"Ông vệ sinh môi trường"

  • Cập nhật: Thứ ba, 30/11/2010 | 8:58:23 AM

YBĐT - Ngày nào cũng vậy, khoảng 5h sáng và từ 4h30 chiều, cái xóm nhỏ xinh, sạch, đẹp thuộc thôn 3B, thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ, huyện Văn Chấn (Yên Bái) lại vang lên âm thanh "xoẹt xoẹt" quen thuộc từ chiếc chổi mo cau của ông lão ngoài 70 tuổi cặm cụi quét dọn đường làng.

Ngày nào cũng vậy, khoảng 5h sáng và từ 4h30 chiều, cái xóm nhỏ xinh, sạch, đẹp thuộc thôn 3B, thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ (Văn Chấn) lại vang lên âm thanh "xoẹt xoẹt" quen thuộc từ chiếc chổi mo cau của ông lão ngoài 70 tuổi cặm cụi quét dọn đường làng. Đã 15 năm nay, ông Hoàng Đình Mâu làm cái việc mà người đời cho là "dở hơi", đó là tự nguyện dọn dẹp vệ sinh con đường làng dài 400 m. Ông không đòi hỏi trả công hay trợ cấp gì mà rất vui khi mọi người gọi mình là "Ông vệ sinh môi trường".

Ông Mâu sinh năm 1936 tại Hưng Yên, năm 1968 thì nhập ngũ và chiến đấu tại Chiến trường C bên nước bạn Lào. Đến tháng 9 năm 1974, ông xuất ngũ, lên Yên Bái lập nghiệp và giữ chức vụ quản lý đơn vị chăn nuôi của thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ. Trong suốt thời gian công tác, dù làm nhiều công việc khác nhau nhưng ông luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao. Năm 1996, ông nghỉ hưu và cũng là lúc ông thực hiện công việc tình nguyện của mình.

Ông Mâu kể, hàng ngày, đường làng, ngõ xóm có quá nhiều lá cây rơi rụng; rác sinh hoạt của người dân thải ra; rơm rạ rơi trên đường khi mỗi mùa gặt về; phân trâu, bò rồi, xe tải chở vật liệu xây dựng chạy qua không che đậy làm cát, sỏi rơi đầy đường… trong khi thôn còn nghèo, xa đường quốc lộ nên không có nhân viên vệ sinh môi trường dọn dẹp. Không đành lòng nhìn người đi đường phải né chướng ngại vật hay xảy ra tai nạn giao thông, ông đã tình nguyện dọn dẹp con đường của thôn từ khi còn là đường cấp phối cho đến bây giờ đã là đường bê tông.

Ngày nào cũng vậy, bất kể ngày nắng hay ngày mưa, ngày nào mưa to quá thì ông mặc áo mưa, đội nón ra quét đường. Ngày nào trời nắng, sau khi quét đường sạch sẽ, ông Mâu lại về nhà xách nước ra tưới đường cho đỡ bụi, có ngày xách đến 40 - 50 xô nước. Ông dọn rất cẩn thận, quét và gom hết lá cây, rơm rạ vào một đống sau đó đốt sạch; còn phân trâu, bò thì hót và đổ xuống ruộng lúa cho bà con, vừa sạch đường lại vừa tốt lúa. Lúc đầu, người dân trong thôn không hiểu, ai cũng bảo ông "không bình thường" vì "nhà mình chẳng dọn lại thừa hơi quét đường cho thiên hạ".

Không chỉ vậy, sáng nào ông Mâu cũng dậy sớm, chạy thể dục từ 4h. Trong khi chạy thể dục, ông luôn mang theo một cái cuốc và bao tải. Ông bảo: "Tôi mang theo mấy thứ đó để khi nào đến chỗ bãi đất bỏ hoang mà có những khóm cỏ đẹp, tôi dùng cuốc đánh cỏ, cho vào bao tải, mang về trồng ở hai bên đường làng. Như vậy sẽ giữ được đất ở hai bên đường không bị lở khi mùa mưa đến". Từ ngày làm công việc này, ông không nhớ được rằng, mình đã mang bao nhiêu bao tải cỏ về trồng. Chỉ biết rằng, có bàn tay ông chăm sóc, cỏ lúc nào cũng xanh mượt và quan trọng nhất là đất hai bên đường không bị sạt lở như trước. Sau này, khi người dân hiểu ra việc làm của ông Mâu là muốn con đường làng sạch, đẹp và được sự vận động của ông, mọi người trong thôn đã có ý thức hơn để giữ gìn vệ sinh chung.

Từ đó đã có nhiều người dân tham gia cùng ông dọn đường. Khi hỏi lý do nào khiến ông làm công việc tự nguyện này, ông cười, chia sẻ: "Vì tôi luôn học tập theo gương của Bác Hồ. Tôi còn nhớ, trong lá thư của Bác Hồ viết năm 1941 gửi các bậc phụ lão có đoạn: "…đối với làng xóm, đối với bà con, phụ lão có sự tín nhiệm lớn lao. Phụ lão hô, nhân dân hưởng ứng, phụ lão làm nhân dân làm theo. Hô điều nên hô, làm việc nên làm. Người có của xuất của, người có sức dốc sức". Và tôi cũng muốn bà con thấy việc làm của tôi để cùng nhau giữ gìn vệ sinh chung, để con cháu làm theo và giữ lại cái phúc cho con cháu sau này".

Ông Nguyễn Xuân Tùng - Phó chủ tịch UBND thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ cho biết: "Ông Mâu là người có lòng nhiệt tình, khi tham gia mọi hoạt động của thôn hay của thị trấn đều hoàn thành tốt. Việc làm tình nguyện của ông Mâu không những giúp cho đường làng, ngõ xóm sạch, đẹp mà còn là tấm gương cho bà con trong thôn học theo". Không chỉ dọn đường, trồng cỏ mà ông Mâu còn bỏ tiền ra mua đinh về đóng vào những tấm gỗ bị long ra trên cầu treo Ta Tiu nối thôn với bên ngoài. Việc làm của ông Mâu đều được vợ con ủng hộ. Trò chuyện với chúng tôi, vợ ông cho biết, gia đình không phản đối việc ông làm mà chỉ lo tuổi cao, lo thời tiết mưa nắng thất thường... sợ ông đau yếu.

Thấy việc làm của ông Mâu rất có ý nghĩa với thôn, nhân dân đề nghị được cấp một số dụng cụ lao động để ông tiện cho việc dọn dẹp nhưng ông từ chối. Ông cho rằng, thôn còn nghèo nên dành số tiền đó để giúp đỡ các gia đình khó khăn. Ông Vũ Đăng Lư - Trưởng thôn 3B cho biết: "Ông Mâu rất có trách nhiệm với gia đình, khu xóm. Ông làm mà không đòi hỏi gì. Nếu mỗi một thôn trong thị trấn có một người như ông Mâu thì đường làng, ngõ xóm lúc nào cũng sạch, đẹp. Việc làm của ông sẽ để mọi người, học tập và làm theo; để đường làng lúc nào cũng sạch sẽ, đảm bảo an toàn giao thông vì đó không phải trách nhiệm của riêng cá nhân ai mà là trách nhiệm của cả cộng đồng”.

 Được lao động, được cống hiến, được nhìn những cháu bé tươi cười đi học trên con đường làng sạch, đẹp - đó chính là niềm vui, niềm hạnh phúc giản dị của người cựu chiến binh này.

Phạm Thảo

Các tin khác
Công an xã Tú Lệ và em Hà Kiều Oanh bàn giao tài sản cho chị Lò Thị Thu.

Em Hà Kiều Oanh – học sinh Trường Tiểu học xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn sau khi nhặt được ví da có gần 6 triệu đồng đã nhờ công an trả lại người đánh mất.

Buổi ra mắt mô hình du lịch của chị Lý Thị Thiêm - Bí thư Đoàn xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải.

Khi nói về cách nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Tốt nhất là miệng nói, tay làm, làm gương cho người khác bắt chước…”. Thực hiện lời dạy của Người, nhiều cán bộ, đảng viên trên địa bàn huyện Mù Cang Chải đã phát huy tinh thần tiên phong, gương mẫu trong mọi hoạt động, phong trào, trong đó có phong trào phát triển kinh tế, để đồng bào học và làm theo.

Cựu chiến binh Phùng Tiến Nhung (ngồi giữa) xúc động kể lại câu chuyện chiến đấu năm xưa.

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những ký ức về một thời mưa bom, bão đạn vẫn là những kỷ niệm in đậm trong cựu chiến binh (CCB) Phùng Tiến Nhung ở tổ 3, thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên.

Anh Phạm Tuấn Anh làm việc tại xưởng nhôm kính.

Học tập và làm theo gương Bác ở đức tính cần cù, chịu khó trong lao động, chàng thanh niên trẻ Phạm Tuấn Anh ở thôn Trực Bình, xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái đã quyết tâm vượt khó vươn lên lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục