Người lưu giữ tiếng sáo "Tồm Ông Dặt"

  • Cập nhật: Thứ tư, 5/1/2011 | 2:22:07 PM

YBĐT - Người con trai dân tộc Dao thường mang theo mình cây sáo Tồm Ông Dặt lên nương rẫy hay những lần vào bản chơi.

Đặng Nho Vượng biểu diễn trong Hội diễn nghệ thuật quần chúng.
Đặng Nho Vượng biểu diễn trong Hội diễn nghệ thuật quần chúng.

Là người duy nhất của cộng đồng người Dao Đại Sơn (Văn Yên), có thể cùng lúc thổi 2 sáo Tồm Ông Dặt bằng mũi mà miệng vẫn hát... Đó chính là Đặng Nho Vượng - người nghệ sỹ của núi rừng, người đang cố gắng khôi phục nghệ thuật thổi sáo truyền thống của người Dao (Yên Bái).

Ngoài sáo Tồm Ông Dặt, Đặng Nho Vượng còn thổi kèn Pí Lè một cách điêu luyện.Tiết mục thổi sáo Tồm Ông Dặt của Đặng Nho Vượng đoạt giải cao trong Hội diễn nghệ thuật quần chúng.Đặt chân lên đất Đại Sơn, những người Dao tôi hỏi, cán bộ xã tôi gặp, ai cũng tự hào kể về nghệ sỹ dân gian "Vượng sáo".

Năm nay 40 tuổi, nhưng Đặng Nho Vượng ở thôn 3, xã Đại Sơn (Văn Yên) đã có hơn 20 năm chơi sáo và sử dụng thành thạo nhiều loại nhạc cụ dân gian của người Dao đỏ.

Trong kho tàng âm nhạc dân gian của người Dao - Yên Bái có một loại hình nghệ thuật độc đáo đó là nghệ thuật thổi sáo Tồm Ông Dặt, loại sáo này không thổi bằng miệng mà thổi bằng mũi.

Đặc biệt, Sáo Tồm Ông Dặt không những được diễn xướng trong các lễ cầu khấn mùa màng tươi tốt mà còn là một nhạc cụ mang đậm bản sắc văn hóa đời thường của dân tộc Dao Văn Yên.

Đặng Nho Vượng bảo nghệ thuật thổi sáo Tồm Ông Dặt của người Dao đã có từ lâu đời, với cây sáo có 7 lỗ tượng trưng cho 7 chị em gái. Khi thổi người sử dụng phải nín thở một bên mũi để tạo âm điệu qua lỗ mũi còn lại.

Ngoài sáo Tồm Ông Dặt, Đặng Nho Vượng còn thổi pí lè một cách điêu luyện

Người con trai dân tộc Dao thường mang theo mình cây sáo Tồm Ông Dặt lên nương rẫy hay những lần vào bản chơi.

Thanh niên trong bản thường dùng tiếng sáo để tỏ tình với người con gái mình thương hay muốn làm quen. Mở đầu người con trai thường thổi những bài mang tính mời gọi, thân thiết:
Sáo xuân anh gửi tới nàng
Đêm nay trăng tỏ núi rừng quê ta
Sáo vui mời em xuống nhà
Dưới trăng ta hát đôi ta hẹn lời

Nghe tiếng sáo gọi bạn các cô gái trong bản cũng bồi hồi, dùng tiếng kèn môi hay tiếng hát đáp lại:
Đầu bản em đến đón chàng
Bao đêm tiếng sáo mơ màng lòng em
Kìa trăng anh thổi đi anh
Ngỏ lời em hát mời anh đến nhà...

Tiếng sáo càng về khuya càng mặn nồng, tha thiết và vương vấn không rời đã trở thành nhịp cầu nối cho biết bao cặp nam nữ thanh niên đến với nhau.l

Trong gia đình người Dao nào cũng có 1 cây sáo, song không phải ai cũng biết thổi sáo và làm sáo. "Muốn làm được 1 cây sáo ưng ý phải mất nhiều thời gian lắm. Trước hết phải chọn cây nứa có dóng thẳng, không quá non, không quá già. Có khi vài bó nứa mới chọn được 2 ống sáo và duôi hàng trăm cái mới được một cái. Tiếng sáo trai gái tỏ tình khác với tiếng sáo cầu khấn mùa màng tốt tươi" - anh Vượng kể.

Cũng nhờ biết chơi thành thạo nhiều loại nhạc cụ, đặc biệt là tài thổi sáo Tồm Ông Dặt nên những chương trình văn nghệ của bà con đồng bào dân tộc Dao ở đây đều do anh Vượng đạo diễn và biên soạn.

Từ năm 1989 đến nay, anh Vượng luôn tham gia hoạt động văn nghệ trong các ngày lễ lớn hay các liên hoan văn nghệ dân tộc của huyện, tỉnh, khu vực và cả Trung ương, đem lại vinh quang cho bản thân và cộng đồng bằng những giải thưởng như: Huy chương Vàng tại Hội diễn Văn nghệ dân gian năm 2005, giấy khen dành cho tác phẩm biểu diễn hay nhất trong Hội diễn trình diễn trang phục dân tộc và văn nghệ quần chúng tỉnh Yên Bái năm 2009...

Với lòng đam mê nghệ thuật, anh Vượng không ngừng tìm hiểu và học thêm về các nhạc cụ dân tộc đồng thời sáng tạo những cách thể hiện và các tác phẩm mới cho nhạc cụ.

Anh tâm sự: "Hồi nhỏ, lúc đó mình khoảng 11-12 tuổi đi sang bản bên cạnh chơi nghe thấy dân bản thổi sáo hay quá nên mê luôn. Hồi đó mình thích thổi sáo nên hay theo học người già trong bản về cách nín hơi, cách làm sáo...".

Thường người Dao chỉ thổi được 1 sáo Tồm Ông Dặt bằng mũi vì không phải ai cũng có thể nín hơi để thổi thành âm điệu. Để gìn giữ văn hóa truyền thống của dân tộc Dao, anh Vượng đã sáng tạo và luyện tập để cùng lúc có thể thổi 2 cây sáo bằng mũi.

Thổi sáo bằng một bên đã khó nhưng để thổi cùng lúc 2 cây sáo còn khó hơn. Nó đòi hỏi người biểu diễn phải biết kỹ thuật thả cơ, điều hòa hơi thở để tạo ra tiếng sáo. Không những giỏi thổi sáo và sáng tác các tác phẩm cho sáo, anh Vượng còn là một kho tư liệu sống về những phong tục tập quán của người Dao.

Sau khi giới thiệu với chúng tôi về nghệ thuật âm nhạc dân tộc, anh Vượng cầm hai chiếc sáo Tồm Ông Dặt lên và thổi cho chúng tôi nghe một bài. Được một đoạn, anh Vượng bỗng dừng lại nói giọng buồn buồn, hiện nay ở đây những người biết chơi nhạc cụ dân tộc rất hiếm, người biết thổi sáo mũi thì hầu như không có ai.

Những điều anh Vượng lo lắng không phải là không có cơ sở khi anh đã từng dạy không ít thanh niên trong xã nhưng không ai đủ kiên trì để theo đuổi học tập cách sử dụng loại nhạc cụ truyền thống này.

Đến giờ phút này người học trò duy nhất do anh truyền dạy có thể biểu diễn sáo Tồm Ông Dặt bằng mũi và đi biểu diễn chính là cậu con trai út của anh nhưng cũng mới chỉ biết thổi bằng một bên mũi. Mặc dù trong bản, trong xã cũng còn một số người biết thổi sáo nhưng thực sự đam mê và hết lòng truyền dạy như anh Vượng thì không phải ai cũng có được.

Văn Thông

Các tin khác
Công an xã Tú Lệ và em Hà Kiều Oanh bàn giao tài sản cho chị Lò Thị Thu.

Em Hà Kiều Oanh – học sinh Trường Tiểu học xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn sau khi nhặt được ví da có gần 6 triệu đồng đã nhờ công an trả lại người đánh mất.

Buổi ra mắt mô hình du lịch của chị Lý Thị Thiêm - Bí thư Đoàn xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải.

Khi nói về cách nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Tốt nhất là miệng nói, tay làm, làm gương cho người khác bắt chước…”. Thực hiện lời dạy của Người, nhiều cán bộ, đảng viên trên địa bàn huyện Mù Cang Chải đã phát huy tinh thần tiên phong, gương mẫu trong mọi hoạt động, phong trào, trong đó có phong trào phát triển kinh tế, để đồng bào học và làm theo.

Cựu chiến binh Phùng Tiến Nhung (ngồi giữa) xúc động kể lại câu chuyện chiến đấu năm xưa.

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những ký ức về một thời mưa bom, bão đạn vẫn là những kỷ niệm in đậm trong cựu chiến binh (CCB) Phùng Tiến Nhung ở tổ 3, thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên.

Anh Phạm Tuấn Anh làm việc tại xưởng nhôm kính.

Học tập và làm theo gương Bác ở đức tính cần cù, chịu khó trong lao động, chàng thanh niên trẻ Phạm Tuấn Anh ở thôn Trực Bình, xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái đã quyết tâm vượt khó vươn lên lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục