệ đối với bài làm tốt. Nhằm làm phong phú thêm bài giảng trên lớp, giúp các em nắm vững kiến thức, cô còn sưu tập thêm các hình ảnh tư liệu thuộc các môn học để minh họa thêm trong bài giảng, tạo cho các em niềm đam mê, hứng thú đối với bài giảng của cô. Vì vậy, trong nhiều năm liền, tỉ lệ học sinh của cô lên lớp đều đạt, từ 98 - 100%, trong đó có đến 75 - 80% học sinh đạt danh hiệu học sinh tiên tiến, học sinh giỏi...

Bên cạnh đó, cô giáo Thành còn thường xuyên nghiên cứu chương trình - sách giáo khoa bậc tiểu học nhằm tìm ra hướng đi riêng, hiệu quả cho mỗi bài giảng của mình. Cô cũng có nhiều sáng kiến áp dụng công nghệ mới, giáo trình, công trình nghiên cứu khoa học phục vụ sự nghiệp giáo dục, được công nhận và tặng thưởng như: Phương pháp dạy Toán lớp 1; Nâng cao chất lượng rèn chữ viết cho học sinh lớp 1; Rèn kỹ năng nói trong giờ Tập làm văn miệng lớp 4; Hướng dẫn giải Toán lời văn có nội dung hình học lớp 5... Chính những nỗ lực cố gắng ấy nhiều năm liền, cô giáo Thành được tham gia hội giảng các cấp và liên tục được công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh, được tặng Huy chương "Vì sự nghiệp giáo dục".

Đặc biệt trong năm học 2003 - 2004, cô giáo Thành đã tham dự hội giảng toàn quốc và đã xuất sắc nhận được chứng nhận là giáo viên dạy giỏi bậc tiểu học cấp quốc gia do Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận... Nói về mình, cô Thành khiêm tốn: "Những cống hiến và thành tích của tôi đối với ngành giáo dục vẫn còn rất nhỏ bé. Gắn bó với nghề hơn 30 năm qua, lúc nào trong tôi cũng tâm niệm phải phấn đấu hơn nữa để vượt lên mọi hoàn cảnh và xứng đáng với 8 chữ vàng mà Đảng và Nhà nước đã trao tặng cho người phụ nữ Việt Nam "Năng động, sáng tạo, trung hậu, đảm đang".

Một tin vui đến với cô giáo Nguyễn Thị Thành là vừa qua, ngành giáo dục và đào tạo Yên Bái đã đề nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận danh hiệu Nhà giáo ưu tú cho cô - món quà vô cùng ý nghĩa đối với một cô giáo đã gắn bó, cống hiến cả tuổi trẻ và cuộc đời mình cho sự nghiệp giáo dục.

Thiên Cầm

Các tin khác
Công an xã Tú Lệ và em Hà Kiều Oanh bàn giao tài sản cho chị Lò Thị Thu.

Em Hà Kiều Oanh – học sinh Trường Tiểu học xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn sau khi nhặt được ví da có gần 6 triệu đồng đã nhờ công an trả lại người đánh mất.

Buổi ra mắt mô hình du lịch của chị Lý Thị Thiêm - Bí thư Đoàn xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải.

Khi nói về cách nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Tốt nhất là miệng nói, tay làm, làm gương cho người khác bắt chước…”. Thực hiện lời dạy của Người, nhiều cán bộ, đảng viên trên địa bàn huyện Mù Cang Chải đã phát huy tinh thần tiên phong, gương mẫu trong mọi hoạt động, phong trào, trong đó có phong trào phát triển kinh tế, để đồng bào học và làm theo.

Cựu chiến binh Phùng Tiến Nhung (ngồi giữa) xúc động kể lại câu chuyện chiến đấu năm xưa.

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những ký ức về một thời mưa bom, bão đạn vẫn là những kỷ niệm in đậm trong cựu chiến binh (CCB) Phùng Tiến Nhung ở tổ 3, thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên.

Anh Phạm Tuấn Anh làm việc tại xưởng nhôm kính.

Học tập và làm theo gương Bác ở đức tính cần cù, chịu khó trong lao động, chàng thanh niên trẻ Phạm Tuấn Anh ở thôn Trực Bình, xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái đã quyết tâm vượt khó vươn lên lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục