Chuyện về người làm cầu giúp dân vượt suối

  • Cập nhật: Chủ nhật, 2/1/2011 | 10:12:37 AM

YBĐT - Đã nhiều năm nay, sau mỗi trận lũ đầu nguồn, người dân trên các xã Sùng Đô, Nậm Mười (Văn Chấn) lại bắt gặp hình ảnh một bà cụ già bên dòng Nậm Mười cặm cụi vá lại cây cầu gỗ.

Cầu gỗ của bà Tiếng giúp người dân đi lại dễ dàng hơn.
Cầu gỗ của bà Tiếng giúp người dân đi lại dễ dàng hơn.

Một ngày cuối năm, sau những cơn mưa phùn rả rích chúng tôi tìm đến căn lều nhỏ bên dòng suối Nậm Mười để gặp người làm cầu giúp dân vượt suối nhiều năm nay. Đó là bà Nguyễn Thị Tiếng, 78 tuổi, ở thôn 1 xã Sơn Lương  (Văn Chấn).

Mỗi năm làm lại cầu vài lần là chuyện thường

Đã nhiều năm nay, sau mỗi trận lũ đầu nguồn, người dân trên các xã Sùng Đô, Nậm Mười (Văn Chấn) lại bắt gặp hình ảnh một bà cụ già bên dòng Nậm Mười cặm cụi vá lại cây cầu gỗ. Khi thì đóng lại mảnh ván bung, khi thì hì hục vần từng tảng đá to để kè lại trụ cầu. Nằm nép mình bên dòng suối, dưới tán tre quanh năm rì rào, căn lều nhỏ của bà Tiếng hiện lên thật đơn sơ, mộc mạc. Nói là lều nhưng thực ra cũng chỉ có vài tấm gỗ mỏng được kê liền với nhau trên hai hàng gạch che bởi vài tấm lá cọ đã mục nhàu.

Nhiều năm đã trôi qua, bà Tiếng không còn nhớ được mình đã làm cây cầu này từ khi nào nữa. Trong trí nhớ của bà, con suối Nậm Mười ngày xưa nhỏ lắm, chứ không to, không rộng như bây giờ. Hồi đó người dân Sùng Đô, Nậm Mười đi lại qua con suối này cũng không nhiều, bởi khi đó con đường độc đạo lên 2 xã vùng cao này chỉ là con đường mòn chứ không thể đi xe máy hay ô tô như bây giờ. Khi đó cũng chưa có cầu để qua suối, chỉ là một tấm ván nhỏ được bà Tiếng kê giúp người dân đi lại cho tiện.

Thế rồi cùng với thời gian, sau những trận lũ lớn từ đầu nguồn kéo về, con suối nhỏ đã bị mở rộng thêm ra. Đất, đá tảng cũng theo nguồn nước từ đâu đổ về khiến cho việc đi lại gần như ách tắc. Năm 2005 con đường Sùng Đô, Nậm Mười được mở rộng, các phương tiện lưu thông cũng nhiều hơn, yêu cầu cấp bách là phải xây dựng một cây cầu để giúp dân qua suối.

Bà Tiếng nhớ lại: “Mới đầu cũng có một cây cầu do thôn dựng lên nhằm giúp dân đi lại nhưng chỉ sau một đêm, trận lũ đã cuốn bay tất cả”. Thấy người dân đi lại khó khăn, bà bắt tay vào làm cầu. Hàng ngày bà cùng con, cháu trong gia đình ghép gỗ, bê đá, kè cầu chẳng bao lâu người dân đã có cầu để vượt suối dễ dàng, không còn cảnh phải lội qua dòng nước lạnh buốt trong mùa đông giá lạnh.

Nhìn dòng Nậm Mười mềm mại đang uốn lượn quanh chân đồi không ai có thể ngờ rằng nó trở nên hung dữ như thế vào mùa mưa. Mang trong mình sức mạnh đáng sợ của tự nhiên, lũ sẵn sàng cuốn bay tất cả “chướng ngại vật” trên đường đi của mình. Cây cầu gỗ mỏng manh của bà Tiếng cũng không nằm ngoài sự càn quét khủng khiếp đó. Sau mỗi lần như vậy, chiếc cầu gỗ bắc qua dòng Nậm Mười lại tan hoang như chưa hề tồn tại.

Bà Tiếng tâm sự: “Riêng mùa mưa năm 2010, cả 3 lần lũ kéo về là 3 lần cây cầu của bà bị cuốn bay”.Từ khi bắt tay vào làm cầu giúp dân vượt suối đến nay, bà Tiếng không nhớ nổi đã bao lần cầu bị lũ cuốn trôi. Có khi cầu vừa sửa lại xong hôm nay nhưng sáng dậy đã không thấy đâu. Những lúc đó bà Tiếng lại cùng con, cháu trong gia đình đi nhặt từng hòn đá, mảnh gỗ, thân cầu để làm lại cầu. Nhìn những tảng đá to tròn được kè ngay ngắn, vững chắc dưới chân cầu chúng tôi ai cũng phải thán phục sự kiên trì của cụ bà đã 78 mùa xuân này.

Niềm vui tuổi già

Trong tâm niệm của cụ bà sinh năm 1932 này, cây cầu chính là niềm vui, an hưởng tuổi già. Lập gia đình khá sớm, có một cuộc sống hạnh phúc nhưng trong một tai nạn bất ngờ người chồng của bà đã ra đi mãi mãi, bỏ lại người vợ trẻ cùng 6 đứa con thơ. Chồng mất, mọi gánh nặng gia đình đè nặng lên đôi vai bé nhỏ của bà Tiếng, bà nhớ lại: “Khi đó một mình tôi lặn lội ngược xuôi làm đủ nghề để kiếm miếng cơm, manh áo cho 6 đứa con thơ”. Giờ đây, 6 người con của bà đã  trưởng thành và đều có một cuộc sống gia đình hạnh phúc.

Nhiều lúc con cháu ở xa, một mình cô đơn nhưng bà không cảm thấy buồn vì đã có cây cầu giúp vơi bớt đi sự cô đơn đó. Một ngày trôi thật nhanh, chẳng mấy chốc trời đã sẩm tối, lúc này dòng người ngược Sùng Đô, Nậm Mười cũng đã vội vã hơn.  Từng chiếc xe máy dừng lại rồi đi, người dân đi lại không ai bảo ai đều tự gửi vài đồng lẻ làm phí qua cầu để bà cụ Tiếng gom góp tu sửa lại cây cầu mỗi khi bị mưa lũ phá hỏng. Mặc dù số tiền đó chỉ  500 đồng hay nhiều hơn là 1.000 đồng...

Rời dòng Nậm Mười khi trời đã nhá nhem tối, chúng tôi mang theo hình ảnh của một cụ bà tóc đã bạc, hàm răng móm mém đen quánh, vận chiếc váy Thái đứng bên cây cầu gỗ nhỏ đơn sơ, mộc mạc nhưng thấm đượm bao giá trị nhân văn của cuộc sống hàng ngày.

Cường Hùng

Các tin khác
Công an xã Tú Lệ và em Hà Kiều Oanh bàn giao tài sản cho chị Lò Thị Thu.

Em Hà Kiều Oanh – học sinh Trường Tiểu học xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn sau khi nhặt được ví da có gần 6 triệu đồng đã nhờ công an trả lại người đánh mất.

Buổi ra mắt mô hình du lịch của chị Lý Thị Thiêm - Bí thư Đoàn xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải.

Khi nói về cách nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Tốt nhất là miệng nói, tay làm, làm gương cho người khác bắt chước…”. Thực hiện lời dạy của Người, nhiều cán bộ, đảng viên trên địa bàn huyện Mù Cang Chải đã phát huy tinh thần tiên phong, gương mẫu trong mọi hoạt động, phong trào, trong đó có phong trào phát triển kinh tế, để đồng bào học và làm theo.

Cựu chiến binh Phùng Tiến Nhung (ngồi giữa) xúc động kể lại câu chuyện chiến đấu năm xưa.

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những ký ức về một thời mưa bom, bão đạn vẫn là những kỷ niệm in đậm trong cựu chiến binh (CCB) Phùng Tiến Nhung ở tổ 3, thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên.

Anh Phạm Tuấn Anh làm việc tại xưởng nhôm kính.

Học tập và làm theo gương Bác ở đức tính cần cù, chịu khó trong lao động, chàng thanh niên trẻ Phạm Tuấn Anh ở thôn Trực Bình, xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái đã quyết tâm vượt khó vươn lên lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục