Người nặng tình với khúc hát giao duyên dân tộc Nùng

  • Cập nhật: Thứ hai, 27/12/2010 | 3:01:28 PM

YBĐT - Chưa một lần được phong danh hiệu nghệ nhân nhưng chị Vi Thị Phương và anh Hoàng Ngọc Độ ở thôn Trại Phung, xã Tân Nguyên (Yên Bình) vẫn được bà con quen gọi là “nghệ nhân của những khúc hát giao duyên” bởi họ đã dành nhiều thời gian và tâm huyết để sưu tầm, giữ gìn và quảng bá điệu hát giao duyên của dân tộc Nùng.

Từ bao đời nay, hát giao duyên vẫn là một trong những nét văn hóa đặc sắc của người Nùng. Người Nùng dùng câu hát để truyền tải tâm tư, khát vọng của tình yêu đôi lứa. Đây là lối hát không có nhạc mà chỉ hát xướng nhưng âm hưởng đầy thiết tha sâu lắng. Vì là lối hát đối trực tiếp nên bên cạnh việc trao đổi tâm tình thì còn thể hiện sự thông minh, nhanh trí cũng như tâm hồn của người hát.

Qua câu hát đã có nhiều đôi trai gái nên duyên chồng vợ. Hát giao duyên hay và đẹp là vậy nhưng ngày nay số người biết và thể hiện hay được làn điệu này thì không phải là nhiều. Hát giao duyên của người Nùng, xã Tân Nguyên sẽ đi vào quên lãng nếu như không có những người tâm huyết như anh Ngọc Độ và chị Vi Phương.

Cái duyên đưa anh chị đến với những khúc hát giao duyên cũng thật tình cờ. Đó là trong một buổi sinh hoạt văn nghệ hát giao duyên của hội người cao tuổi do cụ Hoàng Bằng đứng ra khởi xướng với mong muốn khôi phục lại nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Nùng. Là một khán giả có mặt hôm ấy, chị Phương như bị cuốn vào từng lời ca, câu hát mộc mạc chân thành của các cụ. Càng yêu những lời hát ấy bao nhiêu chị càng lo sợ một ngày điệu hát của dân tộc Nùng có thể bị thất truyền vì ngày nay thế hệ trẻ không mấy thiết tha với những làn điệu dân ca của dân tộc mình nữa. Còn những người biết, hiểu và yêu hát giao duyên thì đều đã bước vào cái tuổi xưa nay hiếm. Trăn trở ấy của chị Vi Phương cũng chính là những nỗi niềm mà anh Độ canh cánh trong lòng.

Tình yêu với khúc hát giao duyên và mong muốn gìn giữ nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình đã tạo nên tình bạn đẹp giữa hai người. Vậy là từ đấy, ngày nào cũng vậy sau khi đã xong việc ở ủy ban xã và thu xếp việc gia đình, hai người thường tranh thủ tìm đến nhà các cụ có tuổi trong làng, trong xã để sưu tầm và nhờ các cụ chỉ dạy cho cách hát sao cho đúng với làn điệu. Chị Phương tâm sự: “Đây là việc làm không hề đơn giản vì hầu hết các cụ đều đã có tuổi, sức đã yếu nên không thể lên giọng mẫu cho mình được mà chỉ có thể cung cấp lời bài hát. Còn làn điệu thì mình phải tự mày mò, tự hát và các cụ sẽ sửa”.

Hát giao duyên của người Nùng có từ rất xa xưa với đặc trưng là sự sáng tạo của người hát và có nhiều từ cổ, do vậy anh chị phải nhờ các cụ giảng nghĩa của những từ ấy để hiểu và thể hiện được tình cảm của mình vào trong giọng hát. Để hát hay những khúc hát giao duyên, anh, chị đã tranh thủ mọi thời gian luyện tập, có khi vừa làm việc nhà vừa lẩm nhẩm hát để không bị quên lời và giai điệu.

Cũng có khi tranh thủ buổi tối khi thì anh đến nhà chị, khi thì chị đến nhà anh để cùng luyện tập. Được sự ủng hộ của gia đình nên đó cũng là động lực để anh, chị thực hiện được tâm nguyện tìm hiểu và giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Đến nay anh Độ, chị Phương đã sưu tầm được hàng trăm câu hát và cùng nhau tập luyện, phục vụ bà con mỗi khi có dịp liên hoan, sinh hoạt văn nghệ quần chúng ở thôn, bản. Mỗi lần như thế, lối hát này lại được thêm nhiều người biết đến và yêu thích.

Tháng 8 năm 2009, anh Ngọc Độ và chị Vi Phương tham gia Hội diễn Nghệ thuật quần chúng, trình diễn trang phục các dân tộc tỉnh Yên Bái lần thứ X tổ chức tại huyện Lục Yên, với khúc hát giao duyên chữ tình, ngọt ngào, đằm thắm và dí dỏm, đôi song ca Vi Phương - Ngọc Độ đã chiếm được tình cảm của khán giả cùng ban giám khảo có mặt tại Hội diễn. Tiết mục hát giao duyên dân tộc Nùng của anh chị đã giành được Huy chương Vàng, trở thành niềm tự hào của người dân tộc Nùng ở Tân Nguyên.

Giờ đây, hát giao duyên đã được nhiều người biết đến bởi hát giao duyên dân tộc Nùng đã giúp cho bà con, đặc biệt là thế hệ trẻ dân tộc Nùng thêm hiểu về bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Tuy nhiên, điều mà chị Vi Phương và anh Ngọc Độ canh cánh trong lòng đó là vẫn chưa tìm thấy sự say mê tha thiết với khúc hát giao duyên trong thế hệ trẻ dân tộc Nùng, bởi trong hát giao duyên sự say mê là yếu tố quan trọng nhất để tạo nên cái hay, cái đẹp, cái riêng của làn điệu.

Anh Ngọc Độ và chị Vi Phương đều mong muốn tất cả mọi người cùng đồng lòng giữ gìn những khúc hát giao duyên và cũng mong ngành văn hóa giúp đỡ, tạo điều kiện để hát giao duyên của người Nùng không bị thất truyền. Đó là tình yêu và tấm lòng của người con biết nâng niu, chân trọng giữ gìn và phát huy những nét đẹp văn hóa của dân tộc mình.

Hồng Giang

Các tin khác
Công an xã Tú Lệ và em Hà Kiều Oanh bàn giao tài sản cho chị Lò Thị Thu.

Em Hà Kiều Oanh – học sinh Trường Tiểu học xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn sau khi nhặt được ví da có gần 6 triệu đồng đã nhờ công an trả lại người đánh mất.

Buổi ra mắt mô hình du lịch của chị Lý Thị Thiêm - Bí thư Đoàn xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải.

Khi nói về cách nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Tốt nhất là miệng nói, tay làm, làm gương cho người khác bắt chước…”. Thực hiện lời dạy của Người, nhiều cán bộ, đảng viên trên địa bàn huyện Mù Cang Chải đã phát huy tinh thần tiên phong, gương mẫu trong mọi hoạt động, phong trào, trong đó có phong trào phát triển kinh tế, để đồng bào học và làm theo.

Cựu chiến binh Phùng Tiến Nhung (ngồi giữa) xúc động kể lại câu chuyện chiến đấu năm xưa.

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những ký ức về một thời mưa bom, bão đạn vẫn là những kỷ niệm in đậm trong cựu chiến binh (CCB) Phùng Tiến Nhung ở tổ 3, thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên.

Anh Phạm Tuấn Anh làm việc tại xưởng nhôm kính.

Học tập và làm theo gương Bác ở đức tính cần cù, chịu khó trong lao động, chàng thanh niên trẻ Phạm Tuấn Anh ở thôn Trực Bình, xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái đã quyết tâm vượt khó vươn lên lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục