Nữ bác sĩ bền bỉ chống lao

  • Cập nhật: Thứ sáu, 24/12/2010 | 2:51:43 PM

YBĐT - Hơn ba mươi năm chuyên tâm cho công tác khống chế bệnh lao, Phó Giám đốc Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội tỉnh, bác sỹ, thầy thuốc ưu tú Nguyễn Thị Đề đã trở thành gương mặt quen thuộc trên khắp các phường xã, thôn bản của tỉnh.

Bước chân của chị và các đồng nghiệp hình như vẫn chưa muốn ngừng nghỉ dù tỷ lệ dân nhiễm lao trên địa bàn đã rất thấp.

Có lẽ cuộc sống nhiều khốn khó của những bệnh nhân lao luôn làm bác sĩ Nguyễn Thị Đề day dứt, bận tâm vì thế chị đã bắt đầu câu chuyện nghề nghiệp của mình với hình ảnh về những bệnh nhân lao. Đa phần họ đều rất nghèo và bị cộng đồng xa lánh, nên cuộc sống đã khổ lại càng khó khăn, nhọc nhằn gấp bội. Chuyện nhiều bệnh nhân của chị không có tiền đi tàu xe để đến khám bệnh là bình thường.

Có lần đi thăm khám tại nhà người bệnh, ở đó đến cái ghế để ngồi để khám bệnh cũng không có. Bác sĩ  Đề cho hay: “Bệnh nhân lao có đến 80% là người nghèo. Thời gian điều trị bệnh lại rất dài, đến 8 tháng. Vậy nên không chỉ người bệnh mà nếu cán bộ làm công tác chống lao không kiên trì, không có tâm huyết và không có lương tâm thì không thể điều trị được”.

Hơn ba mươi năm trước, cô bác sỹ đa khoa Nguyễn Thị Đề tốt nghiệp Đại học Y Thái Nguyên về nhận công tác Trạm Khám lao của tỉnh. Ngày đầu đi làm, tiếp xúc với bệnh nhân lao, chị không khỏi bận lòng. Lại nhìn sang bạn bè đồng trang lứa trong màu áo blue trắng, làm việc ở các bệnh viện lớn càng khiến chị thấy lòng tủi tủi.

Nhưng chưa đầy một tuần tiếp xúc với các bệnh nhân của mình, bao băn khoăn qua đi nhanh chóng: “Sau mấy ngày làm công tác lưu động đi khám chữa bệnh cho nhân dân ở các xã, các thôn bản, trực tiếp chứng kiến nhiều cảnh đời của những người mắc lao đã khổ lại còn khó, những bận lòng trong tôi không còn nữa, chỉ còn lại suy nghĩ làm thế nào để những bệnh nhân lao vơi bớt khó khăn”.

Trước năm 1986, số người bị lao không thể thống kê vì chưa từng có một chiến dịch điều tra toàn địa bàn. Cộng đồng mấy người hiểu rõ bản chất của bệnh, người bị bệnh càng không đi khám chữa vì đều cho rằng bệnh lao là một trong “tứ chứng nan y”. Trạm Chống lao Yên Bái chỉ có hai bác sỹ, cơ sở vật chất quá đơn sơ. May thay cho chị Đề và các đồng nghiệp, sau đó, chương trình chống lao trở thành một trong những chương trình mục tiêu quốc gia.

Từ đây, các chị đã có những điều kiện ban đầu để chiến đấu chống lại căn bệnh này. Từ năm 1996 đến 2002 có thời điểm số bệnh nhân lao lên đến hàng nghìn người, nhưng với những nỗ lực của chị Đề và các đồng nghiệp, tỉ lệ số bệnh nhân lao trên địa bàn tỉnh hiện nay chỉ còn 40/100 nghìn dân, trong khi tỉ lệ trung bình của cả nước lên đến 145/100 nghìn dân. Để có những kết quả ấy, trong hơn 30 năm qua, bước chân chị Nguyễn Thị Đề và các đồng nghiệp đã đi qua hầu khắp các thôn bản trên địa bàn tỉnh, để thăm khám, tuyên truyền, tư vấn...

Sự lăn lộn của các chị chẳng thể kể hết. Chỉ biết có những đêm ngủ lại rừng, có những mùa mưa đường trơn ngã lên ngã xuống. Có những buổi đi quên ăn quên nghỉ. Mệt mỏi là thế nhưng cứ vào đến bản, đến thôn, nhìn những bệnh nhân đang ngóng đợi họ là quên hết. Vội vàng bắt tay vào thăm khám, như thể sợ để thêm một chút thời gian nữa là người bệnh bỏ về hết.

Chính sự ân cần và quên mình đó đã khiến những người bệnh nhẹ lòng. Nhiều người dân vùng cao thấy các bác sỹ thân mật với bệnh nhân mới hiểu ra là bệnh không đến nỗi đáng sợ như mình tưởng. Từ đó, ý thức của người dân đối với căn bệnh nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Chị Đề bảo, đến bây giờ, ngoài những kết quả về điều trị bệnh, chị tự hào vì mình đã có một đội ngũ cán bộ chuyên tâm với công tác chống lao. Đó là một điều không dễ dàng gì, bởi một lẽ đơn giản, nếu có một ai gắn bó với công tác chống lao thì đó chính là vì tấm lòng, nếu không thì chẳng ai có thể yên tâm trụ lại với công việc này quá mười năm.

Bác sỹ Nguyễn Thị Đề say sưa kể về những lần lên bản, rồi bỗng dưng quay lại với một nỗi lo mới. Hiện tại trên địa bàn tỉnh, tình hình bệnh nhân lao đồng nhiễm HIV diễn biến rất phức tạp. Số người nghiện ma túy, nhiễm HIV bị nhiễm lao tăng rất nhanh. Trung bình toàn quốc chỉ có 5% số người nhiễm HIV đồng nhiễm lao, số này ở Yên Bái là 13 đến 16%, vậy nên Yên Bái trở thành 1 trong 10 tỉnh có số bệnh nhân HIV đồng nhiễm lao cao nhất cả nước.

Việc điều trị cho số bệnh nhân này vô cùng khó hầu hết các bệnh nhân không cộng tác với bác sỹ. Trong quá trình điều trị, nguy cơ lây nhiễm bệnh từ các bệnh nhân là rất lớn. Đó là chưa kể tình trạng các bệnh nhân đang điều trị bỗng bỏ đi hoặc bỏ thuốc.

“Đại dịch HIV bùng nổ đã tước đoạt đi nhiều thành công của công tác chống lao mà mấy chục năm qua những người làm nhiệm vụ phòng chống lao trong toàn tỉnh, toàn quốc phải nỗ lực phấn đấu rất nhiều mới đạt được" - bác sỹ Đề băn khoăn. Hơn 30 năm miệt mài với công tác chống lao, giờ đây thực trạng này không khỏi khiến bác sỹ Đề lo lắng, nhất là khi ngày nghỉ chế độ của chị đang đến gần. 

 Thu Hạnh  

Các tin khác
Công an xã Tú Lệ và em Hà Kiều Oanh bàn giao tài sản cho chị Lò Thị Thu.

Em Hà Kiều Oanh – học sinh Trường Tiểu học xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn sau khi nhặt được ví da có gần 6 triệu đồng đã nhờ công an trả lại người đánh mất.

Buổi ra mắt mô hình du lịch của chị Lý Thị Thiêm - Bí thư Đoàn xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải.

Khi nói về cách nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Tốt nhất là miệng nói, tay làm, làm gương cho người khác bắt chước…”. Thực hiện lời dạy của Người, nhiều cán bộ, đảng viên trên địa bàn huyện Mù Cang Chải đã phát huy tinh thần tiên phong, gương mẫu trong mọi hoạt động, phong trào, trong đó có phong trào phát triển kinh tế, để đồng bào học và làm theo.

Cựu chiến binh Phùng Tiến Nhung (ngồi giữa) xúc động kể lại câu chuyện chiến đấu năm xưa.

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những ký ức về một thời mưa bom, bão đạn vẫn là những kỷ niệm in đậm trong cựu chiến binh (CCB) Phùng Tiến Nhung ở tổ 3, thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên.

Anh Phạm Tuấn Anh làm việc tại xưởng nhôm kính.

Học tập và làm theo gương Bác ở đức tính cần cù, chịu khó trong lao động, chàng thanh niên trẻ Phạm Tuấn Anh ở thôn Trực Bình, xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái đã quyết tâm vượt khó vươn lên lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục